Cố vấn kinh tế trưởng của ông Trump chỉ trích Thủ tướng Canada “đâm lén sau lưng” Mỹ; Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 giảm từ mức kỷ lục; Thái Lan nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 10 triệu tấn; Ai Cập sắp nhập khẩu gạo
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 10-06-2018
- Cập nhật : 10/06/2018
Philippines xây thành phố không ô nhiễm 14 tỷ USD
Chính phủ Philippines lên kế hoạch chi 14 tỷ USD xây một thành phố không ô nhiễm để giảm áp lực môi trường cho thủ đô Manila. Thành phố mới có tên New Clark, rộng 9.500 ha và được xây cách Manila gần 121 km bằng cả vốn nhà nước và tư nhân.
Bản thiết kế New Clark. (Nguồn: BCDA)
New Clark sử dụng xe tự lái, máy bay không người lái, có nhiều không gian xanh và các tòa nhà ít tiêu thụ năng lượng. 2/3 diện tích dự kiến được dùng cho không gian xanh và trang trại để hấp thụ khí thải CO2. Ngoài ra, các công trình ở đây sẽ có khả năng chống lại thiên tai.
Dự án sẽ cần 25-30 năm để hoàn thành nhưng nhà chức trách hi vọng xây xong cơ sở vật chất cần thiết trước để phục vụ cho Seagame 2019.
Manila là thành phố lớn có mật độ dân số cao nhất thế giới - 41.313 người/ km2. Thủ đô Philippines lập kỷ lục giao thông tệ nhất Trái đất vì đông dân và sương mù dày đặc.
Bản thiết kế New Clark 2. (Nguồn: BCDA)
Bản Bản thiết kế New Clark 3. (Nguồn: BCDA)
(Theo NDH)
---------------------------
Mỹ nâng thuế nhập khẩu, các hãng ô tô Nhật Bản xem xét nâng giá xe
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA) đã lên tiếng chỉ trích các động thái mới đây của Mỹ liên quan tới kế hoạch nâng thuế nhập khẩu đối với ô tô Nhật Bản.
Logo của hãng Toyota. Ảnh: EPA/TTXVN
Theo kế hoạch, hai nước sẽ tiến hành các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 7 tới - được cho là tạo thêm áp lực cho Tokyo trong việc mở cửa thị trường.
Tháng trước, Washington đã tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào ô tô và xe tải nhập khẩu với lý do đảm bảo an ninh quốc gia. Điều này đe dọa tới một trong những mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường Mỹ. Thuế nhập khẩu cao hơn có thể khiến các nhà sản xuất ô tô chịu chi phí cao hơn khi hoạt động tại Mỹ. Động thái trên được đưa ra sau khi Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép từ Nhật Bản và một số nước hồi tháng 3.
Akio Toyoda, Chủ tịch JAMA, cho biết, nếu các rào cản từ phía Mỹ được áp đặt, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể sẽ phải nâng giá xe và giảm bớt sự lựa chọn của người tiêu dùng. Ngoài ra, động thái này cũng gây gián đoạn nghiêm trọng các kế hoạch hợp tác giữa nhà sản xuất ô tô với các bên sản xuất linh kiện và đại lý, tác động tiêu cực tới nền kinh tế và thị trường việc làm của Mỹ.
Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này đang ngày một "nóng" lên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây đã đồng ý tiến hành các cuộc họp bàn thương mại vào tháng 7 tới. Dự kiến, các cuộc đàm phán này sẽ được dẫn dắt bởi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi.
Mỹ là thị trường chủ chốt cho các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản. Các hãng chế tạo xe Nhật Bản sản xuất khoảng 3,8 triệu xe tại các nhà máy ở Mỹ vào năm 2017, tương đương khoảng 1/3 trong tổng số 12 triệu chiếc được sản xuất trong nước mỗi năm. Trong năm 2017, có thêm 1,7 triệu ô tô Nhật Bản được xuất khẩu sang Mỹ. (TTXVN)
--------------------
3,3 tỉ USD giá trị hàng hóa Mỹ sẽ chịu thuế của EU từ tháng sau
Kế hoạch áp thuế 2,8 tỉ euro (khoảng 3,3 tỉ USD) giá trị hàng hóa Mỹ của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 7.2018, Ủy ban châu Âu cho biết, theo CNN.
Các container tại một cảng ở San Pedro, California, Mỹ - ẢNH: REUTERS
Cả EU, Mexico và Canada đều đã công bố biện pháp đáp trả thuế nhập khẩu nhôm, thép của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các đồng minh của Mỹ đã hành động rất nhanh chóng, chỉ trong vòng một tuần sau khi Washington chính thức áp thuế trở lại sau thời gian miễn trừ.
Mỹ và EU có mức giao dịch hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 1.000 tỉ euro (khoảng 1,2 tỉ USD) mỗi năm. Mức thuế trả đũa của EU đã đúng với cảnh báo cụ thể trước đó. Khi chính quyền ông Trump lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về thuế nhôm, thép hồi tháng 3.2018, EU đã tuyên bố rõ sẽ đánh thuế đáp trả vào những mặt hàng như vải denim, nước cam, bourbon, xe máy, bơ đậu phộng, thuyền máy và thuốc lá của Mỹ.
Nếu tranh chấp thương mại vẫn tiếp tục và không được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giải quyết, thì một lô hàng xuất khẩu thứ hai của Mỹ trị giá khoảng 3,7 tỉ euro (tương đương 4,3 tỉ USD) có khả năng sẽ bị nhắm mục tiêu. Danh sách này bao gồm khoảng 160 sản phẩm, bao gồm giường phơi nắng, khăn giấy, quần vải to sợi và bộ đồ ăn bằng sứ. EU dự tính mức thuế sẽ nằm trong khoảng từ 10% đến 50%.
“Các mức thuế này có thể có hiệu lực trong thời gian ba năm hoặc sau khi có kết quả trong việc giải quyết của WTO”, EU tuyên bố.
Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmström đã gọi quyết định thuế quan của Mỹ là hành động “đơn phương và bất hợp pháp”.
“Hơn nữa, phản ứng của EU là hoàn toàn phù hợp với luật thương mại quốc tế. Chúng tôi rất tiếc vì Mỹ đã không để cho chúng tôi có lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ lợi ích của EU”, bà Malmström nói.
Giới chuyên gia trong ngành đã cảnh báo rằng động thái trả đũa của EU có thể khuyến khích chính quyền ông Trump tấn công trở lại với nhiều rào cản thương mại hơn đối với các mặt như xe hơi của châu Âu. Và điều đó có thể châm ngòi cho một đợt leo thang căng thẳng khác.(Thanhnien)
---------------------
‘Ông lớn’ ngành bảo hiểm nhân thọ bất ngờ báo lỗ nặng trong năm 2017
Năm 2017, trong khi Manulife Việt Nam và Dai-ichi Việt Nam báo lỗ nặng, lợi nhuận của Prudential Việt Nam cũng giảm rất mạnh thì đại diện của Việt Nam – Bảo Việt Nhân Thọ - lại ghi nhận mức tăng ấn tượng 60%, đạt 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trong số 4 “ông lớn” ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam gồm: Prudential Việt Nam, Bảo Việt Nhân Thọ, Dai-ichi Việt Nam và Manulife Việt Nam, thì có tới 2 “ông lớn” báo lỗ nặng trong năm 2017. Đó là Dai-ichi Việt Nam và Manulife Việt Nam.
Cụ thể, năm 2017, Dai-ichi Việt Nam lỗ trước thuế tới 515 tỷ đồng, khác xa mức lãi 135 tỷ đồng của năm 2016.
Nguyên nhân gây ra lỗ là do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm qua của Dai-ichi Việt Nam tăng tới 65%, đạt 7.058 tỷ đồng; trong khi đó, doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng chậm hơn với tốc độ 50%, đạt 7.713 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí bán hàng tăng mạnh 47%, đạt 1.644 tỷ đồng.
“Bi đát” hơn là trường hợp của Manulife Việt Nam. Năm 2017, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ trước thuế tới 1.245 tỷ đồng. Năm 2016, Manulife Việt Nam lãi 463 tỷ đồng.
Manulife Việt Nam lỗ trước thuế tới 1.245 tỷ đồng trong năm 2017.
Tương tự như trường hợp của Dai-ichi Việt Nam, nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ của Manulife Việt Nam đến từ việc chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng rất mạnh, lên tới 82%, đạt 8.145 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu hoạt động bảo hiểm chỉ tăng 33%, đạt 8.014 tỷ đồng.
Cùng với đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng khá mạnh, lần lượt 28% và 19%, đạt 1.837 tỷ đồng và 1.228 tỷ đồng.
Mặc dù không lỗ trong năm 2017 nhưng một “ông lớn” 100% vốn nước ngoài khác là Prudential Việt Nam cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận.
Nếu như năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Prudential Việt Nam lên đến 1.603 tỷ đồng thì sang năm 2017, mức lợi nhuận chỉ còn 645 tỷ đồng, nghĩa là “mất” tới gần 1.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm tới 60%.
Nguyên nhân của hiện tượng này cũng tương tự như 2 “ông lớn” trên, là do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng nhanh hơn đáng kể doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Với trường hợp của Prudential Việt Nam là 65% so với 20%.
Đối nghịch, đại diện của Việt Nam – Bảo Việt Nhân Thọ - ghi nhận mức tăng lợi nhuận rất ấn tượng 60%, đạt 1.000 tỷ đồng trong năm 2017.(Vietnamfinace)