Bất động sản 'khát' vốn; Kiến nghị chọn doanh nghiệp nhà nước đầu tư Trung tâm tài chính TP.HCM; Đà Nẵng thu hút mạnh vốn vào khu công nghiệp công nghệ cao; Bộ Công Thương được chia 3.000 tỉ từ cổ tức
Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-05-2017
- Cập nhật : 17/05/2017
Một vành đai, một con đường" - Tham vọng 1.000 tỷ USD của ông Tập Cận Bình
Cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chào đón 28 nguyên thủ quốc gia và nhà lãnh đạo Chính phủ các nước tới Bắc Kinh để tham dự sự kiện kỷ niệm sáng kiến này. Đây là sự kiện thu hút được nhiều nguyên thủ quốc gia đến Bắc Kinh nhất kể từ Olympics 2008.
Trong những cánh rừng của nước Lào, những công nhân và kỹ sư người Trung Quốc đang đào hàng trăm đường hầm và xây những cây cầu để hỗ trợ cho dự án đường sắt dài 260 dặm có giá trị 6 tỷ USD sẽ giúp kết nối 8 quốc gia châu Á với nhau.
Dòng vốn đầu tư của Trung Quốc cũng tạo nên những nhà máy điện ở Pakistan, giúp nước này giải quyết vấn đề thiếu điện vào mùa cao điểm. Theo dự tính Trung Quốc sẽ đầu tư vào quốc gia này 46 tỷ USD.
Trung Quốc còn lên kế hoạch cho tuyến đường sắt đi từ thủ đô Budapest của Hungary đến Belgrade, Serbia, tạo ra một con đường mới để hàng hóa Trung Quốc chảy vào châu Âu, thông qua một bến cảng ở Hy Lạp mà Trung Quốc đã mua lại.
Trên đây là một vài trong số hàng trăm dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang triển khai ở trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu, tạo thành xương sống của tham vọng nâng tầm ảnh hưởng cả về mặt kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo đuổi.
Có tên gọi "Một vành đai, một con đường", sáng kiến mà ông Tập công bố năm 2013 được đánh giá là có quy mô chưa từng có trong lịch sử hiện đại với lời hứa sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở hơn 60 quốc gia. Cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chào đón 28 nguyên thủ quốc gia và nhà lãnh đạo Chính phủ các nước tới Bắc Kinh để tham dự sự kiện kỷ niệm sáng kiến này.
Đây là sự kiện thu hút được nhiều nguyên thủ quốc gia đến Bắc Kinh nhất kể từ năm 2008, khi Thế vận hội Olympics diễn ra ở đây. Nhưng có khá ít lãnh đạo châu Âu tới tham dự sự kiện và có vẻ như châu Âu cũng không mặn mà với sáng kiến này.
“Một vành đai, một con đường” cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quyết tâm thay đổi chính sách đối ngoại của ông Tập. Trước đây, cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng quả quyết rằng “Trung Quốc sẽ che giấu tiềm năng và chờ đợi thời cơ, không bao giờ ngồi vào vị trí dẫn đầu”. Trong khi đó, Diễn đàn The Belt and Road Forum (BARF) là sự kiện lớn thứ hai kể từ đầu năm đến nay chứng kiến tham vọng dẫn đầu thế giới của Trung Quốc. Hồi tháng 1, tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Tập đã có bài phát biểu kêu gọi thế giới đoàn kết trước làn sóng chủ nghĩa bảo hộ.
Năm 2014, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng sáng kiến này là chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình. Mục tiêu của nó là hình thành một khu vực kinh tế và thương mại Á – Âu để cạnh tranh với hiệp định xuyên Thái Bình Dương.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước khác cũng là một cách để Trung Quốc tìm ra nơi sinh lợi cho kho dự trữ ngoại hối khổng lồ (mà chủ yếu đang đầu tư vào Trái phiếu Kho bạc Mỹ). Bên cạnh đó cũng là kỳ vọng có thể tạo ra những thị trường mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp đang bị dư thừa công suất như xi măng, sắt thép… Ông Tập Cận Bình cho rằng, dòng vốn đầu tư cũng có thể giúp ổn định phần nào tình hình ở những nước Trung Á vốn khá bất ổn về chính trị.(CafeF)
---------------------------------
7,8% dư nợ cho vay toàn quốc nằm tại ĐBSCL, huy động và cho vay đều tăng mạnh
Báo cáo chung về tình hình tín dụng, hoạt động ngân hàng khu vực ĐBSCL tại buổi Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp (NH- DN) khu vực Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL), Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đánh giá huy động vốn tại ĐBSCL luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước.
Đến ngày 30/4/2017, huy động vốn của cả vùng đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với 31/12/2016 (huy động vốn toàn quốc tăng 3,38%). Dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn ước đạt trên 450 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với 31/12/2016.
Dư nợ cho vay tại ĐBSCL chiếm tới 7,8% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.
Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 59%, dư nợ trung dài hạn chiếm khoảng 41%, tỷ lệ cho vay trung dài hạn có xu hướng tăng và thời điểm 30/4/2017 đã tăng 5,7% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu của vùng ĐBSCL chiếm 2,4%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của khu vực.
Huy động thấp hơn cho vay nhưng ngành ngân hàng vẫn luôn điều chuyển nguồn vốn từ các khu vực khác để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của vùng.
Số liệu báo cáo chung của Hiệp hội doanh nghiệp cũng cho thấy, ĐBSCL là khu vực có nhiều tiềm năng, song tốc độ tăng trưởng tại một số tỉnh còn khiêm tốn. Doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn về thị trường, tồn kho lớn, vùng chủ yếu phát triển về nông nghiệp lại gặp phải thiên tai, ngập mặn, rủi ro...
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị, một số khó khăn doanh nghiệp hiện vẫn gặp phải như tình trạng thiếu vốn trung và dài hạn, một số doanh nghiệp mong muốn tăng hạn mức và thời hạn cho vay dài hơn. Đa số doanh nghiệp đánh giá lãi suất ngân hàng hiện khá hợp lý, vay vốn "trôi chảy" song doanh nghiệp muốn cạnh tranh được với doanh nghiệp quốc tế thì mức lãi suất có thể giảm thêm.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc cho biết nguồn vốn ngân hàng luôn sẵn sàng, hiện các TCTD có tiền gửi về NHNN, mua trái phiếu, thanh khoản ngân hàng tốt, vậy không có lý do gì ngân hàng cất tiền không cho vay các doanh nghiệp tốt, dự án có thể cho vay được.
Đối với vướng mắc về quy chế, chính sách cần tháo gỡ là chính sách đất đai, bất động sản, nhiều vấn đề pháp lý mong sẽ được các ĐBQH đưa ra trong các kỳ họp tới đây để tháo gỡ giúp nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu, thanh lý tài sản. Vì đây là nút thắt lớn nhất và cũng là nguyên nhân gây nợ xấu tồn đọng.
Phó Thống đốc cũng cho biết ngành ngân hàng giữ quan điểm tiếp tục chương trình kết nối với DN, bám sát các đoàn ĐBQH để tiếp thu kiến nghị từ người dân, khách hàng và DN để kịp thời hoàn chỉnh các chính sách cho phù hợp.
Đối với các NHTM, cần đẩy mạnh tập trung nguồn vốn, mạnh dạn cho vay, chủ động tính toán kỳ hạn để tạo điều kiện cho DN. Lãi suất các NHTM tính toán hợp lý, ổn định lãi suất, xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp khi cho phép.
Về tài sản thế chấp và các thủ tục vay thì Chính phủ đã có NQ19 và NQ 35 do vậy các NHTM đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát cẩn thận để tránh phiền hà. NHNN sẽ trực tiếp kiểm tra đến tận chi nhánh NHTM và nêu tên lên truyền thông đại chúng để khách hàng đánh giá các ngân hàng, do vậy các NHTM cần nghiêm túc thực hiện.(NDH)
--------------------------
Chuyên gia phân tích đầu tư kỳ cựu Mỹ: Nhiều khả năng Alibaba sắp vào Việt Nam
Theo chuyên gia phân tích đầu tư kỳ cựu Mark Mobius thì những công ty Trung Quốc như Alibaba hay Tencent nhiều khả năng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh sang Việt Nam và Myanmar trong thời gian tới.
Một vài công ty lớn của Trung Quốc hiện không chỉ đang tập trung vào thị trường quê nhà mà họ còn hướng tới những thị trường cận biên, chuyên gia phân tích đầu tư Mark Mobius trả lời phỏng vấn với tờ CNBC.
“Những công ty Trung Quốc như Tencent hay Alibaba… đang bắt đầu mở rộng hoạt động sang nước ngoài và họ đang chỉ vừa bắt đầu vận dụng những kiến thức thu được từ thị trường quê nhà để tấn công sang những quốc gia khác”, chuyên gia Mobius nói trong một hội thảo diễn ra tại Nhật Bản mới đây.
Mobius hiện là chủ tịch Templeton Emerging Markets Group cho rằng các công ty Trung Quốc tới đây sẽ tập trung vào thị trường châu Á mà tiềm năng nhất là những quốc gia như Việt Nam và Myanmar.
“Đây là sân nhà của họ. Họ nắm châu Á trong lòng bàn tay. Họ đang sẵn sàng xâm nhập vào những quốc gia dù có thể gặp rủi ro lúc ban đầu nhưng có tiềm năng tăng trưởng về sau”.
Dẫu vậy, tốc độ tăng trưởng của một vài công ty tại thị trường mới nổi ở châu Á có thể không phát triển theo cách nguyên bản.
“Dĩ nhiên bản thân các quốc gia này cũng đang tồn tại những công ty internet và đang tự phát triển. Tuy nhiên họ cũng có thể sáp nhập với những công ty Trung Quốc và thực tế đã có một vài thương vụ như vậy xảy ra rồi”.
Mobius nói rằng ông rất quan tâm tới thị trường Trung Quốc và nhấn mạnh rằng những công ty Internet như Tencent và Alibaba đang tăng trưởng ở “mức độ đáng kinh ngạc”.
Ông cũng tỏ qua quan tâm tới những công ty khác chưa được nhiều người biết đến.
“Có một số lượng lớn những công ty vừa và nhỏ có tiềm năng tăng trưởng to lớn tại Trung Quốc. Điều tuyệt vời là Trung Quốc đang mở cửa hơn và chúng tôi có thể sớm được tiếp cận với những công ty này".(CafeF)
---------------------------
Xuất khẩu xi măng và clinker tăng 6,7% trong tháng 4
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2017, lượng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam tăng 6,7% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với tháng 3/2017.
Cụ thể, trong tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu được 1.924.283 tấn xi măng và clinker, trị giá xuất khẩu thu về đạt 67.408.406 USD; tăng cả về lượng và trị giá so với tháng 3/2017, với tăng tương ứng là 6,7% và 7,6%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 6.723.359 tấn xi măng và clinker, tương đương với trị giá thu về đạt 235.073.896 USD. So với cùng kỳ năm 2016, lượng xuất khẩu xi măng và clinker trong 4 tháng đầu năm đã tăng 12,8% về lượng và 7,9% về trị giá.
4 tháng đầu năm, Bangladesh và Phillippines vẫn là hai thị trường xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam; trong đó, thị trường Bangladesh có trị giá xuất khẩu chiếm tỉ trọng xấp xỉ 37% và thị trường Phillippines chiếm tỉ trọng hơn 32% tổng trị giá xuất khẩu của toàn ngành. Tiếp đó là các thị trường như: Peru; Đài Loan; Sri Lanka; Mozambique; Malaysia; Campuchia; Lào và Úc.(BXD)