Tổng thống Trump nỗ lực cải cách bộ luật thuế của Mỹ; Sẽ cắt giảm 3.000 điều kiện 'đè' người kinh doanh?; Nga khốn khổ vì mùa bội thu, vượt Mỹ về lúa mì; Đề xuất giảm hàng loạt loại phí kinh doanh
Tin kinh tế đọc nhanh 31-08-2017
- Cập nhật : 31/08/2017
Mỹ điều tra nghi án Uber hối lộ quan chức nước ngoài
Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra làm rõ liệu công ty Uber có vi phạm luật cấm doanh nghiệp hối lộ quan chức nước ngoài.
Công ty Uber, có trụ sở ở thành phố San Francisco, thông báo công ty đang hợp tác điều tra về khả năng vi phạm Luật chống tham nhũng và hối lộ ở nước ngoài, nhưng không công bố thêm chi tiết.
Luật này cấm công ty Mỹ hối lộ quan chức chính phủ nước ngoài để được cấp phép hoặc duy trì hoạt động kinh doanh.
Chính phủ Mỹ hồi đầu năm 2017 đã mở cuộc điều tra việc Uber sử dụng phần mềm bí mật giúp các tài xế “qua mặt” cơ quan chức năng và có thể hoạt động trong những khu vực bị cấm hoặc hạn chế. Thông tin này lần đầu tiên được phản ánh trên tờ The New York Times.
Theo AFP, Uber thời gian gần đây dính vào một số vụ bê bối, trong đó có việc các lãnh đạo công ty đến ổ mại dâm trá hình núp bóng quán karaoke Hàn Quốc cũng như nỗ lực “bới lông tìm vết” những nhà báo viết về công ty này, cùng những vụ tài xế Uber hiếp dâm phụ nữ ở Ấn Độ.
Mỹ tiến hành điều tra giữa lúc Uber bổ nhiệm Dara Khosrowshahi, giám đốc điều hành Expedia, làm CEO mới.
Uber cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và xung đột với cơ quan chức năng cùng các công ty taxi truyền thống.(Thanhnien)
-----------------
Đến 21/8, tăng trưởng tín dụng đã vượt 10%
Đây ít nhất đã là lần thứ 3 Thủ tướng "phát lệnh" mục tiêu mới 21% của tăng trưởng tín dụng. Mức tăng trưởng này cao hơn 3% so với chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Ước tính, vốn tín dụng sẽ tăng thêm hơn 600 nghìn tỷ đồng để đạt mục tiêu này.
Chiều ngày 30/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo chí thường kỳ Chính phủ với nhiều nội dung liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm đã được nêu ra và làm rõ.
Theo đó, tình hình tiền tệ, tín dụng trong tháng 8 tiếp tục ổn định. Tính đến ngày 21/8, tín dụng tăng 10,06% so với tháng 12/2016. Mức tăng trưởng trên cao hơn so với cùng kỳ (9,01%).
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết ước tính đến cuối tháng 7/2017, tăng trưởng tín dụng cũng đã đạt 9,3%.
Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm - Nguồn: UBGSTCQG
Đối với mục tiêu cả năm, Thủ tướng yêu cầu tín dụng tăng trên 21%, cao hơn 3% so với mục tiêu mà Quốc hội đề ra trước đó.
Ước tính, với số dư nợ cuối năm 2016 là hơn 5,5 triệu tỷ đồng, tín dụng tăng lên năm nay sẽ vào khoảng 1,155 triệu tỷ đồng. Với mức tăng 10,06% trong 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải ngân vốn tín dụng trong 1/3 chặng đường còn lại là khoảng 601,7 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo trước đó của Thống đốc NHNN tổng kết tình hình 6 tháng đầu năm, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát rất chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tăng trưởng tín dụng lên 21% là mức cao so với tăng trưởng kinh tế hiện nay và cần phải có biện pháp kiểm soát chặt, đảm bảo nguồn vốn đi đúng hướng vào sản xuất, kinh doanh chứ không vào các hoạt động mang tính đầu cơ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết buổi họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 cũng đã tổng kết sơ bộ các chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Sau 2/3 chặng đường, 8/13 chỉ tiêu đạt, 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Báo cáo sơ bộ cũng cho thấy năm 2017 sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.
Điều kiện để đạt được mức tăng trưởng này, tiếp tục giảm lãi suất 0,5% từ nay đến cuối năm, phấn đấu tăng trưởng tín dụng 21-22%. Ngoài các mục tiêu tín dụng, tiền tệ trên, giải ngân vốn ODA, vốn nhà nước, tập trung cải cách hành chính rà soát các điều kiện kinh doanh,... là các giải pháp cần thiết để thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
NHNN cũng được giao xây dựng Đề án để huy động nguồn lực trong dân, tạo ra thể chế để hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế nhất là lực lượng doanh nghiệp tư nhân.(NDH)
-----------------------
Mỏ sắt Thạch Khê: Dừng dự án vì nhiều rủi ro
Trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 ngày 30/8, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đã chỉ ra nhiều nguyên nhân.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo các bộ, ngành liên quan để kiến nghị dừng dự án này.
Điều này xuất phát từ 4 quan ngại, thứ nhất là năng lực nhà đầu tư, thứ hai là tác động môi trường, thứ ba là thị trường tiêu thụ quặng sắt, cuối cùng là về giao thông vận tải.
“Đây là những kiến nghị của Bộ dựa trên những cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư không những chỉ nghe báo cáo mà còn trực tiếp thị sát nên đã đưa ra những quan ngại để dừng dự án”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho hay.
Chính phủ sẽ có báo cáo với Bộ Chính trị để đưa ra kết luận cụ thể. Ảnh minh họa: Internet
Cũng về dự án này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là mỏ sắt với trữ lượng tài nguyên rất lớn. Việc khai thác mỏ sắt là chủ trương lớn của Bộ Chính trị các khóa trước. Vì thế, với tình hình hiện nay, Chính phủ sẽ có báo cáo với Bộ Chính trị để đưa ra kết luận cụ thể.
Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Mỏ nằm cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 8 km về phía Đông Bắc, cách bờ biển Đông 1,6 km và cách cảng Vũng Áng 66 km. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370-400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10-15 triệu tấn mỗi năm.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được khởi công từ 2009, với sự tham gia của các cổ đông như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng công ty Sông Đà...
Dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011) do gặp vướng mắc về vốn góp của các cổ đông, khó khăn trong huy động vốn. Tổng chi phí Công ty CP Sắt Thạch Khê đã đầu tư vào dự án (tính đến tháng 11/2016) là gần 1.600 tỷ đồng.(Baohaiquan)
---------------------
Hàn, Triều cùng “điêu đứng” vì Trung Quốc trừng phạt
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở khu vực Bắc Á gia tăng vì chương trình tên lửa của Triều Tiên, Trung Quốc đã siết gọng kìm kinh tế đối với cả Hàn Quốc và Triều Tiên.
Lý do dẫn tới sự trừng phạt của Trung Quốc đối với hai miền bán đào Triều Tiên là Bình Nhưỡng phóng tên lửa, còn Seoul thì triển khai một hệ thống lá chắn tên lửa nhằm phòng ngừa tên lửa do Bình Nhưỡng phóng.
Theo hãng tin Bloomberg, nếu xét về giá trị tuyệt đối, thì Hàn Quốc chịu thiệt hại lớn hơn. Riêng ngành du lịch nước này bị cho là thiệt hại 4,7 tỷ USD do lượng khách từ Trung Quốc sụt giảm. Cộng thêm với doanh số xe hơi, mỹ phẩm và các hàng hóa khác của Hàn Quốc lao dốc ở Trung Quốc, mâu thuẫn Bắc Kinh-Seoul sẽ khiến tăng trưởng GDP của Hàn Quốc giảm 0,3 điểm phần trăm trong năm nay - Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) ước tính.
Về giá trị tương đối, sự trừng phạt của Trung Quốc đối với Triều Tiên gây thiệt hại “khủng” hơn. Trung Quốc giờ đây từ chối nhập khẩu than, quặng sắt và chì của Triều Tiên - những mặt hàng chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Trung Quốc cấm tổ chức tour du lịch Hàn Quốc
Lượng du khách Trung Quốc tới Hàn Quốc qua các tháng từ năm 2015 đến nay (màu đen) và ước tính lượng du khách sụt giảm từ tháng 3/2017 (màu hồng). Đơn vị: triệu lượt du khách - Nguồn: Bloomberg.
Một cách mà Bắc Kinh sử dụng để thể hiện sự không hài lòng với lá chắn tên lửa Mỹ mang tên THAAD mà Hàn Quốc triển khai là yêu cầu các công ty du lịch Trung Quốc dừng tổ chức tour đi Hàn Quốc. Áp dụng từ tháng 3, đến tháng 7, lệnh cấm này khiến lượng du khách Trung Quốc sang Hàn Quốc giảm 2,3 triệu lượt so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2016, trung bình mỗi du khách Trung Quốc chi 2.060 USD khi du lịch ở xứ kim chi. Như vậy, số lượt du khách giảm nói trên khiến kinh tế Hàn Quốc thiệt hại 4,7 tỷ USD doanh thu.
Doanh số xe Hyundai, Kia lao dốc ở Trung Quốc
So sánh doanh số của các hãng xe Hàn Quốc tại Trung Quốc giữa các tháng của năm 2017 (màu hồng) và các tháng của năm 2016 (màu đen). Đơn vị: nghìn chiếc ô tô - Nguồn: Bloomberg.
Doanh số của các hãng xe Hàn Quốc tại Trung Quốc sụt giảm mạnh trong năm nay do bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay vì THAAD. Khó đưa ra được một con số ước tính về ảnh hưởng doanh thu đối với các hãng xe, nhưng thiệt hại rõ ràng là lớn.
Lotte “gặp hạn” ở Trung Quốc
Doanh số bán lẻ của Lotte tại Trung Quốc qua các quý từ quý 2/2014 đến quý 2/2017. Đơn vị: tỷ Won - Nguồn: Bloomberg.
Lotte Shopping Co. là một trong những công ty Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Lý do nằm ở chỗ Lotte sở hữu một sân golf nơi Chính phủ Hàn Quốc chọn là nơi triển khai THAAD. Lotte đã chấp nhận đổi đất cho Chính phủ, và động thái này khiến công ty vấp phải sự trả đũa của Trung Quốc.
Hàng loạt siêu thị Lotte đã bị đóng cửa ở Trung Quốc vì lý do rất “trời ơi”, khiến doanh thu của Lotte Shopping tại Trung Quốc trong quý 2 giảm 88% so với cùng kỳ 2016.
Xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc sụt giảm
Biểu đồ diễn biến qua các năm kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên (đường màu đen) và kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung QUốc (đường màu hồng). Đơn vị: % so với cùng kỳ năm trước - Nguồn: Bloomberg.
Trong năm 2016, khoảng 90% hoạt động thương mại được thống kê của Triều Tiên là với Trung Quốc. Tháng 2 năm nay, Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu than và quặng sắt từ Triều Tiên cho tới hết năm.
Trước khi có lệnh cấm trên, than chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc. Lệnh cấm mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng tới sẽ bổ sung thêm những mặt hàng mà Trung Quốc dừng nhập từ Triều Tiên, trong đó có hải sản.
Từ tháng 3-7, kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc giảm 380 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này không phải là lớn nếu so với thiệt hại mà Hàn Quốc gánh chịu, nhưng lại là một sự thiệt hại không nhỏ về nguồn thu đối với Bình Nhưỡng.(Vneconomy)