Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2017 lên đỉnh 9 năm; Làm gì được Uber, Grab?; Phát hoảng với hàng giá rẻ Trung Quốc, EU ra quy định mới; Thương mại Việt Nam - Liên bang Nga tăng 29% 8 tháng đầu năm 2017 nhờ FTA
Tin kinh tế đọc nhanh 06-10-2017
- Cập nhật : 06/10/2017
Tổng giám đốc IMF khuyên không nên bỏ qua tiền ảo
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tin rằng tiền ảo có thể tốt hơn đồng tiền pháp định của một số quốc gia.Nguồn ảnh: shethepeople.tv
Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở London, giám đốc IMF là bà Christine Lagarde nói với các đại biểu rằng "sẽ là không khôn ngoan nếu bỏ qua các đồng tiền ảo".
Bà Lagarde đã phác thảo các kịch bản có thể thôi thúc một quốc gia - đặc biệt là những nước "yếu kém về thể chế và có đồng tiền không ổn định" - có thể tận dụng những cơ hội mà tiền ảo đem lại.
"Thay vì sử dụng đồng tiền của một quốc gia khác - chẳng hạn như USD - một số nền kinh tế có thể sử dụng tiền ảo", bà Lagarde nói.
Tuy nhiên, bà Lagarde cũng đã lưu ý rằng một viễn cảnh như thế vẫn còn xa xôi. Bà cũng nói rằng các loại tiền ảo hiện nay là "biến động quá nhiều, quá nguy hiểm, đòi hỏi quá nhiều năng lượng để được tạo ra, và những công nghệ đứng sau tiền ảo vẫn chưa thể được triển khai rộng rãi".
Một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình chấp nhận tiền ảo là sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng, khi họ ngày càng ưa chuộng các loại tiền tệ mới "dễ dàng và an toàn hơn" so với các loại tiền tệ hiện có. Quá trình này có thể được đẩy nhanh hơn nếu các loại tiền ảo "thực sự trở nên ổn định hơn", bà Lagarde nhận xét.
Lagarde nói thêm: “Phản ứng tốt nhất của các ngân hàng trung ương là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả, đồng thời đón nhận những ý tưởng và nhu cầu mới khi các nền kinh tế tiếp tục phát triển và thay đổi".
Cho đến nay, IMF đã kêu gọi nên có một cách tiếp cận cân bằng đối với việc quản lý tiền ảo. Lagarde cũng đã lên tiếng ủng hộ việc ứng dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) vào các hoạt động tài chính của blockchain, và đây cũng là một chủ đề mà IMF đã đem ra thảo luận ở cấp tổ chức.(NCĐT)
--------------------------------
Thủ tướng vạch rõ phương án xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ
Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Mục tiêu của Đề án là sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước. Trong đó, năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện. Đến hết năm 2018 phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp.
Đề án yêu cầu đến năm 2020 sẽ phải hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.
Về các giải pháp chung, sẽ giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC và vướng mắc trong hợp đồng liên doanh với đối tác.
Bên cạnh đó, xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách chung để tạo điều kiện về phát triển thị trường một số sản phẩm công nghiệp, trong đó có sản phẩm của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.
Đối với nhóm 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón (gồm Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai) thì tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Dự án. Sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phẩn hóa, thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại Nhà máy trước khi các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi Dự án.
Với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, ưu tiên chọn phương án Tổng công ty dầu Việt Nam chuyển nhượng/thoái vốn khỏi Dự án. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án còn lại, gồm: 1- Tiếp tục triển khai Dự án với nhà thầu là Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam; 2- Tiếp tục triển khai Dự án, thanh lý hợp đồng với nhà thầu là Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam để tìm nhà thầu khác; 3- Dừng triển khai Dự án, phá sản Công ty.
Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi Dự án. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn phương án: Cho thuê tài chính - Bán tài sản.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên ưu tiên chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án: Bán Dự án hoặc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư Dự án.
Với Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai, tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Dự án.
Với Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), ưu tiên chọn phương án chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ. Trong trường hợp phương án này thực hiện không thành công sẽ chuyển sang triển khai phương án phá sản DQS theo quy định của pháp luật.
Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex) ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc phương án PVTex chuyển nhượng Công ty. Trong trường hợp cả 2 phương án triển khai không thành công thì sẽ xem xét phương án phá sản Công ty theo quy định của pháp luật.
Còn với Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá thành công đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của Dự án. Đồng thời, Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của Dự án; lập báo cáo tình hình thực hiện các khoản nợ phải thu, phải trả của Dự án đến thời điểm 31/12/2016.(NDH)
--------------------------
Chứng khoán Rồng Việt vượt kế hoạch, lãi 80,8 tỷ đồng sau 9 tháng
Với lợi nhuận trước thuế tạo ra trong 9 tháng đầu năm hơn 100 tỷ đồng, VDS vượt kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ đồng cả năm đề ra.Nguồn ảnh: Rồng Việt
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2017 đạt gần 250 tỷ đồng, tăng hơn 47%; lợi nhuận trước thuế đạt 100,3 tỷ đồng, tăng 86,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 80,9 tỷ đồng, tăng 83,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể hơn, doanh thu dịch vụ môi giới chứng khoán tăng hơn 75,3%, đạt 63,5 tỷ đồng; doanh thu tự doanh đạt 66,6 tỷ đồng, tăng 28,7%; doanh thu từ hoạt động giao dịch ký quỹ và ứng trước đạt 104,2 tỷ đồng, tăng 86,3% so với 9 tháng đầu năm 2016.
Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động bảo lãnh phát hành 9 tháng đầu 2017 đạt 5,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ trước chỉ đạt 3 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo VDS cho biết, ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, Rồng Việt tiếp tục cải tiến các dịch vụ điển hình triển khai dịch vụ ETA - Dịch vụ trực tuyến tích hợp nhiều tính năng nhằm mang đến sự tiện lợi, hiệu quả, tiết kiệm chi phí nhất cho nhà đầu tư.
Theo kế hoạch, song song với việc tăng vốn, Rồng Việt sẽ tiếp tục tối ưu hóa hệ thống tất cả các dịch vụ từ việc cải thiện và nâng cao cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đến phát triển đội ngũ nhân sự nhằm mở rộng thị phần Môi giới.
Với kết quả lợi nhuận trước thuế tạo ra trong 9 tháng đầu năm hơn 100 tỷ đồng, VDS chính thức vượt kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ đồng cả năm đã đề ra trước đó.(NCĐT)
-------------------------------
Đại gia Nhật nhảy vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam
Tham vọng của đại gia Idemitsu Kosan được ghi dấu bằng việc mở trạm xăng 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam.
Thông tin vừa được Idemitsu Kosan (Nhật Bản) công bố hôm nay (5/10) cho biết, trạm xăng bán lẻ Idemitsu Q8 đầu tiên đã có mặt tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ. Hiện Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu cũng mới chỉ áp dụng đối với thương nhân Việt Nam.
Thực tế, ý định tham gia bán lẻ xăng dầu được Indemitsu Kosan tiết lộ cách đây hơn một năm khi cùng hợp tác với Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) thành lập liên doanh Dầu khí Idemitsu Q8, với vốn góp mỗi bên 50%. Liên doanh này có kế hoạch hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, lẻ các sản phẩm dầu khí, thông qua việc xây dựng các trạm dịch vụ trên cả nước.
Ông Hiroaki Honjo - Tổng giám đốc Idemitsu Q8 cho rằng, việc lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ xăng dầu sẽ góp phần cung cấp nguồn xăng dầu ổn định cho thị trường Việt Nam, nơi mà nhu cầu dầu khí sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. Sau trạm xăng đầu tiên được mở tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), doanh nghiệp này sẽ lên kế hoạch mở rộng mạng lưới tại các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Nam.
Lâu nay bán lẻ xăng dầu vẫn được coi là "đất riêng" của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối nội địa, với 29 đơn vị, song phần lớn thị phần lại nằm trong tay các đại gia lớn như Petrolimex, PVOil, Saigon Petro... Do đó, việc Idemitsu Q8 lấn sân vào phân khúc bán lẻ được giới chuyên gia nhận xét sẽ đem lại thế cân bằng, mở ra sự cạnh tranh thực sự trên thị trường.
"Việc có nhiều đại gia năng lượng ngoại “nhòm ngó” vào thị trường bán lẻ xăng dầu là hoàn toàn bình thường. Thị trường càng có sự cạnh tranh bao nhiêu thì người tiêu dùng càng được lợi bấy nhiêu. Các doanh nghiệp nội địa buộc phải chuyển mình”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận xét.
Đại gia Nhật sở hữu 35,1% vốn góp tại Lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá), vì thế khi Idemitsu Q8 chính thức tham gia thị trường bán lẻ sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm của Lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá), khi nhà máy này được đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm nay.
Trước ý kiến phải thay đổi quy định về đối tượng áp dụng trong Nghị định 83 để “thích ứng” với sự tham gia của đại gia năng lượng ngoại, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, không cần thiết. Ông dẫn giải, kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu đang được áp dụng theo “khung” của Nghị định 83 và đối tượng áp dụng tại Nghị định này chỉ dành cho thương nhân Việt Nam.
Tuy đưa ra đối tượng áp dụng “cứng” là thương nhân Việt Nam, song Nghị định này cũng để ngỏ khi quy định, "thương nhân nước ngoài kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này...”. Nghĩa là, khi tham gia thị trường, Idemitsu Q8 cũng sẽ phải tuân thủ Nghị định 83, và nếu chiếm trên 30% thị phần thì Nhà nước sẽ điều hành giá.
Idemitsu Kosan là doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành xăng dầu Nhật Bản (sau Nippon Oil), hoạt động trong hầu hết các khâu của ngành này, từ lọc, sản xuất đến phân phối sản phẩm. Trong khi đó, KPI là một nhánh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait. Hãng này sở hữu thương hiệu xăng dầu Q8 với lượng tiêu thụ tương đương hơn 450.000 thùng một ngày trên toàn cầu. KPI cũng có hệ thống gần 4.800 trạm xăng dầu tại châu Âu.(Vnexpress)