Giá dầu lao dốc với lo ngại tăng trưởng toàn cầu giảm sút
Hãy cẩn trọng với cổ phiếu ngành tiện ích và hàng tiêu dùng
Tài sản của ông chủ LinkedIn tăng gần 1 tỷ USD sau thương vụ sáp nhập với Microsoft
Nhập khẩu thép 5 tháng vẫn phi mã
Cá tra xuất khẩu không bị Hải quan làm khó
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-06-2016
- Cập nhật : 14/06/2016
Hoàng Anh Gia Lai bị phạt 85 triệu đồng vì bán cổ phiếu không báo cáo
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai với số tiền phạt là 85 triệu đồng.
Theo đó, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã không báo cáo về kết quả thực hiện giao dịch. Cụ thể, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai là tổ chức có liên quan đến Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HNG). Từ ngày 15-2 đến ngày 19-2, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã bán 14,2 triệu cổ phiếu HNG nhưng không thực hiện báo cáo kết quả giao dịch.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ra quyết định xử phạt 35 triệu đồng đối với bà Đặng Thị Loan (Trưởng Ban Kiểm soát Công ty CP Nafoods Group, mã chứng khoán NAF). Theo đó, từ ngày 18-2 đến ngày 15-3, bà Loan đã mua 50.450 cổ phiếu NAF và bán 50.450 cổ phiếu NAF nhưng không thực hiện báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM trước khi thực hiện giao dịch.
Tương tự, bà Võ Thị Tiếp, người có liên quan đến ông Võ Trường Thành – thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF), đã mua 41.170 cổ phiếu TTF và bán 4.170 cổ phiếu TTF từ ngày 30-11-2015 đến ngày 4-1-2016; bán 36.000 cổ phiếu TTF vào ngày 4-4 nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Nhà nước trước khi thực hiện giao dịch. Vì vậy, bà Tiếp bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 42,5 triệu đồng.(HQ)
Ô Tô Trường Hải đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Trưng Bày lớn nhất Việt Nam
Theo thiết kế kiến trúc cơ sở công trình, Khu trung tâm thương mại – dịch vụ sẽ có 3 tầng, mật độ xây dựng 46,02% tại khu đất CC3 có diện tích hơn 20.000m2 đất .
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm của ô tô Trường Hải lớn nhất tại Việt Nam, toạ lạc nằm trên đường Hùng Vương thuộc khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh Long An do công ty Cổ phần Đồng Tâm làm chủ đầu tư cơ sở hạ tầng. .
Được biết, khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh Long An là một dự án trọng điểm, nhằm đáp ứng yêu cầu bố trí công sở, tập trung tất cả các cơ quan, ban, ngành về một cửa.
Theo công ty Cổ Phần Đồng Tâm, chủ đầu tư khu đô thị trung tâm hành chính tỉnh Long An thì lý do chính mà Công ty CP Ô tô Trường Hải quyết định đầu tư tại đây là vị trí thuận lợi. Khu đô thị này có vị trí kết nối với TP. HCM bằng tuyến đường cao tốc TP. HCM -Trung Lương và đại lộ Võ Văn Kiệt. Các tuyến đường vành đai 1, 2, 3 kết nối Long An với TP. HCM, các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ được quy hoạch và triển khai đã rút ngắn khoảng cách từ Long An đến TP. HCM và các tỉnh lân cận.
Đại gia địa ốc muốn đầu tư mở rộng sân bay Chu Lai
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết nhà đầu tư Thiên Tân Group (Quảng Ngãi) đang lập dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Chu Lai để trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Được biết, hiện Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản thống nhất chủ trương triển khai.
Theo lãnh đạo tập đoàn này, Thiên Tân sẽ thuê chuyên gia, tư vấn thiết kế nước ngoài về khảo sát, lên các phương án và còn điều chỉnh một số phần về tổng mức đầu tư.
Được biết, trong tháng 3 vừa rồi, Thiên Tân Group đã làm việc với công ty JK&D International (Mỹ) về dự án mở rộng sân bay Chu Lai. Theo đó, JK&D đánh giá cao tiềm năng của dự án này vàkhẳng định có thể cung cấp công nghệ Hàn Quốc và EPC loại 1 để phát triển dự án.
Tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ GTVT và tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh kiến nghị Bộ ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển cảng hàng không Chu Lai thành cảng trung chuyển hàng hóa và các dịch vụ hậu cần sửa chữa máy bay của khu vực ASEAN.
Theo đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đặc biệt biểu dương chủ trương xã hội hóa, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án cảng hàng không Chu Lai.
Theo quy hoạch, sân bay Chu Lai có thể phát triển thành cảng hàng không quốc tế đạt cấp 4F theo tiêu chuẩn của ICAO, đến năm 2020 đạt công suất 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2025, sân bay này phát triển thành trung tâm trung chuyển hàng hóa với công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm và 4,1 triệu lượt khách/năm.
Công ty đã và đang đầu tư một số dự án lớn như Dự án Thủy điện Đăk Re (2.200 tỷ đồng), Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi (2.140 tỷ đồng), Nhà máy thủy điện Hà Nang (tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng), Khu Biệt thự và Khu dân cư Thiên Tân – Dung Quất – Quảng Ngãi (200 tỷ đồng), Tuyến tránh Quốc lộ 1A (650 tỷ đồng)…
Ngoài ra, năm 2015, công ty này đã khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam, đặt ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
“Cơn khát” thịt lợn của Trung Quốc
Nhu cầu những sản phẩm như chân giò, tai và mõm lợn tăng cao ở Trung Quốc, nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, đã đẩy giá thịt lợn trên sàn giao dịch ở Chicago tăng mạnh - hãng tin Bloomberg cho biết.
Tuần trước, số hợp đồng đầu cơ giá lên đối với mặt hàng thịt lợn ở sàn giao dịch Chicago đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2016 và đạt mức cao nhất trong 2 năm.
Giá ngô tăng ở Trung Quốc đã buộc các hộ nông dân ở nước này giảm số đầu lợn được chăn nuôi, dẫn tới sản lượng thịt lợn giảm. Do đó, nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Theo ông Dermot Hayes, một nhà kinh tế học nông nghiệp thuộc Đại học bang Iowa, Trung Quốc có thể nhập khẩu 5% sản lượng thịt lợn của Mỹ trong năm nay.
Giá thịt lợn giao sau ở Chicago hiện đang ở gần mức cao nhất kể từ năm 2014, năm mà giá mặt hàng này đạt mức kỷ lục do dịch bệnh khiến lợn con chết hàng loạt.
“Nếu bạn có một sản phẩm cụ thể mà người Trung Quốc có truyền thống sử dụng và có nhu cầu mua, thì giá trị sẽ tăng thêm nhiều. Trong thời gian tới, nếu số đầu lợn được nuôi ở Trung Quốc giảm và lượng tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người tăng, thì tiềm năng sẽ rất lớn”, ông Randy Spronk, Chủ tịch công ty thịt lợn Spronk Brothers III, đánh giá.
Khác với người Mỹ, người Trung Quốc ăn gần như tất cả mọi bộ phận của con lợn. Điều này rất có lợi cho các nhà chăn nuôi gia súc Mỹ, vì nhiều bộ phận bị bỏ đi khi giết mổ lợn ở Mỹ lại có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu thịt Mỹ, xuất khẩu thịt lợn của nước này sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng 117% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tin rằng đây mới chỉ là khởi đầu trong sự gia tăng nhu cầu của Trung Quốc đối với thịt lợn nhập ngoại, các nhà sản xuất thịt lợn của Mỹ đang tìm cách thay đổi kỹ thuật chăn nuôi của mình.
Trung Quốc cấm chất ractopamine, một phụ gia trong thức ăn chăn nuôi khiến tạo thịt nạc nhanh hơn trong khi tiêu thụ ít thức ăn hơn. Để cạnh tranh tốt hơn với thịt lợn châu Âu vốn không sử dụng chất này, các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ như Spronk đang cố gắng điều chỉnh.
Mỗi năm, Spronk đưa ra thị trường khoảng 200.000 con lợn. Gần đây, công ty này đã ngừng sử dụng chất ractopamine trong quá trình chăn nuôi.
Tại Mỹ, nhiều bộ phận của con lợn được bán với giá rất rẻ. Chẳng hạn, theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, vào ngày 10/6, giá chân giò lợn vào khoảng 99,6 cent/pound, so với mức giá 2,95 USD/pound đối với thịt thăn lợn.
Cùng thời điểm tại Trung Quốc, giá chân giò lợn tươi bán lẻ vào khoảng 46 Nhân dân tệ/kg (3,18 USD/pound) ở Phúc Châu, giá mõm lợn là 20 Nhân dân tệ/kg (1,38 USD/pound) ở Quảng Đông.
Giá mõm lợn ở Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 4/6 là 58 cent/pound. Mức giá cao hơn tại thị trường châu Á là một sự khuyến khích lớn đối với các nhà chăn nuôi Mỹ.
Tốc độ tăng sản lượng thịt lợn của Trung Quốc có thể chậm lại trong thời gian tới. Chính phủ nước này đang siết các quy định về bảo vệ môi trường, và hoạt động chăn nuôi lợn buộc phải chuyển từ mô hình nuôi nhỏ lẻ sang các nông trại hiện đại, cách xa khu vực đô thị. Điều này có thể sẽ mất nhiều thời gian.
Hoạt động xuất khẩu đa dạng các sản phẩm thịt lợn sang Trung Quốc có thể giúp giá trị mỗi đầu lợn ở Mỹ tăng thêm tới 13,5 USD trong vòng vài năm tới. Hiện tại, xuất khẩu sang Trung Quốc giúp giá trị mỗi con lợn nặng 270 pound (khoảng 122 kg) thêm khoảng 10,8 USD so với giá bán ở Mỹ.
Tuy nhiên, sản lượng thịt lợn của Mỹ hoàn toàn có thể tăng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc, khiến tốc độ tăng giá thịt lợn bị hạn chế. Ngoài ra, không chỉ có các công ty thịt lợn Mỹ “nhòm ngó” thị trường Trung Quốc, mà các nhà sản xuất từ châu Âu, Brazil và Canada cũng đang cạnh tranh mạnh ở thị trường này.
“Châu Âu đã giành thị phần khá lớn trong vòng 2 năm qua, và họ sẽ không từ bỏ một cách dễ dàng”, ông Steve Meyer, nhà phân tích thị trường thịt lợn tại công ty Express Markets, nhận định.
Hạn ngạch nhập khẩu đường tăng thêm 100.000 tấn
Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu sử dụng đường làm nguyên liệu, các DN thương mại và cả nhà máy đường phản ánh họ gặp khó khăn trong việc mua đường do giá cả liên tục tăng cao và không mua được đường với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng.
Ngoài ra, còn có hiện tượng “găm hàng” tại một số DN kinh doanh đường. Vì vậy, các công ty thương mại, DN sản xuất chế biến thực phẩm và nhà máy chế biến đường đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương sớm xem xét cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2016 để phục vụ sản xuất và cung ứng cho thị trường.
Để có cơ sở điều hành xuất nhập khẩu đường, trong tháng 4/2016, Bộ Công Thương đã cùng Bộ NN&PTNT tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình sử dụng đường tại một số DN chế biến sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và tình hình sản xuất, tồn kho tại một số nhà máy sản xuất, tinh luyện đường.
Căn cứ vào kết quả làm việc cùng với cân đối cung-cầu đường năm 2016 của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đánh giá năm 2016, dự kiến tổng nguồn cung đường giảm do lượng mía giảm 10%, trong khi nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng khoảng 100.000 tấn.
Tại nghị quyết Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016, Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành nhập khẩu đường phù hợp và triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt cho phép bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 100.000 tấn đường để ổn định thị trường, đồng thời lưu ý bảo vệ và phát triển sản xuất trong nước.