10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì 7,5 đồng thuộc về FDI, nếu FDI đi thì chúng ta còn lại gì?; Ông Trương Gia Bình làm Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân; Doanh thu Vinacomin 9 tháng đạt 76.7 ngàn tỷ, lãi khối khoáng sản gấp 5 lần kế hoạch; Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia: Tăng trưởng GDP cả năm có thể vượt chỉ tiêu 6,7%
Tin kinh tế đọc nhanh 08-10-2017
- Cập nhật : 08/10/2017
Châu Âu gia tăng chống phá giá đối phó với Trung Quốc
EU soạn lại các quy định về chống bán phá giá, chủ yếu nhằm đối phó với việc xuất khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc với giá rẻ.
Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí soạn lại các quy định về chống bán phá giá, chủ yếu nhằm đối phó với việc xuất khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc với giá rẻ.
Bà Cecilia Malstrom, Ủy viên Thương mại Châu Âu nhấn mạnh rằng luật mới này “chủ yếu nhằm đối phó với những diễn biến của môi trường thương mại quốc tế hiện nay”. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean Claude Juncker tuyên bố “châu Âu chủ trương một nền thương mại cởi mở và công bằng, song không ngây thơ”. Theo ông, những biện pháp mới này không nhằm vào một nước cụ thể nào, mà nhằm trang bị cho châu Âu “những phương tiện để chống cạnh tranh gian lận”.
Dù không chỉ đích danh, song các quy định mới này được cho là chủ yếu nhằm vào Trung Quốc. Cụ thể, Brussels thu thập và cập nhật các báo cáo theo quốc gia hoặc theo ngành kinh tế, về những trường hợp châu Âu nghi là bán phá giá. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp châu Âu có thể đệ đơn kiện. Thỏa thuận chính trị này đạt được sau một tiến trình thảo luận ba bên, giữa các đại diện của Nghị Viện châu Âu, của chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu và của Ủy ban châu Âu, để Liên minh Châu Âu có thể thực thi những nghĩa vụ pháp lý quốc tế đối với Bắc Kinh.
Ủy viên Thương mại EU, bà Cecilia Malmstroem nêu rõ ủy ban này đang nỗ lực tạo “sân chơi” ngang bằng với Trung Quốc cũng như giảm thiệt hại đối với các nhà sản xuất thép châu Âu.
Trước đó, EU đã quyết định áp thuế chống bán phá giá mới đối với nhiều sản phẩm thép của Trung Quốc, trong bối cảnh EU mở rộng chiến dịch bảo vệ các nhà sản xuất thép tại châu lục. Ủy ban châu Âu cho biết đã áp mức thuế chống bán phá giá 35,9% đối với các sản phẩm thép cán nóng được sử dụng trong các ngành như đóng tàu, đường ống… Các nhà sản xuất xe đạp châu Âu (EBMA) đã khiếu nại về việc Trung Quốc đang nhập vào châu Âu xe đạp điện ở mức giá đôi khi "thấp hơn chi phí sản xuất".
EBMA cho biết có hơn 430.000 xe đạp điện của Trung Quốc đã được bán tại EU vào năm 2016, tăng 40% so với năm trước và dự đoán con số này sẽ tăng lên khoảng 800.000 vào năm 2017. Tổng thư ký của EBMA là Moreno Fioravanti nói rằng người châu Âu mua khoảng 20 triệu xe đạp mỗi năm, trong đó khoảng 10% là xe đạp và có thể tăng lên 25% trong vòng 5 năm tới. Các công ty châu Âu đã đi tiên phong trong công nghệ xe đạp điện và đã đầu tư khoảng 1 tỉ euro vào lĩnh vực này trong năm ngoái. Tuy nhiê, EBMA đang có nguy cơ để mất ngành công nghiệp này vào tay Trung Quốc.
"Người Trung Quốc đang nhận tiền từ chính phủ và trợ cấp có tác động đến 30, 40, thậm chí 50% giá của sản phẩm ", ông Moreno Fioravanti cho biết.
Hiện Brussels đang áp dụng hơn 100 các biện pháp phòng vệ thương mại và 40 trong số đó nhằm vào những sản phẩm thép nhập khẩu không công bằn, với 15 sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc.(NCĐT)
----------------------------
Samsung có thể 'lấn sân' đầu tư viễn thông tại Việt Nam
Ngoài sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động..., Samsung cho biết có thể sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Shin Jong Kyun - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Samsung Electronics Hàn Quốc cho biết, ngoài lĩnh vực điện tử, tập đoàn rất quan tâm mở rộng đầu tư vào lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam.
Nhắc lại câu chuyện cách đây 10 năm khi Samsung bắt đầu đầu tư tại Việt Nam, ông Shin Jong Kyun cho biết, đến nay tổng vốn đầu tư của tập đoàn này đã lên tới 17 tỷ USD. Samsung dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 50 tỷ USD sản phẩm trong năm 2017, chiếm trên 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Hai công ty chủ chốt của Samsung Electronics tại Việt Nam là Samsung Electronics Vietnam (SEV - Samsung Bắc Ninh) và Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (SEVT - Samsung Thái Nguyên) cũng là những nhà máy có quy mô, hiện đại nhất của tập đoàn này.
Sau 10 năm đã có 29 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Sau 3 năm nữa, con số này sẽ tăng lên 50 doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Samsung, làm ăn kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn Samsung tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực điện tử mà cả các lĩnh vực khác tập đoàn có thế mạnh, và đề nghị tập đoàn tiếp tục hỗ trợ về đào tạo, chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phụ trợ của Việt Nam tham gia cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện cho các dự án của Samsung.
Thủ tướng cũng hối thúc tập đoàn sớm triển khai Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung theo đúng tiến độ.
Cho biết công nghệ cao là lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu có vướng mắc gì tập đoàn có thể trao đổi, làm việc với các bộ, ngành chức năng: “Chúng tôi luôn sẵn sàng giải quyết”, Thủ tướng nói.
Samsung hiện có 6 nhà máy tại Việt Nam, trong đó Bắc Ninh có 3 nhà máy. Tổng vốn đầu tư của các dự án 17 tỷ USD và đã giải ngân được 10 tỷ USD. Hiện các nhà máy của Samsung đã thu hút 136.700 lao động. Tính đến cuối năm 2016, các nhà máy tại Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm tới 52 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch năm ngoái đạt khoảng 40 tỷ USD. Riêng quý III/2017, sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử của Samsung đã tăng 45,5%, góp vào mức tăng trên 16,6% của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. (Vnexpress)
----------------------
Tetra Pak xây nhà máy tại Việt Nam: Thị trường bao bì tăng nhiệt
Nhà máy của Tetra Pak có tổng vốn đầu tư 110 triệu USD với công suất 20 tỉ hộp bao bì/năm sẽ đi vào vận hành năm 2019.
Thị trường bao bì vốn nóng còn tăng nhiệt hơn khi do mới đây ông lớn Tetra Pak đã chọn Việt Nam là nơi đặt nhà máy thứ 4 của hãng tại khu vực Nam Á, Đông Á & Châu Đại Dương bên cạnh Ấn Độ, Nhật Bản và Singapore. Lý giải điều này, đại diện hãng cho biết Việt Nam là 1 trong 10 thị trường lớn nhất của Tetra Pak, với tốc độ tăng trưởng 17%, cộng thêm đà phát triển kinh tế thúc đẩy tiêu thụ đầy tiềm năng.
Thể hiện tham vọng rõ nét tại thị trường Việt Nam, nhà máy của Tetra Pak có tổng vốn đầu tư 110 triệu USD với công suất 20 tỉ hộp bao bì/năm sẽ đi vào vận hành năm 2019. Đại diện Tetra Pak cho biết nhà máy này sẽ đảm bảo tiến độ giao hàng nhanh hơn, giảm chi phí hơn cho khách hàng Việt Nam cũng như phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là nhà máy có quy mô lớn nhất trong số 54 dự án của Thụy Điển đã đầu tư vào Việt Nam.
Ngành thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam là một thị trường màu mỡ không ngừng tăng trưởng. Một ví dụ tiêu biểu là thị trường sữa, với mức độ tiêu thụ dự kiến đạt 28 lít/người vào năm 2020 so với 15 lít/người vào năm 2010. Ngoài sữa, các ngành hàng nước trái cây tươi và nước cốt trái cây được dự kiến cũng sẽ tăng trưởng 17,5% trong 5 năm tới.
Tốc độ này kéo theo sự tăng trưởng của ngành bao bì thực phẩm & đồ uống. Theo Euromonitor International, nhu cầu bao bì thực phẩm tại Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020 sẽ tăng trưởng 38 – 40%, từ 3,92 triệu tấn lên xấp xỉ 5,4 triệu tấn (cao gấp 2,5 lần so với mức tăng trưởng 13% toàn cầu trong cùng giai đoạn). Chiếm thị phần lớn nhất trong ngành bao bì thực phẩm, đồ uống ở thị trường nội địa là Tetra Pak, theo sau là New Toyo, Tín Thành (Batico)… Trong đó, Tetra Pak cho biết sản lượng bán ra của hãng tại Việt Nam năm qua là 7,5 tỉ bao bì.(NCĐT)
-------------------------
Thị trường bất động sản quý III: Hàng loạt thương vụ M&A lớn
Theo báo cáo của CBRE, thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A lớn trong Quý III.Nguồn ảnh: vanphathung.com
Trong 8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đón nhận 13,5 tỷ USD từ 1.624 dự án mới được cấp phép, 6,4 tỷ USD từ các dự án tăng vốn, và 3,5 tỷ USD từ hoạt động mua bán cổ phần, tổng cộng 23,4 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái. FDI vào bất động sản chiếm 5% tổng vốn FDI, đứng thứ tư sau sản xuất công nghiệp, điện, sản xuất AC và phân phối cùng với khai thác mỏ và khoáng sản.
Cũng theo báo cáo của CBRE, tổng dòng vốn sở hữu tư nhân (private equity - PE) rót vào bất động sản trong năm 2016 và 2017 đạt 613,5 triệu USD, cao nhất trong tất cả các ngành bán lẻ/tiêu dùng, giáo dục, tài chính, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng và giải trí, theo thống kê của DealStreetAsia. Nhờ có nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư nước ngoài mà các chủ đầu tư trong nước đã phát triển nhanh chóng. Các giao dịch đầu tư nổi bật nhất trong Quý 3/2017 là từ Vincom Retail, Novaland, Dragon Capital and Quốc Lộc Phát.
Vincom Retail, được hỗ trợ từ Warburg Pincus, đang lên kế hoạch IPO tại thị trường chứng khoán TP.HCM, dự kiến chào bán số lượng cổ phiếu trị giá 600 triệu USD. Trong lúc đó, Shinhan hợp tác với Vinacapital đầu tư 100 triệu Đô la Mỹ vào Novaland. Samsung Securities cùng với Caldera Pacific, một quỹ đầu tư PE từ Hồng Kông đã mua 40% cổ phần của Dragon Capital và trở thành cổ đông lớn thứ hai. Cuối cùng, Keppel Land đã mua 20% cổ phần của Quốc Lộc Phát, chủ đầu tư của khu phức hợp Sóng Việt tại Thủ Thiêm, Quận 2, TP.HCM.
Ngoài các giao dịch PE nêu trên, CBRE cũng cho biết thị trường đã ghi nhận 27 giao dịch tài sản/ đất dự án thành công với giá trị gần 900 triệu USD trên khắp Việt Nam. Ngày càng có nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài không chỉ tỏ ra hứng thú với thị trường Việt Nam mà bắt đầu có những động thái để nhập cuộc. Quý 3/ 2017 là một mùa hè bất tận cho các chủ đầu tư trên thị trường. (CBRE)