Dư nguồn cung xi măng không ít chông chênh
Chuỗi cửa hàng Cà phê Vpresso mở rộng nhượng quyền tại Việt Nam
DIC Corp và bài toán xoay sở trong chiếc chăn hẹp
PJICO: Lợi nhuận 6 tháng tăng 22,6%
Tin kinh tế đọc nhanh 03-08-2016
- Cập nhật : 03/08/2016
Nhật thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 274 tỷ USD
Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 2/8 đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 28,1 nghìn tỷ Yen (274 tỷ USD) trong nỗ lực kéo nền kinh tế nước này ra khỏi tình trạng giảm phát và vực dậy nền kinh tế thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phúc lợi xã hội.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc và nhiều nền kinh tế mới nổi khác tăng trưởng chậm lại và Anh quyết định rời EU khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào thế rủi ro hơn, mục tiêu của Chính phủ Nhật là thúc đẩy mạnh hơn nhu cầu của khu vực tư nhân và tăng cường các giải pháp về phúc lợi xã hội để thúc đẩy tăng trưởng.
“Không chỉ kích thích cầu ngắn hạn mà chúng ta còn theo đuổi tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua dẫn dắt bởi cầu từ khu vực tư nhân cũng như đảm bảo việc tạo ra một cộng đồng xã hội mà trong đó tất cả mọi người có thể đóng vai trò tích cực của mình” – Thủ tướng Abe phát biểu tại một cuộc họp của Chính phủ và các đảng cầm quyền.
Trong gói kích thích trên, hợp phần các giải pháp tài chính chiếm 13,5 nghìn tỷ Yen (trong đó 7,5 nghìn tỷ Yen là phần chi tiêu mới bắt đầu từ năm nay của chính quyền trung ương và địa phương; 6 nghìn tỷ Yen từ Chương trình Cho vay đầu tư tài chính chi phí thấp và không nằm trong ngân sách chung của Chính phủ).
Hợp phần 13,5 nghìn tỷ Yen này sẽ được phân bổ như sau: 3,4 nghìn tỷ Yen để giúp giải quyết những thách thức về nhân khẩu học; 6,2 nghìn tỷ Yen cho các dự án cơ sở hạ tầng; 1,3 nghìn tỷ Yen để giảm thiểu rủi ro gây ra bởi Brexit cũng như để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hơn tại Nhật Bản và các nền kinh tế trong khu vực; 2,7 nghìn tỷ Yen dùng cho các biện pháp cứu trợ khắc phục hậu quả của trận động đất tại Kumamoto tháng 4 vừa qua và trận động đất và sóng thần ở Tohoku năm 2011.
Hợp phần còn lại (14,6 nghìn tỷ Yen) của gói kích thích mang tính dài hạn hơn, trong đó liên quan đến mối quan hệ đối tác công-tư và các khoản khác không liên quan trực tiếp đến chi tiêu của Chính phủ nên có thể sẽ không tác động ngay lập tức đến thúc đẩy tăng trưởng.
Tháng trước, Thủ tướng Abe đã yêu cầu nội các phác thảo một kế hoạch để vực dậy nền kinh tế thường xuyên trong tình trạng tiêu dùng yếu dù đã có ba năm thực hiện theo học thuyết "Abenomics".(TBNH)
Toyota chính thức sở hữu hoàn toàn Daihatsu
Theo Chủ tịch Toyota Akio Toyoda, thỏa thuận này sẽ giúp Toyota tận dụng sức mạnh của Daihatsu về các mẫu ô tô nhỏ - đang ngày càng quan trọng hơn đối với Toyota. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Daihatsu, thương hiệu chiếm xấp xỉ 30% thị phần ô tô cỡ nhỏ của Nhật Bản, hy vọng sẽ tiếp nhận thêm các nguồn tài nguyên, công nghệ và kinh nghiệm chuyên môn từ Toyota.
Daihatsu là một trong những doanh nghiệp ô tô lâu đời nhất Nhật Bản, và trở thành một chi nhánh của Toyota vào năm 1998. Nổi danh với các mẫu ô tô nhỏ hơn và xe đa dụng, Daihatsu là nhà sản xuất có doanh số xe tải nhẹ bán chạy nhất Nhật Bản trong giai đoạn 2006-2016.(TTXVN)
Công ty mẹ - TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam sắp IPO
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, Công ty mẹ - Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam sẽ bán đấu giá 167.074.900 cổ phần vào ngày 29/08/2016 tới đây.
Cụ thể, tổng số cổ phần đưa ra đấu giá là 167.074.900 cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần và giá khởi điểm là 14.290 đồng/cổ phần.
Dự kiến, vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 13.288.000.000.000 đồng (Mười ba nghìn hai trăm tám mươi tám tỷ đồng). Cơ cấu vốn điều lệ: tổng số cổ phần là 1.328.800.000 cổ phần, trong đó cổ phần Nhà nước nắm giữ là 677.688.000 cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ; Cổ phần ưu đãi cho người lao động là 5.669.100 cổ phần, chiếm 0,43% vốn điều lệ; Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 478.368.000 cổ phần, chiếm 36% vốn điều lệ; Cổ phần bán đấu giá công khai ra bên ngoài DN là 167.074.900 cổ phần, chiếm 12,57% vốn điều lệ.
Công ty mẹ - Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam có địa chỉ tại Lô D, khu D1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu gồm: Sản xuất các loại động cơ, máy nông nghiệp; sản xuất các loại linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; chế tạo và lắp ráp ô tô - xe máy; vận chuyển hàng hóa…
NHTW Úc giảm lãi suất xuống thấp nhất lịch sử để chống giảm phát
Ngân hàng Dự trữ Úc (Ngân hàng Trung ương – RBA) hôm nay đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm xuống còn 1,5%, mức thấp nhất trong lịch sử. Đây là lần thứ hai trong năm nay RBA giảm lãi suất nhằm ngăn ngừa giảm phát và đồng nội tệ lên giá.
Thống đốc RBA Glenn Stevens, người sẽ nghỉ hưu vào tháng tới sau một thập kỷ dẫn dắt RBA tỏ ra khá kín tiếng khi nói về triển vọng chính sách thời gian tới. "Hội đồng chính sách cho rằng, triển vọng phát triển của nền kinh tế một cách bền vững, cũng như việc lạm phát quay đạt được mục tiêu trong thời gian tới sẽ được cải thiện thông qua động thái nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp này", ông Stevens cho biết, trong khi vẫn lưu ý rằng lạm phát có thể sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian dài.
Theo dữ liệu được công bố vào tuần trước, lạm phát tính theo năm tại xứ sở Kangaroo đã giảm xuống thấp nhất 17 năm trong quý kéo dài tới tháng 6, thấp hơn nhiều mức lạm phát mục tiêu 2-3% mà RBA đặt ra. Điều đó cho thấy nền kinh tế cần phải phát triển nhanh hơn nếu không muốn rơi vào tình trạng giảm phát.
Tuy nhiên cũng có những lo ngại việc cắt giảm tiếp lãi suất sẽ đẩy nợ hộ gia đình tại Úc tăng cao, cũng như khiến thị trường bất động sản nước này càng thêm nóng. Tuy nhiên, số liệu của nhà tư vấn bất động sản CoreLogic công bố mới đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng giá nhà hàng năm tại các thành phố của Úc đã giảm xuống còn 6,1% trong tháng 7 từ mức 8,3% trong tháng 6 và thấp hơn nhiều mức đỉnh của năm ngoái là trên 11%.
Thống đốc Stevens cũng lưu ý rằng một nguồn cung lớn các căn hộ sẽ đi vào hoạt động trong vài năm tới sẽ làm dịu lại tốc độ tăng của giá nhà, trong khi cho vay đầu tư bất động sản cũng đã chậm lại. "Tất cả điều này cho thấy khả năng việc giảm lãi suất làm tăng thêm rủi ro trong thị trường nhà ở đã giảm", Stevens nói trong cuộc họp báo sau khi cuộc họp chính sách kết thúc.
Đồng đô la Úc đã giảm xuống 0,7486 USD sau khi quyết định của RBA được công bố, nhưng ngay lập tức lại quay đầu tăng, hiện đang giao dịch ở 0,7528 USD do các nhà đầu tư dự đoán không chỉ RBA mà nhiều Ngân hàng Trung ương khác cũng sẽ nới lỏng tiền tệ.
Theo đó, nước láng giềng New Zealand cũng đang bị mắc kẹt trong cái bẫy đó, với lạm phát ở mức chỉ 0,4% và Ngân hàng Trung ương nước này cũng đang chịu sức ép lớn trong việc giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Nhật Bản, vốn đang trong tình trạng giảm phát kéo dài, cũng đã phải nới lỏng thêm tiền tệ và có thể triển khai một gói kích thích kinh tế lớn. Hiện các nhà phân tích cũng đang dự báo Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tiếp tục nới lỏng tiến tệ vào thứ Năm tới.
Trong khi, những bất ổn kinh tế toàn cầu hiện nay cộng thêm sự chững lại của nền kinh tế cũng đang khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục trì hoãn động thái tăng lãi suất.