tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 07-09-2017

  • Cập nhật : 07/09/2017

Thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng

Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng của thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam.

thi truong xuat khau ca tra viet nam dang co xu huong tang truong

Thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng

Theo báo cáo thương mại thủy sản của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến tháng 7/2017 tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong top 10 thị trường lớn, duy nhất giá trị xuất khẩu sang thị trường EU giảm mạnh nhất 23,5% so với cùng kỳ năm 2016, ngược lại, xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng như Brazil, Mexico, Colombia, Ả-rập Saudi tăng trưởng tốt.

Tại thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 220,8 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái đồng thời chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, rào cản xuất khẩu sang thị trường này vẫn rất lớn. Đó là thử thách đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Hiện nay, chỉ có 3-4 doanh nghiệp chính còn tiếp tục bám trụ tại thị trường này với sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cá tra cắt khúc, cá tra phile đông lạnh, cá tra cuộn đông lạnh, cá tra phile tẩm bột, cá tra bỏ đầu, khứa khoanh, cá tra bỏ đầu xẻ bướm và cá tra nguyên con đông lạnh.

Tại Trung Quốc - Hồng Kông, trong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 206,1 triệu USD, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu năm 2017, giá bán thủy sản tại Trung Quốc tăng. Giá cá thịt trắng, trong đó có cá tra, basa cũng tăng.

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Brazil, Mexico, Colombia và Ả-rập Saudi trong 7 tháng đầu năm tăng trưởng khá đạt mức lần lượt 59,3%; 25,7%; 8,9% và 6%. Sự sụt giảm mạnh mẽ trong 3 năm liên tiếp trở lại đây tại thị trường EU khiến các doanh nghiệp cá tra Việt Nam buộc phải chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết mặc dù giá cá tra nguyên liệu năm nay khá cao nhưng do lo ngại giá cả và đầu ra không ổn định nên tiến độ thả nuôi và thu hoạch còn thấp so thời điểm cùng kỳ.

Diện tích cá tra 7 tháng đầu năm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 3.921,6 ha, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 729,7 nghìn tấn, tăng 1,2% với cùng kỳ.

Tỉnh có diện tích nuôi lớn nhất là Đồng Tháp (1.688,31 ha thu hoạch 250,9 nghìn tấn) vẫn có sự tăng trưởng tốt, sản lượng tăng 14,2% so với cùng kỳ để bù cho sự giảm sút của các tỉnh như An Giang (194,4 nghìn tấn, giảm 3,9%), Cần Thơ (80,7 nghìn tấn; giảm 4,6%), Bến Tre (104,6 nghìn tấn; giảm 12,6%).

Thị trường cá tra giống cũng hạ nhiệt sau thời gian duy trì ở mức cao, đến nay cá tra giống đã giảm 5 - 10 ngàn đồng/kg so với đầu tháng 5/2017. Tại Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ…, giá cá tra thịt trắng nguyên liệu dao động 21.500 - 23.000 đồng/kg. Tính từ ngày 25/8 đến ngày 20/8, giá cá tra thịt trắng loại I đạt 23.500 - 25.600 đồng/kg, loại II giao động từ 22.400 - 23.400 đồng/kg.

Tại Hội thảo "Thế giới cần cá tra - một lựa chọn cần có trách nhiệm" các đại biểu đã chia sẻ một số thách thức mà ngành cá tra Việt Nam có thể đối mặt trong đó không thể không kể đến rào cản thị trường tiếp tục tăng lên khi các Hiệp định tự do thương mại được ký kết. Điển hình như thuế chống bán phá giá tại Mỹ, luật trang trại 2014, phương thức thanh toán khó khăn (Nga)... Ngoài ra, các yếu tố biến đổi khí hậu, xu hướng nhiều tổ chức chứng nhận sẽ hình thành, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tác động đến ngành sản xuất cá tra.(NDH)
---------------------------

Bán 53,59% vốn tại Sabeco, “đại gia” nào có thể chi hàng tỷ USD để sở hữu?

Theo tính toán, giá thị trường của 53,59% cổ phần Sabeco là rất lớn, 87.462 tỷ đồng, tương đương 3,85 tỷ USD. Nhiều công ty bia trong khu vực và thế giới đều tỏ ra quan tâm mua vào cổ phần của SAB.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Tại báo cáo của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) mới công bố đã đưa ra thông tin liên quan đến việc bán cổ phần tại Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (mã SAB).

Cụ thể, HSC cho biết, theo một công văn đề ngày 30/8 của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Nhà nước sẽ bán 53,59% cổ phần tại Sabeco. Nhiều khả năng phương thức bán cổ phần sẽ là đấu giá.

“Tuy nhiên, chưa biết việc bán cổ phần sẽ được thực hiện một lần hay nhiều đợt. Nếu được làm theo cách thức tương tự như trường hợp của Vinamilk, thì như chúng tôi đã đề cập trước đó nhiều khả năng cổ phần nhà nước sẽ được bán ra theo các đợt khác nhau”, báo cáo của HSC nêu.

Giả thiết được HSC nêu ra, nếu việc bán cổ phần Nhà nước thực hiện theo cách thức tương tự thương vụ bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Vinamilk, khi đó sẽ có một phiên đấu giá một lượng cổ phiếu nhỏ được thực hiện để xác định giá bán. Sau đó các đợt bán tiếp theo sẽ được thực hiện vào những năm sau.

Tỷ lệ sở hữu hiện tại của Bộ Công thương tại Sabeco là 89,59%. Sau thương vụ dự kiến trên, tỷ lệ sở hữu còn lại sẽ giảm xuống 36%, là mức sở hữu đảm bảo quyền biểu quyết của cổ đông lớn đối với công ty.

Theo tính toán của HSC, giá trị thị trường của 53,59% cổ phần này là rất lớn, 87.462 tỷ đồng, tương đương 3,85 tỷ USD.

“Nhiều công ty bia trong khu vực và thế giới như Asahi; CUB & Heineken đều tỏ ra quan tâm mua vào cổ phần của SAB. Mặc dù vậy thị trường vẫn đồn đoán rằng một doanh nghiệp trong khu vực như Thai Beverage có thể có lợi thế hơn”, HSC cho biết.

Cũng tại báo cáo này, HSC đưa ra dự báo, năm 2017, doanh thu thuần của Sabeco đạt 34.665 tỷ đồng, tăng trưởng 13,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 4.900 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4%.

Báo cáo mới đây của Sabeco cho biết, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của Sabeco đạt 15.642 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.567 tỷ đồng trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.442 tỷ đồng.(Bizlive)
----------------------

Người Việt chi 127 triệu USD/tháng mua rau quả ngoại

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tám tháng đầu năm 2017 đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó mặt hàng rau ước đạt 190 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2016 và mặt hàng quả đạt 809 triệu USD, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2016.

Tính ra mỗi tháng Việt Nam chi hơn 127 triệu USD để nhập khẩu rau quả. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong những tháng đầu năm 2017 là thị trường Thái Lan chiếm gần 62% thị phần, tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 16%. Thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan (gấp 3,2 lần), tiếp đến là thị trường Ấn Độ (gấp 2,2 lần) và New Zealand (tăng 53,5%).

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tám tháng đầu năm 2017 đạt trên 2,3 tỉ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam, chiếm 85% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.(PLO)
-----------------------------

Ngành nào đang có lợi thế trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0?

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 lúc này đang có những tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt kinh tế xã hội. Kéo theo lợi ích to lớn của cuộc cách mạng này là những phí tổn rất lớn như lao động mất việc, cần đầu tư và xây dựng luật pháp.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Cách mạng Công nghiệp 4.0 lúc này đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, thậm chí có tới 3 cuộc cách mạng khác đang diễn ra ngay trong cuộc cách mạng công nghiệp lần này. Chưa bao giờ con người có thể kết nối, tương tác với nhau theo thời gian thực đơn giản và hiệu quả như hiện nay. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần này cũng có sự tham gia của rất nhiều công nghệ đột phá mới. Cuộc cách mạng lần này cũng đang có những tác động lớn đến đời sống, kinh tế, chính trị và quốc phòng và trở thành một nền tảng đề các quốc gia cạnh tranh với nhau.

Nhưng lúc này Cách mạng Công nghệ 4.0 cũng mang đến những thách thức về việc làm, vấn đề về quyền riêng tư của mỗi cá nhân, thậm chí có cả nguy cơ về chiến tranh mạng giữa các quốc gia. 

Dù muốn hay không, cuộc cách mạng này cũng đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, đòi hỏi từng quốc gia, từng doanh nghiệp phải trực tiếp tham gia, nắm bắt những lợi thế to lớn của cuộc cách mạng.

Nhưng theo một khảo sát mới đây của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), mới chỉ 35,2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần này, 58,7% đã tìm hiểu nhưng chưa sẵn sàng hoặc không biết chuẩn bị gì. Còn có 6,1% không tìm hiểu và chưa biết chuẩn bị ra sao. 

Tại Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2017 do VINASA tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Việt Nam đã nói nhiều về công nghiệp 4.0 và giờ phải là lúc hành động”.

 pho thu tuong vu duc dam tai dien dan

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại diễn đàn

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các tổ chức quốc tế chỉ ra rằng, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, 20 năm tới Việt Nam phải tăng thu nhập tối thiểu trên đầu người 7%, tăng GDP 7,5-8% mỗi năm. Tăng trưởng phải bền vững. Chúng ta có dám dấn thân không? Nhân lực nếu là 'con trâu đi trước, cái cày đi sau' thì không bao giờ thoát được. Chỉ bằng nguồn nhân lực tập trung vào những lĩnh vực mới, có thể tạo ra những bước phát triển đột phá thì may chăng có thể bứt lên được".

Theo TS. Võ Trí Thành, trước Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam đang có những điểm cộng và điểm trừ. 

Nước ta đang có nhận thức và ý chí. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã coi công nghệ thông tin là một phương thức phát triển mới. Việt Nam lúc này cũng được xem là có lợi thế khi so sánh và có tên trên bản đồ Công nghệ Thông tin thế giới. Ngoài ra đã có nền tảng với 55% người dân sử dụng Internet và khoảng 60% số người dùng sử dụng smartphone. 

Thế nhưng vẫn có những điểm trừ, đó là việc triển khai chậm cả về ưu tiên nguồn lực, hành động. Mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước Asean. Nguồn nhân lực có chất lượng và hạ tầng vẫn là vấn đề lớn. 

Những ngành nghề hiện nay Việt Nam đang có lợi thế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là: Công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, du lịch, nông nghiệp và logistics. Do đó để những điểm công của mình phát huy tác dụng, Việt Nam cần tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp và sáng tạo. (Bizlive)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục