Ông Trump ngăn cản thương vụ 1,3 tỉ USD với Trung Quốc; Xăng dầu gánh tới 93% thuế bảo vệ môi trường là chưa hợp lý; MEDIPLAST chính thức sáp nhập với VINAMED; Người Trung Quốc giảm thọ 6 năm vì ô nhiễm
Tin kinh tế đọc nhanh tối 13-09-2017
- Cập nhật : 13/09/2017
Campuchia sắp phê duyệt dự luật kinh doanh casino
Bộ Tài chính Campuchia cho biết sẽ đệ trình luật kinh doanh casino lên nội các chính phủ để thông qua trong tháng này.Nguồn ảnh: Reuters
Động thái này nhằm mở đường cho Campuchia thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp cờ bạc đang bùng nổ.
Ros Phearun, Phó Tổng giám đốc bộ phận Công nghiệp Tài chính của Bộ Tài chính Campuchia, nói với tờ Khmer Times: "Chúng tôi đã thu thập rất nhiều ý kiến cho dự thảo luật này, sau nhiều cuộc họp liên bộ và các bên liên quan".
Ông Phearun nói tiếp: "Dự thảo luật đã được hoàn thiện bởi các nhóm kỹ thuật chung của Bộ Kinh tế - Tài chính và Bộ Nội vụ. Dự luật sẽ được trình lên nội các chính phủ trong tháng này. Sẽ không có sự trì hoãn nào trong việc thông qua dự luật vì chúng tôi đã tính tới nhiều ý kiến từ tất cả các bộ ngành và đơn vị liên quan. Chúng tôi thực sự cần phải nhanh chóng có được luật này vì nó sẽ giúp chúng tôi quản lý ngành công nghiệp cờ bạc tốt hơn và thu thuế. Ngoài ra, nó cũng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn vào ngành công nghiệp này, cũng như mang lại nhiều khách du lịch".
Theo Bộ Tài chính Campuchia, vào cuối năm ngoái có 77 casino đã được cấp giấy phép tại nước này, trong đó hiện có 65 cơ sở đang hoạt động.
Đạo luật mới dự kiến sẽ đánh thuế 4-5% tổng doanh thu của các casino, gần bằng với mức thuế đánh lên các casino ở Singapore.
Dự luật cũng cho phép chính phủ Campuchia thành lập Ủy ban Quản lý Công nghiệp Cờ bạc, chuyên kiểm định khả năng kiểm soát tài chính nội bộ cũng như phòng chống rửa tiền và các hình thức tội phạmkhác.
Những biện pháp này được coi là những bước đi tích cực để tăng tính minh bạch và thúc đẩy ngành kinh doanh casino tại Campuchia.
Chính phủ Campuchia đã thu được khoảng 48 triệu USD từ ngành công nghiệp cờ bạc vào năm 2016, tăng khoảng 40% so với năm 2015.
Trong một tin liên quan, công ty Donaco International (Úc), hiện đang vận hành khu nghỉ dưỡng tích hợp Staraco Resort and Club ở thành phố Poipet, đã thông báo kế hoạch mở rộng thêm sòng bạc ở Campuchia và Việt Nam.
Giám đốc điều hành kiêm CEO của Donaco là Joey Lim Keong nói rằng công ty đang tích cực tìm kiếm để phát triển hay mua lại sòng bạc mới.
Ông Lim nói: "Giai đoạn 3-5 năm tới sẽ mang lại nhiều điều thú vị cho Donaco, khi chúng tôi tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mới trong ngành giải trí và nghỉ dưỡng, đặc biệt là bằng cách số hóa trải nghiệm chơi cờ bạc. Trong 5 năm tới, chúng tôi hy vọng mở rộng sự hiện diện tại khu vực ASEAN. Ngoài ra, chúng tôi cũng để ngỏ khả năng mở rộng ra ngoài khu vực này”.
Hiện tại, Donaco cũng đang điều hành một casino tại Việt Nam là khách sạn Aristo International ở tỉnh Lào Cai, chủ yếu thu hút khách từ Trung Quốc.
Joey Lim cũng chính là cháu trai của Lim Goh Tong, người đã xây dựng nên đế chế casino Genting Group tại Malaysia.(NCĐT)
------------------------
Tăng trưởng tín dụng trên 20%: Nguồn tiền ở đâu?
Đã có những dấu hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng không còn dư thừa về thanh khoảnNguồn ảnh: Báo dân trí
Trong bối cảnh áp lực cho vay theo định hướng của Chính phủ lớn nhưng dự báo nhiều ngân hàng chưa đủ tiền để bơm vốn ra.
Một số ngân hàng bắt đầu “khát” tiền
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét, hoạt động nghiệp vụ thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian vừa qua ít sôi động, khi thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối dồi dào.
Báo cáo tình hình kinh tế và thị trường tài chính tháng 8/2017 và 8 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng tiếp tục tăng. Tính đến cuối tháng 8, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm.
Lý giải tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tăng, TS. Nghĩa cho biết: “Ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ, nhưng Chính phủ không giải ngân hết, nên quay lại gửi tiền vào ngân hàng. Do đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ huy động, nhưng thanh khoản vẫn rất tốt”.
Được biết, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong 8 tháng đầu năm ước đạt trên 137 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước được Quốc hội giao và bằng 44,3% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo TS. Nghĩa, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm trễ, nhỏ giọt là một phần nguyên nhân gây ra “điểm nghẽn” cho tăng trưởng kinh tế trong hơn nửa đầu năm 2017. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đề xuất giải pháp tập trung tháo gỡ vướng mắc ngay trong những tháng cuối năm.
“Những tháng cuối năm, dự báo hoạt động cung tiền, bơm hút tiền của NHNN sẽ sôi động hơn, bởi một lượng lớn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở ngân hàng được rút ra khi các dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ”, TS. Nghĩa nói.
Điểm đáng chú ý trên thị trường mở (OMO) tuần qua, từ ngày 4/9 đến 8/9/2017, là NHNN bơm ròng 21.000 tỷ đồng.
Trước đó, bản tin trái phiếu tuần số 33 (từ 28/8 đến 1/9/2017) của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, thị trường mở không có hoạt động bơm mới, nhưng lượng đáo hạn qua kênh này đạt 506 tỷ đồng, như vậy NHNN đã hút ròng 506 tỷ đồng qua kênh này.
Mặc dù NHNN đã phát hành 17.999,8 tỷ đồng tín phiếu mới, song lượng vốn đáo hạn trong tuần lên tới 21.000 tỷ đồng. Theo đó, NHNN đã bơm ròng 3.000,2 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 2.494,2 tỷ đồng vào thị trường.
“Điều này cho thấy, thanh khoản hệ thống có phần bớt dư thừa”, BVSC nhận xét.
Giám đốc tiền tệ một ngân hàng cho hay: “Một số ngân hàng nhỏ có thể có khó khăn về thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng tăng lên 0,6-0,7%/năm đối với kỳ hạn qua đêm trong tuần qua”.
Nhóm nghiên cứu của BIDV dự báo, thanh khoản thị trường trong tháng 9 sẽ giảm so với trước. Mặt bằng lãi suất dự kiến tiếp tục tăng nhẹ, kỳ hạn 1 tuần dao động chủ yếu trong khoảng 1 - 2%/năm.
Những giải pháp cung ứng vốn
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, đưa tăng trưởng tín dụng lên 21%, nhiều ngân hàng có thể sẽ gặp vấn đề về tỷ lệ thanh khoản trong hệ thống.
21% nên là trần chặn hơn là mục tiêu phải đạt, vì nội tại nền kinh tế khó có thể hấp thụ được, quan trọng hơn là ngân hàng không đủ tiền để bơm vốn ra. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng có dấu hiệu giảm, do vốn không tăng nhưng tăng trưởng tín dụng năm nào cũng tăng.
“Hai bài toán đang đối nghịch nhau, muốn tăng trưởng, nền kinh tế phải có nguồn vốn trung và dài hạn, nhưng thu hút vốn trung và dài hạn quá đắt, thậm chí lỗ”, ông Hải nói.
Để kinh tế tăng trưởng theo mục tiêu của Chính phủ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng cung tiền sẽ có những tác động tích cực. Khi tăng cung tiền, lạm phát tăng cao và nhanh hơn, nhưng nếu tăng cung tiền ở mức hợp lý sẽ giúp ổn định và kiểm soát lạm phát. Trong 6 tháng đầu năm, cung tiền mới ở mức gần 5,69%, thấp hơn so với mục tiêu cả năm là 16 - 18%. Vì vậy, vẫn còn dư địa để tăng cung tiền nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2017, thông qua việc bơm tiền qua kênh OMO.
Để có nguồn tiền, vị giám đốc tiền tệ ngân hàng trên gợi ý, thứ nhất, NHNN điều chỉnh tỷ giá mua ngoại tệ và thông qua hình thức này bơm một lượng tiền tương đối vào thị trường. Ví dụ, NHNN mua vào 1 - 2 tỷ USD, tương ứng bơm ra khoảng 45.000 tỷ đồng, giúp tăng thanh khoản tiền đồng.
Thứ hai, huy động vàng, VND, USD từ dân cư nhiều hơn. Mặc dù huy động USD sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay VND, nhưng mức độ thế nào sẽ tùy từng thời điểm.
Thứ ba, các ngân hàng có thể vay vốn nước ngoài, kỳ hạn dưới 1 năm, vay kỳ hạn ngắn sẽ không cần sự chấp thuận của NHNN, mà chỉ đăng ký. Nhóm ngân hàng lớn, đặc biệt ngân hàng quốc doanh thực hiện biện pháp này là chủ yếu, thông qua hình thức tài trợ thương mại.
Ông Hải cho biết, một số ngân hàng đang tính toán vay vốn nước ngoài để đối ứng với các khoản vay trong nước. Với công thức thanh khoản hiện nay thì vay ngắn hạn trong nước sẽ không giúp tăng tỷ lệ thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nếu vay từ nước ngoài thì sẽ tăng, mặc dù vay ngắn hạn. Đây là bài toán chung của các ngân hàng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, các ngân hàng trong nước thường vay ngân hàng nước ngoài với kỳ hạn ngắn 3, 6 tháng, tối đa 1 năm, chủ yếu là những ngân hàng lớn, có hạn mức tín dụng với ngân hàng nước ngoài. Một câu chuyện gần đây được TS. Hiếu đưa ra làm ví dụ minh họa, đó là ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho VPBank từ 71 triệu USD lên 90 triệu USD.
“Các ngân hàng lớn trong nước được các ngân hàng nước ngoài cho vay xét trên cơ sở tình hình sức khỏe và sắp đặt một hạn mức từ trước để khi cần có thể vay bù thanh khoản, tài trợ thương mại, xác nhận L/C...”, TS. Hiếu nói.(ĐTCK)
--------------------------
Chính phủ giảm 0,5% lãi suất cho vay; chưa tăng thuế, phí
Chính phủ cũng giao chỉ tiêu cho Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21%.
Cụ thể, trong Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước “phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh”.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành trung ương, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nêu tại Nghị quyết số 70/NQ-CP.
Trong đó, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường tập trung rà soát, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền xem xét, quyết định để đẩy nhanh tiến độ vốn đầu tư.
Chính phủ giao Bộ Tài chính các nhiệm vụ:
- Tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách.
- Tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương rà soát giảm phí liên quan đến doanh nghiệp; phân tích, đánh giá tác động của đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng.
- Trong năm 2017 chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế có phương án bảo đảm an toàn, bền vững Quỹ Bảo hiểm y tế.
Cũng trong Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét có hình thức huy động nguồn lực đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án cân đối nguồn vốn đầu tư phù hợp đối với các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường sắt Bắc – Nam, và sân bay Long Thành.(NCĐT)
----------------------------
Mở 'phố đèn đỏ' ở Phú Quốc, nên hay không?
Ông Trần Chí Dũng,Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, nói việc mở "phố đèn đỏ" ở Phú Quốc là hợp pháp hóa hoạt động mại dâm nên không hề đơn giản.Nguồn ảnh: Pinterest
Liên quan đến đề xuất cho phép đặc khu kinh tế được phép mở các "phố đèn đỏ" như một số nước, ông Trần Chí Dũng - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết chưa nghe ai kiến nghị việc sắp tới khi thành đặc khu Phú Quốc, nơi này nên có "phố đèn đỏ".
"Nhưng rõ ràng đây là vấn đề nhạy cảm ở xã hội Việt Nam. Chỉ riêng việc cho phép dịch vụ giải trí có casino ở Phú Quốc thôi cũng phải bàn đi bàn lại rất nhiều lần, còn ở đây là hợp pháp hóa hoạt động mại dâm nên tôi nghĩ không hề đơn giản" - ông Dũng nói.
Trước hết, làm gì cũng phải phù hợp với quy định pháp luật. Tính tới thời điểm này, những người tổ chức mại dâm đều đang bị xem là tội phạm hình sự. Phụ nữ tham gia bán dâm sẽ bị xử phạt hành chính.
Không chỉ là câu chuyện pháp lý, mà còn phải xem xét tới nhiều khía cạnh văn hóa - xã hội khác rất phức tạp. Bởi nước ta vốn chịu ảnh hưởng văn hóa phương Đông, trong đó người ta khá e ngại khi nói đến vấn đề tình dục, chứ đừng nói tới mại dâm.
Tất nhiên, trên thực tế cũng phải thừa nhận rằng hoạt động mại dâm đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại dưới nhiều hình thức, núp bóng một số dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí. Nhưng rõ ràng là không công khai.
"Theo tôi nghĩ, với vấn đề này nên dành thời gian phân tích nhiều chiều từ các chuyên gia, nhà quản lý, lắng nghe dư luận để xem thái độ, quan điểm của cộng đồng xã hội ra sao rồi mới nên cân nhắc các bước tiếp theo" - ông Trần Chí Dũng nói.(Tuoitre)