tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-10-2017

  • Cập nhật : 07/10/2017

Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2017 lên đỉnh 9 năm

Tiếp sau HSBC, Ngân hàng Standard Chartered nâng dự báo GDP của Việt Nam cả năm nay lên 6,8%, cao hơn mục tiêu 6,7% do Chính phủ đề ra.

Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2017 lên đỉnh 9 năm

Tăng trưởng GDP 6,8% là dự báo lạc quan nhất từ đầu năm đến nay trong số các tổ chức nước ngoài.

Ngân hàng Standard Chartered vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8% - mức cao nhất trong vòng 9 năm qua - cho cả năm 2017 và 2018, từ mức tương ứng 6,4% và 6,6% trước đó, nhờ ngành chế tạo.

Với mức tăng trưởng mới này, Việt Nam sẽ đứng đầu các nước ASEAN-6, thậm chí “qua mặt” cả Philippines, báo cáo nhấn mạnh. Đây cũng là dự báo lạc quan nhất từ đầu năm đến nay trong số các tổ chức nước ngoài. 

Theo báo cáo mới được ngân hàng này công bố ngày 6/10, tăng trưởng GDP trong quý III của Việt Nam vượt kỳ vọng và ở mức cao nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,4% trong 9 tháng, cao hơn dự báo là 6,1%, nhờ tốc độ tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế tạo, vốn tăng 12,8% trong 3 quý đầu năm.

Ngành chế tạo được dự báo tăng tốc trong quý IV, chủ yếu dựa vào ngành sản xuất hàng điện tử. “Tăng trưởng ngành chế tạo tăng tốc sẽ đưa tăng trưởng chung trong nửa đầu năm sau lên 7,6%, đưa mức tăng trưởng GDP cả năm lên 6,8%”.

Ngân hàng này cũng điều chỉnh dự báo lạm phát thêm 0,1 điểm phần trăm lên 3,7% cho cả năm nay và 3,8% trong năm tới. “Dù lạm phát được kỳ vọng tăng lên 3,8% trong năm 2018, lạm phát vẫn có thể được kiểm soát, nhờ đó mà Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì lãi suất điều hành đến hết năm 2018”.

Kinh tế gia Chidu Narayanan của Standard Chartered dự báo xuất khẩu hàng điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong ngắn hạn, giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại và góp phần vào tăng trưởng chung.

Ngoài ra, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục gia tăng trong trung hạn, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất điện tử. Dòng vốn FDI mạnh cũng sẽ kéo theo nhập khẩu hàng hóa tư liệu sản xuất gia tăng, qua đó làm hạn chế thặng dư thương mại.

Standard Chartered dự báo vốn FDI thực hiện trong 6 tháng cuối năm đạt 8 tỷ USD và đưa tổng số giải ngân lên trên 20 tỷ USD trong cả năm nay. Trong số 75 tỷ USD từ năm 2013, 60% được đổ vào ngành chế tạo.

Đầu tuần này, ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,6% từ mức 6,2% được điều chỉnh trong tháng 9, cũng nhờ tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong quý III.

Trước đó, Tổng cục Thống kê cho biết GDP 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%. Cơ quan này cũng dự báo tăng trưởng GDP cả năm nay đạt mục tiêu 6,7%.(Bizlive)
---------------------------------

Làm gì được Uber, Grab?

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động và đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng

 

taxi truyen thong can phai doi moi, chap nhan canh tranh song phang

Taxi truyền thống cần phải đổi mới, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng

 

Trong những ngày qua, các hãng taxi hoạt động tại Hà Nội như: Mai Linh, VIC, Mỹ Đình, Sao Thủ Đô, Hoàn Kiếm... đã dán băng-rôn trên các xe bày tỏ phản đối Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Nội dung như: "Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch...", "50.000 xe thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ đồng. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?".

Thất thoát ngân sách?

Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc dán khẩu hiệu trên hoàn toàn là hành động tự phát của các doanh nghiệp (DN) (Mtaxi, không phải là ý chí của hiệp hội vì mọi việc hiệp hội phải kiến nghị bằng văn bản. "Họ thấy quyết định trên ảnh hưởng tới quyền lợi của họ thì họ dán để phản đối quyết định, biểu thị ý kiến" - ông Bình nói.

Tuy nhiên, bình luận về Quyết định 24 của Bộ GTVT, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nhấn mạnh: "Quyết định 24 chỉ là thí điểm, cũng có sai, có đúng. Nếu đã sai thì phải sửa, phải bỏ những cái sai chứ".

Trước đó ít ngày, hiệp hội này đã có báo cáo các sai phạm của chương trình thí điểm triển khai hoạt động vận tải hành khách có ứng dụng công nghệ kết nối được ban hành tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT và kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9-2017; đồng thời, tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là gây ra nhiều bất an cho xã hội khi số lượng xe Uber, Grab đang hoạt động hiện đã vượt 50.000 chiếc. Cho rằng Uber, Grab đang gây thất thoát ngân sách quốc gia, hiệp hội này lý giải: "Với số 20% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng thì mỗi năm, dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab khoảng 3.600 tỷ đồng. Số tiền thất thu của ngân sách nhà nước là rất lớn".

Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT cho rằng không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động và đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, bình đẳng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng nhấn mạnh đây loại hình quản lý vận tải đã phổ biến ở nước ta vài năm nay.

Theo ông Đông, về thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ đã cho thí điểm và đang triển khai tại các đô thị. Theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh, thành quản lý giao thông trên địa bàn, gồm phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có cả quản lý quy hoạch giao thông. "Việc kiểm soát số lượng phương tiện theo loại hình nào là thẩm quyền của các địa phương. Đây là kiến nghị của Hiệp hội Vận tải, địa phương sẽ xem xét, tùy theo điều kiện hạ tầng giao thông cụ thể của các địa phương, có thể quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu của người dân, phù hợp điều kiện phát triển hạ tầng" - Thứ trưởng Đông nói.

Dán băng-rôn phản đối là phản cảm

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết ngay sau khi nhận được phản ánh về việc trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh xe taxi dán biểu ngữ phản đối Quyết định 24/QĐ-BGTVT, Sở GTVT đã có công văn gửi các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TP, đề nghị các đơn vị kinh doanh taxi tháo bỏ toàn bộ các biểu ngữ này trên các taxi do đơn vị quản lý; tuyên truyền, tập huấn đến đội ngũ lái xe của đơn vị không tham gia tụ tập đông người và phương tiện tại những địa điểm công cộng gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng hành động biểu thị phản đối chính sách bằng hình thức dán băng-rôn là phản cảm, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ở góc độ pháp lý, bình luận vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng các DN taxi truyền thống có quyền bày tỏ quan điểm phản đối với taxi công nghệ nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật bởi về nguyên tắc, công dân được làm những gì pháp luật không cấm. "Nếu có sự thất thu thuế từ loại hình kinh doanh này thì cần phải xem đã có kết luận chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay chưa?" - luật sư Nguyễn Anh Thơm nói. (NLĐ)
------------------------------

Phát hoảng với hàng giá rẻ Trung Quốc, EU ra quy định mới

Liên minh châu Âu hôm qua (3/10) đã nhất trí thông qua các quy định mới để chống lại hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, chấm dứt 18 tháng tranh cãi về quan hệ thương mại với Bắc Kinh.

Reuters đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) và rất nhiều đối tác thương mại khác của Trung Quốc đã tranh cãi về vấn đề liệu có nên coi Bắc Kinh như “một nền kinh tế thị trường” hay không.

Trung Quốc luôn khẳng định quyền lợi của mình kể từ cuối năm 2016, sau khoảng 15 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Sau khi đàm phán với các chính phủ EU, Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu, các quy định mới trong EU sẽ “đối xử” với tất cả các quốc gia thuộc WTO như nhau nhưng sẽ vẫn có loại trừ một số trường hợp “bóp méo thị trường”, ví dụ như sự can thiệp quá đà của nhà nước, giống với tình hình tại Trung Quốc.

lien minh chau au da nhat tri thong qua cac quy dinh moi chong hang hoa nhap khau gia re tu trung quoc. nguon: the fiscal times

Liên minh châu Âu đã nhất trí thông qua các quy định mới chống hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Nguồn: The Fiscal Times

EU khởi động các cuộc thảo luận từ đầu năm 2016 và tiến hành tham vấn công khai, thu thập hơn 5.000 ý kiến làm thế nào để giải quyết các phàn nàn về thương mại với Trung Quốc. Sau rất nhiều nỗ lực thất bại, Ủy ban châu Âu, các quốc gia thành viên và các nghị sĩ EU đã vượt qua sự khác biệt của họ và đưa ra kết luận cuối cùng trong ngày 3/10.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn được coi là trường hợp “phi thị trường” đặc biệt, có nghĩa là các nhà điều tra EU quyết định rằng các mặt hàng xuất khẩu của nước này có giá rẻ “nhân tạo” nếu mức giá đó dưới mức của một nước thứ ba, ví dụ như Hoa Kỳ.

Năm ngoái, Trung Quốc đã đâm đơn kiện chống châu Âu và Hoa Kỳ tại WTO về các hoạt động bảo hộ của các khu vực này.

Ủy ban châu Âu với sự tán thành của 28 quốc gia thành viên, cho rằng các quy định mới dành cho Trung Quốc cần phải thay đổi và cam kết với tất cả các thành viên WTO, bao gồm của Bắc Kinh, rằng hạ giá có nghĩa là bán hàng xuất khẩu dưới giá nội địa.

Tuy nhiên, nếu mức giá này có được là nhờ “sự can thiệp thị trường đáng kể” thì các nhà điều tra có thể xây dựng nên một giá trị công bằng sử dụng giá chuẩn quốc tế.

Những hành động bóp méo như vậy có thể là sự can thiệp của nhà nước, gồm các công ty quốc doanh, hỗ trợ giá rẻ hay phân biệt đối xử với các nhà sản xuất trong nước.

Các nhà chỉ trích cho rằng quy định mới sẽ chuyển gánh nặng bằng chứng từ Trung Quốc sang các nhà sản xuất của EU, khiến cho việc áp đặt các biện pháp khó khăn hơn. Nghị viện châu Âu cho rằng nếu những biện pháp can thiệp xuất hiện tại một quốc gia nào đó thì trách nhiệm phải thuộc về các nhà xuất khẩu, họ phải chứng minh được rằng mức giá mình đưa ra là phù hợp với thị trường.(Infonet)
----------------------------------

Thương mại Việt Nam - Liên bang Nga tăng 29% 8 tháng đầu năm 2017 nhờ FTA

Năm 2016 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đạt 3,04 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,77 tỷ USD, tăng 10%, xuất khẩu của EAEU sang Việt Nam đạt 1,27 tỷ USD, tăng 45%.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA) được ký kết ngày 29/5/2015, và có hiệu lực từ ngày 05/10/2016. Liên minh Kinh tế Á - Âu bao gồm 5 quốc gia là Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan.

Theo cam kết tại VN - EAEU FTA, về tổng thể 2 bên sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương hiện tại, sẽ là cơ sở để thương mại song phương Việt Nam - LB Nga có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn thời gian tới.

Ngoài ra, 2 bên cam kết gia tăng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan, các rào cản kỹ thuật (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững,... nhằm thuận lợi hóa tối đa thương mại giữa hai bên.

VN - EAEU FTA có tác động lớn đối với mối quan hệ thương mại giữa 2 bên. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2016 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đạt 3,04 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,77 tỷ USD, tăng 10%, xuất khẩu của EAEU sang Việt Nam đạt 1,27 tỷ USD, tăng 45%.

Về tổng thể, Liên bang Nga chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU. Những số liệu sơ bộ của 7 tháng đầu năm 2017 cũng cho thấy thương mại giữa Việt Nam và khối EAEU đang tiếp tục tăng trưởng. Điển hình như thương mại 8 tháng đầu năm 2017 giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã tăng trên 29% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 37%, xuất khẩu của Liên minh tăng 18%. Trên cơ sở các số liệu này, trong thời gian qua chắc chắn Hiệp định đã đóng góp cho sự phát triển thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước EAEU.

Về xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU, từ khi VN - EAEU FTA có hiệu lực cho đến cuối tháng 7 năm 2017, Việt Nam đã cấp 9.908 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EAV (C/O EAV) cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU với tổng kim ngạch đạt 354,3 triệu USD, chủ yếu là dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản, điện thoại và linh kiện. Tuy nhiên, nói chung tỷ lệ sử dụng C/O EAV không cao (khoảng 20%). Các mặt hàng có tỷ lệ tận dụng C/O EAV cao để xuất khẩu sang EAEU bao gồm: giày dép (54,3%), rau quả (59,2%), thủy sản (69,1%), gạo (69,3%), hạt tiêu (75,5%) và dệt may (76,1%).

Về chiều nhập khẩu từ EAEU, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ khi VN - EAEU FTA có hiệu lực cho đến nay, các dòng hàng nhập khẩu áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam có xu hướng tăng. Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm 2016, có 25 dòng hàng có kim ngạch nhập khẩu theo Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EAV với tổng kim ngạch khoảng 44 triệu USD, tương đương khoảng 12% của tổng kim ngạch nhập khẩu từ EAEU. Trong khi đó, trong 7 tháng đầu năm 2017 các con số này đã tăng vọt lên 65 dòng hàng với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 305 triệu USD, tương đương trên 23%. Các mặt hàng được hưởng lợi chủ yếu là: lúa mỳ (100%), ngô (88%), phân bón các loại (25%), nhựa và các sản phẩm nhựa (29,2%); giấy và các sản phẩm giấy (23,6%), hợp kim nhôm (40,3%); ô tô chở hàng (46,7%);….

Các con số nêu trên khá ấn tượng. Điều này chứng tỏ VN-EAEU FTA đã và đang tạo ra cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng của Việt Nam cũng như 5 nước thành viên EAEU trong việc nhập khẩu và sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo Hiệp định này.(NDH)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục