Bloomberg: Thương mại điện tử Đông Nam Á còn nhiều tiềm năng phát triển; Nhập khẩu than từ Trung Quốc 7 tháng đầu năm giảm gần 1 nửa; Thị trường phân bón 'té nước theo mưa' khi áp thuế tự vệ; Có thể cho phá sản Nhà máy Đóng tàu Dung Quất
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-08-2017
- Cập nhật : 29/08/2017
Vì sao các công ty Hàn Quốc rời Phillipines để đến Việt Nam?
Chi phí sản xuất tại Phillipines là cao gấp 3 lần tại Việt Nam, cùng với những quy định mà các công ty Hàn Quốc cho là quá chặt chẽ.Nguồn ảnh: AFP
Theo tờ PhilStar Global đưa tin hôm thứ Tư, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Philippines là Ho Ik Lee cho biết nhiều công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Philipines đang chuẩn bị rời khỏi nước này và chuyển đến Việt Nam.
Ông Lee nói: "Chúng tôi muốn đầu tư ở đây (Philippines) trong lĩnh vực chế tạo, nhưng thật không may là nhiều công ty Hàn Quốc đang rời bỏ Philippines và chuyển đến Việt Nam... Khi tôi hỏi họ tại sao họ lại rời Philippines, họ nói đó là vì chi phí quá cao. Nó gần gấp 3 lần so với Việt Nam. Chi phí cao như vậy gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và đó là lý do tại sao các công ty Hàn Quốc đang chuyển sang Việt Nam. Cụ thể hơn, chi phí hậu cần ở đây quá cao và có các vấn đề khác liên quan đến chính phủ và Cục Hải quan”.
Ông Lee nói thêm rằng các công ty Hàn Quốc mong muốn một số ưu đãi từ Phillipines. Cụ thể, họ muốn Phillipines nới lỏng các quy định tương đương với những các nước châu Á khác như Indonesia và Việt Nam. Ông nói thêm: "Thị trường nội địa Philippines thực sự tốt nên các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn đầu tư vào thị trường tại đây. Nhưng các quy định của chính phủ dành cho việc đầu tư là khá chặt chẽ và các bạn cũng đặt ra giới hạn về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Hãy cho chúng tôi thêm một số ưu đãi".(NCĐT)
----------------------
Tiền thế hệ mới hay “bất động sản trên mặt trăng”?
Cơn sốt giá của một số loại tiền ảo trên thế giới đang khiến không ít nhà đầu tư trong nước quay cuồng. Đồng thời, xu thế này cũng gây áp lực lớn với các cơ quan quản lý về việc công nhận hay không công nhận tiền ảo.
Đua nhau đầu cơ, trang bị “trâu cày” để săn tiền ảo
Anh Phan Việt Hải, nhân viên phụ trách công nghệ thông tin một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho hay, mấy năm nay, anh và một người bạn hùn vốn đầu tư 2 dàn máy đào bitcoin (BTC) với tổng giá trị 250 triệu đồng.
“Sau 1 năm, chúng tôi đã trả hết khấu hao máy. Hiện nay, trừ chi phí, bình quân mỗi tháng, chúng tôi có thể thu về 10 - 20 triệu đồng/người”, anh Hải cho hay.
Tiền ảo được giới đầu tư Việt chú ý khoảng 5 năm gần đây. Không chỉ Bitcoin, mà các loại tiền ảo khác như Ethereum, Bitcoin Cash, Ripple, Litecoin… cũng đang được giới đầu tư chú ý, vì giá mềm hơn Bitcoin, có tốc độ tăng giá mạnh và khả năng thanh khoản dễ dàng.
Tính đến cuối tuần qua, đồng Bitcoin trên thế giới được niêm yết ở mức 4.382 USD/BTC. Chỉ riêng trong tháng 8/2017, BTC đã tăng hơn 2.000 USD/BTC.
Trong khi đó, tiền ảo Ethereun cũng đang tăng giá chóng mặt. Khởi đầu từ mức giá 1 USD vào năm 2015, tăng lên hơn 330 USD/ETH cuối tuần qua.
Giá tăng chóng mặt, những tỷ phú tiền ảo liên tục xuất hiện, khiến một bộ phận nhà đầu tư trẻ, am hiểu công nghệ trong nước phát cuồng. Dù tiền ảo chưa được công nhận ở Việt Nam, song với các nhà đầu tư, trong thời đại công nghệ số, đây là một kênh đầu tư không thể bỏ qua.
Việt Nam không thể mãi đứng ngoài cuộc chơi tiền ảo
Cho đến nay, trên thế giới vẫn có 2 quan điểm khác nhau về tiền ảo. Quan điểm thứ nhất coi tiền ảo là một loại tiền thế hệ mới. Quan điểm thứ hai coi đây là một loại hàng hóa bong bóng, đầu cơ và không có giá trị thật, giống như “bất động sản trên mặt trăng”.
Tại Việt Nam, tiền ảo vẫn đang nằm ngoài vòng pháp luật khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không coi đây là một loại tiền, Bộ Công thương không coi là hàng hóa và Bộ Tư pháp không coi là loại tài sản.
“Tiền ảo không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm, nhưng lại không được cơ quan quản lý công nhận. Theo tôi, đã không bị cấm thì nên công nhận nó và trước hết là phải xác định nó là tiền, là hàng hay là một tài sản. Nếu xác định tiền ảo có quyền tài sản thì không thể cấm, vấn đề đặt ra là được phép giao dịch và thanh toán đến đâu”, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO khuyến nghị.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, tiền ảo là xu hướng của cách mạng công nghệ 4.0, do đó, Việt Nam không thể mãi đứng ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà đã có 10 nước trên thế giới và hàng loạt tập đoàn lớn chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Đương nhiên, công nhận tiền ảo ở mức độ nào thì cần phải nghiên cứu kỹ.
Điều đáng mừng là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an, NHNN hoàn thiện công tác nghiên cứu, đánh giá và xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến loại tiền ảo, tiền điện tử từ nay đến năm 2019.
Nguồn tin từ NHNN cho hay, quan điểm của NHNN chỉ công nhận tiền điện tử là một phương tiện thanh toán và sẽ sớm hoàn thiện văn bản hướng dẫn. Riêng với tiền ảo, NHNN vẫn giữ quan điểm không công nhận đây là phương tiện thanh toán do có nhiều rủi ro như dễ bị tấn công, dễ tiếp tay cho rửa tiền, trốn thuế…
Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia tài chính cho rằng, trước mắt, chưa nên coi tiền ảo là tiền tệ, bởi có thể khiến làn sóng đầu cơ tăng mạnh, ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên xem xét công nhận đây là một hàng hóa, tài sản đặc biệt, được kinh doanh có điều kiện và phải chịu sự giám sát chặt chẽ.
Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc thừa nhận tiền ảo, đưa tiền ảo vào các văn bản quy phạm pháp luật (nếu có), sẽ là “thừa nhận để kiểm soát”, chứ không phải thừa nhận để khuyến khích phát triển.
Trong khi chưa xác định được tiền ảo là xu thế hay bong bóng đầu cơ, thì sự thận trọng của cơ quan quản lý là cần thiết. Song trong thời đại công nghệ số, Việt Nam không thể cấm được tiền ảo, vấn đề đặt ra là quản hay không quản mà thôi.(Baodautu)
-----------------
Phú Yên thu hồi dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản
Dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp Mường Thanh Phú Yên bị thu hồi sau hơn một năm không triển khai.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Trà vừa ký quyết định chấm dứt hiệu lực và thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư 1471/QĐ-UBND ngày 1/7/2016 của UBND tỉnh Phú Yên đã cấp cho DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên để thực hiện dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp Mường Thanh Phú Yên.
UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT thực hiện thu hồi bản gốc Quyết định chủ trương đầu tư 1471 của UBND tỉnh Phú Yên đã giao DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên để nộp về UBND tỉnh; đồng thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan biết.
Theo quyết định về chủ trương đầu tư được UBND tỉnh Phú Yên ban hành ngày 1/7/2016, dự án Mường Thanh Phú Yên có diện tích hơn 14.400 m2, nằm ở vị trí "đất vàng", 3 mặt tiền và giáp biển thuộc trung tâm TP Tuy Hòa. Tổ hợp khách sạn, thương mại này có quy mô 27 tầng nổi, 1 tầng hầm, 200 phòng khách sạn 5 sao, 300 căn hộ cao cấp; tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng.
Theo đó, chủ đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý trước tháng 9/2016, khởi công vào tháng 10/2016 và đến tháng 10/2017 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Thế nhưng, từ đó đến nay, nhà đầu tư vẫn án binh bất động, chưa triển khai công đoạn nào.(CafeF)
--------------------------
Phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất, PVN chấp nhận mất hàng nghìn tỷ đồng?
Tại văn bản gửi Bộ Công Thương, PVN kiến nghị cho phép bán DQS, trường hợp bán không thành công sẽ triển khai phương án phá sản đấu giá tài sản. Từ khi nhận bàn giao DQS từ Vinashin, PVN đã chuyển cho DQS hơn 5.095 tỷ đồng trong đó có hơn 3.100 tỷ đồng thanh toán nợ…
Không bán thành công PVN kiến nghị triển khai phương án phá sản đấu giá tài sản nhà máy đóng tàu Dung Quất. Ảnh: TL
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới có báo cáo về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của PVN gửi Bộ Công Thương.
Đề cập đến Dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất, liên quan đến phương án tái cơ cấu DQS, PVN cho biết, ngày 25/7/2017 Tập đoàn đã có văn bản số 278 báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ Công Thương về phương án xử lý các khó khăn đối với Công ty THNN MTV Công nghiệp tàu thủ Dung Quất (DQS).
Theo đó, PVN đưa ra 4 kiến nghị. Cụ thể, phương án thứ nhất, cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bán doanh nghiệp theo hành lang quy định của Nghị định 128 ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản.
Thứ hai, uỷ quyền cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện phương án được duyệt.
Thứ ba, có cơ chế giao cho DQS thực hiện các công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của DQS khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trong PVN có nhu cầu, để đảm bảo đời sống, việc làm và ổn định tư tưởng, tâm lý cho cán bộ, công nhân viên chức của DQS.
Thứ tư, Bộ Công Thương sớm có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán hồ sơ đối với tàu 104.000 DWT để xác định giá trị bàn giao nhằm xử lý dứt điểm việc bàn giao giữa PVN và Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam.
Tại văn bản này, PVN cho biết, hiện PVN đang chờ các chỉ đạo tiếp theo.
Về việc quyết toán hợp đồng EPC Dự án đầu tư, xây dựng nhà máy đóng tàu Dung Quất, ngày 31/7/2018 SBIC đã có công văn gửi Bộ Công Thương và PVN về việc kinh phí thực hiện kiểm toán, kiểm định thiết bị của Hợp đồng EPC dự án đầu tư xây dựng nhà máy.
"Đến thời điểm báo cáo PVN đã chỉ đạo DQS thực hiện trong đó yêu cầu Người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại DQS chỉ đạo đơn vị phối hợp với SBIC để thống nhất thuê đơn vị tư vấn và chờ các chỉ đạo tiếp theo của Bộ Công Thương", văn bản của PVN cho hay.
Liên quan đến việc xử lý các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý theo quy định, PVN cho biết, Hội đồng thành viên Tập đoàn đang xem xét phê duyệt kế hoạch thanh lý, dự kiến trong tháng 8/2017 sẽ hoàn thành.
Tại một báo cáo trước đó được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý DQS, Bộ này từng đề cập đến phương án phá sản nhà máy. Theo Bộ Công Thương, trên thực tế, DQS đã lâm vào tình trạng phá sản, việc thực hiện thủ tục phá sản là phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó PVN sẽ không phải tiếp tục chịu rủi ro trong tương lai khi tiếp tục duy trì hoạt động của DQS.
Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án phá sản, giá trị ước tính có thể thu hồi vẫn thấp hơn nợ phải trả. Do đó, PVN sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỷ đồng đã đầu tư vào DQS. Ngoài ra, các thủ tục xử lý phá sản tương đối phức tạp, kéo dài và tốn thêm chi phí thực hiện thủ tục phá sản. Hơn nữa, việc bán thanh lý tài sản có thể khó khăn và hạn chế trong khi vấn đề giải quyết quyền lợi cho hơn 1.200 lao động khi mất việc cũng là vướng mắc.
“Như vậy, phương án phá sản có nhiều khó khăn nhất định và gây ra thiệt hại về tài chính. Tuy nhiên, nếu các phương án khác không khả thi thì đây là phương án cuối cùng có thể xem xét, trình Thủ tướng quyết định”, văn bản của Bộ Công Thương nêu.(Bizlive)