Thái Lan bán được 347.500 tấn gạo qua 2 phiên đấu giá trong tháng 7
Giá gạo Thái Lan và Ấn Độ giảm do nhu cầu yếu, gạo Việt Nam vững
Dược Hậu Giang trở lại nhờ marketing
Chế biến gỗ chạy theo TPP
Tin kinh tế đọc nhanh tối 03-08-2016
- Cập nhật : 03/08/2016
Ngân hàng Quốc dân: Lợi nhuận trước thuế đạt...1 tỷ đồng trong quý II
Kết thúc quý II, NCB ghi nhận vỏn vẹn 1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng đạt 12,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cải thiện nhiều so với con số 1,7 tỷ cùng kỳ năm trước.
Theo BCTC hợp nhất quý II/2016 của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB – mã: NVB), tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của ngân hàng đạt 59 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với thời điểm đầu năm.
Cho vay khách hàng đạt 21,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 5%. Tiền gửi của khách hàng đạt gần 39 nghìn tỷ, tăng 14%.
Trong quý II, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 246 tỷ, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.
Một số hoạt động kinh doanh mang lại kết quả tốt như mua bán chứng khoán đầu tư lãi gần 12 tỷ, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng lên 5,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ bất ngờ lỗ 4,5 tỷ, kinh doanh ngoại hối cũng lỗ gần 3 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước cả 2 mảng này đều có lãi.
Chi phí hoạt động quý II tăng mạnh 20% lên xấp xỉ 200 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro là 25 tỷ và các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc ngân hàng chiếm 30 tỷ đồng.
Kết thúc quý II, NCB ghi nhận vỏn vẹn 1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng đạt 12,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cải thiện nhiều so với con số 1,7 tỷ cùng kỳ năm trước.
Sau thuế, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng còn 9,5 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 ở mức 2,1%, không thay đổi so với thời điểm đầu năm.(CafeF)
Phó Thống đốc nói gì về nợ xấu tăng đột biến ở một số ngân hàng?
Tính đến tháng 5/2016, nợ xấu toàn hệ thống mới chỉ ở mức 2,78% (dưới 3% theo mục tiêu đề ra) nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn tích cực chỉ đạo công tác xử lý nợ xấu trong những tháng cuối năm.
Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016.
Theo đó, nợ xấu tính tháng 5 là 2,78%, tức là dưới 3% theo mục tiêu đề ra. Phó Thống đốc cho biết việc xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành trong 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm.
Cụ thể, bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% phải báo cáo phương án về Ngân hàng Nhà nước và có phương án giải quyết.
“Thống đốc cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tránh nợ xấu mới phát sinh, chỉ đạo tổ chức tín dụng sử dụng các biện pháp trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu từ VAMC cũng đang được chỉ đạo tích cực, nhằm kiểm soát nợ xấu dưới 3%” – Phó Thống đốc nói.
Trước đó, Báo cáo tài chính của một số ngân hàng lớn vừa công bố cho thấy, nợ xấu đã gia tăng trong nửa đầu năm nay.
Điển hình như tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ khoảng 1,6% cuối 2015 lên 2% vào 30/6/2016, tương ứng với hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm.
Tại một số ngân hàng thương mại lớn khác, nợ xấu tính theo giá trị tuyệt đối tăng lên trong nửa đầu năm nay, nhưng với tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao, tỷ lệ nợ xấu không nhiều thay đổi, thậm chí giảm nhẹ.
Mức tăng đột biến thể hiện ở Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), từ 1,86% cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý 2/2016.
Một ngân hàng khác có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối - Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, lên 2,83% so với mức 1,85% cuối 2015…
Báo cáo tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận nợ xấu tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi xử lý chưa đi vào thực chất.(CafeF)
Ngân hàng Quân đội: Kinh doanh không khởi sắc, lợi nhuận quý II giảm so với cùng kỳ
Trong quý II, thu nhập lãi thuần của MBB giảm, các hoạt động kinh doanh không mấy khả quan so với cùng kỳ trong khi đó, chi phí hoạt động lại tăng đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả lợi nhuận của ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2016.
Theo đó, tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của ngân hàng đạt 239 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với thời điểm đầu năm. Vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm 311 tỷ đồng.
Cho vay khách hàng đạt 141 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5%. Tiền gửi của khách hàng đạt 190 nghìn tỷ, tăng gần 5%.
Trong quý II, thu nhập lãi thuần của MBB giảm nhẹ còn 1.857 tỷ đồng.
Các hoạt động kinh doanh không mấy khả quan so với cùng kỳ. Cụ thể, họat động chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn lỗ gần 53 tỷ, trong khi cùng kỳ mảng này chỉ lỗ gần 3 tỷ. Lãi từ hoạt động khác cũng giảm mạnh 22% còn 162 tỷ đồng trong khi đó, hoạt động ngoại hối cũng giảm lãi.
Chi phí hoạt động của ngân hàng cũng tăng 8% lên 887 tỷ. Tuy nhiên, bù lại chi phí dự phòng của ngân hàng lại giảm gần 20% còn 342 tỷ đồng.
Kết thúc quý II, lợi nhuận trước thuế của MBB đạt 979 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, MBB ghi nhận 1.862 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.508 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, riêng lợi nhuận sau thuế của riêng ngân hàng MB đã chiếm 99,7%, đạt 1.504 tỷ.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sau 6 tháng đầu năm ở mức 1,33%, giảm so với mức 1,6% tại thời điểm đầu năm.
SHB: Chi phí hoạt động tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế quý II giảm 16% so cùng kỳ
Ngân hàng SHB không công bố phần thuyết minh nên tỷ lệ nợ xấu của SHB sau nửa đầu năm không rõ là bao nhiêu.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2016.
Theo đó, tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 212 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với thời điểm đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng gần 7%. Tiền gửi của khách hàng đạt 159 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4%.
Trong quý II/2016, thu nhập lãi thuần hợp nhất của ngân hàng đạt 769 tỷ đồng, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các hoạt động kinh doanh không có gì khởi sắc, trong đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 3 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, hoạt động góp vốn, mua cổ phần và hoạt động khác cũng ghi nhận lãi thuần giảm mạnh.
Chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 58% lên 542 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của SHB giảm mạnh từ 238 tỷ xuống 69 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý II/2016 của SHB đạt 179 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng xấp xỉ 524 tỷ đồng, tăng 9%; lợi nhuận sau thuế 424 tỷ đồng, tăng 12%.
Ngân hàng không công bố phần thuyết minh nên tỷ lệ nợ xấu của SHB sau nửa đầu năm không rõ là bao nhiêu. Trước đó báo cáo tài chính quý I của ngân hàng này cũng khuyết phần thuyết minh.(CafeF)