Gần 100.000 tỷ vốn đầu tư đổ vào Quảng Ninh trong hai năm
“Tôi biết doanh nghiệp phải phí lót tay, chi ngoài... rất cao"
Lạm phát thấp, lãi suất vẫn cao
Nhờ giá dầu, Nga lại là TTCK sinh lời tốt nhất năm 2016
Đức: Kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nếu Anh rời khỏi EU
Tin kinh tế đọc nhanh 14-09-2017
- Cập nhật : 14/09/2017
Nga đánh bại Mỹ trong cuộc chiến khí đốt ở châu Âu?
Giới quan chức năng lượng thế giới cho rằng, khí hóa lỏng Mỹ sẽ không thể cạnh tranh được với khí đốt đường ống của Nga ở thị trường châu Âu.
Tổng thư ký Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (trong đó Nga là thành viên), ông Mohammad Hossein Adeli trong khi trả lời phỏng vấn tờ Handelsblatt của Đức đã nói rằng, khí hóa lỏng của Hoa Kỳ cung cấp cho châu Âu sẽ không thể thay thế khí đốt tự nhiên Nga cho người tiêu dùng châu Âu.
Vị quan chức này nhấn mạnh rằng, bản thân ông không hiểu nổi sự hoài nghi của Liên minh châu Âu đối với dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc-2" xuyên qua biển Baltic tới Đức, bởi châu Âu sẽ vẫn tiếp tục cần khí đốt của Nga.
Tính đến tháng 8/2017, Nga vẫn là nhà xuất khẩu chính cung cấp 35% lượng nhập khẩu khí đốt của châu Âu. Lượng cung cấp hàng năm đều tăng lên chứ không bao giờ giảm đi.
Theo ông, ảnh hưởng của Mỹ đối với thị trường khí đốt châu Âu vẫn còn rất nhỏ và không thể tăng mạnh trong tương lai. Hoa Kỳ sẽ không bao giờ có thể thay thế nguồn cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu.
Ông Francis Perrin, chuyên gia Trung tâm Chính sách (l'OCP Policy Center) ở Rabat (Morocco), kiêm giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Paris (l'Institut de Relations Internationales et Stratégiques - IRIS) tuyên bố rằng, về lâu dài, Nga sẽ vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu.
Theo ông, hiện nay Nga đang là nhà cung cấp khí đốt quan trọng nhất cho Liên minh châu Âu với khoảng 1/3 tổng số lượng cung cấp. Và dự kiến trong 10 năm tới Nga vẫn là nhà cung cấp chính trong số các cường quốc châu Âu xuất khẩu khí đốt cho châu Âu.
Nga có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ. Theo các nguồn tin khác nhau, Nga chiếm vị trí thứ hai về nguồn dự trữ khí đốt, với trữ lượng tương đương Iran. Ngoài ra, Moscow còn có nguồn dự trữ dồi dào chưa được khai phá hết ở Bắc Cực.
Giá sản xuất khí gas của Nga là thấp hơn của Mỹ, trong khi đó, chi phí vận chuyển từ Nga sang châu Âu rõ ràng là cũng thấp hơn.
Trong hàng thập niên qua, Moscow có mạng lưới các đường ống dẫn khí dày đặc và rộng khắp, được điều hành bởi Nga và châu Âu, cho phép Gazprom có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu bổ sung của Liên minh châu Âu. Trong khi đó, chi phí vận chuyển vượt qua Đại Tây Dương và quá trình chuyển đổi LNG từ trạng thái lỏng sang trạng thái khí (để thích hợp với việc sử dụng thông thường) của khí hóa lỏng Mỹ lại khá cao.
Chuyên gia Francis Perrin cho rằng, Tổng thư ký Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt Mohammad Hossein Adeli, đã có lý khi nói rằng châu Âu sẽ cần khí đốt của Nga. Nhưng về dài hạn, Nga vẫn cần phải để phòng khí đốt hóa lỏng của Mỹ.
Ông Adeli đã đưa ra tuyên bố mạnh dạn, khi đánh giá thấp triển vọng gia tăng xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng từ Hoa Kỳ. Hiện nay, các nguồn cung cấp đó chỉ mới bắt đầu từ năm 2016, không phải là đáng kể lắm. Nhưng trong những năm tới, Mỹ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc lưu thông khí đốt toàn cầu.
Theo dự kiến của các chuyên gia, trong thập niên tiếp theo, Mỹ sẽ lọt vào Top 3 các nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất, cùng với Qatar và Australia.
Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ mở rộng xuất khẩu trong những năm tới nhưng họ phải chia sẻ cho nhiều thị trường khác nhau để mở rộng đối tượng cung cấp, một phần xuất khẩu đi châu Âu, một phần sang châu Á và phần thứ ba là tới châu Mỹ Latinh.
Do đó, trong thời gian dài, Nga sẽ vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, bất kể Liên minh châu Âu có quyết định như thế nào đối với "Dòng chảy phương Bắc-2" đi nữa. Brussels, Paris, hoặc London, Berlin hay Rome không phải nghi ngờ gì về điều này - ông Francis Perrin kết luận.(baodatviet)
---------------------------
Nhà nước đầu tư giỏi, dân ung dung hưởng nhàn
Quỹ hưu trí chính phủ Na Uy - một trong những quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, đã cán mốc tài sản hơn 1.000 tỉ USD. Mỗi công dân tương lai của Na Uy giờ đã ngồi trên núi tiền.
Quỹ hưu trí chính phủ Na Uy được thành lập dựa trên nguồn lợi thu được từ việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt - Ảnh: REUTERS
Theo đài Russia Today, con số kỷ lục 1.000 tỉ USD đã được xác lập vào lúc 10h34 GMT ngày 12-9 (tức khoảng 17h34 cùng ngày giờ VN) nhờ vào những phản ứng tích cực của thị trường thế giới và đồng euro tăng giá.
Đất nước thuộc vùng Scandinavia chiếm chưa tới 0,1% dân số thế giới (5,3 triệu người) nhưng quỹ hưu trí của họ kiểm soát tới 1,3% tổng số cổ phiếu đã được niêm yết toàn cầu.
Được thành lập vào năm 1998, quỹ này trích một phần lợi nhuận thu được từ việc bán dầu và khí đốt để dành cho các thế hệ tương lai của Na Uy.
Giờ đây, tổng tài sản của quỹ đã gấp 250% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Na Uy, vượt xa kỳ vọng khiêm tốn ban đầu là gấp 130% vào năm 2020.
Nếu đem tài sản của quỹ chia đều cho tất cả công dân Na Uy, mỗi người bất kể già trẻ, lớn bé sẽ nhận được khoản tiền tương đương 185.000 USD.
Mặc dù là quỹ đầu tư nước ngoài, được thành lập với mục đích cơ bản là đem lợi nhuận về cho đất nước, quỹ hưu trí chính phủ Na Uy có những nguyên tắc của riêng họ, không đặt mục tiêu tạo ra lợi nhuận bằng mọi cách.
Theo đó, quỹ này chỉ đầu tư vào cổ phiếu, chứng khoán và bất động sản ở nước ngoài. Với các lý do liên quan tới đạo đức, họ tuyệt đối không đầu tư vào những công ty sản xuất thuốc lá, vũ khí hạt nhân hay mìn sát thương. Ít nhất 64 công ty dạng này đã bị quỹ liệt vào danh sách không nên đầu tư.
Theo quy định, chính phủ Na Uy hàng năm được trích tối đa 3% giá trị của quỹ cho các mục đích công, bao gồm giữ ổn định nền kinh tế.
Kể từ khi phát hiện được nguồn dầu mỏ ở biển Bắc cuối những năm 1960, Na Uy đã trở thành một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất ngoài các nước tổ chức OPEC.
Na Uy sản xuất tới 1,65 triệu thùng dầu mỗi ngày và cung cấp 24% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU). (Tuoitre)
Quỹ đầu tư quốc gia hay quỹ đầu tư chính phủ (Sovereign Wealth Funds – SWF) là khái niệm dùng để chỉ một quỹ đầu tư nhà nước với những tài sản có giá trị như cổ phiếu, trái phiếu, tài sản, kim loại quý… Khi thu ngân sách dư thừa, một quốc gia có thể đem số tiền dư thừa đó đi đầu tư để thu về lợi nhuận.
Theo trang Investopedia, trong số 5 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới năm 2017, 3 quỹ thuộc về các nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ là Abu Dhabi, Saudi Arabia và Kuwait.
Xét về tổng giá trị các quỹ đầu tư quốc gia, Trung Quốc dẫn đầu với 4 quỹ, kế tiếp là Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (6 quỹ). Na Uy với duy nhất Quỹ hưu trí, đứng thứ 3.
------------------------------------------------
Trung Quốc lo lắng khi đồng nhân dân tệ đang mạnh lên
Đồng Nhân Dân Tệ (NDT) của Trung Quốc tăng nhẹ so với đồng USD vào thứ 4 (13/9), trên đà tiến đến đợt tăng mạnh đầu tiên trong 4 ngày, nhờ việc doanh nghiệp bán USD.
Thanh khoản thắt chặt hơn ở các thị trường hải ngoại cũng hỗ trợ cho lần tăng này mặc dù người giao dịch vẫn còn tranh cãi về một số động thái của ngân hàng trung ương Trung Quốc PBOC trong những ngày gần đây. Theo đó, chính quyền đang khá quan ngại về việc đồng NDT tăng giá.
Trước khi mở cửa thị trường hôm 13/9, PBOC hạ điểm trung bình chính thức ngày thứ 2 liên tiếp xuống còn 6,5382 NDT/USD từng thiết lập một trung điểm cao hơn trong 11 phiên liên tiếp tính đến thứ 6 (8/9).
Người giao dịch cho biết tỷ giá USD/NDT cao hơn so với mô hình, giống như vài phiên gần đây. Tuy nhiên, tỷ giá này không ảnh hưởng gì đến giao dịch giao ngay. Đồng tiền Trung Quốc mở cửa ở mức 6,5315 NDT đổi một USD và giao dịch ở mức 6,5286 vào giữa ngày, tăng 76 pip so với phiên giao dịch cuối tuần trước và tăng 0,15% so với điểm trung bình.
Tỷ giá nhân dân tệ so với đồng USD trong 2 năm qua
Với dòng tiền ra nới lỏng thậm chí có thể biến thành dòng tiền vào và một số nhà xuất khẩu bắt đầu phàn nàn về những tổn thất do đồng NDT tăng giá, một số nhà quan sát thị trường tin rằng các nhà chức trách sẵn sàng cho phép sự biến động 2 chiều gia tăng. Tuần trước, đồng NDT có thời điểm từng tăng hơn 7% trong năm nay so với đồng USD đang suy yếu.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ vừa mới cải thiện nhờ nền kinh tế toàn cầu mạnh hơn. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đang bắt đầu lo lắng rằng một đồng NDT mạnh sẽ tạo áp lực lên các công ty xuất khẩu, từ đó có nguy cơ ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Hôm thứ 2 (11/9), PBOC loại bỏ 2 biện pháp hỗ trợ lúc đồng NDT đang chịu áp lực bán ra mạnh. Bước đi này cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng về việc thị trường đặt cược một chiều vào đồng NDT đang tăng lên.(NDH)
--------------------------------------
Sẽ kỷ luật bốn lãnh đạo Vinachem làm thiệt hại hơn 4.200 tỉ đồng
Tối 13-9, Bộ Công thương cho biết sẽ thông tin đến cơ quan thông tấn hình thức kỷ luật bốn lãnh đạo đứng đầu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sau khi việc kiểm điểm hoàn tất.
Bốn lãnh đạo cấp cao của Vinachem gồm ông Nguyễn Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem nhiệm kỳ 2010-2015 và các nguyên lãnh đạo nhiệm kỳ 2005-2010.
Cụ thể, ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty hóa chất.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn.
Ông Đỗ Duy Phi, nguyên phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan; nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty; nguyên thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn.
Theo Bộ Công thương, những sai phạm tại Vinachem "cần được xử lý nghiêm, không bỏ sót vi phạm, xử lý đúng pháp luật, có lý có tình các tập thể, cá nhân vi phạm".
Bộ này cũng cho biết thêm, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thông báo kết luận về những dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Đảng ủy và một số cán bộ trong Hội đồng thành viên Vinachem, tập thể lãnh đạo, cán bộ tập đoàn và các cá nhân liên quan của Vinachem cũng "đã và đang tích cực thực hiện việc kiểm điểm các nội dung liên quan theo đúng kết luận và yêu cầu của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, cũng như các cấp có thẩm quyền".
Trước đó, ngày 2-8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận nhiều nội dung, trong đó có kết luận về kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cùng một số cá nhân nói trên.
Trong đó, đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên, gây hậu quả rất nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước.
Nhiều dự án tập đoàn đầu tư không hiệu quả, trong đó có 4/5 dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỉ đồng, mà điển hình nhất là dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy các nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015 và bốn cá nhân nói trên là "rất nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật".(Tuoitre)