Sẽ dành 19.829 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống y tế địa phương; Doanh nghiệp còn quỹ đất sẽ có cơ hội lớn; Giá dừa khô cao nhất trong hàng chục năm qua; Sản lượng thủy sản 8 tháng đầu năm tăng 4,6%
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 29-08-2017
- Cập nhật : 29/08/2017
Amazon và Whole Foods giảm giá, ngành bán lẻ Mỹ "xanh mặt"
Giá cổ phiếu của các chuỗi siêu thị tại Mỹ đã giảm mạnh sau khi Amazon và Whole Foods tuyên bố sẽ giảm giá nhiều mặt hàng tạp hóa.Nguồn ảnh: Market Watch
Vào hôm thứ Năm, hãng thương mại điện tử Amazon và chuỗi siêu thị Whole Foods cho biết rằng họ sẽ hạ giá một loạt mặt hàng tạp hóa kể từ thứ Hai tuần tới, để đánh dấu việc Amazon hoàn tất quá trình thâu tóm Whole Foods với giá 13,7 tỉ USD.
Theo đó, 2 công ty sẽ cho hạ giá các loại thực phẩm như bơ, chuối, cải xoăn non (baby kale) và cá hồi hữu cơ, với mục đích là khiến cho "thực phẩm hữu cơ có giá cả phải chăng hơn với tất cả mọi người."
Ngoài ra, chương trình thành viên Amazon Prime cũng sẽ được tích hợp vào hệ thống bán hàng của Whole Foods.
Jeff Wilke, giám đốc mảng tiêu dùng toàn cầu của Amazon, cho biết: "Chúng tôi sẽ biến Amazon Prime trở thành chương trình điểm thưởng cho khách hàng tại Whole Foods Market, và mục tiêu chung của chúng tôi là tiếp tục giảm giá.”
Điều đáng chú ý là ngay sau khi tin này được công bố, giá cổ phiếu của hàng loạt chuỗi siêu thị lớn tại Mỹ như Walmart, Costco và Kroger đã đồng loạt giảm mạnh. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang đánh giá cao tầm ảnh hưởng của liên minh Amazon-Whole Foods với thị trường bán lẻ Mỹ như thế nào.
Trong vòng vài năm trở lại đây, hàng loạt chuỗi bán lẻ và trung tâm mua sắm tại Mỹ đã rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn, và một nguyên nhân chính được cho là sự trỗi dậy của các kênh thương mại điện tử như Amazon.
Giá cổ phiếu của các chuỗi siêu thị lớn tại Mỹ đã giảm mạnh sau khi có tin Amazon và Whole Foods giảm giá bán. Ảnh: Market Watch
Ngoài ra, Amazon và Whole Foods cũng đang có kế hoạch đầu tư vào các khâu hậu cần và phát triển hàng hóa để giảm chi phí của Whole Foods.
Whole Foods cho biết các sản phẩm nhãn riêng của họ như 365 Everyday Value và Whole Paws cũng sẽ có mặt trên các dịch vụ của Amazon, AmazonFresh, Prime Pantry và Prime Now. Và các tủ khóa của Amazon sẽ có mặt tại một cửa hàng Whole Foods, cho phép khách mua sắm trên Amazon có thể bắt đầu nhận và trả hàng thông qua các cửa hàng Whole Foods.
2 công ty này cho biết họ sẽ thuê thêm nhân viên khi mở các cửa hàng mới, và Whole Foods sẽ tiếp tục hoạt động với thương hiệu hiện tại của mình. Nhà đồng sáng lập John Mackey vẫn sẽ là CEO của Whole Foods, và trụ sở công ty này vẫn nằm ở Austin, Texas.(NCĐT)
----------------------------
Việt Nam xuất siêu trở lại trong tháng 8
Tháng 8 ước tính đạt xuất siêu 400 triệu USD, kéo theo nhập siêu 8 tháng giảm xuống còn 2,1 tỷ USD (tương đương 1,6% kim ngạch xuất khẩu). Như vậy, Việt Nam đã trở lại xuất siêu sau 3 tháng liên tiếp nhập siêu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam ước tính trong tháng 8 là 36 tỷ USD.
Tính riêng xuất khẩu ước đạt 18,2 tỷ USD, tăng 3,0% so với tháng 7, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 4% còn khu vực đầu tư trong nước ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 0,6%.
Kim ngạch một số mặt hàng tăng so với tháng 7 như: Điện thoại các loại và linh kiện 10,7% (330 triệu USD); Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng 8,1% (87 triệu USD); sản phẩm từ sắt thép 11,9% (23 triệu USD).
Trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng 7 và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài đạt 10,5 tỷ USD, tăng 2,4%, khu vực đầu tư trong nước ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 2%.
Kim ngạch một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng như: Điện thoại các loại và linh kiện 8,5% (101 triệu USD); Sắt thép 14,1% (90 triệu USD); Chất dẻo 13,7% (86 triệu USD).
Nếu tính chung 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 269 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn nhập khẩu 8 tháng ước tính 135,6 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tháng 8 ước tính đạt xuất siêu 400 triệu USD, kéo theo nhập siêu 8 tháng giảm xuống còn 2,1 tỷ USD (tương đương 1,6% kim ngạch xuất khẩu).
Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 14,3 tỷ USD, khu vực đầu tư trong nước nhập siêu 16,4 tỷ USD. Nhập khẩu máy móc thiết bị có tăng trưởng chậm lại trong khi xuất khẩu một số mặt hàng có xu hướng tăng lên có thể nhập siêu sẽ giảm trong một vài tháng tiếp theo.(Bizlive)
-------------------------
Frankfurt muốn trở thành phiên bản London thu nhỏ
Thành phố lớn thứ năm của Đức đang hi vọng sẽ trở thành "tiểu London" sau khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), với hàng chục ngàn việc làm trong ngành tài chính - ngân hàng sẽ được tạo ra.
Theo CNBC, một nghiên cứu do các ủy viên chính của thành phố đưa ra cho biết sẽ có khoảng 10.000 công việc trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính được tạo ra tại Frankfurt trong vòng bốn năm tới. Điều này được dự đoán sẽ không chỉ giúp Đức củng cố vốn ngân hàng, mà còn giúp Frankfurt trở thành phiên bản thu nhỏ của trung tâm tài chính châu Âu London hậu Brexit (Anh rời EU). Chưa kể thành phố sẽ có thêm khoảng 41.000 việc làm nữa, từ đại lý bất động sản đến tài xế taxi và công nhân xây dựng.
“Frankfurt sẽ không phải là kiểu thành phố giống như một bộ phận của London, mà có thể trở thành một London thu nhỏ”, Oliver Schwebel, Tổng giám đốc Tổ chức Phát triển Kinh tế Frankfurt, nói.
Việc Anh quyết định rời khỏi EU đã thúc đẩy các ngân hàng và nhà đầu tư ở London xem xét chuyển hoạt động đến các thành phố khác để giữ vững vị thế kinh doanh, cũng như cho phép họ giao dịch trên toàn lục địa mà không phải trả thêm chi phí hoặc vướng phải rào cản thương mại mà họ có thể gặp tại London vì Brexit.
Frankfurt và Dublin, thủ đô Cộng hòa Ireland, đã nổi lên như những lựa chọn phổ biến nhất. Trong đó, Frankfurt đã chứng kiến một đợt tràn ngập các cuộc gọi từ những ngân hàng muốn rời khỏi London. Các tổ chức tài chính lớn toàn cầu như Morgan Stanley, Citigroup và JPMorgan tin rằng Frankfurt sẽ là cơ sở thương mại - tài chính của EU hậu Brexit.
Song, nhiều người dân địa phương tại Frankfurt đang không khỏi lo lắng về việc cuộc sống sẽ khó khăn hơn, vì một khi thành phố này trở nên giống như London thì giá cả sinh hoạt tăng cao và thị trường bất động sản đắt đỏ là điều khó tránh khỏi.
Lutz Johanning, tác giả của nghiên cứu này, cho biết Frankfurt có khả năng thu hút các chuyên gia về rủi ro và giám sát tài chính hơn là các ngân hàng đầu tư. Nơi đặt trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu “sẽ không có những công việc hào nhoáng”, ông Johanning nói.(Thanhnien)
---------------------------------
Mỹ có thể mất 24 tỷ USD vì “siêu bão thập kỷ
Chuck Watson - nhà phân tích thảm họa tại Enki Research cho biết trên Bloomberg rằng siêu bão thập kỷ Harvey có thể gây thiệt hại 24 tỷ USD cho Mỹ, nếu tính toàn bộ ảnh hưởng lên lực lượng lao động, hệ thống điện, giao thông và nhiều yếu tố khác liên quan đến ngành năng lượng khu vực này. Việc này có thể biến Harvey thành một trong những cơn bão gây thiệt hại lớn nhất tại Mỹ.
"Chúng ta sẽ phải mất nhiều tuần mới nhìn thấy hết quy mô hậu quả mà cơn bão này gây ra", hãng bảo hiểm Aon cảnh báo khách hàng, "và rõ ràng rằng phần lớn thiệt hại kinh tế sẽ không được chi trả".
Rất nhiều nhà dự báo tỏ ra ngần ngại trong việc ước tính sơ bộ các hãng bảo hiểm sẽ phải trả bao nhiêu. Các hợp đồng bảo hiểm thường chi trả thiệt hại do gió, chứ không phải lũ lụt - mảng thường có chi phí lớn hơn. Việc tìm ra nguyên nhân thiệt hại cũng sẽ mất một thời gian.
Tại khu vực Houston (Texas), lượng mưa đã vượt bão nhiệt đới Allison năm 2001. Cơn bão này gây thiệt hại 12 tỷ USD thời đó. Tuy nhiên, chỉ 5 tỷ USD là được bảo hiểm thanh toán, Aon cho biết.
Thiệt hại lớn nhất là bão Katrina năm 2005. Nó khiến Mỹ tổn thất kinh tế tới 160 tỷ USD.
Phần lớn người mua bảo hiểm lũ lụt từ Chương trình Bảo hiểm Lũ lụt Quốc gia. Tính đến tháng 4, chưa đầy một phần sáu căn nhà tại Harris (Houston) được bảo hiểm, Aon cho biết. Việc này có nghĩa khoảng 1 triệu căn nhà tại đây không có bảo hiểm. Tỷ lệ này ở các khu vực lân cận cũng tương tự.
"Rất nhiều người sẽ gặp khó khăn tài chính thực sự. Họ sống trong khu vực này, nhưng không có bảo hiểm lũ lụt. Họ có thể được Chính phủ hỗ trợ phần nào, nhưng thường là không nhiều. Cũng có các khoản cho vay lãi suất thấp, hoặc không lãi suất nữa. Nhưng dù gì về sau họ cũng phải trả lại", Loretta Worters - người phát ngôn của Viện Thông tin Bảo hiểm cho biết.
Bên cạnh đó, bản thân chương trình bảo hiểm của chính phủ Mỹ cũng đang nợ 25 tỷ USD. Chương trình hiện tại sẽ hết hạn ngày 30/9 và sẽ phải được Quốc hội xem xét lại.
Với các công ty bảo hiểm, chi phí tăng vọt sẽ ăn mòn lợi nhuận của họ. Allstate có thị phần lớn nhì về bảo hiểm nhà ở tại Texas. Công ty chứng khoán William Blair ước tính Allstate có thể mất 500 triệu USD trước thuế vì cơn bão này. Các hãng tái bảo hiểm cũng sẽ chịu thiệt hại.
Các doanh nghiệp có lẽ được chi trả khá hơn cá nhân. Jill Dalton tại Aon cho rằng các hãng bán lẻ, sản xuất, chăm sóc y tế và khách sạn sẽ phải trông chờ vào bảo hiểm để bù lại phần doanh thu bị mất do bão và chi phí sửa chữa sau đó.
Tuy nhiên, với ngành công nghiệp năng lượng khổng lồ tại Texas, vẫn còn quá sớm để ước tính cơn bão này sẽ gây gián đoạn nguồn cung và quá trình phân phối ở quy mô ra sao. Do tác động của nó vẫn còn đang lan rộng.
"Nếu trời vẫn tiếp tục mưa, tôi không cho là tình hình sẽ sớm tốt lên đâu", Rick Miller - chuyên gia bảo hiểm bất động sản tại Aon cho biết, "Trên thực tế, nó còn có thể tệ hơn nhiều".(Vnexpress)