Xóa giấy phép con: Bộ trưởng Công Thương ra 'tối hậu thư' với cấp dưới; Giao công ty vốn 1.500 tỷ làm khu phức hợp 7.300 tỷ đồng tại Thủ Thiêm; UBND Đà Nẵng kiến nghị cắt giảm quy mô 10 dự án bất động sản trên bán đảo Sơn Trà; Samsung Securities sắp mua 10% cổ phần của quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam?
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-09-2017
- Cập nhật : 07/09/2017
Hà Nội chi hơn 240 tỷ đồng làm 1,14km đường Vành đai 3,5 qua Hoài Đức
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 (các đoạn Km1+700 đến Km2+050; Km2+550 đến Km3+340), huyện Hoài Đức.
Ảnh minh họa.
Theo quyết định, quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 (các đoạn Km1+700 đến Km2+050; Km2+550 đến Km3+340) trên địa bàn huyện Hoài Đức theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị với quy mô mặt cắt ngang 60m. Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 1,14km.
Giá trị dự toán xây dựng công trình hơn 241,6 tỷ đồng, ngân sách thành phố cấp 90 tỷ đồng; phần còn lại từ kinh phí thu lại theo cơ chế trước đây các chủ đầu tư đã được đối trừ từ tiền sử dụng đất phải nộp kết hợp nguồn thu từ đấu giá đất trên địa bàn huyện Hoài Đức. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2016 - 2019.
UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Hoài Đức chịu trách nhiệm trước UBND thành phố, trước pháp luật về tính chính xác (khối lượng và kinh phí) và hợp pháp của các thông tin, số liệu, tài liệu, của hồ sơ trình phê duyệt.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ các nhà thầu đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật công trình. Tổ chức tốt biện pháp thi công và đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông cho người và phương tiện trong quá trình thi công công trình, có phương án bảo vệ môi trường đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án. Quản lý, sử dụng vốn đầu tư đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn đầu tư; thực hiện thanh toán, quyết toán đúng quy định của pháp luật.(Bizlive)
--------------------
Chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng
Ngày 6-9, Bộ Tài chính đã công bố tình hình thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 8. Theo đó, tổng thu cân đối NSNN tháng 8 ước đạt 78.200 tỉ đồng, lũy kế tám tháng đạt 762.000 tỉ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó thu nội địa gần 60.000 tỉ đồng, giảm khoảng 30.000 tỉ đồng so với tháng 7.
Đặc biệt vẫn còn 20 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán năm (dưới 63%); sáu địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ do nguyên nhân khách quan.
Trong đó, một số địa phương như Quảng Ngãi không còn áp dụng cơ chế thu điều tiết đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Vĩnh Phúc do giảm thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô; Thái Bình chủ yếu do giảm thu thuế bảo vệ môi trường từ mặt hàng xăng dầu; Thanh Hóa giảm thu từ thuế nhà thầu của tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu giảm thu từ các công ty thủy điện.
Thu ngân sách có xu hướng giảm rõ rệt thì chi ngân sách vẫn tiếp tục tăng. Tổng chi NSNN tháng 8 ước 98.000 tỉ đồng, lũy kế chi tám tháng gần 800.000 tỉ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó chi trả nợ lãi tám tháng 68.000 tỉ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 585.000 tỉ đồng, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016. Điều này khiến bội chi NSNN tám tháng ước 97.000 tỉ đồng.
Theo Bộ Tài chính, trong tháng 9, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN. Quản lý chặt việc ứng trước và chuyển nguồn chi thường xuyên, các khoản thu chi NSNN phải được thực hiện theo dự toán.
Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế để giảm số nợ thuế xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN; phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu NSNN năm 2017 được cấp có thẩm quyền giao ở mức cao nhất, để có nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ phát sinh.(PLO)
--------------------
Đàm phán NAFTA dậm chân tại chỗ
Nhiều từ ngữ lạc quan đã được đưa ra sau vòng đàm phán NAFTA lần thứ hai, song không có tiến bộ đáng kể nào được công bố.
Các quan chức Mỹ, Canada và Mexico hôm 5-9 đã kết thúc 5 ngày thảo luận tại Mexico City để xem xét lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Sau vòng thứ hai này, các nhà đàm phán của 3 nước cho biết họ đã “được khích lệ bởi tinh thần hợp tác chung” và “tin tưởng rằng có thể đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay”.
Đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer, trong cuộc họp báo với các phóng viên sau khi kết thúc đàm phán, cho biết: "Tôi vui mừng thông báo rằng chúng tôi đã tìm thấy sự đồng thuận chung về nhiều vấn đề quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc với tốc độ cao", New York Times trích lời ông Lighthizer.
Trong bản thông cáo chung được đưa ra sau đó, ông Lighthizer và các đối tác là Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Guajardo Villarreal, cho biết họ đã thảo luận những ý tưởng mới, củng cố các đề xuất hiện tại và tập hợp thành một văn bản duy nhất, làm cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Vòng đàm phán thứ ba dự kiến diễn ra vào ngày 23-9 tới tại Ottawa, Canada.
Mặc dù các nhà đàm phán tỏ ra lạc quan, nhưng không thấy có bất kỳ tiến bộ cụ thể nào được công bố, cũng như không có thông tin gì về những điểm mấu chốt mà các bên đang tranh luận.
Cuộc đàm phán lần này diễn ra khi chính quyền của Tổng thống Mỹ D.Trump cam kết sẽ thúc đẩy việc “lật ngược” các thỏa thuận thương mại của Mỹ, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất trong nước.
Trong những ngày gần đây, ông Trump dọa sẽ rút khỏi Hiệp định thương mại với Hàn Quốc. Và vài ngày trước đó, ông phê phán Canada và Mexico là "rất khó khăn" trong đàm phán NAFTA. Tổng thống Mỹ còn cảnh báo bằng tin nhắn trên Twitter rằng ông có thể phải chấm dứt thỏa thuận này.
Sự thiếu vắng những tiến bộ cụ thể sau hai vòng đàm phán đã đặt ra câu hỏi: liệu ba nước có thể hoàn tất việc đàm phán lại NAFTA trong năm nay hay không?.
Cho đến nay, Canada và Mexico đã nói rõ rằng họ sẽ không cảm thấy lo ngại bởi những lời đe dọa đơn phương của ông Trump.
Trong cuộc đàm phán này, đối với Mỹ, giảm thâm hụt thương mại vẫn là ưu tiên hàng đầu. Các thông tin liên quan tới đàm phán cho biết, phía Mỹ muốn thúc đẩy các quy định liên quan tới "quy tắc xuất xứ", buộc các nhà sản xuất ô tô phải sử dụng nhiều linh kiện của Mỹ. Phía Mỹ cũng muốn sửa đổi lại hệ thống các quy tắc giải quyết tranh chấp trong NAFTA, tạo lợi thế cho Mỹ.
Còn Canada thì quan tâm tới mức lương thấp ở Mexico và cái gọi là “luật về quyền làm việc” ở Mỹ, thứ mà Canada cho là làm suy yếu công đoàn và các tiêu chuẩn lao động ở một số vùng của Mỹ.
Về phần mình, Mexico đang tìm cách để kết hợp chương trình năng lượng của Tổng thống Enrique Peña Nieto vào NAFTA mới. Điều này sẽ giúp mở rộng hơn nữa ngành năng lượng của Mexico cho đầu tư tư nhân và có thể làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico.
Mặc dù vẫn còn nhiều chi tiết cần được tiếp tục thảo luận, song theo các nhà phân tích, quá trình đàm phán NAFTA có thể gặp khó khăn do những định hướng từ ý chí chính trị và quan điểm của Tổng thống Mỹ D. Trump.
Ông Alejandro Gómez-Strozzi, cựu Thứ trưởng Kinh tế Mexico, được New York Times dẫn lời, nhận xét: "NAFTA cần cải tiến, nhưng không phải theo ý chí của Tổng thống Mỹ".
Theo New York Times, hầu hết các chuyên gia thương mại đều đồng ý rằng việc đạt được thỏa thuận sửa đổi NAFTA trong vài tháng tới là cả một chặng đường dài.
Song, đối với hiệp định thương mại lớn như NAFTA, việc chưa có ngay các tiến bộ đột phá không phải là tin xấu. Ngược lại, thúc đẩy đàm phán quá nhanh lại có thể mang tới tác dụng ngược.(Saigontimes)
----------------------------
Thủ tướng ủng hộ phân cấp, phân quyền tối đa cho TPHCM
Hôm nay, 6/9, tại trụ sở Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù của TPHCM.
Các ý kiến tại cuộc làm việc đều nhất trí đánh giá về vị trí, vai trò quan trọng của TPHCM đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau 30 năm đổi mới, TPHCM đạt thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần vào thành tựu chung của vùng và cả nước.
Chỉ ra các thách thức đối với sự phát triển của Thành phố, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, xu hướng gia tăng dân số cơ học rất cao gây áp lực lớn đến hạ tầng, nhất là giao thông, nhà ở. Do đó, quản lý, kiểm soát dân cư là thách thức lớn nhất khi có những dự án phải điều chỉnh 3 - 4 lần so với ban đầu chỉ vì gia tăng dân số ngoài dự tính. Phó Thủ tướng cho rằng vị trí đầu tàu kinh tế đòi hỏi TPHCM tăng trưởng cao nhưng cần bền vững.
Đánh giá cao báo cáo của Thành phố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, có thể tóm lại trong 6 từ “khát vọng, trách nhiệm, sẻ chia”. TPHCM thể hiện khát vọng tiếp tục vươn lên, thể hiện trách nhiệm với cả nước, cảm thông, chia sẻ với điều kiện chung của cả nước.
Về khó khăn, thách thức, Phó Thủ tướng cho rằng có 2 điểm nổi lên là tăng trưởng của Thành phố chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng quá tải, gây cản trở trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường ngày càng gay gắt.
“Bức thiết phải có cơ chế, chính sách vượt trội cho TPHCM, nếu không tốc độ phát triển của Thành phố sẽ chậm lại”, Phó Thủ tướng nói và gợi ý Thành phố nên tập trung làm một số đề án như đề án đưa TPHCM trở thành trung tâm tài chính, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở tại Thành phố, phát triển công nghiệp văn hóa, đề án tái cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ...
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trước hết, Thành phố cần phát huy nội lực, sức sáng tạo của mình với các biện pháp đột phá, cộng thêm các cơ chế, chính sách đặc thù thì có thể phát huy hiệu quả theo cấp số nhân. Phó Thủ tướng nhất trí rằng cần thiết phải phân cấp mạnh cho Thành phố, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong một số lĩnh vực.
Phân cấp tối đa cho TPHCM
Đề nghị TPHCM tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc để hoàn thiện đề án bảo đảm tính bao quát, tổng thể, khả thi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TPHCM có nhiều cố gắng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 16 trong 5 năm qua, đạt nhiều kết quả tốt.
Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập mà “chúng ta không cố gắng vượt qua với sự phấn đấu, nỗ lực, quyết liệt sáng tạo của Thành phố cùng với cơ chế, chính sách của Trung ương thì Thành phố gặp khó khăn”.
Khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của Thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, có mặt tụt hậu. Từ nguy cơ này, đặt ra vấn đề là phải có cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù cho TPHCM, trong khi TPHCM đang trên chặng đường hướng đến là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á như Nghị quyết 16 đưa ra.
Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn đã gợi mở cho TPHCM trong cuộc làm việc vào tháng 6/2017 là trở thành thành phố toàn cầu, thành phố thông minh, nơi hội tụ văn hóa Đông – Tây gắn với các giá trị nhân văn, cùng với đó là giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa phương Nam của người Việt (mà hiện thân là những con người phóng khoáng, nghĩa hiệp, thân thiện, dũng cảm và hiếu khách).
“Yêu cầu đối với TPHCM rất cao nên tôi thấy trăn trở của đồng chí Bí thư Thành ủy là chính xác”, Thủ tướng chia sẻ.
Nhất trí với những giải pháp, phương hướng lớn mà Thành ủy TPHCM đặt ra, Thủ tướng cho rằng phải tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần xác định Thành phố còn dư địa phát triển lớn trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và cần thấy rõ hơn khoảng cách, trình độ phát triển còn thấp so với các thành phố lớn khác ở Đông Nam Á. Do đó, yêu cầu đối với Thành phố là phải đổi mới, vươn lên mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng nhất trí cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển trên địa bàn, nhất là tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố tầm nhìn 2025 – 2030, trong đó cần quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả hơn. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các thể chế, chính sách để tăng cường phát triển vùng, liên kết vùng, trong đó tập trung vào liên kết hạ tầng.
Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chú trọng nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài trong điều kiện nguồn lực Nhà nước hạn hẹp. Phát triển lĩnh vực xã hội tương xứng với kinh tế, trong đó vấn đề lớn nhất là tập trung đào tạo nguồn nhân lực.
TPHCM phải nằm trong nhóm xếp hạng cao nhất, là đầu tàu về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng nhất trí cần có cơ chế, chính sách đặc thù để TPHCM phát triển nhanh, bền vững hơn với tinh thần “Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố”. Trong đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc TPHCM cần được phân cấp, phân quyền tối đa, tạo sự chủ động, sáng tạo đối với Thành phố gắn với đề cao trách nhiệm các cấp chính quyền địa phương trong quản lý điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đối với những vấn đề liên quan đến thẩm quyền Quốc hội thì tổng hợp, đề xuất, những vấn đề mới phát sinh thì xin đề xuất làm thí điểm.
Để tạo điều kiện cho TPHCM, Thủ tướng nêu rõ tinh thần của Ban cán sự Đảng Chính phủ là ủng hộ đẩy mạnh phân cấp ủy quyền theo hướng cho phép Thành phố thực hiện một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phê duyệt một số dự án, điều chỉnh một số loại quy hoạch, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, của Chính phủ trên địa bàn.(Chinhphu)