Túi PE đựng sữa mẹ chịu thuế NK 15%; Đến 31/10, bội chi NSNN khoảng 40,6 nghìn tỷ đồng, mới bằng 22,77% dự toán; Tín dụng 10 tháng ước tăng 13,5%; lãi suất cho vay giảm nhẹ; Siết đầu tư mới bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng
Tin kinh tế đọc nhanh 13-11-2017
- Cập nhật : 13/11/2017
Đà Nẵng chỉ đạo giám sát hoạt động kinh doanh casino
Các đơn vị như Sở Tài chính, Sở Văn hoá – Thể thao, Sở Kế hoạch và Đầu tư… tổ chức kiểm tra định kỳ không quá 1 lần trong năm đối với một doanh nghiệp kinh doanh casino trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
UBND TP Đà Nẵng mới đây đã ban hành văn bản giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Công an thành phố, Cục Thuế thành phố, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường quản lý, giám sát kiểm tra để đảm bảo hoạt động kinh doanh casino trên địa bàn thành phố tuân thủ đúng, đầy đủ quy định tại Nghị định số 03/2017/NĐ-CP về kinh doanh casino.
Theo đó, các đơn vị tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm, không quá 1 lần trong năm đối với một doanh nghiệp về việc tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh casino trong quá trình hoạt động kinh doanh casino của doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm
Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh casino trên địa bàn thành phố căn cứ trách nhiệm được quy định tại Thông tư số 102/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính để triển khai thực hiện.
Thông tư số 102 mới được ban hành bởi Bộ Tài chính đã cụ thể hoá quy định về thời gian, cách xác định thu nhập của người chơi casino tại các địa điểm kinh doanh casino chẳng hạn phải chứng minh thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên, doanh nghiệp kinh doanh casino có trách nhiệm lưu giữ các hồ sơ trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày cho phép người Việt Nam vào chơi casino để quản lý, giám sát, thanh tra.(Bizlive)
---------------------------
Nghịch lý giá đá xây dựng
Giá đá tại mỏ được doanh nghiệp chào bán dưới 100.000 đồng/tấn, tuy nhiên, khi vận chuyển tới công trình xây dựng thì đã độn lên tới hơn 200.000 đồng/tấn.
Nguyên nhân giá đá tăng
Đầu tháng 11, phóng viên theo chân chủ đầu tư một dự án lớn tại Long An xuống khu mỏ đá tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai tìm mua đá xây dựng. Lý do được ông Nguyễn Văn Trung, giám đốc khối xây dựng công ty bất động sản này cho biết, vì đá mua tại mỏ sẽ rẻ hơn, nguồn hàng sẽ đều và chất lượng đá tốt hơn mua ở các bãi đá tại Long An.
Đúng như ông Trung nói, giá đá tại mỏ khá rẻ vì không qua trung gian. Nơi ông Trung tìm tới mua đá là Công ty TNHH Đá Núi Nhỏ, giá đá được công ty này bán như đá hộc hỗn hợp là 50.000 đồng/tấn, đá hộc đục máy là 84.000 đồng/tấn, đá mi sàn là 85.000 đồng/tấn…
Tuy nhiên, Công ty cho biết đó là giá bán tại mỏ, còn công vận chuyển đá do phía khách hàng tự lo. Sau khi tính toán cộng giá vận chuyển thì đơn giá bắt đầu thay đổi, đơn cử như giá hộc đục đã lên tới gần 250.000 đồng/tấn.
Bà Hương, nhân viên Công ty Đá Núi Nhỏ cho biết, giá vận chuyển từ mỏ ra cảng khoảng 45.000 đồng/tấn, giá sà lan chở về Long An cũng mất hơn 50.000 đồng/tấn và giá từ cảng tại Long An về dự án khoảng 50.000 đồng/tấn. Tại các mỏ đá của Công ty Thành Trí ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị này cũng đưa ra bảng giá tương tự, nhưng giá vận chuyển cao hơn 1.000 - 2.000 đồng/tấn. Riêng các sản phẩm đá tại Bình Dương có giá vận chuyển thấp hơn, bởi tỉnh Bình Dương giáp ranh với Long An.
Bà Trịnh Hoài Linh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Trang trí nội thất Code Arch cho rằng, đây là nghịch lý của ngành xây dựng và cuối cùng vẫn là người dân chịu trận.
“Khi chủ thầu xây dựng hay doanh nghiệp bất động sản tính giá thi công, giá bán nhà sẽ tính cả phần giá thực mua nguyên vật liệu rồi áp vào giá báo cho khách hàng, giá vật liệu càng cao thì công trình sẽ đội giá lên, kết quả người dân lãnh đủ”, bà Linh nói.
Tìm hiểu thị trường đá xây dựng tại TP.HCM, hiện các công ty vật liệu xây dưng đang chào bán rất cao, đơn cử như giá đá 1x2, hiện có giá khoảng 380.000 đồng/tấn, trong khi giá bán tại mỏ đá bán ra là 140.000 - 150.000 đồng/tấn.
Mối lo thiếu đá cuối năm
Hiện nhiều dự báo cho thấy thị trường đá cuối năm sẽ khan hiếm. Đơn cử như khi ông Nguyễn Văn Trung chốt mua một lượng đá đợt đầu của Công ty Núi Nhỏ để kịp xây dựng, nhưng công ty này cũng không đủ đá để cung cấp ngay cho công ty ông Trung và phải 4 ngày sau mới có đủ đá để bán, lý do vì hiện nay đá đang khan hiến, lượng khách hàng mua khá nhiều.
Tại các mỏ đá khác của Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa, việc khan hiếm nguồn đá cũng bắt đầu xuất hiện, đặc biệt là ở những dòng đá phổ thông nhất của ngành xây dựng nhà ở.
Ông Nguyễn Văn Thường, Tổng giám đốc Công ty TNHH đá Thành Trí cho biết, hiện Công ty đang hoạt động hết công suất, khai thác hai mỏ đá lớn tại Bà Rịa nhưng vẫn không đủ đá cung cấp cho khách hàng.
“Nguồn nguyên liệu đá thì không khan hiếm, nhưng đơn hàng nhiều nên nguồn đá cung cấp thiếu. Điều này dễ hiểu bởi cuối năm là thời điểm người dân xây dựng nhà nhiều, bên cạnh đó các chủ đầu tư bất động sản cũng chạy đua phát triển xây dựng dự án và nhu cầu lượng đá lớn để xây dựng”, ông Thường nói.
Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty Trần Anh Group cho biết, Công ty đang có nhu cầu mua số lượng đá xây dựng lớn để phát triển hai dự án 110 ha và dự án 11 ha tại Long An. Tuy nhiên, hiện nay nguồn đá cung cấp luôn chậm.
Chính nhu cầu đá xây dựng lớn khiến doanh nghiệp ngành đá trên sàn chứng khoán liên tục báo lãi lớn, thị giá của các cổ phiếu này hầu hết đều ở mức cao. Những cái tên ấn tượng bao gồm Vicostone (VCS), Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Đá Núi Nhỏ (NNC), Hóa An (DHA), AMD Group (AMD)…
Đơn cử như mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cường Thuận (CTI - HOSE), công ty mẹ của Công ty cổ phần Đầu tư Đồng Thuận và Công ty đá Núi Nhỏ Biên Hòa vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2017. Theo đó, trong quý này, tổng doanh thu của CTI đạt hơn 305 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm hơn 57% còn 1,84 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí trả lãi tăng lên 54,1 tỷ đồng. Qua đó, quý III/2017, lợi nhuận sau thuế của CTI ghi nhận hơn 33,6 tỷ đồng, tăng 16,67% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, CTI đạt 867,8 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% và 109,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 26,3% so với cùng kỳ.
Các chỉ tiêu này cũng lần lượt hoàn thành 62,1% và 77,8% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra. Trong cơ cấu doanh thu trong 9 tháng đầu năm của CTI, đóng góp lớn nhất là doanh thu cung cấp bê tông nhựa nóng, đá xây dựng, dịch vụ và xây lắp hơn 392 tỷ đồng.(ĐTBĐS)
-----------------------------
Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp biết nhưng thiếu chuẩn bị
Không phải doanh nghiệp nào kể cả tư nhân và nhà nước đều có ý thức cao trong việc chuẩn bị những lộ trình cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần hiện hữu trong cuộc sống ngày nay. Chính quyền TP.HCM đang chuyển dần theo bước tiến mới của thời đại, từ việc xây dựng đô thị thông minh đến việc quản lý hành chính theo quy trình hiện đại để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Vậy còn các doanh nghiệp thành phố đã có những bước chuyển động như thế nào trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của toàn cầu này?
Đúc rút kinh nghiệm từ những năm làm việc cho các công ty chuyên cung cấp về hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ sư Lâm Hiển Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH HIT đã ý thức trong việc đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang tính toàn cầu hiện nay.
Sau khi thành lập công ty, anh Thịnh mong muốn tạo một dòng sản phẩm, những chương trình phần mềm như xếp hàng thông minh; hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện; tư vấn cải thiện hạ tầng bệnh viện bằng việc cung cấp ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin cho các bệnh viện tại TP.HCM.
“Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, ngành y tế TP.HCM đang cải thiện để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Cá nhân muốn tạo một dòng sản phẩm, muốn góp một phần trong sự phát triển của y tế thành phố, giúp cho sự phục vụ của bệnh viện tốt hơn đối với bệnh nhân”, anh Thịnh chia sẻ.
Không chỉ những doanh nghiệp mới khởi nghiệp ý thức được tầm quan trọng của cuộc cách mạng 4.0, ngay cả các doanh nghiệp lớn có thương hiệu của TP.HCM đã chủ động xây dựng cho đơn vị một lộ trình tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, trong thời đại hội nhập hiện nay, cạnh tranh là nỗi lo lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì nỗi lo ấy càng lớn.
Do đó, Vissan đang xây dựng dự án đổi mới công nghệ giết mổ và di dời nhà máy chế biến thực phẩm về huyện Bến Lức của tỉnh Long An. Đầu năm 2018 sẽ được khởi công xây dựng, cuối năm 2019 dự kiến hoàn tất giai đoạn 1 và đến năm 2020 sẽ hoàn tất toàn bộ dự án. Dự án này được ứng dụng công nghệ tự động hóa trong các dây chuyền giết mổ, chế biến thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
“Vissan có lộ trình nhất định với xu hướng Cách mạng 4.0 đang diễn ra rất nhanh hiện nay. Các dây chuyền đã được trang bị phù hợp, có tính trước để sau này dần tăng năng suất mạnh hơn có bổ sung các trang bị bằng robot để có thể tăng năng suất một cách đột biến”, ông An cho biết.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào kể cả tư nhân và nhà nước đều có ý thức cao trong việc chuẩn bị những lộ trình cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi phần lớn doanh nghiệp của thành phố là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, thiếu tiềm lực đầu tư về vốn và công nghệ, thiếu kinh nghiệm quản trị sản xuất, không có chiến lược kinh doanh, hạn chế về năng lực cạnh tranh.
Chính vì vậy, việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 không phải chỉ từ phía doanh nghiệp mà cần có sự hỗ trợ, tiếp sức từ phía Nhà nước. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rất cần những chính sách cụ thể để có thể đồng hành với các doanh nghiệp. Làm sao doanh nghiệp có thể nhanh chóng đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh để theo kịp và đây chính là cơ hội của doanh nghiệp nữa.
Theo các chuyên gia về công nghệ, Việt Nam đang hội nhập sâu vào thế giới, vì vậy nếu các doanh nghiệp không thích ứng nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì sẽ tụt hậu và không thể tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Việt Nam đã từng bỏ lỡ nhiều cuộc cách mạng công nghiệp của thế giới, do đó, để tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần có sự nhận thức đúng về vấn đề này từ đó đưa ra lộ trình hợp lý.
GS.TSKH. Bạch Hưng Khang, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho rằng, để đến với công nghiệp 4.0 trước tiên cần định nghĩa con người 4.0 nghĩa là bắt đầu từ quá trình nhận thức.
“Từ nhận thức đến việc phát triển sẽ tạo ra cơ hội nên có định hướng phải tìm hiểu thế giới sẽ đi như thế nào và cách làm của Việt Nam để hòa nhập cũng như phù hợp với đặc thù của Việt Nam”, GS.TSKH. Bạch Hưng Khang lưu ý.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng bước được khởi động. Doanh nghiệp TP.HCM cũng không thể nằm ngoài cuộc. Các doanh nghiệp cần xem đây là cơ hội để thay đổi nội lực của chính mình, để có thể hòa nhập nhanh và sâu rộng với thế giới. Từ đó góp phần xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống của cả nước và khu vực.(VOV)
---------------------
Nguyễn Kim sẽ thâu tóm Dược Lâm Đồng
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Lâm Đồng lên thành 51%.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim Group) vừa có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chào mua công khai cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Hose: LDP).
Theo đó, Nguyễn Kim Group sẽ mua cổ phiếu LDP để nâng tỷ lệ sở hữu từ 24% lên hơn 51% vốn điều lệ và LDP sẽ trở thành Công ty con của tập đoàn này. Số lượng chào mua công khai dự kiến là hơn 2,1 triệu cổ phiếu với giá chào mua tối đa 32.000 đồng. Nhiều khả năng giao dịch trên sẽ được thực hiện thông qua thỏa thuận, khi mà 1 tháng qua khối lượng giao dịch cổ phiếu LDP trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chỉ là khoảng 10.000đ/cp, và giá của cổ phiếu này chỉ dao động quanh mức 31.000 đồng.
Nhắc tới Nguyễn Kim, chúng ta thường hay nhớ ngay đến Trung Tâm Điện Máy Nguyễn Kim, vốn do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT quản lý. Vào năm 2015, thông qua PowerBuy, Central Group đã mua lại 49% cổ phần của Công ty thuộc sở hữu gia đình ông Nguyễn Văn Kim.
Ngoài ra gia đình ông Kim còn một công ty nữa, đó chính là Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim. Ngoài đầu tư vào các công ty dược phẩm, Công ty này còn đầu tư vào bất động sản, lương thực.
Mục đích chào mua là tăng tỷ lệ sở hữu tại Dược Lâm Đồng từ 24% lên 51%, đồng thời chuyển từ công ty liên kết thành công ty con của Nguyễn Kim Group. Dược Lâm Đồng công ty chuyên sản xuất nông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu.
Ngoài LDP, Nguyễn Kim Group còn sở hữu 16,48% cổ phần của dược 3/2 (hay còn gọi là F.T. Pharma).
Trong những năm vừa qua LDP làm ăn khá tốt khi đạt lợi nhuận sau thuế ổn định quanh mức 18-20 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Dược 3/2 cũng khá tốt.
Với quy mô hiện lên đến 4,7 tỷ USD, thị trường dược phẩm và chăm sóc sức khỏe đang trở nên rất hấp dẫn, khi thị trường này ở Việt Nam còn rất phân mảnh. Một điểm dễ nhận ra đối với các công ty sản xuất dược phẩm của Việt Nam là họ đều làm ăn có lãi, mặc dù so với doanh thu thì biên lợi nhuận là thấp. theo số liệu từ Frost Sullivan và World Bank, năm 2015, tổng chi phí chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam là 13 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 24 tỷ USD vào năm 2020. Đây có lẽ là lý do vì sao mà các công ty công nghệ lại tìm đến ngành dược phẩm như là một kênh để đa đang hóa hoạt động và duy trì tăng trưởng.
“Kê toa” cho Thế Giới Di Động
Vào tháng 8.2017, MWG đã trình cổ đông duyệt khoản ngân sách 2.500 tỷ đồng để mua lại chuỗi điện máy và dược phẩm. Và theo báo cáo của HSC, gã khổng lồ bán lẻ của Việt Nam nhiều khả năng sẽ mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang. Trong một động thái khác, thì MWG cũng đã đăng tuyển dược sĩ chuyên môn.
Một công ty công nghệ khác là Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Hose: DGW) cũng lấn sân vào lĩnh vưc phân phối thực phẩm chức năng. Với lợi thế về số cửa hàng và kinh nghiệm vận hành chuỗi, cả MWG và Thế Giới Số có thể tạo thành những đối thủ mới trong thị trường đầy tiềm năng này.(NCĐT)