tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-06-2018

  • Cập nhật : 08/06/2018

Trung Quốc sẽ trả giá đắt hơn Mỹ nếu có chiến tranh thương mại?

Trung Quốc phụ thuộc vào chuyển giao công nghệ từ các đối tác phương Tây và Nhật, và đánh cắp bản quyền trí tuệ của các công ty cũng như chính phủ nước ngoài.

anh: gtm

Ảnh: GTM

Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý không đánh thuế đối với hàng hóa của nhau, và như vậy đồng nghĩa với việc sẽ không vướng vào chiến tranh thương mại, thay vào đó họ đàm phán được thỏa thuận thương mại. Nếu thông tin từ Nhà Trắng chính xác, Trung Quốc đã đồng ý tăng mua mạnh hàng hóa Mỹ, đặc biệt nông sản. 

Đáng để chào đón thông tin này: Thương mại Trung Quốc - Mỹ, bất chấp tất cả những hạn chế và điều kiện, phản ánh mối quan hệ kinh tế biểu tượng. Cuộc chiến thương mại sẽ tác động xấu đến cả hai nước. Thế nhưng sự nhượng bộ của Trung Quốc trước mắt vô cùng quan trọng bởi họ ngầm thể hiện yếu điểm dù Trung Quốc cố gắng tạo ra hình ảnh thống trị về thương mại.

Khó khăn lớn nhất của Trung Quốc nằm chính ở mô hình tăng trưởng định hướng xuất khẩu, mô hình mà nhiều nước phương Tây nhầm tưởng là thế mạnh của nước này. Bởi Trung Quốc quá tập trung vào sản xuất, Trung Quốc sản xuất dư thừa hàng hóa, và sự dư thừa này chỉ có thể được giải quyết nhờ các công ty nhà nước. Nếu không có người mua, Trung Quốc ngập trong triệu triệu sản phẩm dư thừa.

Cấu trúc phát triển kiểu này phụ thuộc nhiều vào sự thịnh vượng ở nơi khác để có thể hấp thụ hàng Trung Quốc. Những báo cáo gần đây về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cho thấy sự phụ thuộc này: kể cả cơ quan thống kê Trung Quốc cũng nhắc đến tăng trưởng kinh tế Mỹ và châu Âu như những yếu tố giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng. 

Những nhà quan sát vốn sợ hãi với sức sản xuất Trung Quốc nhắc đến yếu điểm của phương Tây trong lĩnh vực này. Bởi Mỹ và nhiều nền kinh tế phát triển khác đã để mất nhiều sức mạnh sản xuất về tay Trung Quốc, họ sẽ đối diện với tình trạng thiếu hụt hàng hóa nếu Trung Quốc quyết định hãm nguồn cung. Việc Trung Quốc từ chối xuất khẩu hàng hóa sẽ tác động xấu đến phương Tây, và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế, thế nhưng nếu chủ động làm vậy, Trung Quốc sẽ phải chịu nhiều thiệt hại.

Ngành sản xuất định hướng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trì trệ và kết quả, tác động xấu đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Về mặt xã hội, Trung Quốc sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Thời kỳ khủng hoảng năm 2008 – 2009, Trung Quốc từng đối diện với không ít bất ổn.

Việc hoạch định quy mô quá lớn thường dẫn đến thừa thãi. Trong những năm đầu của thế kỷ này, khi Trung Quốc xuất khẩu đồ chơi và giầy dép rẻ tiền, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng được 2 con số, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tin rằng mô hình đó sẽ kéo dài mãi mãi. Họ xây dựng ồ ạt các dự án hạ tầng và nhà máy cũng như nhà ở cho hàng triệu công nhân ngành sản xuất. Sau đó nền kinh tế thay đổi.

Việt Nam sử dụng lợi thế lương thấp để vượt qua Bắc Kinh trong hoạt động sản xuất giầy và quần áo. Trung Quốc sau đó phải tự ứng phó với sự thừa thãi do chính họ tạo ra cũng như gánh nặng nợ nần liên quan. Khi mà những ngành có nhu cầu cao đã bớt độ nóng, và điều đó chắc chắn sẽ xảy ra, do nhu cầu tiêu dùng của thị trường thay đổi hoặc do cạnh tranh từ nước khác, Trung Quốc sẽ lại dư thừa quá nhiều hàng hóa và những công cụ sản xuất mà thế giới không còn cần đến nữa. 

Thị trường cạnh tranh cũng có thể tạo ra nhiều sự thừa thãi. Cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2008-2009 mang đến minh chứng cay đắng. 

Cơ chế quản lý khiến cho công nghệ Trung Quốc tụt hậu. Trong bài phát biểu dài 2 tiếng vào tháng trước trước tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không ngừng nhấn mạnh vào chính sách công nghiệp, ông nhấn mạnh vào kế hoạch “Made in China 2025”. 

Kế hoạch đặt mục tiêu đẩy nhanh việc đưa Trung Quốc lên vị trí đứng đầu trong ngành sản xuất bằng việc đầu tư vào dữ liệu và robot cũng như ngành bán dẫn và động cơ máy bay. Đồng thời ông Lý cũng nói nhiều đến ô tô sạch. 

Trung Quốc thực ra không có truyền thống đổi mới công nghệ. Trên thực tế, Trung Quốc phụ thuộc vào chuyển giao công nghệ từ các đối tác phương Tây và Nhật, và đánh cắp bản quyền trí tuệ của các công ty cũng như chính phủ nước ngoài. Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả những hoạt động trên khiến cho Trung Quốc có được thế mạnh công nghệ lớn hơn thực tế nhiều. Trung Quốc phụ thuộc vào nhiều nước khác để đổi mới công nghệ. 

Các cuộc đối thoại thương mại có thể chệch hướng. Washington đã tuyên bố rõ ràng về việc sẽ áp thuế nếu các cuộc đối thoại không mang lại hiệu quả. Nếu điều đó xảy ra, Bắc Kinh chắc chắn sẽ trả đũa. 

Thế nhưng triển vọng hai bên đạt được một thỏa thuận khá sáng sủa. Chính quyền của Tổng thống Trump thừa biết rằng kinh tế Mỹ sẽ khó khăn nếu có chiến tranh thương mại, còn Bắc Kinh tất nhiên cũng chẳng muốn điều đó xảy ra. 

* Bài viết thể hiện quan điểm của Milton Ezrati, biên tập viên của tạp chí The National Interest và kinh tế gia trưởng của Vestes, một công ty truyền thông có trụ sở tại New York. 
------------------------------------------------

Tìm giải pháp kéo Trung Quốc quay lại mua tôm Việt Nam

Khách hàng Trung Quốc đang chuyển qua mua tôm cỡ lớn với giá rất rẻ của Ấn Độ và Ecuador nên cần có biện pháp kéo họ quay trở lại mua tôm Việt Nam

Đó là 1 trong 4 giải pháp phát triển bền vững sản xuất và xuất khẩu tôm Việt Nam mà Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Chính phủ.

Theo VASEP, qua tìm hiểu các nguồn thông tin không chính thức, hiện nay Trung Quốc đang chuyển qua mua nhiều hơn tôm Ấn Độ và Ecuador có cỡ lớn có giá rất rẻ. Do đó, VASEP kiến nghị Chính phủ có biện pháp tăng cường kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất tôm Ấn Độ và Ecuador qua Cảng Hải Phòng để vào Trung Quốc nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động này, cũng như kéo khách hàng Trung Quốc quay trở lại mua tôm Việt Nam.

Tìm giải pháp kéo Trung Quốc quay lại mua tôm Việt Nam - Ảnh 1.

Thương nhân Trung Quốc tìm hiểu về tôm cỡ lớn của Việt Nam tại một hội chợ

Đối với thị trường Mỹ, VASEP kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm các hoạt động ngoại giao cấp cao để Mỹ tháo gỡ nhanh các rào cản thương mại, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá tôm. Đây là một trở ngại lớn cho sức cạnh tranh của tôm Việt Nam. Hiện nay, tôm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số tôm nhập khẩu vào Mỹ cũng vì những rào cản này.

Về lâu dài, để nâng tầm giá trị tôm Việt trên thương trường quốc tế, tôm Việt phải được nuôi sạch theo chuẩn quốc tế như ASC, BAP. Có như vậy, tôm Việt mới có cơ hội lên kệ trong các siêu thị lớn cao cấp, có giá tiêu thụ tốt và ổn định. Tuy nhiên, nghịch lý là muốn nuôi theo chuẩn quốc tế thì các hộ nuôi nhỏ lẻ (chiếm hơn 95%) không thể thực hiện được vì chi phí lớn, cho nên nuôi tôm cánh đồng lớn trở thành một nhu cầu cấp thiết và lâu dài. Như vậy, cần gấp những mô hình hợp tác hóa trong nuôi tôm cũng như các giải pháp mạnh mẽ cho việc tích tụ đất đai để hình thành các trang trại nuôi tôm chuẩn mực quốc tế. Từ đó có hướng đi trong tái cơ cấu sản xuất nuôi tôm nhằm mang lại kết quả tốt hơn trong dài hạn.

Trước mắt, để chia sẻ khó khăn chung hiện nay cho người nuôi tôm, ngoài việc động viên các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ tốt, các đơn vị cung ứng tôm giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm cần xem xét để giảm giá cho người nuôi. 

VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các chính sách hỗ trợ nhằm động viên các nhà cung cấp đầu vào có cơ chế mua bán cùng chính sách giá cả phù hợp cho người nuôi, giúp người nuôi vượt qua các khó khăn hiện nay và ổn định giá thành nuôi tôm trong tương lai. (NLĐ)
-------------------------

Hàng loạt dự án bất động sản ở TP.HCM bị chủ đầu tư cầm cố, thế chấp

Trong gần 30 dự án bất động sản đủ điều kiện bán mở nhà ở hình thành trong tương lai vừa được Sở Xây dựng TP.HCM công bố, có không ít dự án đã bị chủ đầu tư đem cầm cố, thế chấp tại ngân hàng.

Cụ thể, các dự án được "xướng tên" về việc đang bị chủ đầu tư cầm cố, thế chấp tại ngân hàng gồm: Dự án Green Field 686 (quận Bình Thạnh) do Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Thương Mại 2 (ACSC) làm chủ đầu tư. Hiện dự án này đang được ACSC thế chấp quyền sử dụng đất tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh KCN Bình Dương.

Hàng loạt dự án bất động sản ở TP.HCM bị chủ đầu tư cầm cố, thế chấp - Ảnh 1.

Dự án Green Field 686 do ACSC làm chủ đầu tư hiện đang bị thế chấp quyền sử dụng đất tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam – Chi nhánh KCN Bình Dương.

Dự án Kingsway Tower do Công ty TNHH Siêu Thành (Công ty Siêu Thành) làm chủ đầu tư, hiện đang bị thế chấp quyền sử dụng đất cho Ngân hàng TMCP An Bình – Chi nhánh TP.HCM.

Dự án The Western Capital (quận 6) do Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Hoàng Phúc (BĐS Hoàng Phúc) làm chủ đầu tư, hiện đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.

Khu dân cư Lô M7 Khu A – Đô thị mới Nam TP.HCM do Công ty Cổ phần phát triển Phú Hưng Thái (Công ty Phú Hưng Thái) làm chủ đầu tư; Dự án Saigonhomes (Khu chung cư Nhà Sài Gòn, quận Bình Tân) do Công ty TNHH Nhà Sài Gòn (Công ty Nhà Sài Gòn) làm chủ đầu tư;

Dự án Jamona Heights (quận 7, Công ty Cổ phần May Tiến Phát làm chủ đầu tư); Dự án Little Village (quận Thủ Đức, Công ty TNHH Phát triển nhà Thế Giới làm chủ đầu tư và PVInvest là đơn vị phát triển dự án… đều là những dự án đang bị chủ đầu tư đem cầm cố, thế chấp tại ngân hàng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia BĐS, thị trường bất động sản tại TP.HCM đang nóng sốt thời gian qua, nên việc thế chấp dự án BĐS tại ngân hàng là hoạt động bình thường trong kinh doanh lĩnh vực địa ốc. Luật nhà ở cũng quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn cho việc đầu tư dự án đó.

Hàng loạt dự án bất động sản ở TP.HCM bị chủ đầu tư cầm cố, thế chấp - Ảnh 2.

Dự án The Western Capital do Công ty BĐS Hoàng Phúc làm chủ đầu tư, hiện đang được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.

Dù vậy, các chuyên gia lưu ý rằng, điều đó không có nghĩa chủ đầu tư có quyền đem căn hộ đã bị thế chấp ngân hàng bán cho khách, càng không có quyền đem căn hộ đã bán và bàn giao nhà cho khách hàng đi thế chấp khi tài sản đó đã thuộc quyền sở hữu của người mua nhà - là chủ sở hữu căn nhà đó.

Bởi, theo luật định, trường hợp chủ đầu tư đem cầm cố những căn hộ là tài sản đang hình thành trong tương lai ở ngân hàng, thì trước khi bán cho người dân, căn hộ đó phải được giải chấp. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều dự án cầm cố ngân hàng, thế chấp nhưng lại không nhằm mục đích phục vụ lợi ích xây dựng dự án, đã dẫn đến tranh chấp sau này.

Vì vậy, để tránh những trường hợp không đáng có xảy ra, trước khi "xuống tiền" mua đất, khách hàng cần phải thận trọng tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu kỹ năng lực cũng như uy tín chủ đầu tư và có thể tìm kiếm các dòng sản phẩm mà đơn vị bán hàng này đã đem đến cho thị trường BĐS. (VTC News)
--------------------------

Tuyến metro hơn 1 tỷ USD ở thủ đô lùi tiến độ đến năm 2023

Việc chậm trễ, lùi tiến độ tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội do các đoạn đi ngầm chưa được giải phóng mặt bằng.

Ngày 6/6, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đến nay đạt khoảng 43% tiến độ. Hiện việc thi công gói thầu CP03 cho đoạn đi ngầm diễn ra rất chậm, hầu hết ga ngầm, ống ngầm chưa được triển khai vì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Đồ hoạ tiến độ các gói thầu dự án Metro. Đồ hoạ: MRB

Đồ hoạ tiến độ các gói thầu dự án Metro. Đồ hoạ: MRB

Sau 4 tháng khởi công các gói ngầm, chuyển biến tích cực nhất chỉ dừng lại ở việc xây rào chắn quanh khu vực ga S9 và S10, phân luồng giao thông bắt đầu thi công trên đường Kim Mã và Cát Linh.

Các hợp phần liên quan đến tàu và thiết bị đạt tiến độ từ 6 đến 11%, đoạn trên cao hiện nay đạt 83%. Hiện dự án tập trung xây dựng 4 cầu cạn và dốc hạ ngầm; thi công ở ga chuyển giao và tầng ke ga của 8 ga trên cao.

Hai phương án vận hành đoạn trên cao và đoạn đi ngầm.Đồ hoạ: MRB

Hai phương án vận hành đoạn trên cao và đoạn đi ngầm. Đồ họa: MRB

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, ban đầu dự án đặt kế hoạch hoàn thành xây dựng vào quý IV/2022, trong điều kiện các hợp phần quan trọng như đoạn đi ngầm được triển khai đúng hạn. Do vướng mắc đoạn đi ngầm, việc  hoàn thành và vận hành toàn tuyến sẽ bị lùi vào quý I/2023.

MRB đề xuất UBND Hà Nội và các cơ quan hữu quan phương án đưa tuyến trên cao dài 8,5 km gồm 8 nhà ga từ Nhổn đến Cầu Giấy vận hành trước vào quý IV/2020, ngoài ra tiếp tục xây dựng đoạn đi ngầm để toàn tuyến được hoàn thiện vào quý IV/2022.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, theo tư vấn dự án Systra (Pháp), hiện có khoảng 1.000 công nhân làm việc ngày đêm trên công trường. (VNexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục