Amazon tự vận hành dịch vụ giao nhận, cạnh tranh trực tiếp với FedEx và UPS; Ứng xử như thế nào đại chiến Taxi và Uber - Grab?; Chủ đầu tư "lật kèo", gần 100 khách không mua được nhà; Tận thu không bằng chống thất thoát
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-10-2017
- Cập nhật : 07/10/2017
IMF quan ngại đà phục hồi kinh tế toàn cầu
Không gì có thể đảm bảo đà phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục được duy trì, do đó các nền kinh tế lớn nhất thế giới phải có trách nhiệm giải quyết những thách thức đe dọa sự tăng trưởng và hoạt động sản xuất cũng như hạn chế sự mất cân bằng tài khoản vãng lai.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra nhận định trên trong một báo cáo công bố ngày 6/10, đánh giá về "thể trạng" của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Trong báo cáo nói trên, các chuyên gia IMF đã ghi nhận thành tích đáng khích lệ của các nước thành viên G20, phục hồi khả quan sau cuộc Đại suy thoái 2007-2009 với tốc độ tăng trưởng ổn định và tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Tuy nhiên, IMF cũng nêu ra một loạt vấn đề đáng quan ngại hiện nay mà G20 đang phải đối mặt, đó là tốc độ tăng trưởng của hơn một nửa số nước thành viên được dự báo chỉ ở mức 2% hoặc thấp hơn; sự mất cân bằng tài khoản vãng lai ở Anh và Mỹ - những quốc gia có thể theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại như một giải pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất vẫn khá thấp, đe dọa sự tăng trưởng ổn định nói chung.
Theo IMF, các yếu tố ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của Argentina, Saudi Arabia, Brazil, Nam Phi, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ là hàng hóa mất giá, điển hình là giá dầu. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp và Italy được dự báo có tốc độ tăng trưởng thấp do chịu sức ép của lạm phát và nhu cầu tiêu dùng nội địa thấp.
Ngoài ra, báo cáo của IMF cho rằng mặc dù mức nợ công của các nước G20 đã ở mức ổn định, song tiến bộ trong nỗ lực giảm nợ công còn hạn chế. IMF kêu gọi các nước, đặc biệt là Tây Ban Nha, Nhật Bản, Mỹ và Brazil, tiếp tục theo đuổi chính sách giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ công.
Báo cáo của IMF được công bố chỉ một tuần trước khi diễn ra Hội nghị thường niên giữa IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và đại diện của 189 quốc gia trên thế giới. Tại đây, IMF sẽ đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới nhất được cho là sẽ khả quan hơn những dự báo trước đó.(TTXVN)
------------------------------
Nga chỉ trích Mỹ gây áp lực với các hãng truyền thông
Ngày 6/10, Điện Kremlin chỉ trích Mỹ đang cố tình gây áp lực đối với các hãng truyền thông Nga hoạt động tại Mỹ và cảnh báo Moskva sẽ có hành động đáp trả.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Sputnik/ TTXVN
Phát biểu với phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ một số cơ quan truyền thông của Nga đang phải đối mặt với "áp lực chưa từng có tiền lệ" khi hoạt động tại Mỹ. Ông chỉ trích hành động của Washington là một sự vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do truyền thông, đồng thời cảnh báo nếu tình trạng này tiếp diễn, Moskva không loại trừ khả năng sẽ có hành động "phù hợp với nguyên tắc đáp trả".
Trong khi đó, truyền thông Nga đưa tin một số công tố viên nước này đang cân nhắc các biện pháp trả đũa đối với truyền thông Mỹ. Trước đó một ngày, cơ quan chức năng của Nga cho biết có cơ sở để tin rằng kênh truyền hình CNN đang vi phạm luật truyền thông của Nga về vấn đề kỹ thuật và đã ra một cảnh cáo chính thức.
Trước đó, ngày 1/10, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố tương tự, cảnh báo Moskva có thể cân nhắc áp dụng các biện pháp đáp trả nếu Washington tiếp tục gây sức ép đối với các cơ quan truyền thông Nga tại Mỹ. Bộ trên khẳng định nếu phía Mỹ tạo ra những tình huống khiến cho các phóng viên Nga bị đe dọa do các hoạt động tác nghiệp của mình, thì những biện pháp trả đũa sẽ được áp dụng. Ngoài tập đoàn truyền thông RT, các hãng TASS, Sputnik cùng nhiều tờ báo và nhà báo của Nga cũng bị cản trở hoạt động tại Mỹ.
Các phản ứng trên của giới chức Nga được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đề nghị tập đoàn RT của Nga đăng ký chi nhánh tại Mỹ dưới danh nghĩa một cơ quan nước ngoài theo Đạo luật Đăng ký cơ quan nước ngoài (FARA). Theo RT, cơ quan này đã được yêu cầu phải tiến hành thủ tục này trước hạn chót là ngày 17/10 tới. Danh nghĩa công ty nước ngoài đồng nghĩa với việc RT sẽ phải công khai thông tin cá nhân của các nhân viên và cả đối tượng phỏng vấn của kênh truyền hình này nếu không nhân viên và tài sản của công ty sẽ bị bắt giữ và tịch biên.
RT là mạng lưới truyền hình của Nga, cung cấp thông tin kinh tế, chính trị, xã hội trên toàn thế giới với thông tin đa chiều bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Tây Ban Nha và Arab. Hồi tháng 1/2017, một báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ về vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ cho rằng RT thực chất là kênh tuyên truyền quốc tế của Điện Kremlin nhằm ủng hộ ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump. RT bác bỏ các cáo buộc từ phía Mỹ cho rằng nội dung thông tin quảng cáo của hãng ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.(Baotintuc)
------------------------------------
Samsung và LG bị cáo buộc đang gây tổn hại cho ngành công nghiệp Mỹ
Ngày 5/10, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) khẳng định máy giặt của hai nhà sản xuất của Hàn Quốc là Samsung Electronics và LG Electronics được sản xuất ở nước ngoài đang gây phương hại cho ngành sản xuất nội địa Mỹ.
Tuyên bố trên được ITC đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài 4 tháng theo đơn khiếu kiện của Whirlpool Corp đối với Samsung Electronics và LG Electronics, trong đó Whirlpool cáo buộc hai doanh nghiệp của Hàn Quốc đã chuyển các hoạt động sang Việt Nam và Thái Lan để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ được áp đặt cho các máy giặt dân dụng của họ.
Trên trang web của mình, ITC nhấn mạnh việc đưa số lượng máy giặt ngày càng nhiều vào thị trường Mỹ là "nguyên nhân đáng kể gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc đe dọa nghiêm trọng ngành sản xuất nội địa của Mỹ đối với thiết bị giống hoặc có cạnh tranh trực tiếp" với thiết bị nhập khẩu. ITC khẳng định quyết định này không ảnh hưởng tới các loại máy giặt được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc tại bất kỳ đối tác thương mại tự do khác của Mỹ.
Thời gian tới, ICT sẽ tập trung nghiên cứu và lựa chọn các biện pháp xử lý để báo cáo Tổng thống Donald Trump trước ngày 4/12. Các biện pháp xử lý có thể bao gồm tăng thuế, áp đặt hạn ngạch (nhập khẩu), áp dụng hạn ngạch thuế quan, hỗ trợ điều chỉnh thương mại hoặc kết hợp các biện pháp này.
Năm 2016, tổng số máy giặt mà Samsung và LG xuất sang Mỹ đạt trị giá khoảng 1 tỷ USD tổng cộng. Các máy giặt của Samsung và LG lần lượt chiếm 16% và 13% nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mỹ, trong khi Whirlpoop dẫn đầu với 38%.
Trong một bản thông báo vừa đưa ra, đại diện Samsung đã bày tỏ sự thất vọng về quyết định trên và cho rằng quyết định đó sẽ mang đến bất lợi không nhỏ cho người tiêu dùng Mỹ khi hạn chế sự lựa chọn của họ, đẩy giá bán máy giặt lên cao hơn, cũng như không khuyến khích việc cải tiến công nghệ máy giặt.
Trong khi đó, LG Electronics cho hay quyết định của ITC sẽ không tác động đến kế hoạch đầu tư 250 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất máy giặt tại Mỹ. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành trong quý I/2019, với sản lượng 1 triệu chiếc/năm. (Baotintuc)
-------------------------------
Dịch vụ mới của Amazon khiến FedEx lao đao và sẽ đe dọa ngành giao vận của nước Mỹ
Dịch vụ phân phối trực tiếp và miễn phí trong 2 ngày sẽ đưa Amazon tham gia sâu hơn vào các công việc vốn được xử lý bởi các đối tác lâu năm như Công ty Bưu chính Liên bang (UPS) và hãng giao vận tư nhân lớn nhất nước Mỹ FedEx và dần dần trở thành đối thủ cạnh tranh với họ.
Các kho của Amazon thường trong tình trạng quá tải.
Dịch vụ này đã được triển khai từ hai năm trước ở Ấn Độ, và Amazon đã dần dần giới thiệu nó vào Mỹ để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên toàn quốc. Nó được thử nghiệm trong năm nay ở các tiểu bang Bờ Tây và sẽ nhân rộng vào năm 2018.
Theo đó, Amazon sẽ giám sát việc nhận hàng từ các kho hàng của bên bán trên Amazon.com và việc giao hàng đến nhà của khách, đây là công việc mà UPS và FedEx thường thực hiện. Amazon vẫn có thể sử dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh của 2 đối tác này để giao hàng, nhưng với dịch vụ mới này Amazon sẽ là người quyết định gửi hàng đi như thế nào, chứ không phải người bán và FedEx hay UPS sẽ ít có quyền can thiệp hơn.
Tự xử lý việc giao hàng sẽ giúp Amazon có thể linh hoạt hơn và đảm bảo hàng đến tận cửa của khách an toàn, đồng thời tránh được tình trạng quá tải trong các nhà kho của hãng.
FedEx và UPS sẽ phải chịu áp lực lớn bởi vì các nhà đầu tư của 2 công ty này đang lo ngại “cuộc xâm lăng của Amazon vào lĩnh vực giao vận”. Trước tin này, cổ phiếu của UPS giảm 2.1% và FedEx giảm 1,6% trong phiên giao dịch lúc 10:32 sáng (giờ New York).
Steve Gaut, người phát ngôn của UPS cho biết "Amazon là một khách hàng quan trọng của UPS”. Còn FedEx cho biết họ sẽ không bình luận về kế hoạch của Amazon.
Một cửa hàng giao nhận của FedEx
Dự án này nhấn mạnh tham vọng mở rộng hoạt động giao vận của Amazon và giải thoát mình khỏi mạng lưới phân phối của UPS và FedEx. Amazon đã phải hoàn tiền cho một loạt người mua hàng hồi cuối năm 2013 khi dịch vụ của UPS và FedEx quá tải, cho thấy nguy cơ nghiêm trọng khi quá lệ thuộc vào các đối tác giao vận này. (ICT News)