Đồng tiền ảo nào tăng giá mạnh nhất trong quý 3 vừa qua?; Thị trường cà phê tiếp tục ảm đạm; MasterCard: Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan thứ nhì Châu Á; Hoàn tất di dời cảng Sài Gòn trong năm nay
Tin kinh tế đọc nhanh 07-10-2017
- Cập nhật : 07/10/2017
Hậu 'khủng hoảng giá lợn': 900 ngàn hộ ngừng nuôi
Xu hướng hiện nay là khối chăn nuôi nông hộ giảm rất mạnh. Theo thống kê, dự kiến năm nay hộ chăn nuôi sẽ giảm khoảng 800.000-850.000 hộ, thậm chí có thể lên đến 900.000 hộ - lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho hay.
Tại cuộc họp giao ban triển khai nhiệm vụ tháng 10 và những tháng cuối năm, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết,đến cuối tháng 9, tăng trưởng chăn nuôi duy trì ở mức tăng 3,36%.
Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng chăn nuôi trong những tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn nếu không chú ý chỉ đạo tăng đàn, chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi. Đến tháng 9, số đầu lợn đã giảm 10% so với cùng kỳ và dịch lở mồm long móng đang xuất hiện tại một số tỉnh như: Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, Hà Tĩnh,... Những yếu tố này có khả năng gây ảnh hưởng đến tăng trưởng của lĩnh vực chăn nuôi.
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 2.732 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý III/2017 đạt 522 nghìn tấn, giảm 2,3% so với quý III/2016.
Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi trâu, bò không có biến động lớn, gia cầm phát triển khá tốt. Riêng đối với chăn nuôi lợn, do giá bán tăng/giảm không ổn định nên người chăn nuôi không mặn mà với việc tái đàn, hiện chỉ có các hộ có quy mô nuôi lớn, trang trại, doanh nghiệp duy trì nuôi cầm chừng.
Trước đó, người ngăn nuôi lợn trên cả nước gặp rất nhiều khó khăn khi giá lợn giảm kỷ lục trong vòng nhiều năm và kéo dài suốt từ những tháng cuối năm 2016 cho đến giữa năm 2017. Trong cơn đại khủng hoảng của ngành lợn, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã vướng cảnh nợ nần, thậm chí nhiều hộ phá sản vì thua lỗ trong thời gian dài.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành chăn nuôi nói riêng và ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, trong 3 tháng còn lại của năm 2017, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động rà soát tổng thể chương trình hành động của đơn vị mình trên tất cả các mặt: tăng trưởng, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, quản lý ngành, văn bản pháp luật, đặc biệt khâu cải cách hành chính.(Vietnamnet)
----------------------------
Nhìn lại 1 năm FTA Việt Nam-EAEU: Thương mại song phương nhảy vọt nhưng còn nhiều “đáng tiếc”
Dù thương mại song phương tăng mạnh, nhưng Đại sứ Nga tại Việt Nam vẫn bày tỏ sự “đáng tiếc” khi vẫn còn những tồn tại và phức tạp trong thực hiện Hiệp định.
Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kirgizia và Nga) và Việt Nam chính thức có hiệu lực pháp lý ngày 5/10/2016. Trong vòng 1 năm qua, thương mại giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam đã tăng trưởng mạnh nhờ một loạt hàng rào thuế quan được loại bỏ.
Hiệp định là chất xúc tác mạnh cho tăng trưởng thương mại
Tại buổi họp báo nhân dịp kỷ niệm một năm ngày hiệp định này có hiệu lực, Đại sứ Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov cho biết trong 7 tháng đầu sau khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, kim ngạch hàng hóa giữa EAEU và Việt Nam đã tăng 28%. Cụ thể, xuất khẩu gia tăng 22,4 % và nhập khẩu tăng 41%.
Việc miễn và giảm thuế nhập khẩu đã tạo điều kiện cho việc tăng cường xuất khẩu lúa mỳ, ngô, phân bón, các loại kim loại khác nhau từ các nước trong EAEU sang Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam gia tăng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của mình như điện thoại di động và phụ kiện, giày dép, các sản phẩm dệt kim, cao su, cá và hải sản vào Liên minh, Đại sứ Nga nhấn mạnh.
Trưởng đại diện thương mại Nga tại Việt Nam V.N. Kharinov cho biết, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 28 của Nga và là thứ hai trong số các nước thành viên ASEAN.
Năm 2016, kim ngạch thương mại Nga-Việt đạt 3,8 tỷ USD. Theo số liệu thống kê của Nga, trong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gần 20% và đạt gần 2,5 tỷ USD.
Đại sứ Kazakhstan Beketzhan Zhumakhanov cho biết, Kazakhstan là nước trong khối EAEU có thương mại tăng trưởng mạnh nhất với Việt Nam, tăng hơn hai lần tính từ tháng 10/2016 tới tháng 7/2017.
Kim ngạch hàng hoá song phương giữa Kazakhstan và đã đạt 364,7 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay, gần như bằng kim ngạch hàng hoá của cả năm 2016 là 366,2 triệu USD.
Đại sứ Cộng hòa Belarus Goshin V.A dẫn số liệu của Ủy ban Kinh tế Á-Âu cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại giữa EAEU và Việt Nam đã tăng 23%, trong đó xuất khẩu từ các quốc gia Liên minh tăng 11%, còn xuất khẩu của Việt Nam tăng 29%.
Đại sứ lưu ý rằng, nếu tính về giá trị hàng hóa thì xuất khẩu của Việt Nam lớn gấp 2 lần so với xuất khẩu của 5 nước thành viên Liên minh.
Phân tích kim ngạch buôn bán giữa Belarus và Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay, Đại sứ Belarus đã chỉ ra rằng, khối lượng hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu khá cân bằng và đều đạt khoảng 37 triệu USD cho cả hai bên. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm thương mại giữa hai nước đạt tình trạng cân bằng. Trước đó, Belarus luôn xuất siêu sang thị trường Việt Nam.
“Các doanh nghiệp Việt Nam tích cực hơn trong việc tận dụng các cơ hội thương mại ưu đãi mà Hiệp định mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu”, Đại sứ Belarus nhấn mạnh.
Những điều “đáng tiếc” của Đại sứ Nga
Tại buổi họp báo, đại sứ các nước thuộc Liên minh đều bày tỏ thương mại giữa EAEU và Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Trong thời hạn hiệu lực của Hiệp định, EAEU đã hủy bỏ thuế quan nhập khẩu cho 43% tổng số hàng hóa của của Việt Nam. Trong 10 năm tiếp theo, số lượng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của Việt Nam sang thị trường EAEU sẽ tiếp tục tăng lên và chiếm 90% các danh mục Biểu thuế thống nhất của Liên minh Kinh tế Á-Âu (UCT EAEU).
Để đẩy mạnh giao thương, Đại sứ quán Kazakhstan đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải Việt Nam khả năng vận chuyển hàng hoá quá cảnh từ Việt Nam sang các nước EAEU và ngược lại bằng 2 cách: (i) bằng container thông qua các ga giáp biên giới Việt Nam-Trung Quốc, và (ii) vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển Việt Nam tới cảng biển Liên Vân Cảng (Trung Quốc), và trung chuyển sang container và vận chuyển qua Trung Quốc tới Kazakhstan và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Về phần mình, Đại sứ Nga K.V.Vnukov bày tỏ sự “đáng tiếc” khi vẫn còn những tồn tại và phức tạp trong thực hiện Hiệp định.
Thứ nhất, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nga tăng trưởng mạnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam không có nhiều thay đổi. Theo đó, Nga muốn tăng xuất khẩu các hàng hóa công nghiệp (thiết bị năng lượng, phương tiện vận tải, thiết bị kỹ thuật hàng không dân dụng); lương thực thực phẩm (ngũ cốc, sản phẩm thịt và phủ tạng, sản phẩm từ cá, sữa); và nguyên liệu và bán thành phẩm (dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ, than, kim loại, phân bón).
Thứ hai, vị đại sứ cũng than phiền về những phức tạp trong việc xin cấp giấy chứng chỉ về thú y để xuất khẩu thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm và phủ tạng các động vật này của Nga vào Việt Nam.(Bizlive)
-----------------------------
Vua A-rập Saudi mang theo 1.500 người, đồ nội thất riêng công du Nga
Các quan chức A-rập Saudi đặt 2 khách sạn hạng sang, tự mang theo đồ nội thất kể cả thảm trải phòng và nhân viên khách sạn riêng trong chuyến thăm lịch sử của vua Salman bin Abdulaziz.
Hôm thứ 4 (4/10), vị vua 81 tuổi của vương quốc vùng Vịnh rời máy bay và bước lên chiếc thang cuốn mà ông mang theo để bắt đầu chuyến viếng thăm cấp nhà nước 4 ngày tại Nga. Một đội xe ô tô đưa ông Salman cùng đoàn tùy tùng vào trung tâm thành phố, dưới sự hộ tống của cảnh sát Nga.
Chính phủ A-rập đặt 2 khách sạn cho phái đoàn là Ritz Carlton và Four Seasons. Vua Salman nghỉ tại Four Seasons nhưng dùng đồ nội thất riêng chứ không dùng đồ khách sạn. Nhân viên khách sạn cũng được thay thế bằng nhân viên mà nhà vua mang theo. Four Seasons đã yêu cầu một số khách hàng hủy đặt phòng và thậm chí phải đưa những người sống trong khách sạn ra ngoài để lấy chỗ cho đoàn khách đặc biệt này, nguồn tin thân cận với sự kiện cho biết.
Người gác cổng tại Four Seasons nói rằng toàn bộ khách sạn đã được đặt đến ngày 8/10 và không mở cửa cho công chúng. Một chiếc máy bay của A-rập Saudi di chuyển hàng ngày giữa Riyadh và Moscow để vận chuyển đồ dùng và thực phẩm phục vụ cho đoàn và tính đến nay, 800 kg thực phẩm đã được đưa đến Nga.
Chi phí thuê 2 khách sạn trong chuyến thăm này có thể sẽ tốn khoảng 3 triệu USD, không bao gồm những dịch vụ ngoài như ăn uống hay spa, theo ông Vadim Prasov, phó chủ tịch của Liên hiệp nhà hàng và khách sạn của Nga.(NDH)
----------------------------
Thứ trưởng Công Thương: “Các nhà máy thuỷ điện điều tiết hợp lý giá điện”
8 tháng đầu năm 2017 các nhà máy thuỷ điện đã đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống, điều tiết hợp lý giá điện, tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước…
Tại hội thảo “Quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ” diễn ra ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng dẫn các số liệu cho biết Việt Nam có tiềm năng thuỷ điện khá lớn và tiềm năng về năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời, sinh khối… Đây là những tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý.
Theo Thứ trưởng Vượng, các nhà máy thủy điện hiện có đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (năm 2016, đã đóng góp khoảng 44% công suất và gần 40% điện lượng; trong 8 tháng đầu năm 2017, đã đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống điện), điều tiết hợp lý giá điện ở nước ta; tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho lực lượng lao động trên cả nước; đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước…
Tại một số tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng... các nhà máy thủy điện đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách.
Cùng với phát triển thủy điện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm,...) và điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các địa phương có dự án được cải thiện, hoàn chỉnh. Nhìn chung, việc phát triển thủy điện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; người dân tái định cư ngày càng ổn định cuộc sống, tăng thu nhập của người dân địa phương.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Vượng cũng cho biết, công tác quản lý nhà nước về thủy điện mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, có nguyên nhân là các cơ quan liên quan ở địa phương còn hạn chế về nhân lực chuyên môn và thiếu quan tâm. Một số Chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cũng chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc vận hành khai thác; năng lực quản lý dự án, thiết kế và thi công của nhiều đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.
“Vì vậy, chất lượng của quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, còn vi phạm quy định vận hành gây bức xúc trong dư luận”, Thứ trưởng Vượng nói.
Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, trong những năm vừa qua Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát, loại bỏ 468 dự án, vị trí tiềm năng, hoặc không xem xét đưa vào quy hoạch với công suất khoảng 2.044 MW do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội,... (chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ có công suất thấp).
Bộ Công Thương cũng tăng cường công tác quản lý, giám sát các công trình thủy điện; chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp đảm bảo các chủ đầu tư, nhà máy thủy điện chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý vận hành các nhà máy thủy điện…
Tại hội thảo, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã đưa ra 5 giải pháp để phát triển bền vững và hiệu quả thủy điện nhỏ ở Việt Nam.
Cụ thể, nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch các công trình thủy điện đang vận hành khai thác; Hai là, tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ba là, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành; Bốn là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác.
Năm là, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng sớm xem xét để bổ sung, điều chỉnh các nghị định, thông tư, chế tài, thể chế để kịp thời đáp ứng việc đầu tư phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo hiệu quả và bền vững; xem xét việc thu hút đầu tư vào thủy điện nhỏ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.(Bizlive)