Dự án 'đắp chiếu' 10 năm trên đất vàng tại Hà Nội đổi chủ; Ba Lan khó khăn vì quá ít người thất nghiệp; Hơn 600.000 m2 sàn sẽ gia nhập thị trường bán lẻ TP.HCM; Petrolimex thu về hơn 1.000 tỉ đồng từ việc bán cổ phiếu quỹ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 28-08-2017
- Cập nhật : 28/08/2017
Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,3 tỷ USD
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8/2017, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 8 tháng, có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 6,02 tỷ USD (chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư).
Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,74 tỷ USD. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,92 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 11,69 tỷ USD, chiếm 50% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Công ty TNHH sợi dệt nhuộm YULUN (vốn đầu tư của Trung Quốc) hoạt động tại Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 5,36 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,28 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 8 tháng đạt 95,66 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 71,6% kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu không kể dầu thô trong 8 tháng đạt 93,79 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 70,2% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đạt 81,38 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 60% kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung trong 8 tháng, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 14,28 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 12,4 tỷ USD không kể dầu thô.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/8, cả nước có 1.624 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,45 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, có 773 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,4 tỷ USD ( ăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2016) và 3.374 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,5 tỷ USD (tăng 101,3% so với cùng kỳ 2016).
Tính chung trong 8 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016.(Baotintuc)
------------------------------
Cơ quan nào sẽ xác nhận tỷ lệ tổn thất của hàng hóa XNK xin giảm thuế?
Một trong những giấy tờ trong hồ sơ giảm thuế yêu cầu phải có là 1 bản chính Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về số lượng hàng hóa bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa…
Đó là hướng dẫn của Tổng cục Hải quan trước vướng mắc của Cục Hải quan Hải Phòng trong quá trình xử lý thuế đối với nguyên liệu NK sản xuất hàng XK bị hỏa hoạn.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì một trong những giấy tờ trong hồ sơ giảm thuế phải có là: 1 bản chính Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về số lượng hàng hóa bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa và 1 bản chính Giấy chứng nhận giám định phải được lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 108 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì một trong những giấy tờ trong hồ sơ giảm thuế phải có là: 1 bản chụp Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về số lượng nguyên liệu, máy móc, thiết bị NK bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hoá NK, về tình trạng hàng hóa không còn giá trị sử dụng”.
Và điểm c khoản 1 Điều 112 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định thì: trong hồ sơ giảm thuế phải có 1 bản chính “Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định về số lượng hàng hóa bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hoá NK.
Theo đó, cơ quan xác nhận số lượng hàng hóa bị mất mát hoặc tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa NK là do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ là thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định.
Bên cạnh đó hướng dẫn về thời hạn xét giảm thuế, miễn thuế, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 109 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì: Đối với nguyên liệu, máy móc, thiết bị NK theo hợp đồng gia công, sản xuất XK bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, thời hạn nộp hồ sơ xét miễn thuế chậm nhất là 30 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền xác nhận về mức độ thiệt hại;
Cùng với đó, tại Khoản 3 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định thì “Người nộp thuế nộp hồ sơ cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc chậm nhất là 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản xác nhận về mức độ hư hỏng, mất mát, thiệt hại”.
Vì vậy, trường hợp người nộp thuế nộp hồ sơ xét miễn thuế, giảm thuế quá thời hạn quy định nêu trên thì không đáp ứng quy định về thủ tục xem xét miễn thuế, giảm thuế.(Baohaiquan)
-----------------------
Bổ sung mặt hàng nước ngọt chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Bộ Tài chính vừa đề nghị bổ sung mặt hàng nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mục tiêu hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bổ sung mặt hàng nước ngọt chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. (Ảnh minh họa) Nguồn: Bnews
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án thuế suất: phương án 1 là áp dụng mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019. Phương án 2: Áp dụng mức thuế suất 20% áp dụng từ năm 2019; trong đó, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 1.
Lý giải về đề nghị này, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế của Bộ Tài chính cho biết đồ uống có đường là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khoẻ bao gồm tim mạch và tiểu đường.
Ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015, tại TP Hồ Chí Minh mức tỷ lệ này lên tới 10,8% (đặc biệt tại khu vực trung tâm tỷ lệ này lên đến 12%) cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%).
Theo số liệu thống kê năm 2010, tỷ lệ béo phì đối với trẻ em từ 5 đến 19 tuổi cũng khá cao: Tỷ lệ chung ở nhóm này là 8,5%; 18,2% ở thành phố; 7,9% ở nông thôn, tuy nhiên, ở thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh rất cao: 34,5%.
Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm như: các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim; nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 và một số bệnh ung thư như: ung thư túi mật, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư thận…
Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì việc lạm dụng nước ngọt sẽ dẫn đến béo phì và tiểu đường. Theo Quỹ Nâng cao sức khỏe Victoria, Australia, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng sử dụng nước ngọt gắn liền với tăng cân và béo phì, và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khoẻ bao gồm tim mạch và tiểu đường.
Do vậy, để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, các nước trong khu vực đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt, đại diện Bộ Tài chính đã dẫn chứng cụ thể Thái Lan quy định nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai 440cc; nước ngọt có ga, ở mức 20% hoặc 0,011 USD/chai 440cc.
Lào thu thuế tiêu thụ đặc biêt đối với nước ngọt có ga không cồn với mức thuế suất 5% và nước tăng lực với mức thuế suất 10%; Campuchia thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt 10%.
Theo thông tin từ Ban thư ký ASEAN thì 3 nước trong ASEAN khác đang dự kiến, xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt: Myanmar dự kiến thu thuế suất 5%; Phillippines dự kiến thu thuế tiêu thụ đặc biệt mức tuyệt đối 10 Peso/lít; Indonesia dự kiến thu thuế tiêu thụ đặc biệt mức tuyệt đối 3.000Rupi/lít nước ngọt có ga.
Như vậy, hầu hết các nước trong khu vực đã và sẽ thực hiện thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt. Các nước Châu Âu áp dụng thu thuế cao hơn, cụ thể: Pháp thu với mức thuế tuyệt đối 0,72 euro/lít; Phần Lan thu với mức thuế tuyệt đối là 0,075 euro/lít; Hungary thu mức thuế tuyệt đối là 0,04 euro/1 chai hoặc 1 lon; Hà Lan: thu 0,09 USD/lít,...(TTXVN)
---------------------
Xăng dầu nhập từ Hàn Quốc tăng 113% về kim ngạch
Trong những tháng vừa qua của năm 2017, mặt hàng xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ cả về sản lượng và trị giá và là một trong những nhóm hàng nhập khẩu đạt trị giá kim ngạch “tỷ USD” từ thị trường này.
Biểu đồ so sánh trị giá kim ngạch nhập khẩu 5 nhóm hàng lớn nhất từ Hàn Quốc năm 2016 và 2017 (tính đến tháng 7), đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.
Thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 7, cả nước nhập khẩu 1,722 triệu tấn xăng dầu từ Hàn Quốc với tổng trị giá kim ngạch đạt 1,031 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2016 sản lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc tăng 81%, trong khi trị giá kim ngạch tăng tới trên 113%.
Ngoài mặt hàng xăng dầu, máy móc thiết bị nhập từ Hàn Quốc cũng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. Với trị giá kim ngạch nhập khẩu lên đến 6,964 tỷ USD nhóm hàng này có tốc độ tăng trưởng tới 121% so với thời điểm này năm ngoái và là nhóm hàng nhập khẩu lớn thứ hai từ Hàn Quốc.
Hết tháng 7, còn 3 nhóm hàng khác nhập từ Hàn Quốc đạt trị giá trên 1 tỷ USD. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn giữ vị trí số 1 với kim ngạch đạt 7,152 tỷ USD; tiếp đến là điện thoại và linh kiên đạt 2,765 tỷ USD; vải đạt 1,182 tỷ USD.
Những tháng vừa qua của năm 2017, Hàn Quốc đã vươn lên mạnh mẽ trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam và vượt qua cả Trung Quốc để trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của nước ta.
Thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 7, cả nước nhập khẩu lượng hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc đạt trị giá kim ngạch lên đến 26,309 tỷ USD, tăng 8,633 tỷ USD so với cùng kỳ 2016, tương đương tốc độ tăng trưởng lên đến gần 49%.(Baohaiquan)