EU đề xuất bảo vệ quyền lợi cho người Anh ở châu Âu hậu Brexit; Trung Quốc bắt 44 kẻ lừa đảo 93.000 người mua tài sản đóng băng; Bộ NN&PTNT 'đặt hàng' các Đại sứ mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; Kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 31-08-2017
- Cập nhật : 31/08/2017
Hải quan thất thu hàng ngàn tỉ đồng thuế
Thành lập doanh nghiệp chỉ để nhập hàng, nhập xong giải thể công ty để trốn thuế... Đó là một trong những chiêu thức khiến cơ quan hải quan mất hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế.
Cơ quan hải quan cần có biện pháp vừa kiểm tra vừa chống thất thu thuế cho nhà nước ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Nhập hàng xong, giải thể doanh nghiệp
Báo cáo mới nhất của Cục Hải quan TP.HCM cho biết từ đầu năm đến hết tháng 8, tình hình nợ thuế không thể thu hồi của cơ quan này tiếp tục tăng hơn 40 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình mỗi ngày TP.HCM mất gần 6 tỉ đồng tiền thuế không thể thu được.
Tính lũy kế đến tháng 8 năm nay, nợ thuế doanh nghiệp (DN) đã tăng lên 2.500 tỉ đồng, trong đó hơn 56% là nợ không có khả năng thu hồi, chiếm gần 1.400 tỉ đồng, còn lại hơn 44% nợ quá hạn trên 90 ngày và nợ chưa tới hạn, nợ chậm nộp cần phải thu hồi.
Họ thường lập doanh nghiệp mới để nhập khẩu ồ ạt các lô hàng giá trị cao, khai báo giá trị thấp, khi bị cơ quan hải quan nghi ngờ ra quyết định kiểm tra sau thông quan, doanh nghiệp đã giải thể mất
Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP.HCM
Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP.HCM cho biết các DN nhập khẩu trong diện “không có khả năng thu hồi” thuế này tập trung phần lớn ở 3 nhóm hàng: thực phẩm đông lạnh, gạch lót sàn, điện thoại và linh kiện điện thoại…
Hiện họ đã “biến mất” khỏi trụ sở đăng ký, phá sản, tạm dừng kinh doanh, khai báo địa chỉ sai, bỏ trốn, mất tích hoặc không còn kinh doanh tại địa chỉ đăng ký… Trước đây, ngành hải quan đã phát hiện một số DN thành lập mới để nhập ô tô theo dạng quà biếu, tặng; sau đó bán lại rồi tuyên bố phá sản ngay khiến hải quan không đòi kịp tiền thuế.
“Nay tình trạng gian lận tập trung chủ yếu ở các mặt hàng chịu mức thuế cao như 3 nhóm hàng nói trên. Họ thường lập DN mới để nhập khẩu ồ ạt các lô hàng giá trị cao, khai báo giá trị thấp, khi bị cơ quan hải quan nghi ngờ ra quyết định kiểm tra sau thông quan, DN đã giải thể mất”, ông Toản thông tin.
Không chỉ TP.HCM, trong báo cáo của Tổng cục Hải quan về tình hình thu ngân sách xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, cơ quan này chỉ rõ Hà Nội và Đà Nẵng cũng đang trong tình trạng có tỷ lệ nợ thuế xuất nhập khẩu, thuế nghĩa vụ hải quan lớn nhất nước. Cục Hải quan Hà Nội tính đến cuối năm 2016 có số nợ “khó thu và có khả năng không thể thu hồi” qua báo cáo gửi Tổng cục Hải quan là hơn 430 tỉ đồng. Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, một lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội cũng cho hay, số thuế không thể thu hồi cao hơn con số cuối năm 2016 khoảng dưới chục tỉ đồng nữa, tập trung nhiều vào DN đã giải thể, biến mất hoặc đã thay đổi địa chỉ kinh doanh tại địa phương, ngưng kinh doanh nhưng không khai báo.
Tại Đà Nẵng, theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đà Nẵng thì chưa có con số thống kê chính xác song cơ quan này từ đầu năm đã triển khai nhiều biện pháp chống thất thu thuế có hiệu quả.
Hiện tại, tình hình nợ đọng thuế trong lĩnh vực hải quan được Tổng cục Hải quan “điểm mặt chỉ tên” tập trung hầu hết ở các địa phương có hoạt động xuất nhập khẩu mạnh như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu… với tổng nợ thuế hải quan lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Trách nhiệm thuộc về hải quan
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho rằng việc thành lập hay khai tử một DN là quá dễ dàng và trong tinh thần cải cách hành chính thì nguyên tắc không thể hạn chế quyền cá nhân tham gia lập hay bỏ DN. Nhưng khi DN tuyên bố phá sản, đóng hết mọi giao dịch coi như đã biến mất và hải quan không thể thu số tiền nợ còn lại của DN đó được. Ông Nghiệp cho biết: “Quy định cho thông quan trước kiểm tra sau đã khiến không ít DN lợi dụng để trốn thuế. Thực tế có những trường hợp “dở khóc dở cười”. Khi tìm đến địa chỉ thì công nhân công ty B đang ở trọ nhưng lại đứng tên giám đốc công ty A đang trốn thuế. Người này cho biết trước đây làm việc ở công ty A, sau đó nghỉ việc và không hiểu sao nay lại đứng tên giám đốc công ty đang nợ thuế hải quan".
Tuy nhiên, ông Nghiệp cũng cho hay số nợ thuế khó đòi của ngành đã xảy ra trước khi hải quan chấn chỉnh. Hiện cơ quan này đã đưa ra danh mục hàng hóa không cho thông quan ngay mà phải tham vấn giá ngay tại chỗ, tập trung chủ yếu những mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm. Thứ hai, một số mặt hàng cho phép thông quan ngay trong vòng 30 ngày thay vì quy định cũ là 60 ngày để hạn chế tình trạng nói trên.
Về tình trạng để nợ thuế hàng ngàn tỉ đồng, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về ngành hải quan. Thời gian qua hải quan làm được việc tốt là tiến hành hàng loạt công tác cải cách hành chính khá hiệu quả. Tuy nhiên, cải cách nhưng phải song song với biện pháp chống thất thu ngân sách. Việc để DN trốn hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế rồi báo cáo kêu khổ là không nên. Theo ông Long, trong các trường hợp nợ thuế “khủng”, hải quan cần phối hợp với các cơ quan điều tra, bằng biện pháp nghiệp vụ để “triệu” đối tượng trốn thuế về làm nghĩa vụ. Ngoài việc xây dựng hình ảnh cải cách hành chính, hải quan cũng cần tạo môi trường kinh doanh công bằng cho DN.(Thanhnien)
-----------------------
Bị tẩy chay, Hyundai dừng sản xuất ôtô ở Trung Quốc
Tập đoàn Huyndai vừa tuyên bố dừng sản xuất ôtô tại Trung Quốc, nơi hiện là thị trường ôtô lớn nhất thế giới. Quyết định này được đưa ra sau loạt khó khăn mà hãng sản xuất xe lớn nhất Hàn Quốc phải gánh chịu khi bị khách hàng Trung Quốc tẩy chay.
Trong phiên giao dịch sáng 30/8 tại Seoul, cổ phiếu Hyundai giảm 3,8%, một ngày sau khi hãng này tuyên bố chi nhánh Beijing Hyundai Motor tại Trung Quốc dừng hoạt động 4 nhà máy, do các nhà cung cấp địa phương từ chối cung cấp phụ tùng cần thiết với lý do không nhận được thanh toán.
Quyết định của Huyndai là hệ quả trực tiếp của các động thái “trả đũa” về kinh tế của Trung Quốc đối với các công ty của Hàn Quốc sau khi Seoul cho phép Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD nhằm chống lại Triều Tiên hồi đầu năm.
Động thái này khiến Bắc Kinh tức giận bởi cho rằng THAAD có thể được dùng để do thám quân đội Trung Quốc. Từ đó, nước này tuyên bố các biện pháp “trừng phạt” công ty của Hàn Quốc, trong đó các tập đoàn lớn như Hyundai và Lotte phải chịu hậu quả nặng nề do bị khách hàng Trung Quốc tẩy chay.
Huyndai cho biết doanh số sụt giảm tại Trung Quốc khiến chi nhánh của tập đoàn này tại đây không thể thanh toán đúng theo yêu cầu cho nhà cung cấp và buộc phải “đưa ra quyết định”. Truyền thông Hàn Quốc cho biết hóa đơn nợ của Beijing Huyndai hiện lên tới 17 triệu USD.
Liên doanh giữa Hyundai Motor và BAIC Motor - Beijing Hyundai chỉ sản xuất xe dành riêng cho Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Hyundai. Tháng trước, doanh số của Huyndai tại thị trường này giảm tới 65%.
Trong quý 2/2017, lợi nhuận ròng của Huyndai chỉ đạt khoảng 815 triệu USD, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo của giới phân tích. Đây là quý giảm thứ 14 liên tiếp của tập đoàn Hàn Quốc.
Trước đó, thị trường Trung Quốc chiếm tới 25% doanh số của Huyndai và hãng này xuất xưởng khoảng 1,35 xe ôtô mỗi năm tại đây.
Các nhà máy của Huyndai tại Trung Quốc, gồm 3 điểm tại Bắc Kinh và một tại Hàng Châu, đã bắt đầu đóng cửa dần từ giữa tuần trước và chưa có kế hoạch mở lại, một người phát ngôn của Hyundai Motor cho biết.
Hiện Huyndai cũng phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Honda và Toyota cũng tại Mỹ - thị trường lớn thứ hai của hãng, cũng như tại quê nhà. Ở Hàn Quốc, cả Huyndai và công ty con Kia đều đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do người lao động đình công. Theo Bloomberg, các cuộc đình công của công nhân gần đây khiến tập đoàn này thiệt hại hơn 500 triệu USD.
“Môi trường kinh doanh nhìn chung không hề thân thiện”, Choi Byung-chul, Phó chủ tịch Hyundai nói sau khi hãng này công bố kết quả kinh doanh quý 2. “Chúng tôi sẽ phải đối mặt với tình hình khó khăn do các yếu tố từ bên ngoài trong nửa cuối năm 2017”.
Huyndai Motor, cùng với công ty con Kia, hiện là hãng sản xuất xe lớn thứ 5 thế giới, không phải là hãng xe nước ngoài đầu tiên “chịu trận” tại Trung Quốc. Năm 2012, Toyota cũng chứng kiến doanh số sụt giảm mạnh tại Trung Quốc bởi làn sóng tẩy chay hàng Nhật trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh.(Vneconomy)
--------------------------
Western Digital sẽ mua lại mảng kinh doanh chip của Toshiba
Nhà sản xuất ổ đĩa cứng lớn nhất thế giới Western Digital đang gần đạt được thỏa thuận chính thức mua lại mảng kinh doanh chip của Toshiba với giá 17,4 tỉ USD, theo Reuters.
Western Digital đang đi những bước cuối cùng để tới gần hơn việc làm chủ mảng kinh doanh chip nhớ của Toshiba ẢNH: REUTERS
Một nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết, hiện giám đốc điều hành Western Digital đang có mặt tại Tokyo để hoàn tất các cuộc đàm phán kéo dài về việc mua lại bộ phận kinh doanh chip nhớ của Toshiba. Theo dự kiến kết quả của thương vụ này sẽ được công bố chính thức vào ngày 31.8, sau khi Toshiba họp hội đồng quản trị.
Trước khi đi đến bước cuối cùng này, mối quan hệ giữa Western Digital và Toshiba khá căng thẳng vì công ty Nhật Bản lúc đó thông báo rằng họ đã có các nhà thầu khác được ưu tiên chọn lựa, trong đó có những cái tên được ưa thích như công ty cổ phần tư nhân Bain Capital và nhà sản xuất chip Hàn Quốc SK Hynix.
Được biết, để giành chiến thắng cuối cùng trước các đối thủ trong thương vụ nhiều tranh cãi, Western Digital đã có những nhượng bộ quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là hãng điện tử Mỹ không tìm kiếm vai trò quản lý trong tập đoàn, đồng thời chấp nhận cổ phần của họ dưới mức một phần ba trái phiếu chuyển đổi.
Theo các nguồn tin, một số giám đốc điều hành cấp cao của Toshia Memory đã đe dọa sẽ bỏ công ty nếu mảng kinh doanh chip nhớ được bán cho Western Digital. Tuy nhiên, cả hai bên đều có lý do để hợp tác. Thỏa thuận này nếu thành công sẽ góp phần chấm dứt tình trạng bấp bênh của Toshiba suốt nhiều tháng qua, khi hãng công nghệ cao Nhật Bản cố gắng bán mảng chip nhớ để trang trải hàng tỉ USD thua lỗ do thất bại trong kinh doanh điện hạt nhân Westinghouse tại Mỹ.
Mặt khác, đây cũng là chiến thắng đáng chú ý của Western Digital khi công ty này đang rất mong muốn tiếp tục đầu tư vào liên doanh của mình để theo kịp với “ông lớn” Samsung Electronics.
Toshiba đã mua Westinghouse với giá 5,4 tỉ USD vào năm 2006. Tuy nhiên, mảng này gặp rắc rối tài chính do việc xây dựng các nhà máy chậm tiến độ và chi phí vượt kế hoạch. Đầu năm nay Westinghouse đã phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản.(Thanhnien)
-----------------------------
Doanh nghiệp phải đóng 70 loại chi phí vận tải, gồm phí BOT
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục có diễn biến tích cực hơn, chiều hướng tháng sau tốt hơn tháng trước.
Nổi bật là lạm phát tiếp tục được kiểm soát; thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Tổng lượng khách quốc tế trong tháng 8/2017 ước đạt 1,23 triệu lượt khách, tăng 18,5% so với tháng trước, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016, đây là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 8 tháng năm 2017 ước đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng vẫn còn một số tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như công nghiệp đang trên đà phục hồi nhưng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) vẫn thấp hơn so với cùng các năm trước. Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, tiêu thụ sản phẩm, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn... Đặc biệt là yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh.
"Mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều. Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng là nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn dài ngày hơn nuôi gà", ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng nhận định vẫn còn vấn đề về thuế, phí đối với doanh nghiệp, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Theo thống kê, tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại. Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải rà soát các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Ngoài ra, chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan lên tới 35%. Chính phủ đã yêu cầu phải giảm còn 15%.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sắp tới Tổ công tác sẽ tiếp tục kiểm tra từng bộ ngành về từng thủ tục kiểm tra và các bộ sẽ phải giải trình về từng thủ tục, nếu thủ tục nào không cần thiết hoặc kiểm tra nhiều mà phát hiện quá ít vi phạm thì mời Bộ bãi bỏ.
Cùng với đó là các quy định thủ tục hành chính về hải quan, hoàn thuế VAT. Thời gian và chi phí nộp bảo hiểm xã hội còn cao, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết doanh nghiệp Việt Nam nộp bảo hiểm xã hội mất 189 giờ mỗi năm, trong khi Thái Lan chỉ mất 48 giờ, Indonesia mất 56 giờ.
Về nhiệm vụ trong những tháng cuối năm và thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan phải tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đưa ra những giải pháp thiết thực khác, thực hiện nghiêm và tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu kết quả rà soát của Bộ KH&ĐT, VCCI (Bộ KH&ĐT kiến nghị cắt giảm và sửa đổi gần 2.000 điều kiện kinh doanh); sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi cắt giảm mạnh các điều kiện kinh doanh không cần thiết.(NDH)