Việt Nam giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc
Mexico tiếp nhận hơn 13 tỷ USD kiều hối, cao nhất nhiều năm qua
Ô tô Trung Quốc, Thái Lan có cơ hội tràn vào nếu bỏ Thông tư 20?
Hacker đánh cắp 65 triệu USD bitcoin
Giá nhà trung bình tại Hà Nội đạt 26,3 triệu đồng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-08-2016
- Cập nhật : 03/08/2016
Gỗ Trung Quốc bị tố đội lốt, chèn ép doanh nghiệp Việt
Vấn đề khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Dương lo ngại nhất hiện nay là doanh thu của họ giảm sút khi doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế ưu đãi khi Việt Nam hội nhập.
Vấn đề khiến các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Dương lo ngại nhất hiện nay là doanh thu của họ giảm sút khi doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế ưu đãi khi Việt Nam hội nhập - ông Lưu Phước Lộc - Giám đốc Công ty chế biến gỗ Mtrade, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương lên tiếng tại một buổi tọa đàm của các DN ngành gỗ mới đây.
Cụ thể, ông Lộc cho biết hiện nay đang có làn sóng các doanh nghiệp gỗ của Trung Quốc đầu tư vào tỉnh Bình Dương, vấn đề ở chỗ họ đội lốt một doanh nghiệp Việt Nam, trong khi hàng hóa của họ mang sang gần như đã là thành phẩm, phần việc của họ tại Việt Nam có chăng chỉ là lắp ráp lại và phủ sơn.
“Mục đích của các doanh nghiệp Trung Quốc là họ muốn lấy C/O của Việt Nam, vì hiện nay các doanh nghiệp gỗ của Trung Quốc không được cấp C/O sang thị trường Hoa Kỳ do họ bán phá giá sang thị trường này, hơn nữa họ cũng muốn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam. Trong cạnh tranh về giá, các doanh nghiệp Trung Quốc luôn có lợi thế bởi họ luôn sản xuất với quy mô cực lớn,” ông Lưu Phước Lộc nói.
Nếu không có biện pháp cụ thể, rất có thể các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ “chết”, các doanh nghiệp Trung Quốc không đứng tên của chính họ mà lại mang danh doanh nghiệp Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu khi TPP có hiệu lực. Như vậy, TPP là con dao hai lưỡi, nếu doanh nghiệp biết tận dụng các ưu đãi do Hiệp định này mang lại sẽ thành công, nhưng với tình trạng này, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ lấy hết lợi thế ưu đãi đó của Việt Nam.
Hiện nay Hiệp hội Doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương chưa có thống kê thiệt hại cụ thể của các doanh nghiệp, nhưng theo ông Lộc, tình trạng doanh nghiệp Việt Nam bị mất đơn hàn đang diễn ra hằng ngày, và điều đó ai cũng thấy rõ. Thị trường vẫn còn đó, nhưng miếng bánh đã không còn là của mình mà nằm trong tay người khác.
Để ngăn chặn tình trạng này, đại diện của các doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đề xuất Bộ Công thương nên có những chính sách về C/O theo hướng rõ ràng hơn, chẳng hạn như với mẫu C/O cụ thể như bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam theo từng tỷ lệ: 100%, 70% và 50%. Còn đối với những sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa dưới 30% thì dứt khoát không cấp C/O.
“Không thể có chuyện doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam nhưng lại chỉ để lại giá trị thặng dư không đáng kể, có như vậy mới bảo vệ được cho các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam,” ông Lưu Phước Lộc bức xúc.
Theo bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), khi TPP được thông qua, sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đều phải đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ, nên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm. Tuy nhiên, bà Thảo khuyến nghị các doanh nghiệp có thể tập hợp nhau lại gửi kiến nghị lên Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để từ đó có những biện pháp phòng ngừa.(infonet)
Nhập khẩu dầu thô của châu Á từ Iran tăng 47,1% lên trêm mức cao 4 năm
Mexico áp thuế chống bán phá giá với thép tấm mạ kẽm Trung Quốc
Bộ Kinh tế Mexico đã thông báo áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với nhập khẩu thép tấm mạ kẽm có xuất xứ từ Trung Quốc, bao gồm cả sản phẩm sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc).
Cơ quan chức năng Mexico áp mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng thép tấm mạ kẽm sản xuất tại Đài Loan là 0,563 đôla Mỹ/1kg và mức 0,4385 đôla Mỹ/1kg đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc đại lục.
Từ ngày 29/7 vừa qua, Mexico đã áp thuế nhập khẩu 0,49 đôla Mỹ/1kg đối với thép dây có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước đó, theo đề nghị của Phòng công nghiệp ngành sắt thép quốc gia Mexico (Conacero), Chính phủ Liên bang Mexico đã quyết định áp dụng thuế suất bổ sung 15% đối với thép ống, thép tấm nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 9/2015.
Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2016, Mexico nhập khẩu 225.000 tấn thép từ Trung Quốc, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là kết quả của các biện pháp bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước của Mexico đối với sản phẩm này từ Trung Quốc.
Từ tháng 10/2015, Bộ Kinh tế Mexico đã áp mức thuế nhập khẩu từ 15%-97% đối với tất cả các mặt hàng thép của Trung Quốc.
Theo Chủ tịch Conacero, Guillermo Vogel, lượng thép dư thừa tại Trung Quốc được xuất khẩu với giá thấp, làm hơn 8.000 lao động Mexico mất việc làm và sản lượng thép Mexico giảm từ 29 triệu tấn xuống còn 18 triệu tấn trong năm 2015. Hiện tại khoảng 7 triệu tấn thép, tương đương 47% thép tiêu thụ tại Mexico, ước tính vào khoảng 13,66 triệu tấn, là thép nhập từ Trung Quốc.(TTXVN)
Trái cây sắp “vượt mặt” lúa gạo
Xuất khẩu trái cây Việt Nam trong hơn nửa đầu năm nay đã đón nhận nhiều tin vui khi có thêm nhiều quốc gia đồng ý nhập khẩu trái cây Việt. Trái cây Việt Nam đang hứa hẹn lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD- gần tương đương lúa gạo.
Hoạt động xuất khẩu trái cây Việt Nam 6 tháng đầu năm sôi động với nhiều thị trường mới, thậm chí, trái cây Việt Nam còn “lội ngược dòng”, xuất khẩu vào được cả thủ phủ trái cây Thái Lan.
5 loại trái cây được cấp “visa” vào Mỹ
Sau nhiều năm theo đuổi, mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS, trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) vừa ra công bố về việc nhập khẩu trái vú sữa tươi từ Việt Nam sang Mỹ.
Trước đó, cơ quan này đã hoàn tất bản báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và đi đến kết luận quả vú sữa tươi từ Việt Nam đạt chuẩn an toàn để nhập khẩu vào Mỹ. Như vậy, sau thanh long, chôm chôm, vải và nhãn, vú sữa tươi là loại quả thứ 5 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ, dự kiến từ quý IV năm nay.
Tại thị trường Australia, cuối tháng 6 vừa qua, một đoàn cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia đã sang thăm và làm việc tại TP.HCM, Long An, Tiền Giang và Bình Thuận. Đây là các địa phương có trồng và chế biến trái thanh long xuất khẩu của Việt Nam. Tại đây, đoàn cán bộ Australia đã thị sát vùng trồng, thăm các cơ sở sơ chế, đóng gói thanh long để tìm hiểu về quy trình trồng, thu hoạch và xử lý thanh long trước khi xuất khẩu của Việt Nam.
Tổng Cục hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu trái cây đến giữa tháng 7 đạt hơn 1,27 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Trái cây cũng được đánh giá là mặt hàng “sáng sủa” nhất trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu năm nay. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây năm nay sẽ đạt 2,5 tỷ USD so với 1,8 tỷ USD của năm 2014.
Trước đó, phía Australia cũng đã thực hiện xong phần đánh giá sơ bộ các vấn đề dịch hại và bệnh trên quả đối với thanh long, chuẩn bị cho việc đánh giá cho phép nhập khẩu thanh long Việt Nam vào Australia. Dự kiến, đến cuối năm nay, Chính phủ Australia sẽ công bố báo cáo sơ bộ về quá trình đánh giá này, tiến tới việc cho phép nhập khẩu trái thanh long Việt Nam.
Cũng tại thị trường Australia, cuối tháng 5 vừa qua, trái xoài tươi Việt Nam chính thức có “visa” nhập khẩu vào nước này, tiếp sau trái vải tươi, được cấp phép nhập khẩu vào Australia từ hồi tháng 4 năm 2015.
Không chỉ ở các thị trường khó tính, ngay tại nước láng giềng với Việt Nam là Thái Lan, 100 tấn thanh long Việt lần đầu tiên được Tập đoàn TCC (Thái Lan) ký phiếu nhập khẩu. Số thanh long này sẽ được phân phối trong hệ thống siêu thị BigC Thái Lan.
Xuất ngược trái cây vào… Thái Lan
Hoạt động xuất khẩu trái cây 6 tháng đầu năm nay dồn dập tin vui từ các thị trường. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng cung cấp sản phẩm ngay khi những thị trường mới mở thông báo cho phép nhập khẩu. Việc chớp thời cơ, chiếm thị phần là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Công Kính – Giám đốc Công ty TNHH XNK Cao Thành Phát (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), cho rằng, ngay sau khi ký kết với Tập đoàn TTC, doanh nghiệp này đã bắt tay vào việc xuất khẩu thanh long vào Thái Lan. Theo ông Kính, những lô hàng đầu tiên vào một thị trường mới quyết định rất lớn tới sự thành bại của doanh nghiệp và sản phẩm ở thị trường đó. Do đó, ngoài các tiêu chuẩn do phía nhập khẩu đưa ra, Cao Thành Phát cũng đảm bảo cung cấp những lô hàng tốt nhất để “lấy lòng” người tiêu dùng.
“Thông thường, cơ quan chức năng ở nước nhập khẩu sẽ kiểm tra rất chặt những lô hàng đầu tiên. Nhiều thị trường dù chấp nhận cho nhập khẩu nhưng doanh nghiệp không thành công cũng vì những lô hàng đầu tiên này” - ông Kính nói.
Ngoài Thái Lan, doanh nghiệp này cũng đang chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng đạt chuẩn để tiến thẳng vào thị trường Australia khi nước này thông báo cho phép nhập khẩu thanh long Việt Nam.
Trong khi đó, dù sản phẩm vú sữa tươi được nhập khẩu vào Mỹ, nhưng nhiều ý kiến lo ngại, nguồn hàng trong nước sẽ không đảm bảo đáp ứng các đơn hàng lớn. Hơn nữa, sức cạnh tranh của cây vú sữa trong nước những năm qua có phần giảm sút, nhiều vườn cây già cỗi, năng suất thấp, chất lượng èo uột.
Ông Nguyễn Sáu-chủ một cơ sở thu mua, xuất khẩu trái cây tại TP.HCM lo lắng, nhiều vùng trồng vú sữa lớn như Vĩnh Kim (Tiền Giang) giảm diện tích rất nhiều trong thời gian qua. Nhiều nhà vườn sẵn sàng chặt bỏ vú sữa để chuyển sang trồng các loại cây khác như sầu riêng, mãng cầu… khiến nguồn cung loại trái này không còn nhiều.
“Cần phải nhanh chóng cải tạo vườn, thay giống mới để có nguồn vú sữa tốt, lấy lòng người tiêu dùng ngay khi vừa nhập khẩu vào thị trường mới. Nếu không biết chớp cơ hội thì sau này, việc tiêu thụ sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu đầu ra” - ông Sáu lo lắng.