IMF quan ngại đà phục hồi kinh tế toàn cầu; Nga chỉ trích Mỹ gây áp lực với các hãng truyền thông; Samsung và LG bị cáo buộc đang gây tổn hại cho ngành công nghiệp Mỹ; Dịch vụ mới của Amazon khiến FedEx lao đao và sẽ đe dọa ngành giao vận của nước Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-10-2017
- Cập nhật : 06/10/2017
Đầu tư vào Gemadept, CJ lấn sân sang ngành logistics
Tập đoàn CJ của Hàn Quốc đã mua lại hơn 50% cổ phần trong các công ty con về vận tải và hậu cần của Gemadept.
Nguồn ảnh: Nikkei
Theo hồ sơ đăng ký hôm thứ Ba 3/10 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn CJ của Hàn Quốc đã mua lại hơn 50% cổ phần các công ty con chuyên về vận chuyển và hậu cần của Gemadept, công ty logistics lớn nhất Việt Nam.
Tuy con số cụ thể chưa được tiết lộ, nhưng theo Nikkei đưa tin thì những người trong cuộc ước tính thỏa thuận này có trị giá hơn 120 triệu USD.
CJ Group đang đặt mục tiêu là trở thành 1 trong 5 công ty logistics hàng đầu trên thế giới. Đầu năm nay, kênh tin Investor Newswire dẫn lời CEO Park Geun-tae của CJ Logistics rằng ông đang tìm kiếm các công ty logistics tại Đông Nam Á và đã "quan tâm" tới Gemadept. Trong những năm gần đây, CJ Logistics đã mua lại nhiều công ty ở Châu Á như China Shenzhen Speedex Commercial Service và Rokin Logistics (đều của Trung Quốc), Century Logistics (Malaysia), Ibrakom (UAE) và Darcl Logistics (Ấn Độ).
Gemadept được thành lập vào năm 1990, và hiện sở hữu 12 công ty con trong lĩnh vực hậu cần, khai thác cảng, lâm nghiệp và bất động sản. Đây là một trong ba doanh nghiệp nhà nước đầu tiên của Việt Nam được cổ phần hóa và niêm yết. Trong năm 2016, Gemadept đã thu về 162 triệu USD doanh thu, tăng 4% so với năm trước, trong khi lợi nhuận trước thuế giảm 5% xuống còn 20 triệu USD. Công ty này đang có mục tiêu đạt doanh thu 165 triệu USD và lợi nhuận trước thuế 23,2 triệu USD trong năm nay, sau khi cơ cấu lại và thoái vốn. Tháng trước, Gemadept đã chuyển nhượng 15% cổ phần tại CJ Việt Nam cho CJ O Shopping.
Hồi tháng 3 vừa qua, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CJ Group Việt Nam, từng chia sẻ với báo chí rằng tập đoàn này có một quỹ dành cho hoạt động đầu tư và thâu tóm, và quan tâm đến các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đang được cổ phần hóa. CJ đã đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 30% và muốn đa dạng hóa vào nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam. Đến năm 2016, công ty đã đầu tư 500 triệu USD vào các lĩnh vực nông nghiệp, giải trí, dược phẩm và bán lẻ tại Việt Nam, và lên kế hoạch tăng danh mục đầu tư lên 1 tỷ USD vào cuối năm.
Năm ngoái, CJ Việt Nam đã đạt doanh thu hơn 740 triệu USD và lợi nhuận trước thuế 36 triệu USD, chủ yếu là từ các mảng thức ăn chăn nuôi, nông nghiệp và giải trí. Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1998, ban đầu CJ kinh doanh trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và hiện đã trở thành một trong bốn công ty hàng đầu trong ngành này. Hiện CJ đang chuẩn bị xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 6 tại Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay.
CJ cũng bắt đầu tấn công vào ngành thực phẩm trong năm 2007 với chuỗi cửa hàng bánh ngọt Tous Les Jours, và đến tháng 9 năm ngoái thì chuỗi này đã có 30 cửa hàng trên cả nước. Trong năm 2011, CJ chi hơn 73 triệu USD để thâu tóm khoảng 80% cổ phần của Megastar, chuỗi rạp phim lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó.
Trong vài năm gần đây, CJ tập trung nhiều hơn vào chế biến thực phẩm và đầu tư vào các đối tác địa phương. Sau khi bất thành trong việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Vissan, CJ đã mua lại thương hiệu kimchi Ông Kim, cũng như mua 47,33% cổ phần tại CTCP thực phẩm Cầu Tre vào tháng 11 năm ngoái, sau đó tiếp tục nâng cổ phần tại đây lên 71,6% vào tháng 5 vừa qua.
Trong quý I năm nay, CJ đã đầu tư 13,44 triệu USD để mua 65% cổ phần của Minh Đạt, một thương hiệu hàng đầu trong thị trường thịt viên.
CJ cũng đã xây dựng nhiều mối quan hệ với các đối tác địa phương để giảm rủi ro. Một trong số đó là Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), công ty quốc doanh lớn nhất tại TPHCM. Satra đang sở hữu một số thương hiệu thực phẩm nổi tiếng, và có mạng lưới phân phối toàn quốc được CJ tận dụng để phân phối sản phẩm.
Năm nay, CJ đã đầu tư 61,8 triệu USD vào một tổ hợp chế biến thực phẩm, có bao gồm luôn một trung tâm nghiên cứu, tại KCN Hiệp Phước ở TPHCM. Dự án này được thực hiện thông qua quan hệ hợp tác với một công ty con của Satra, và sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7/2018. CJ cũng đang đàm phán với các công ty chăn nuôi để phát triển chuỗi cung cấp thức ăn gia súc.(NCĐT)
----------------------------
Món đầu tư thành công nhất của tỉ phú Warren Buffet
Tỉ phú Warren Buffet nói rằng khoản đầu tư tốt nhất một người có thể thực hiện là khoản đầu tư không bao giờ thất bại, không bị đánh thuế và thậm chí lạm phát cũng không làm nó hao hụt.
- Tỉ phú Buffett công khai chứng từ thuế "đập lại" ông Trump
- Nhờ dự đoán đúng, tỉ phú Warren Buffett bỏ túi 12 tỉ USD
- Có 70 tỉ đô, bạn có dám 'chơi' theo cách của Warren Buffett
Khi còn trẻ, Warren Buffet là một người sợ xuất hiện trước đám đông - Ảnh: Reuters
"Sau tất cả, có một khoản đầu tư vượt lên trên hết: Đầu tư vào bản thân. Không ai có thể lấy đi những gì bên trong bạn, và tất cả mọi người đều có những tiềm năng họ chưa dùng đến" - ông Warren Buffet, người được mệnh danh "Nhà thông thái xứ Omaha", đúc kết kinh nghiệm bản thân trong cuộc phỏng vấn mới đây trên tạp chí Forbes.
Một lần "đầu tư vào bản thân" đáng nhớ của tỉ phú Buffet là khi ông mới trưởng thành. Khi đó, chàng thanh niên nhút nhát Buffet đã chi 100 USD để đăng ký khóa học diễn thuyết trước công chúng của trường Dale Carnegie, hành động mà sau này nhà tỉ phú mô tả là thay đổi cả cuộc đời ông.
"Hồi còn trẻ, tôi sợ kinh khủng lúc nói chuyện trước đám đông. Tôi không làm được" - ông trùm đầu tư của Mỹ nhớ lại. Thật ra, ông thừa nhận rằng bản thân cảm thấy muốn bệnh lúc sắp bước lên bục phát biểu.
"Các bạn sẽ không tin tôi trông ra sao khi phải đọc diễn văn. Tôi ói mửa" - ông Buffet viết trong cuốn hồi ký "Hòn tuyết lăn: Cuộc đời và sự nghiệp của Warren Buffet".
Thảm hại đến vậy, nhà đầu tư trẻ vẫn quyết tâm phải vượt qua nỗi sợ nói trước công chúng, và trên hết, để "cua" cho được cô gái Susan Thompson, người sau này trở thành vợ ông.
"Tôi tỏ tình với vợ vào giữa khóa học, tôi đã trở nên rất tự tin vào bản thân. Nó giúp tôi bán được cổ phiếu ở Omaha dù chỉ mới 21 tuổi, thậm chí nhìn còn trẻ hơn" - ông Buffet kể lại trên tạp chí Forbes.
Bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, không chỉ là số tiền kiếm được, mà còn biết bao niềm vui cuộc sống mang lại; khi bản thân trở nên thú vị hơn, bạn sẽ có thêm nhiều bạn bè. Vậy thì, hãy làm đi, đầu tư vào bản thân đi!
Warren Buffet
Từ những trải nghiệm riêng, nhà đầu tư cho rằng một người có thể thúc đẩy tiềm năng "đơn giản chỉ bằng cách giao tiếp tốt hơn" và "trau chuốt tài năng của bản thân".
"Khai thác tiềm năng sẽ giúp bạn có một cuộc sống thú vị hơn, nhưng ngoài hôm nay thì không có lúc nào tốt hơn để bắt đầu. Hãy khắc phục những gì bạn cảm thấy là điểm yếu của mình, và làm ngay bây giờ. Bất cứ gì bạn muốn học thêm, hay làm ngay hôm nay. Đừng chờ đợi đến tuổi già" - nhà tỉ phú thông thái Buffet cho lời khuyên.(Tuoitre)
-----------------------------
Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ phủ sóng cả khu vực nhà nước
Đến năm 2020, toàn thị trường có ít nhất 300.000 máy quẹt thẻ (POS) được lắp đặt. Trong đó 100% kho bạc nhà nước các quận và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thiết bị chấp nhận thẻ phục vụ thu ngân sách nhà nước.
- Thói quen tiền mặt vẫn 'đánh bật' văn hóa 'cà thẻ trả tiền'
Hiện người dân có thể dễ dàng thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại qua các thiết bị di động - Ảnh: HỮU THUẬN.
Đó là một trong những nội dung của kế hoạch phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua thiết bị chấp nhận thẻ giai đoạn 2017-2020 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Theo kế hoạch này, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu số lượng giao dịch qua POS phải đạt trên 200 triệu giao dịch/năm.
Ngoài ra, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán khi mua hàng.
Mục tiêu hướng đến của Ngân hàng Nhà nước là thực hiện một số giải pháp đồng bộ để phát triển thanh toán thẻ, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực dân cư.
Để thực hiện mục tiêu này, các giải pháp chủ yếu được đưa ra là phát triển, hoàn thiện hạ tầng chấp nhận thanh toán thẻ tại điểm bán. Ngoài ra, sẽ áp dụng các công nghệ thanh toán thẻ mới, hiện đại, có tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện lợi.
Trong đó bao gồm thanh toán sử dụng công nghệ thẻ chip (tiếp xúc và không tiếp xúc), thanh toán bằng thiết bị di động sử dụng công nghệ NFC/MST, thanh toán qua QR Code.(Tuoitre)
----------------------
Nhu cầu than trong nước năm 2017 sẽ đạt 55,2 triệu tấn
Tại hội nghị "Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo an toàn - hiệu quả - bền vững", ông Kiều Kim Trúc, đại diện ban Khoa học Công nghệ và Chiến lược phát triển - Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam cho biết nhu cầu sử dụng của nước ta chủ yếu là than nhiệt để cung cấp cho nhiệt điện, xi măng, phân đạm, hóa chất. Nhu cầu về than mỡ phục vụ luyện kim và than bùn sử dụng làm chất đốt, phân bón không nhiều.
Theo điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 (QH403), nhu cầu sử dụng than nói chung và cho nhiệt điện nói riêng trong năm 2017 là 55,2 triệu tấn (nhiệt điện chiếm 39 triệu tấn, tương đương 71%), năm 2020 là 86,5 triệu tấn (nhiệt điện chiếm 64,1 triệu tấn, tương đương 74%) và giai đoạn từ năm 2025 - 2030 nhu cầu là 120 - 150 triệu tấn.
Cũng theo QH403, khả năng sản xuất than thương phẩm của toàn ngành giai đoạn 2017 - 2020 có thể đạt từ 42,6 - 56,6 triệu tấn, trong đó TKV chiếm khoảng từ 72-84%.
Theo kết quả đánh giá cho thấy than sản xuất không đáp ứng nhu cầu trong nước nói chung và sản xuất điện nói riêng, phải nhập khẩu với khối lượng lớn. Ước tính nhập khẩu than năm 2017 đạt 11,7 triệu tấn (nhiệt điện chiếm 37%), năm 2020 đạt 40,3 triệu tấn (nhiệt điện chiếm 62%).
Tuy nhiên, ông Trúc cũng chia sẻ trong thời gian qua, ngành than phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều kiện khai thác than ngày càng khó khăn, khai thác ngày càng xuống sâu hơn do nhiều yếu tố tác động như tai biến địa chất, áp lực mỏ, khí độc hại, phí khai thác tăng...
Chính sách xuất khẩu than và thị trường không ổn định. Trong khi nhu cầu than trong nước không được như dự báo, tiến độ nhận than nhiều dự án nhiệt điện chậm so với kế hoạch và phải cạnh tranh gắt gao với than nhập khẩu... dẫn tới tiêu thụ than của TKV giảm mạnh, tồn kho luôn ở mức cao. Các năm gần đây, tồn kho của TKV luôn ở mức 8 - 9 triệu tấn than thương phẩm.
Bên cạnh đó, nguồn cung than cũng thay đổi từ chỗ chỉ có một nguồn cung và một loại than từ các mỏ than anthracite trong nước, hiện nay có thêm các nguồn cung từ các nước như Indonesia, Australia, Nga, Nam Phi với các chủng loại khác nhau. Đồng thời giá cả than từ các nước này cũng rất cạnh tranh trong khi thị trường thế giới biến động mạnh. Trong khi đó, các loại thuế, phí tăng cao, dẫn đến giá thành sản xuất than trong nước tăng. Hiện nay, tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 23% giá thành sản xuất một tấn than.
Công tác cấp phép thăm dò, khai thác mỏ còn phức tạp. Mặc dù Nhà nước ban hành các văn bản hướng dẫn nhưng các thủ tục cấp phép hiện nay vẫn mất nhiều thời gian. Các thách thức về đầu tư sản xuất tiểm ẩn rủi ro và thị trường lao động khó khăn, thiếu nguồn lực cũng là những vấn đề nan giải đặt ra cho ngành than Việt Nam.