tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-04-2017

  • Cập nhật : 06/04/2017

Sắp có hướng dẫn vay gói 100.000 tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao

Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành quyết định hướng dẫn, chỉ đạo việc cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong tháng này.

Cơ quan quản lý cho biết sẽ đưa ra hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn để cho vay nông nghiệp công nghệ cao với lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% một năm, so với mức lãi vay thông thường. Quyết định của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra sau cuộc họp với các ngân hàng thương mại có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn lớn diễn ra hồi đầu tháng trước.

“Đây là chương trình không có sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc cho vay phải đảm bảo đúng quy định, khách hàng có dự án hoạt động hiệu quả và có dự án, phương án sản xuất kinh doanh thuộc tiêu chí chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch...”, Ngân hàng Nhà nước lưu ý.

sap-co-huong-dan-vay-goi-100000-ty-cho-nong-nghiep-cong-nghe-cao

Lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao sẽ thấp hơn mức lãi vay thông thường 0,5 - 1,5% một năm.

Cơ quan này cũng cho biết, việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hiện gặp một số khó khăn cần tháo gỡ, như vấn đề về tài sản bảo đảm. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tư pháp hoàn thiện các văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp phục vụ cho việc sản xuất công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới... để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Ngoài ra, việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thường có giá trị lớn, thời gian thu hồi vốn dài, do đó cần có định hướng phát triển, đánh giá và dự báo về thị trường mục tiêu... một cách hiệu quả.

Tại cuộc gặp với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hồi đầu tháng 2/2017, đưa ra giải pháp để giải bài toán vướng mắc ngành nông nghiệp hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngoài mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn thì cần có vốn cho lĩnh vực này. 

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu nâng hạn mức gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để làm vấn đề này.(VNEX)
----------------------------------------------

Giám đốc trung tâm y tế huyện dùng xe biển xanh chở gỗ lậu

Hai lãnh đạo cao nhất Trung tâm y tế huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) thừa nhận dùng xe biển xanh của đơn vị chở 4 khúc gỗ Hương Giáng không giấy tờ.

chiec xe bien xanh cua trung tam y te huyen tuyen hoa cho go lau, bi nguoi dan chup anh.

Chiếc xe biển xanh của Trung tâm y tế huyện Tuyên Hoá chở gỗ lậu, bị người dân chụp ảnh.

 

Chiều 5/4, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Bình cho hay đơn vị vừa có văn bản báo cáo Tỉnh uỷ sự việc cán bộ của ngành dùng xe công chở gỗ lậu.

Theo đó, ông Cao Sỹ Phượng (Giám đốc trung tâm y tế huyện Tuyên Hóa) và ông Phạm Công Thành (Phó giám đốc) thừa nhận, vào cuối tháng 3 đã điều xe công biển kiểm soát Quảng Bình đi chở 4 gốc gỗ Hương Giáng, trọng lượng 60 kg không giấy tờ.

Hai người này cho hay mua 4 gốc gỗ của người dân thôn Đồng Giang, xã Đồng Hoá. Sự việc bị người dân ghi hình khi các cán bộ của Trung tâm y tế huyện trả tiền và bốc gỗ lên xe.

“Trung tâm y tế huyện Tuyên Hóa sử dụng xe ôtô công để vận chuyển lâm sản là sai mục đích và trái với các văn bản quy định hiện hành”, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế khẳng định.

Vị này cho hay sẽ kiểm điểm và có hình thức xử lý với các cá nhân, tổ chức liên quan

Về phía Hạt kiểm lâm Tuyên Hoá đã xử phạt hành chính 2 vị lãnh đạo và lái xe của Trung tâm y tế với hành vi "vận chuyển gỗ Hương Giáng không giấy tờ”, tịch thu 4 gốc gỗ tang vật.

Trước đó, ông Cao Sỹ Phượng có văn bản gửi cấp trên, cho rằng không có việc dùng xe công của đơn vị để chở gỗ lậu, và chủ sở hữu 4 gốc gỗ là nhân viên dưới quyền.(VNEX)
------------------------------------------------

Đàm phán để xuất khẩu lợn sang Trung Quốc qua đường chính ngạch

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn giảm là do dư thừa. Việt Nam đã sang đàm phán xúc tiến thương mại với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch, song vẫn đang chờ phía bạn chấp nhận.

Đó là khẳng định của ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi tại buổi hợp báo thường kỳ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vào ngày 4/4.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, những tháng đầu năm 2017 chăn nuôi lợn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ do thương lái Trung Quốc bất ngờ dừng mua. Giá thịt lợn hơi sụt giảm sâu, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng.

Ông Tống Xuân Chinh cho biết, hiện nguồn cung thịt lợn trong nước đã dư thừa dẫn tới giá giảm mạnh. 

"Năm 2016, chúng ta sản xuất 5,02 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, nếu làm một phép tính đơn giản, cứ 3 kg thức ăn được 1 kg thịt lợn hơi thì có thể thấy được chúng ta sản xuất được bao nhiêu tấn thịt mỗi năm. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Mỗi năm chúng ta sản xuất hơn 2 triệu con lợn, đây là nguyên nhân quan trọng khiến thịt lợn bị dư thừa. Mặc dù giá lợn hơi đã nhích lên trên 36.000 đồng/kg nhưng sản lượng thừa trong dân vẫn còn", ông Chinh cho biết.

Chính vì thế, xúc tiến thương mại, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc là giải pháp để giải quyết tình trạng thịt lợn dư thừa.

Ông cho biết, vừa qua Bộ NN&PTNT đã có đoàn công tác sang đàm phán xúc tiến thương mại do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu. Hai bên thống nhất xúc tiến đi đến ký kết xuất khẩu mặt hàng chính thống trong đó có ưu tiên thịt lợn và sữa của Việt Nam.

“Hi vọng trong thời gian tới, các căn cứ pháp lý, các điều kiện sẽ nhanh chóng được phía bạn chấp nhận, chúng ta có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”, ông nói.

Cũng theo ông Chinh, với năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, ngoài hướng tới xuất khẩu phải có biện pháp hành chính để giảm tốc độ sản xuất. Bởi khi phát triển nóng sẽ không chỉ liên quan đến vấn đề thị trường tiêu thụ mà còn vấn đề môi trường, kiểm soát an toàn thực phẩm. Vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu "hãm" mở rộng quy mô đàn lợn; dừng các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới.

Để có chiến lược lâu dài ổn định sản xuất mở rộng thị trường, ông Chinh cho rằng vấn đề quy hoạch cần phải được đổi mới để đảm bảo có thể giám sát được. Nếu quy hoạch không giám sát được thì khi giá tăng, người nuôi ồ ạt sản xuất, đến lúc dư thừa, thị trường có vấn đề, giá thấp, bà con lại kêu cơ quan quản lý nhà nước sao không tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, việc xúc tiến thương mại, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, nhiệm vụ chính là của doanh nghiệp. Ông hy vọng các doanh nghiệp lớn với vốn và thị trường sẽ là đầu tàu liên kết sản xuất cho bà con nông dân; hình thành nhiều tổ đội hợp tác xã liên kết, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, trước tình hình giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp nhất là heo, gà... Bộ NN&PTNT rất trăn trở và đang tiếp tục cố gắng tìm biện pháp tháo gỡ cho người nông dân. Với bài toán thị trường cho nông sản, hiện nay Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để tiếp tục mở rộng thị trường chính ngạch, từng bước khai thông từng mặt hàng, trong đó có gạo, lợn, gà…

Theo Thứ trưởng, Trung Quốc là một thị trường quan trọng với hàng nông sản của Việt Nam. Cần phải kiên trì, bằng mọi cách khai thông thị trường này.

“Chúng ta đã bàn với phía đối tác hai năm nay, nhưng vấn đề không thể một sớm một chiều. Việc xuất nhập về gia súc, gia cầm cơ bản phải đảm bảo hài hoà về thể chế cả hai bên, nhằm đảo bảo an toàn về dịch bệnh, chất lượng hàng hoá và quan hệ thương mại cùng có lợi”, ông Tuấn nói.

Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, trong tháng 5 tới sẽ có đoàn của Bộ NN&PTNT sang Trung Quốc xúc tiến đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi của Việt Nam và Trung Quốc buôn bán các sản phẩm của hai nước có thế mạnh.(Infonet)
-----------------------------------------

Đà Nẵng: 1.500 tỷ đồng xây dựng tuyến đường vành đai phía Tây

Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh theo đề nghị của UBND thành phố.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Theo đó, dự án tuyến đường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ nút giao với Quốc lộ 14B và kết thúc tại nút giao với đường cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Tuyến đường có tổng chiều dài tuyến dự kiến là 39km, chia làm 2 đoạn, đoạn 1: từ nút giao với Quốc lộ 14B đến đường trục chính khu công nghệ thông tin tập trung, chiều dài tuyến 19,5km; đoạn 2: khớp nối đoạn 1 tại lý trình Km 14+00 đến nút giao với đường cao tốc La Sơn - Túy Loan với tổng chiều dài tuyến 19,5km. Diện tích đất sử dụng dự kiến khoảng 975.000 m2.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư trực tiếp từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và ngân sách thành phố.

Dự kiến dự án sẽ khởi công trong năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020, trong đó, giai đoạn 2017-2019: Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng đoạn 1; giai đoạn 2019-2020: Thi công xây dựng đoạn 2.  

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng là đơn vị thực hiện việc quản lý, điều hành.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, tuyến đường vành đai phía Tây thành phố Đà Nẵng đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh nằm trong định hướng chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông đô thị của thành phố Đà Nẵng, bên cạnh tuyến đường vành đai phía Tây đi qua các xã Hòa Ninh, Hòa Phong, Hòa Khương, huyện Hòa Vang nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị, kết nối mạng lưới giao thông thành phố Đà Nẵng với giao thông khu vực các tỉnh miền Trung Tây Nguyên. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Tây thành phố Đà Nằng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Để triển khai thực hiện dự án, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ vừa có văn bản giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt theo quy định, đồng thời tổng hợp trình UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất.

Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để thành phố triển khai dự án trên (Bizlive)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục