Đề nghị kê biên hàng loạt bất động sản của ông Trầm Bê; Thừa vốn nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận; Chuỗi cung ứng nông sản sạch - "đường đi" dành cho nông sản Việt vào siêu thị; Tăng trưởng tín dụng lên 21%: Những hệ lụy cần lưu ý
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 06-10-2017
- Cập nhật : 06/10/2017
Nợ công Mỹ tăng liên tiếp trong... 60 năm
Tổng nợ công của chính phủ Mỹ đã tăng thêm 671 tỉ USD trong tài khóa 2017, qua đó đánh dấu tài khóa thứ 60 liên tiếp chứng kiến sự gia tăng này.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ, nợ công của Mỹ vào cuối tài khóa 2016 là hơn 19.573 tỉ USD. Đến cuối tài khóa 2017 (khép lại vào hôm 30-9 qua), con số này là hơn 20.244 tỉ USD.
Tờ Washington Examiner cho rằng trong lúc quốc hội kiểm soát chi tiêu, chính quyền ông Donald Trump (mới cầm quyền trong hơn 8 tháng cuối cùng của tài khóa 2017) có một số bước đi để giảm nhu cầu vay mượn của chính phủ.
Đáng chú ý, mức tăng trên thấp hơn gần phân nửa so với những năm ông Barack Obama nắm quyền (2009-2017) - bình quân hơn 1.000 tỉ USD sau mỗi tài khóa.
Riêng trong tài khóa 2000, nợ công chỉ tăng gần 18 tỉ USD (mở đầu ở mức 5.656 tỉ USD và khép lại ở mức 5.674 tỉ USD).
Tài khóa 1957 là thời điểm gần đây nhất nợ công Mỹ sụt giảm. Khi đó, nợ công của Mỹ là khoảng 270,52 tỉ USD, giảm so với mức 272,75 tỉ USD của tài khóa trước đó. Đến tài khóa 1958, con số này lại tăng lên 276,34 tỉ USD và kể từ đó nó tiếp tục tăng cho đến con số kỷ lục nói trên.
Điều này đồng nghĩa ông Dwight Eisenhower là tổng thống Mỹ gần đây nhất lãnh đạo đất nước trong tài khóa chứng kiến nợ sụt giảm.
Kể từ năm 1977, tài khóa liên bang Mỹ bắt đầu từ ngày 1-10 và khép lại vào ngày 30-9 năm sau đó. Trước đó, trong giai đoạn 1842-1977, tài khóa Mỹ bắt đầu từ ngày 1-7 và kết thúc ngày 30-6 năm sau.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, tổng nợ liên bang bao gồm "nợ do công chúng nắm giữ" và "nợ do các cơ quan chính phủ nắm giữ". (NLĐ)
-------------------------------
Evan Spiegel vẫn tin vào Spectacles bất chấp doanh số èo uột
Chiếc kính Spectacles đã tạo nên sự hưởng ứng cực kỳ sôi nổi trong cộng đồng mạng. Tuy vậy, doanh số bán của nó vẫn rất ảm đạm.Nguồn ảnh: technobuffalo.com
Đăng đàn tại Vanity Fair Establishment Summit hồi đầu tuần, CEO Evan Spiegel của Snap đã tiết lộ doanh số bán chiếc kính thông minh Spectacles sau 4 tháng ra mắt đã đạt “hơn 150.000 chiếc”. Đây là một con số kém khá xa so với những gì mà người ta trông đợi, nếu so với các hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ mà nó mang lại trong thời gian đầu. Tuy nhiên, chàng tỉ phú công nghệ Spiegel, vốn từng là người trẻ tuổi nhất có tổng tài sản trên 1 tỉ USD, vẫn tin vào tương lai của thiết bị này khi mạnh dạn so sánh nó với iPod. Mẫu máy nghe nhạc đầu tiên của Apple từng có doanh số bán thậm chí còn thấp hơn (143.000 chiếc) trong năm đầu tiên có mặt trên thị trường.
Snap đã đạt được thành công ngày hôm nay là nhờ mảng phần mềm: ứng dụng nhắn tin Snapchat. Là sản phẩm phần cứng đầu tiên do Snap phát triển, Spectacles là một chiếc kính râm nhưng có trang bị camera cho phép người dùng chụp ảnh và quay clip nhanh, sau đó đăng tải trực tiếp lên Snapchat. Evan Spiegel tuyên bố Spectacles là sản phẩm phần cứng đầu tiên và đang giúp Snap đặt những viên gạch nền móng vào lĩnh vực sản xuất phần cứng.
“Phần cứng sẽ đóng vai trò như một thứ phương tiện giúp chúng tôi nâng cao trải nghiệm người dùng. Và việc đó sẽ cần diễn ra trong thời gian khoảng 1 thập niên”, Evan Spiegel tuyên bố về tầm nhìn của Snap khi lấn sân sang mảng phần cứng.
Vào tháng trước, Bloomberg đã đưa tin về việc cắt giảm nhân sự tại bộ phận phát triển phần cứng của Snap. Hãng này sau đó cũng chính thức tuyên bố thay đổi nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao. Đến nay, đã xuất hiện nhiều luồng dư luận cho rằng Snap đã không thực sự quan tâm đến phát triển phần cứng như tuyên bố, mà đây chỉ là chiêu bài để hãng này tự nâng cao giá trị vốn hóa thị trường. Việc tung ra Spectacles, đặc biệt bằng cách bán hàng thông qua những chiếc máy bán hàng tự động, đã tạo ra hiệu ứng marketing cực tốt cho Snap, cả trên mặt báo lẫn trên mạng xã hội.
Sau màn chào sân có thể xem là thất bại của Spectacles, Evan Spiegel vẫn chưa tiết lộ về lộ trình tiếp theo của Snap trong việc phát triển phần cứng. Tuy nhiên, theo TechCrunch, phiên bản 2 của Spectacles có thể sẽ được tích hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), một hướng đi mà Google đã từng thất bại với Google Glass.(NCĐT)
------------------------------
12 dự án thua lỗ ngành Công thương: Có thể cho phá sản
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương nêu ra nhiều phương án "giải cứu", trong đó có cả phương án cho phá sản.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Mục tiêu của Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương là sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước.
Trong đó, trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện; đến hết năm 2018 phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp; đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.
"Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp"- Đề án nêu rõ.
Cụ thể đối với nhóm 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án.
Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại Nhà máy trước khi các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi dự án.
Với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, ưu tiên chọn phương án Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án còn lại, gồm: Tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu là Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); Tiếp tục triển khai dự án, thanh lý hợp đồng với nhà thầu là Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam để tìm nhà thầu khác; Dừng triển khai dự án, phá sản Công ty.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi dự án. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn phương án: Cho thuê tài chính - Bán tài sản.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên ưu tiên chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án: Bán dự án hoặc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư dự án.
Với dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án nhà máy gang thép Lào Cai, tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án.
Với Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), ưu tiên chọn phương án chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ chuyển sang triển khai phương án: Phá sản DQS theo quy định của pháp luật.
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex) ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc phương án: PVTex chuyển nhượng Công ty.
Trong trường hợp cả 2 phương án triển khai không thành công thì sẽ xem xét phương án: Phá sản Công ty theo quy định của pháp luật.
Còn với dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của dự án; đồng thời, Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của dự án; lập báo cáo tình hình thực hiện các khoản nợ phải thu, phải trả của dự án đến thời điểm 31-12-2016.(NLĐ)
--------------------
Brazil kịp phá âm mưu đào hầm cướp ngân hàng
Cảnh sát Brazil đã phá được âm mưu táo bạo nhằm cướp hơn 330 triệu USD một ngân hàng ở thành phố Sao Paulo. Nếu thành công, đây sẽ là vụ cướp ngân hàng lớn nhất thế giới.
Các nhà điều tra cho biết băng cướp đã đào xong một đường hầm dài hơn 500m từ một căn nhà cho thuê thẳng đến một chi nhánh của Ngân hàng nhà nước Banco do Brasil.
"Đây có thể là vụ cướp ngân hàng lớn nhất trên thế giới" - báo Guardian dẫn lời nhà điều tra địa phương Fabio Pinheiro Lopes.
"Chúng là một băng cướp có tổ chức cực kỳ nguy hiểm có lịch sử lâu đời, dính líu đến nhiều tội ác bạo lực như giết người. Tuổi của chúng hầu hết đều trên 35, cao hơn nhiều so với tuổi trung bình của giới tội phạm Brazil" - ông Lopes nói thêm.
Cảnh sát Brazil đã theo dõi băng cướp hơn hai tháng qua nhưng họ chỉ phát hiện đường hầm trên hôm 2-10.
16 tên của băng cướp đã bị bắt tại một nhà kho ở ngoại ô Sao Paulo hồi đầu tuần này. Đây cũng là nơi chúng cất giấu các dụng cụ để đào hầm và vận chuyển tiền qua đường hầm, quần áo, thực phẩm và nước.
Theo cảnh sát, khoảng 20 thành viên của băng cướp đã bỏ tiền túi hơn 1,27 triệu USD để đào hầm. Chúng đào đường hầm trong khoảng bốn tháng, chủ yếu bằng tay và thải đất đá xuống một đường thoát nước ngầm.
Đường hầm được gia cố bằng gỗ, thép và thậm chí được trang bị đèn chiếu sáng và hệ thống thông khí. Cảnh sát nghi ngờ chúng có sự giúp sức của kỹ sư để đào được đường hầm chắc chắn như vậy.
Bọn chúng dự kiến thực hiện vụ cướp vào cuối tuần này và đã chuẩn bị sẵn bảy chiếc xe để vận chuyển tiền.
Lối vào đường hầm cao 1,5m này là một nhà kho được một phụ nữ đứng ra thuê bằng giấy tờ giả.
Cảnh sát cho biết cầm đầu băng cướp là tên tội phạm Alceu Céu Gomes Nogueira, 35 tuổi. Hắn cũng tham gia hỗ trợ một vụ cướp khác hồi đầu năm nay ở nước láng giềng Paraguay.
Âm mưu cướp ngân hàng ở Sao Paulo gợi lại vụ cướp bằng đường hầm chấn động cách đây 12 năm tại thành phố Fortaleza. Trong vụ cướp đó, bọn tội phạm đã lấy đi 70 triệu USD từ ngân hàng Fortaleza Central Bank.
Tuy nhiên đằng sau âm mưu cướp ngân hàng ở Sao Paulo là mạng lưới hoạt động ngầm của các băng đảng của Brazil.
Ông Lopes cho biết cảnh sát Brazil đang lần theo mối liên hệ của băng buôn lậu ma túy First Command of the Capital (PCC) của Sao Paulo.
"Đối với một chiến dịch quy mô và tốn kém như thế này, chỉ có PCC có khả năng chi trả" - nhà cố vấn rủi ro Rafael Saliés của Tổ chức Southern Pulse Intelligence nhận định.
Băng PCC từng khởi xướng đợt bạo lực năm 2006 tại Sao Paulo khiến hàng trăm người thiệt mạng. Hiện tại nhóm này đã trở thành băng đảng tội phạm có tổ chức mạnh nhất Brazil với hơn 22.000 thành viên. Trong vài năm qua, băng này đã mở rộng hoạt động toàn Brazil.