Công ty Indonesia chuẩn bị xây cảng nhập than tại Việt Nam; Moody’s: Việc cho phép thu giữ tài sản đảm bảo có lợi cho ngân hàng Việt; TP.HCM “thúc” các dự án tại 10 khu công nghiệp; Gian lận tài chính làm mất khoảng 5% doanh thu
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-08-2017
- Cập nhật : 28/08/2017
Ô tô Indonesia tràn vào Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường
Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Indonesia tăng vọt gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 7, cả nước nhập gần 12.600 ô tô nguyên chiếc từ Indonesia với tổng trị giá kim ngạch 222 triệu USD. Kết quả này tăng hơn 9 lần về số lượng và 12,5 lần về trị giá so với cùng kỳ 2016.
Mặt hàng ô tô nhâp khẩu từ Indonesia là mặt hàng có sự tăng trưởng đáng chú ý nhất trong những tháng vừa qua và vươn lên vị trí số 1 trong số các nhóm hàng lớn nhất nhập khẩu từ Indonesia.
Xe từ Indonesia và Thái Lan, hai nước thuộc ASEAN do được áp dụng mức thuế nhập khẩu xe vào Việt Nam chỉ 30%, chỉ bằng một nửa thuế nhập khẩu từ các nước khác không thuộc khối, nên đang thống lĩnh thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam, với tỷ lệ áp đảo 70%.
Cộng dồn 7 tháng đầu năm, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại vào Việt Nam đạt hơn 57.800 chiếc, tương đương kim ngạch 1,2 tỉ USD, giảm lần lượt 4% và 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ô tô nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam vẫn tăng mạnh, bất chấp sức mua thị trường đang chững lại.
Xét chung về tổng thể quan hệ thương mại giữa 2 nước, hiện Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khu vực ASEAN sau Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Giống như 3 thị trường lớn nhất trong khu vực, Việt Nam cũng đang chịu cảnh thâm hụt thương mại với đối tác Indonesia.
Căn cứ dữ liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 7, cả nước chi hơn 2 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa từ Indonesia, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài mặt hàng ô tô, các nhóm hàng lớn khác nhập từ Indonesia có thể kể đến như: Than đá đạt 192 triệu USD; kim loại đạt 138 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 113 triệu USD…
Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này đạt hơn 1,6 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ 2016. C
ác nhóm hàng xuất khẩu đáng chú ý của nước ta là điện thoại và linh kiện đạt hơn 358 triệu USD; sắt thép đạt 222 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 136 triệu USD…(PLO)
-------------------------
Ả Rập Xê Út sắp ra mắt hãng hàng không giá rẻ
Flyadeal, hãng hàng không giá rẻ thuộc sở hữu của tập đoàn hàng không quốc gia Saudi Arabian Airlines cho biết sẽ khởi bay vào tháng 9.2017.
Theo Channel News Asia, Flyadeal sẽ khai thác một đội tám máy bay Airbus A320ceo và sẽ bay các tuyến nội địa trước khi mở rộng ở Trung Đông. Việc giới thiệu hãng bay mới lần này là dấu hiệu cho thấy Ả Rập Xê Út đang muốn mở rộng các dịch vụ hàng không để thúc đẩy du lịch trong một cuộc cải tổ triệt để nền kinh tế vốn phụ thuộc lớn vào dầu mỏ.
“Ra mắt Flyadeal là điều cần thiết nhằm góp phần tăng trưởng ngành hàng không ở Ả Rập Xê Út và hơn thế nữa. Ả Rập Xê Út đã đưa ra kế hoạch “Tầm nhìn 30”, một nền tảng chiến lược cho sự phát triển tương lai của vương quốc, nơi mà ngành vận tải và du lịch đang trở thành những trụ cột then chốt”, ông Saleh bin Nasser Al-Jasser, chủ tịch hãng hàng không Flyadeal nói sau khi nhận chiếc máy bay đầu tiên tại thành phố Hamburg (Đức).
Flyadeal cho biết hãng sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày Quốc khánh Ả Rập Xê Út (23.9) và toàn bộ phi đội dự kiến sẽ được giao vào giữa năm 2018.
“Ả Rập Xê Út nói riêng và khu vực nói chung đang sở hữu dân số trẻ với hiểu biết đáng kể về kỹ thuật số. Hơn nữa, họ còn có nhu cầu mạnh mẽ về việc đi du lịch giá rẻ trong nước cũng như khắp khu vực. Do đó, Flyadeal đã đưa ra kế hoạch để phục vụ và phát triển phân khúc du lịch hàng không quan trọng này”, ông Conrad Kenedy, Giám đốc điều hành Flyadeal, cho biết.
Kế hoạch “Tầm nhìn 2030” đầy tham vọng được Ả Rập Xê Út công bố hồi năm ngoái, với mục đích chính là mở rộng cơ sở đầu tư và đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, sau khi đã phải trải qua những đợt sụt giảm giá dầu. Nước này gần đây cũng đã thông báo về một dự án du lịch quy mô lớn tại khu vực Biển Đỏ, trong đó tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các khu nghỉ dưỡng sang trọng trên hơn 50 hòn đảo.(Thanhnien)
------------------------
Toyota VN triệu hồi hơn 20.000 xe Vios và Yaris vì lỗi túi khí
Công ty ô tô Toyota VN (TMV) ngày 26.8 đã phát đi thông báo triệu hồi 20.015 ô tô Vios và Yaris để kiểm tra, thay thế miễn phí cụm bơm khí của túi khí hành khách phía trước.
Trong số này, có 18.138 xe Vios được sản xuất tại VN từ ngày 5.1.2009 đến 29.12.2012 và 1.877 xe Yaris nhập khẩu chính hãng, sản xuất từ ngày 1.9.2009 đến 31.8.2012. Việc triệu hồi bắt đầu thực hiện từ ngày 28.8, tại tất cả các đại lý, chi nhánh đại lý của TMV trên toàn quốc, quá trình kiểm tra và thay thế diễn ra từ 30 phút đến 3 giờ tùy theo mỗi xe. Lý do đợt triệu hồi này là do các xe kể trên trang bị cụm bơm khí của túi khí hành khách phía trước do Công ty Takata sản xuất không đúng cách nên có thể bị ẩm và gây nguy hiểm cho hành khách khi hoạt động. Với những xe Toyota Yaris nhập khẩu không chính hãng nhưng trong diện bị lỗi kể trên, TMV cũng sẽ thay thế miễn phí sau khi được xác nhận của Toyota Nhật Bản. (TN)
------------------------
Thận trọng với "siêu dự án" ở Bạch Mã
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết không làm du lịch bằng mọi giá khi nói về dự án khu du lịch sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã với tổng vốn đầu tư ban đầu 1.500 tỉ đồng
Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sở này đang giao các phòng chức năng tiến hành thẩm định quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã để tham mưu cho UBND tỉnh gửi các bộ, ban, ngành trung ương xin ý kiến nhằm hoàn chỉnh quy hoạch trình phê duyệt.
Kỳ vọng "đẳng cấp quốc tế"
Trước đó, vào năm 2014, Công ty CP Du lịch vườn Bạch Mã (gọi tắt là Công ty Bạch Mã) được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chấp thuận chủ trương nghiên cứu quy hoạch tổng thể dự án. Công ty này đã thuê Công ty Wimberly Allison Tong & Goo (WATG - Mỹ) và Inros Lackner (Đức) lập quy hoạch. Đến năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý chủ trương lập quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái này.
Việc thẩm định, phê duyệt dự án khu du lịch trong vùng lõi Vườn Quốc gia Bạch Mã cần phải làm chặt chẽ, tránh tác động xấu cho cảnh quan, môi trường nơi đây
Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế điều chỉnh một số chi tiết quan trọng của dự án như: phải làm rõ cơ sở đề xuất quy mô phục vụ 500.000 lượt khách/năm trong giai đoạn 2020-2030 và 1 triệu lượt khách/năm sau năm 2030; bổ sung đánh giá tác động của quy hoạch đối với di tích cấp quốc gia địa đạo Bạch Mã... Sau đó, Công ty Bạch Mã đã điều chỉnh và đến tháng 7 vừa qua đã nộp hồ sơ đề nghị thẩm định quy hoạch phân khu xây dựng dự án theo tỉ lệ 1/2.000.
Theo quy hoạch điều chỉnh, dự án sử dụng 300 ha, giảm 19 ha so với quy hoạch ban đầu. Toàn bộ dự án nằm ở phân khu dịch vụ hành chính của Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã. Một phần diện tích trong quy hoạch này trước đây người Pháp đã xây dựng 139 biệt thự phục vụ việc nghỉ mát, hiện vẫn còn nguyên giá trị, sẽ được sửa chữa đưa vào sử dụng.
Dự án chia ra thành 5 làng, cũng là 5 phân khu chức năng chính, gồm: làng tâm linh, làng đỉnh núi, làng di sản, làng trung tâm (phục vụ mua sắm, ăn uống) và làng dịch vụ. Trong phạm vi đất dự án, mặt bằng sử dụng đất đối với khu thương mại, ăn uống, mua sắm chiếm 5,4 ha với 8 biệt thự; đất di sản với việc phát triển làng di sản, nghệ thuật 1,8 ha (13 biệt thự); đất phục vụ làng tâm linh 9,5 ha; khu khách sạn, nghỉ dưỡng 18,9 ha (27 biệt thự); đất khám phá thiên nhiên 7,3 ha... Độ cao các công trình không quá 2 tầng, hệ số sử dụng đất dưới 3 lần.
Đây được coi là một "siêu dự án" với tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến 1.500 tỉ đồng. Công ty Bạch Mã kỳ vọng sẽ phát triển dự án thành điểm đến du lịch đẳng cấp quốc tế.
Không thể vội vã
Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết dự án nằm trong tổng thể tam giác khu du lịch quốc gia Bạch Mã - Cảnh Dương - Lăng Cô của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt. Do đó, phải hết sức thận trọng, tỉnh phải xin ý kiến trước của các bộ, ngành để có vấn đề gì thì kịp thời điều chỉnh.
Theo ông Khanh, dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu tuyến cáp treo với 3 điểm ga để kết nối các phân khu như nêu trên. Do tuyến cáp treo này có một số điểm nằm trong khu rừng đặc dụng thuộc vùng lõi VQG Bạch Mã nên tỉnh lưu ý nhà đầu tư phải có phương án thi công, khai thác để giảm thiểu tối đa tác động vào thiên nhiên.
Ông Lê Toàn Thắng khẳng định Bạch Mã là khu bảo tồn thiên nhiên, di tích quốc gia nên phải hết sức thận trọng, thẩm định kỹ càng, cần có ý kiến cụ thể của các bộ, ngành chức năng chứ không thể vội vã. Ông Thắng nhìn nhận: "Quá trình phát triển luôn có 2 mặt, chúng tôi phải cố gắng gìn giữ những nét rất đặc trưng của Bạch Mã".
Theo ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, phải đợi đến khi hoàn thiện quy hoạch tổng thể toàn bộ dự án này, UBND tỉnh mới có ý kiến cụ thể về phương án đầu tư, phương thức quản lý, hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư. "Bài toán ở đây là làm thế nào vừa phát triển du lịch vừa hài hòa với bảo tồn thiên nhiên. Quan điểm của tỉnh là không phát triển du lịch ồ ạt trên Bạch Mã" - ông Định cho biết. (NLĐ)