Thế giới di động mua lại bao nhiều cổ phần của Trần Anh?; Nhà Trắng ngăn chặn Nga kiểm soát công ty dầu mỏ tại Mỹ; Đấu thầu 9 chung cư cũ chọn nhà đầu tư; Việt Nam sẽ có Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân trước 2025
Tin kinh tế đọc nhanh 29-08-2017
- Cập nhật : 29/08/2017
CEO của Expedia sẽ là CEO mới của Uber?
Uber sẽ bổ nhiệm Dara Khosrowshahi vào vị trí CEO, theo nguồn tin thân cận của Bloomberg.Nguồn ảnh: Vox
Theo nguồn tin của Bloomberg cho hay thì Dara Khosrowshahi (48 tuổi), hiện là CEO của dịch vụ du lịch trực tuyến Expedia, sẽ trở thành CEO mới của Uber, kế nhiệm nhà đồng sáng lập Travis Kalanick. Uber và Expedia đã không phản hồi ngay lập tức đối với yêu cầu bình luận từ Bloomberg.
Là người Mỹ gốc Iran, Khosrowshahi đã làm CEO của Expedia từ năm 2005. Từ đó tới nay, Expedia đã mở rộng hoạt động ra hơn 60 quốc gia trên toàn cầu, đạt doanh thu 8,7 tỷ USD trong năm 2016 và có giá trị vốn hóa thị trường 23 tỷ USD.
Khosrowshahi sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong việc lèo lái Uber, vốn đã huy động hơn 15 tỷ USD từ các nhà đầu tư tư nhân, và đang dự định IPO dù việc này cũng chưa được lên kế hoạch. Vị CEO mới sẽ phải đương đầu với hàng loạt vấn đề: tình trạng thua lỗ liên tục, một vụ kiện về ăn cắp tài liệu từ công ty con của Alphabet là Waymo, một thương hiệu bị sứt mẻ, và sự sụt giảm tinh thần làm việc của hơn 15.000 nhân viên trên toàn cầu.
Theo nguồn tin của Recode, Khosrowshahi là người duy nhất mà các phe phái đang mâu thuẫn nhau trong hội đồng quản trị của Uber có thể cùng chấp thuận.
Theo các nguồn tin của Bloomberg, hội đồng quản trị của Uber đã họp vào cuối tuần qua để phỏng vấn các ứng cử viên trong vòng tuyển chọn cuối cùng và thảo luận về các lựa chọn này. CEO của Hewlett-Packard là bà Meg Whitman (được sự ủng hộ của cổ đông lớn Benchmark Capital) đã nhận được sự ủng hộ của một số thành viên trong HĐQT sau khi trình bày tầm nhìn của mình với công ty trong hôm thứ Bảy, nhưng cuối cùng cũng thất bại. Theo nguồn tin của Recode, việc Whitman mong muốn Kalanick bớt nhúng tay vào công việc HĐQT là một yếu tố khiến bà không được chọn.
Chủ tịch General Electric là Jeffrey Immelt (được sự ủng hộ của Travis Kalanick) cũng lọt vào cuối cùng nhưng cũng không giành được sự ủng hộ của HĐQT. Ông đã thông báo sự rút lui của mình trên Twitter vào hôm Chủ nhật.(NCĐT)
-----------------------------
Mở lại phiên xử cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm
Gần 730 người và pháp nhân liên quan sai phạm của cựu chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm được triệu tập đến tòa.Nguồn ảnh: VnExpress
Hôm nay, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa.
Ngoài ông Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank) còn có 50 bị cáo khác, đa phần là cấp dưới của ông Thắm. Nữ đại gia Hứa Thị Phấn đại diện nhóm cổ đông lớn của ngân hàng Đại Tín - TrustBank cùng hai cựu lãnh đạo OceanBank xin được xử vắng mặt do sức khỏe.
Tòa triệu tập gần 730 người, pháp nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Hơn 50 luật sư đăng ký bảo vệ cho các bị cáo, cá nhân và pháp nhân tham gia phiên tòa. Ông Thắm mời hai luật sư bào chữa. Cựu tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn có 4 luật sư bảo vệ.
Vụ đại án OceanBank từng được đưa ra xét xử cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, sau gần 10 ngày thẩm vấn, tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ hành vi liên quan của các cá nhân.
Bị truy tố bổ sung, bà Hứa Thị Phấn và ông Phạm Công Danh (cựu chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh) được xác định đồng phạm với ông Hà Văn Thắm về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bà Hoàng Thị Hồng Tứ (nguyên chủ tịch HĐQT công ty BSC) và Trần Văn Bình (giám đốc công ty Trung Dung) bị khởi tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng mới, ngoài tội Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (tội danh cũ là lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ), Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cùng với ông Nguyễn Xuân Sơn, ông Thắm còn bị truy tố tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo cáo buộc, tháng 11/2012, ông Thắm đã chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn (phó tổng giám đốc OceanBank) cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đồng thông qua công ty Trung Dung không có tài sản đảm bảo, khách sử dụng vốn không đúng mục đích. Hành vi này trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay, quy trình và thủ tục khiến OceanBank thiệt hại hơn 500 tỷ đồng (cả gốc lẫn lãi).
Từ năm 2010 đến năm 2014, dưới sự chỉ đạo của cựu Chủ tịch HĐQT và cựu TGĐ Oceanbank Nguyễn Thị Minh Thu, ngân hàng này đã chi trả lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi cho hàng trăm cá nhân, tổ chức gửi tiền.
Trong tổng số tiền gần 1.600 tỷ đồng chi trả trái quy định pháp luật, ông Sơn bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 246 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 49 tỷ đồng được xác định là số tiền ông Sơn tham ô. Số tiền còn lại là hơn 197 tỷ đồng, cáo trạng mới quy kết Nguyễn Xuân Sơn đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt.
Cáo trạng xác định, trong tổng số tiền chi lãi ngoài là hơn 1.300 tỷ động. Số tiền này được xác định có tới hơn 700 cá nhân và pháp nhân từng gửi tiền vào OceanBank được hưởng lợi không chính đáng.
Dự kiến phiên sơ thẩm diễn ra trong 20 ngày.(Vnexpress)
------------------------------
Tương lai của Samsung ra sao nếu phó chủ tịch ngồi tù?
Trong ngắn hạn, người ta sẽ không thấy sự thay đổi. Nhưng trong trung và dài hạn, hoạt động của Samsung chắc chắn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Ở thời điểm tập đoàn đối diện với nhiều tin tức xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của tập đoàn, Samsung vẫn kinh doanh cực kỳ tốt. Người thừa kế thế hệ thứ ba của tập đoàn bị kết án và bỏ tù bởi những cáo buộc tham nhũng.
Bộ phận kinh doanh các sản phẩm điện tử của tập đoàn trở thành công ty công nghệ lãi cao nhất thế giới trong quý vừa qua trong khi phó chủ tịch tập đoàn đang vướng vào hàng loạt rắc rối liên quan đến ông.
Việc Samsung vẫn lãi được 10 tỷ USD trong quý vừa qua dù phó chủ tịch không tham gia nhiều vào công việc kinh doanh của tập đoàn cũng làm an lòng các nhà đầu tư trong trường hợp ông phải ngồi tù.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định Samsung sẽ vẫn tiếp tục thành công trong thời gian tới bởi Samsung sẽ gặt hái được thành quả từ chiến lược đầu tư dài hạn trước đây và bởi đội ngũ lãnh đạo của Samsung làm việc rất hiệu quả.
Dù vậy, người ta không khỏi đặt câu hỏi về tương lai của Samsung, liệu tập đoàn lớn và quyền lực nhất Hàn Quốc này có nên tiếp tục được quản lý theo kiểu “vương triều”? Báo Financial Times đưa ra một số nhận định trong bài báo mới đây.
“Ngay cả khi không có ông Lee, tập đoàn vẫn kinh doanh tốt, người ta không khỏi hoài nghi vậy tập đoàn có cần đến vai trò của ông không? Ông sẽ khó mà điều hành tập đoàn theo cách của một vị tướng, giống như cha ông đã từng làm trước đây”, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, ông Chang Sea-jin, nhận xét.
Từ khi ông Lee Kun-hee bị đau tim vào năm 2014, ông Lee Jae-yong đã điều hành tập đoàn trong cương vị phó chủ tịch. Cho đến trước khi bị bắt vào tháng Hai, ông Lee vẫn đang trong quá trình củng cố quyền lực của mình.
Và cũng chính bởi trong quá trình này mà ông vướng vào nhiều cáo buộc đưa hối lộ hàng triệu USD cho cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye để nhận được sự ủng hộ của bà đối với một số thương vụ.
Chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán SK Securities, ông Kim Young-woo, khẳng định rằng sự vắng mặt của ông Lee sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hàng ngày của Samsung, tuy nhiên nó vẫn khiến cho Samsung đối diện với nhiều rủi ro hơn trong dài hạn: “Các quản lý hiện tại của Samsung đủ khả năng điều hành các công việc hàng ngày. Thế nhưng nếu nói đến hoạt động M&A hay việc Samsung tham gia vào một số ngành nghề kinh doanh mới hoặc khi cần quyết định cuối cùng liên quan đến hoạt động đầu tư trị giá hàng tỷ USD, các quản lý sẽ không thể dám chịu trách nhiệm.”
Chuyên gia khác tại công ty chứng khoán Nomura Securities, ông CW Chung, cũng đưa ra quan điểm gần tương tự: “Nếu trong ngắn hạn, chúng ta không thấy hoạt động của Samsung có gì thay đổi khi thiếu ông Lee. Tuy nhiên trong tương lai trung và dài hạn, hoạt động của Samsung chắc chắn chịu tác động.”
Ông Chung nhấn mạnh: “Kết quả kinh doanh ấn tượng của Samsung có được là nhờ vào các quyết định đầu tư táo bạo mà gia đình ông Lee đã đưa ra từ năm năm trước nay đang có những thành quả tốt. Tuy nhiên không ai dám chắc điều tương tự sẽ có được sau từ năm đến bẩy năm nữa.”
Dù bản án ngày thứ Sáu đã được tuyên, hoàn toàn có khả năng ông Lee sẽ không phải ngồi tù. Các luật sư tài năng của ông đã bắt đầu quá trình kháng án. Ngoài ra, việc Tổng thống Hàn Quốc chấp nhận miễn án cho những nhà điều hành cao cấp của các tập đoàn có tầm ảnh hưởng lớn trong kinh tế Hàn Quốc không phải chưa từng xảy ra.
Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc, ông Moon Jae-in, từng thề sẽ không lặp lại các quyết định tương tự của các đời Tổng thống trước. Vụ việc với ông Lee lần này sẽ được coi như phép thử quan trọng.
Tác giả của nhiều cuốn sách về các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, ông Geoffrey Cain, dự báo: “Ông Lee sẽ được Tổng thống miễn tội và trở lại điều hành tập đoàn Samsung.”
Theo kịch bản mà ông Cain dự báo, Samsung sẽ thông báo về sự qua đời của cựu chủ tịch Lee Kun-hee, nhờ đó để nhận được sự thông cảm của Tổng thống theo cách: “Nhà lãnh đạo đáng kính, người xây dựng nên tập đoàn Samsung vĩ đại đã qua đời…Chúng tôi tha thiết kêu gọi Tổng thống hãy tha thứ cho con trai của ông ấy để con trai ông có thể tiếp quản công việc của tập đoàn và cứu lấy Samsung.”
Nếu ông Lee thực sự phải ngồi tù, Samsung sẽ gặp khó trong việc cải tổ hoạt động quản trị. Thời gian gần đây, Samsung đối diện với nhiều chỉ trích về việc các nhà lãnh đạo đặt quyền lợi của gia đình và cổ đông lớn lên cao hơn quyền lợi của cổ đông nhỏ và nhân viên tập đoàn.
Giáo sư tại đại học Hankuk, ông Kang Myeong-jae, nhận định: “Nếu ông Lee ngồi tù, quá trình cải tổ doanh nghiệp sẽ bị trì hoãn trong thời gian dài. Tất cả mọi sự chú ý sẽ dồn vào kế hoạch tìm người kế vị ông Lee. Ông Lee sẽ vẫn nắm được tập đoàn, nhưng có thể sự thống trị của gia đình sáng lập tập đoàn Samsung chỉ dừng lại ở thế hệ của ông. Con cái của ông sẽ không đủ khả năng quản lý tập đoàn.”(Bizlive)
----------------------------
Hải quan TP.HCM mất trắng gần 1.400 tỷ đồng nợ thuế
Báo cáo Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP HCM cho biết, số thu thuế lũy kế đến giữa tháng 8 đạt gần 66.000 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ và đạt hơn 60% chỉ tiêu pháp lệnh được giao.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết, đến 15/8, tổng nợ thuế là 2.554 tỷ đồng và trong đó có gần 1.400 tỷ đồng là "nợ không có khả năng thu hồi". Năm 2017, Cục Hải quan TP HCM được giao thu 109.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn do nhiều doanh nghiệp "biến mất" khỏi trụ sở đăng ký, phá sản hoặc một vài đối tượng thành lập mới để nhập khẩu ồ ạt các lô hàng giá trị cao lợi dụng chính sách thông quan trước, kiểm tra sau. Mô tuýp vi phạm của các doanh nghiệp này là nhập khẩu các lô hàng nhưng khai giá trị thấp, sau đó xin giải thể trước khi cơ quan hải quan ra quyết định kiểm tra sau thông quan.
Hoặc gần đây, ngành hải quan phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập ôtô theo diện quà biếu, tặng rồi bán lại cho các tổ chức cá nhân khác và tuyên bố phá sản. Vì những kiểu phá sản hoặc biến mất này mà cơ quan thu thuế xuất nhập khẩu không thể đòi lại được phần tiền thuế trên.
Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng là những địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp nợ thuế hải quan (thuế xuất nhập khẩu) lớn nhất cả nước.
Đầu tháng 6, Tổng cục Thuế cũng thống kê có gần 96.000 doanh nghiệp nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên, tổng giá trị các khoản nợ lên tới gần 49.400 tỷ đồng. Hà Nội và TP HCM chiếm một nửa danh sách nợ đọng này của ngành thuế.(Vnexpress)