S&P: Thu hút đủ vốn FDI, kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc
Đảm bảo tính chặt chẽ khi cổ phần hóa DN quy mô lớn
Giá dầu “chạm đáy”, xuất khẩu dầu thô của Việt Nam “mất” bao nhiêu?
Dầu mỏ của Mỹ có khả năng sẽ tràn ngập thị trường quốc tế
Gạo lậu Thái Lan đổ về Sài Gòn
Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-12-2015
- Cập nhật : 17/12/2015
Giá xăng dầu có thể giảm mạnh ngày mai
Trước diễn biến của thị trường thế giới trong chu kỳ 15 ngày vừa qua, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đều có chung nhận định giá bán lẻ sẽ giảm mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày mai (18/12).
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu tại TP HCM cho biết do các mặt hàng có mức thuế và chi phí khác nhau nên khả năng dầu giảm mạnh hơn xăng. "Dầu có thể giảm tới 1.000 đồng mỗi lít còn xăng xung quanh mức 300–400 đồng", ông nói.Không đưa ra mức giảm cụ thể với lý do "mọi diễn biến còn phụ thuộc vào tính toán của cơ quan điều hành", song Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối tại miền Bắc than phiền do giá giảm mạnh, quy định bắt buộc doanh nghiệp đầu mối dữ trữ lưu thông trong vòng 30 ngày đang khiến các đơn vị kinh doanh phải chịu lỗ.
Trước diễn biến thị trường thế giới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có cơ hội giảm giá mạnh vào ngày điều chỉnh 18/12. Ảnh: Quý Đoàn.
Trước đó, giá dầu thô thế giới hôm qua giảm hơn 3%, chấm dứt chuỗi 2 ngày tăng giá, sau tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất 0,25%. Lãi suất cao sẽ khiến đồng USD có giá hơn, tiếp tục gây sức ép lên các hàng hóa, như vàng và dầu thô.
Chốt phiên hôm qua, giá dầu Brent còn 37,19 USD một thùng và có lúc từng xuống gần đáy 10 năm (37,11 USD). Trong khi đó, dầu thô Mỹ - WTI mất 5% xuống 35,52 USD, tiệm cận đáy năm 2008 (32,4 USD). Thời gian gần đây, giá dầu liên tục phá đáy vì dư cung. Tính từ đầu tháng, dầu Brent đã giảm 2,1%, còn WTI mất 1,9%.
Sau lần giảm gần đây nhất vào 3/12, hiện mức giá xăng RON 92 là 16.790 đồng một lít, giảm 260 đồng một lít so với trước đó. Xăng E5 là 16.300 đồng một lít. Dầu các loại ở mức 9.000-13.230 đồng mỗi lít, kg. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 6 lần tăng, 11 lần giảm, giúp mặt bằng giá xăng hiện tại thấp hơn giai đoạn cuối năm ngoái gần 1.100 đồng mỗi lít.
Tập đoàn Malaysia đầu tư dự án nhiệt điện công suất lớn nhất Việt Nam
Chiều 15/12, UBND tỉnh Hậu Giang và Tập đoàn Toyo Ink (Malaysia) đã thống nhất các điều khoản hợp đồng và ký tắt bộ hợp đồng dự án của dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2, công suất 2.000 MW, là dự án đầu tư nước ngoài có công suất lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện tại.
Ông Song Kok Cheong, Chủ tịch Tập đoàn Toyo Ink cho biết, đây là mốc quan trọng ghi nhận sự hợp tác giữa hai bên. Sau 15 tuần tiến hành đàm phán, có thể nói đây là dự án có thời gian đi đến thỏa thuận nhanh nhất.
Ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, sẽ xúc tiến phối hợp chặt chẽ cùng nhà đầu tư và các bên liên quan trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, sớm hoàn thành bước tiếp theo của hợp đồng và khởi công xây dựng đúng tiến độ.
Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 thuộc danh mục các dự án trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 có công suất 2.000 MW, là một trong 3 dự án nhiệt điện được đặt tại Trung tâm Điện lực Sông Hậu và cũng là dự án đầu tư nước ngoài có công suất lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện tại.
Với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 3 tỉ USD, theo dự kiến, Nhà máy hoạt động bằng nguồn nhiên liệu chính là than nhập khẩu và sẽ phát điện trong năm 2018.
Khi đi vào hoạt động, dự án hòa vào hệ thống điện quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế cho cả nước cũng như khu vực ĐBSCL.
Từ 9 năm trước, Toyo Ink đã bắt đầu kế hoạch tìm kiếm cơ hội đầu tư một nhà máy điện tại Việt Nam.
Sau nhiều bước chuẩn bị, năm 2012, tập đoàn này đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận cho đầu tư vào dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 trong 25 năm, kể từ năm 2021.
Nợ thuế sẽ không được xếp ưu tiên thông quan
Tại diễn đàn đối thoại với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu diễn ra ngày 15-12 ở TP.HCM, ông Bùi Thái Quang, phó trưởng Ban quản lý rủi ro Tổng cục Hải quan, cho biết từ năm 2016, thay vì kiểm tra tất cả tờ khai như trước đây, ngành hải quan sẽ tăng cường áp dụng phương thức quản lý rủi ro dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, nhằm giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp.
Theo đó, dựa trên mức độ tuân thủ quy định của doanh nghiệp, cơ quan hải quan sẽ lựa chọn biện pháp quản lý phù hợp và đánh giá việc áp dụng quản lý rủi ro (phân luồng: xanh - vàng - đỏ).
Ngoài việc đáp ứng tiêu chí tuân thủ ngành hải quan, doanh nghiệp muốn được hưởng ưu tiên cũng phải tuân thủ, chấp hành quy định pháp luật liên quan đến nghĩa vụ đóng thuế.
Hiện nay cơ sở dữ liệu giữa cơ quan thuế và cơ quan hải quan đã kết nối với nhau, cho phép kiểm tra mức độ tuân thủ của doanh nghiệp trên cả hai lĩnh vực. Những doanh nghiệp vi phạm quy định liên quan đến thuế thì sẽ không bao giờ được xếp vào danh mục ưu tiên thông quan.
Đại diện Tổng cục Hải quan cũng cho biết hình thức kiểm tra rủi ro hiện nay không mới nhưng từ năm 2016 các tiêu chí, hướng dẫn cụ thể dựa trên luật, thông tư hướng dẫn vừa được ban hành sẽ giúp doanh nghiệp cũng như cơ quan hải quan đánh giá một cách chính xác hơn, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hơn.
Cho đến nay, cả nước mới chỉ có 48 doanh nghiệp được xếp vào diện doanh nghiệp ưu tiên, chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Việc có hệ thống đánh giá một cách cụ thể, cơ quan hải quan hi vọng trong năm 2016 sẽ có 100 - 150 doanh nghiệp được “thăng hạng” ưu tiên. Được biết, tỉ lệ kiểm tra của nhóm này là khoảng 3/1.000 (cứ 1.000 tờ khai chỉ kiểm tra khoảng 3 tờ khai hải quan).
Nga tin giá dầu mất 7 năm để phục hồi
“Giảm thấp hơn trong thời gian dài hơn” đã trở thành một câu nói “cửa miệng” của ngành dầu lửa toàn cầu trong thời gian gần đây khi giá dầuliên tục lập đáy. Đa phần các dự báo đều tin rằng trước mắt giá dầu gần như không có cơ hội nào tăng trở lại ngưỡng hồi giữa năm 2014.
Theo trang Business Insider, nhận định tương tự mới nhất được đưa ra bởi ông Maxim Oreshkin, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga.
Ông Oreshkin nhận định, giá dầu khó có khả năng vượt quá vùng 40-60 USD/thùng trong 7 năm tới. Vị quan chức Nga này cũng cho biết Moscow đang điều chính kế hoạch ngân sách cho phù hợp với dự báo giá dầu như vậy, bởi dầu khí chiếm tới một nửa thu ngân sách hàng năm của Chính phủ Nga.
“Theo tính toán của chúng tôi, giá dầu gần như không có khả năng sớm phục hồi lên mức trên 50 USD/thùng. Ngành công nghiệp dầu lửa đang thay đổi về mặt cơ cấu, và rất có thể nền kinh tế toàn cầu sẽ không cần tới nhiều dầu đến vậy”, ông Oreshkin phát biểu tại một diễn đàn do tờ báo Nga Vedomosti tổ chức hôm thứ Sáu tuần trước.
“Chúng tôi cho rằng giá dầu sẽ dao động trong khoảng từ 40-60 USD/thùng trong vòng 7 năm tới. Chúng tôi sẽ phải hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của mình dựa trên những mức giá này”", ông Oreshkin phát biểu.
Bộ Tài chính Nga dự kiến ngân sách nước này trong tài khóa 2016 sẽ thâm hụt một khoản tương đương 3% GDP dựa trên dự báo giá dầu trong khoảng 40-50 USD/thùng. Trên thực tế, giá dầu Brent tại London và ngọt nhẹ tại New York gần đây đã giảm sâu dưới mức 40 USD/thùng.
Cụ thể hơn, ông Oreshkin cho biết, dự báo thâm hụt ngân sách của Nga trong tài khóa 2016 vào khoảng 21,7 tỷ USD. Trong đó, thu ngân sách dự kiến đạt 204 tỷ USD, trong khi chi ngân sách có thể lên tới 238 tỷ USD.
Theo một báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới giảm sâu nằm ở Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).
“Phớt lờ” hạn ngạch sản lượng 30 triệu thùng/ngày được đặt ra trước đó, OPEC trong một năm qua đã khai thác dầu vượt quá ngưỡng này, bất chấp thế giới đang thừa dầu. Mục đích của OPEC khi áp dụng chiến lược này là giữ giá dầu thấp đủ lâu để khiến các nhà khai thác dầu với chi phí đắt đỏ, như các công ty dầu đá phiến của Mỹ, bị loại khỏi cuộc chơi.
Trong cuộc họp mới đây nhất diễn ra hôm 4/12 tại Vienna, Áo, OPEC không hề tính chuyện giảm sản lượng để cứu giá dầu. Thay vào đó, các thành viên OPEC vẫn khai thác với tốc độ tùy thích.
“OPEC trên thực tế đang khai thác dầu tùy thích, bởi từ một năm trước, Saudi Arabia đã thuyết phục các thành viên khác không giảm sản lượng nhằm bảo vệ thị phần trước nguồn cung dầu gia tăng từ các nước ngoài OPEC”, báo cáo của IEA có đoạn viết.
Điều này “dường như là một tín hiệu cho thấy quyết tâm của OPEC nhằm tối đa hóa nguồn cung dầu của mình để loại bỏ các đối thủ có chi phí sản xuất cao hơn ngoài khối, bằng bất cứ giá nào”, theo IEA.
Một số nước OPEC như Venezuela, vốn không giàu có như các nước vùng Vịnh, đã bày tỏ lo ngại về chiến lược hiện nay của khối này. Thậm chí, Tổng thư ký OPEC Abdallah Salem el-Badri đã bày tỏ hy vọng các nước sản xuất dầu ngoài OPEC sẽ hợp tác với khối để đi tới thống nhất về một mức sản lượng hợp lý hơn.
“Chúng tôi đang muốn đàm phán với các nước sản xuất dầu ngoài OPEC để thống nhất về một nỗ lực chung”, ông el-Badri cho biết hồi tuần trước. Theo vị quan chức OPEC này, một số quốc gia đã có phản hồi tích cực, nhưng chưa đi đến được một đề xuất cụ thể nào.
“Mọi người đều đang nghĩ xem liệu họ có thể làm gì”, ông el-Badri nói.
Và cho tới khi có một thỏa thuận như vậy, thì có lẽ Nga sẽ phải tự mình tìm cách thoát ra khỏi những khó khăn lớn về ngân sách.
XK gạo có thể đạt trên 6,5 triệu tấn
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 11, các DN đã thực hiện XK được 771.312 tấn gạo, cao hơn nhiều so với con số dự kiến là 650.000 tấn và tăng 59,19% về lượng so với tháng 11/2014.
Như vậy đây là tháng có lượng gạo XK đạt cao nhất từ đầu năm đến nay, qua đó đưa tổng lượng gạo đã XK trong 11 tháng qua là 5,807 triệu tấn, trị giá 2,371 tỷ USD (giá FOB).
Sở dĩ XK gạo tháng 11 tăng cao chủ yếu là nhờ giao hàng sang các hợp đồng tập trung ở Đông Nam Á và giao hàng sang châu Phi tăng khá, gạo đi Trung Quốc cũng tăng nhẹ.
Dự kiến trong tháng 12, lượng gạo XK sẽ đạt khoảng 750.000 tấn, đưa tổng lượng gạo XK cả năm vào khoảng 6,55 triệu tấn (chưa tính lượng gạo XK tiểu ngạch không thống kê được).