Châu Âu gia tăng chống phá giá đối phó với Trung Quốc; Samsung có thể 'lấn sân' đầu tư viễn thông tại Việt Nam; Tetra Pak xây nhà máy tại Việt Nam: Thị trường bao bì tăng nhiệt; Thị trường bất động sản quý III: Hàng loạt thương vụ M&A lớn
Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-10-2017
- Cập nhật : 06/10/2017
Nikkei: Việt Nam đổi nhóm tư vấn tài chính để đẩy nhanh tiến trình tư nhân hóa DNNN
Việt Nam hy vọng sẽ huy động được 111 tỷ USD cho ngân sách vào năm 2020 thông qua tái cơ cấu gần 140 doanh nghiệp Nhà nước.
Việt Nam đang có những biện pháp nhất định trong việc đẩy mạnh tư nhân hóa các Doanh nghiệp Nhà nước
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố, UBS AG Singapore và CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) được chọn làm đơn vị tư vấn bán 3,33% cổ phần Nhà nước của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Đây là phiên đấu giá lượng cổ phiếu tồn lại trong năm 2016; SCIC dự kiến sẽ chào bán lượng cổ phiếu này trong tháng 10 này và ước tính thu về khoảng từ 6.500 – 7.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 300 triệu USD).
Nhóm tư vấn mới được chỉ định thể thay thế liên danh tư vấn trong năm ngoái bao gồm Morgan Stanley, SSI và VinaCapital.
Nếu hoàn tất đợt bán cổ phần sắp tới, Chính phủ Việt Nam vẫn nắm trong tay 36% vốn cổ phần và vẫn giữ quyền phủ quyết cho mình tại Vinamilk.
Trong phiên bán 9% cổ phần Vinamilk cuối năm ngoái, riêng Fraser & Neave (F&N) của Singapore đã mua lại 5,4% thông qua 2 công ty con. Mức giá giao dịch theo thỏa thuận là 144.000 đồng/cp, tổng giá trị thương vụ tương ứng 500 triệu USD, cao hơn 7,7% so với giá thị trường. Hiện tại, F&N cũng chính là cổ đông nước ngoài lớn nhất của Vinamilk, tỷ lệ nắm giữ 18,74% vốn cổ phần.
Mới đây, công ty Chứng khoán TP HCM (HSC – Mã: HCM) đưa ra dự báo lợi nhuận của Vinamilk trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 8.600 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
“Đây là lượng tài sản có giá trị lớn và chúng tôi hy vọng sẽ có được kinh nghiệm từ mỗi lần bán đấu giá”, Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi nói với tờ Nikkei Asian Review. Ông cũng cho rằng việc bán vốn cần phải được thực hiện một cách thận trọng để đem lại hiệu quả tốt nhất và không làm méo mó thị trường chứng khoán.
Những chất xúc tác quan trọng
Vinamilk là một trong những nhân tố quan trọng trong kế hoạch thoái vốn của SCIC bắt đầu năm 2015. SCIC đã thu hút 10 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hàng đầu, bao gồm Vinamilk, FPT , FPT Telecom, Bảo Minh, Nhựa Bình Minh. Năm doanh nghiệp Nhà nước khác đã được thêm vào danh sách trong năm nay.
Chính phủ đang tìm cách đẩy mạnh tư nhân hóa trong năm nay để cải thiện tình hình tài chính quốc gia. Số liệu chính thức được công bố hồi tháng trước cho thấy tổng nợ công của Việt Nam đã tăng lên 118 tỷ USD, tương đương 61% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2015 - đạt mức trần 65%. Một số nhà kinh tế cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều khi nợ DNNN được chính phủ bảo lãnh.
Việt Nam đang có nhu cầu cấp thiết về việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải tiến các dịch vụ công nếu muốn giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Cấu trúc nền kinh tế cần phải được cải cách để sẵn sàng cho hiệp định thương mại tự do với EU dự kiến sẽ được thực hiện trong năm tới.
Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước đã làm chậm tiến độ và mục tiêu thoái vốn. Và kết quả, đã có cảnh báo, cắt giảm lương, phạt tiền hoặc thậm chí là truy tố hình sự đối với những hành vi này.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất chuyển vốn của Sabeco và Habeco sang cho SCIC nếu Bộ chưa hoàn thành bản cáo bạch trước ngày 30/9.
Cả hai doanh nghiệp trên đều được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM với giá trị vốn hóa thị trường lần lượt là 7,2 tỷ USD và 1,3 tỷ USD. Thủ tướng muốn thấy các thương vụ thoái vốn phải diễn ra nhanh chóng vì lý do Chính phủ sẽ "không buôn bán bia và sữa". Thủ tướng cũng cho rằng, các doanh nghiệp này sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu được tư nhân hóa.
Việt Nam hy vọng sẽ hoàn tất cơ cấu lại 137 doanh nghiệp Nhà nước vào năm 2020, dự kiến quá trình này sẽ huy động được khoảng 11 tỷ USD cho ngân sách nhà nước, tương đương với hơn 10% nợ công quốc gia.
Trong một báo cáo của Tập đoàn Eurasia vào tháng 9 cho thấy, các mục tiêu này dường như sẽ khó đạt được. Các rào cản bao gồm sự thiếu minh bạch, kiểm toán không thật sự chặt chẽ, quản lý yếu kém và quá trình điều tra tham nhũng đang được thực hiện triệt để.
Việt Nam đã chấp thuận cho 34 trên tổng số 137 doanh nghiệp Nhà nước để thực hiện cổ phần hóa trong ba quý đầu năm, con số này trong năm 2017 là 44 doanh nghiệp. Tuy vậy, chỉ có 11 doanh nghiệp đã thực hiện được cam kết, áp lực tư nhân hóa sẽ tăng lên rất mạnh vào quý cuối cùng trong năm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang cho thấy kết quả tốt, tăng trưởng 20% trong năm nay.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì một cuộc họp với 14 tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam thảo luận về tăng cường hệ thống pháp luật và môi trường kinh doanh. Khu vực tư nhân hiện đang chỉ đóng góp khoảng 43% giá trị cho tổng sản phẩm quốc dân hiện nay.
Trong tháng 7, Thủ tướng cũng thành lập một tổ tư vấn kinh tế bao gồm các nhà kinh tế Việt Nam đang nghiên cứu tại Pháp, Nhật Bản, Singapore và Mỹ để đề xuất các chiến lược và đánh giá sự phát triển kinh tế trong nước và toàn cầu.(KT&TD)
----------------------------
Hà Nội có thêm khu đô thị tại Hà Đông và Long Biên
Khu đô thị mới Bắc Lãm tại quận Hà Đông và dự án xây dựng khu nhà ở Thượng Thanh quận Long Biên vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Theo đó, ngày 28/9, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6777/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Bắc Lãm, tỷ lệ 1/500, tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Theo quyết định, phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Bắc Lãm, tỷ lệ 1/500 với Quy mô diện tích khu đất lập quy hoạch khoảng 41,79ha; Dân số khoảng 8.886 người.
Cùng ngày, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6760/QĐ-UBND thu hồi 2.164m2 đất (diện tích đất hạ tầng kỹ thuật) thuộc khu C khu nhà ở tại tổ 18, phường Thượng Thanh, quận Long Biên giao Công ty TNHH An Quý Hưng sử dụng cùng với 3.361m2 đất trúng đấu giá để thực hiện đồng bộ Dự án xây dựng khu nhà ở Thượng Thanh.
Theo đó, trong tổng số 5.525m2 đất có: 1.904m2 đất để xây dựng nhà ở thấp tầng; 3.621m2 đất để xây dựng nhà ở cao tầng; 198,3m2 đất để làm cây xanh, đường giao thông nội bộ...(NDH)
-----------------------------
Trung Quốc vượt Mỹ về tiêu thụ cá tra Việt Nam
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8-2017 giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc bất ngờ cao gấp hơn hai lần sang thị trường Mỹ.
Với kết quả này, Trung Quốc lại vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong tám tháng đầu năm với giá trị đạt hơn 247 triệu USD, chiếm 21% tổng giá trị, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo VASEP, khả năng lớn từ nay tới cuối năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục giảm. Cho đến nay chương trình thanh tra cá da trơn và thuế chống bán phá giá với sản phẩm cá tra philê đông lạnh tại Mỹ là “hàng rào” ngăn cản doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.(PLO)
-------------------------------
Ba hãng hàng không châu Âu nối gót nhau phá sản
Từ tháng 8 đến nay, ba hãng hàng không châu Âu đã lần lượt “nối gót” nhau phá sản - theo trang CNN Money.
Hãng Air Berlin của Đức và hãng hàng không quốc gia Alitalia của Italy là hai quân bài domino đầu tiên đổ xuống. Tiếp đó, vào hôm thứ Hai tuần này, đến lượt hãng Monarch Airlines của Anh tuyên bố phá sản, khiến 110.000 hành khách bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Ba hãng bay lâm cảnh đổ vỡ chỉ trong vòng 50 ngày đã đặt ra câu hỏi về tình trạng sức khỏe của ngành hàng không châu Âu, một nơi đang diễn ra cạnh tranh khốc liệt và sự dịch chuyển mô hình kinh doanh.
Các nhà phân tích nói rằng sẽ có thêm những vụ phá sản nữa trong thời gian tới, khi những hãng hàng không nhỏ và yếu hơn chịu sức ép ngày càng lớn.
“Vấn đề chính nằm ở quy mô và sự cạnh tranh”, nhà phân tích Rob Byde thuộc Cantor Fitzgerald phát biểu. “Có thể sẽ có thêm những vụ sáp nhập và đổ vỡ trong ngành hàng không châu Âu”.
Những hãng bay giá rẻ như Ryanair và EasyJet đã chiếm một thị phần lớn ở châu Âu nhờ tung ra những chuyến bay có giá chỉ từ 10 Bảng, tương đương khoảng 13,3 USD - một mô hình giúp các chuyến bay của họ luôn được lấp đầy và khiến các hãng đối thủ điêu đứng.
“Khi ngành hàng không nhận thấy nguồn cung ghế tăng nhanh hơn nhu cầu, tất cả bọn họ đều giảm giá”, nhà phân tích độc lập về ngành hàng không Louise Cooper phát biểu. Theo bà Cooper, đó là lúc mà thua lỗ tràn lan bắt đầu xuất hiện.
Các hãng bay nhỏ không thể chạy đua nổi với các hãng bay giá rẻ hàng đầu vì họ thiếu quy mô để đàm phán giảm giá các yếu tố đầu vào như xăng dầu. Trong khi đó, các hãng hàng không quốc gia lại phải gánh nhiều chi phí do lịch sử để lại và bị đặt nhiều kỳ vọng nên không dám áp dụng chiến thuật giống như các hãng bay giá rẻ mới theo đuổi.
Ông Gerald Khoo,một chuyên gia về lĩnh vực giao thông thuộc ngân hàng đầu tư Liberum, nói những hãng yếu nhất trong ngành hàng không châu Âu giờ đang bị gạt sang bên lề. “Điểm chung của các hãng này là gặp khó khăn tài chính trong nhiều năm, và chịu sức ép cạnh tranh từ những đối thủ làm ăn hiệu quả hơn”, ông Khoo nói.
Ngoài ra, ngành hàng không châu Âu còn đang đối mặt với một số thách thức khác, bao gồm tình trạng khan hiếm phi công và những vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Nguy cơ khủng bố đã khiến những hãng như Monarch tránh những điểm đến hút du khách như Tunisia hay Ai Cập.
Tuy nhiên, đối với những hãng hàng không nhiều tiền hơn, khó khăn hiện nay được xem là cơ hội. Tuần trước, Qatar Airways tuyên bố thâu tóm cổ phần trong hãng Meridiana của Italy, theo đó mở rộng mạng lưới ở châu Âu.
Vụ phá sản của Monarch là vụ phá sản lớn nhất lịch sử ngành hàng không Anh. Ngoài 110.000 hành khách bị mắc kẹt, vụ phá sản này còn ảnh hưởng đến 750.000 người đã đặt chuyến bay hoặc tour du lịch. Cơ quan Hàng không dân sự Anh (CAA) cho biết sẽ sắp xếp chuyến bay thay thế để đưa toàn bộ số hành khách bị mắc kẹt về nước trong vòng 2 tuần.(Vneconomy)