Cục Quản lý cạnh tranh hỗ trợ kiện gà Mỹ
Dự án 300 tỉ bị đình chỉ vì giả mạo hồ sơ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình việc chênh số liệu XNK Việt Nam-Trung Quốc
Trung Quốc phá giá nhân dân tệ thêm 1,1%
Nhà đầu tư thế giới đổ xô mua vàng
Tin kinh tế đọc nhanh 11-08-2015
- Cập nhật : 11/08/2015
Vingroup đầu tư vườn bách thú lớn thứ 2 thế giới tại Phú Quốc
Vingoup đang xúc tiến dự án vườn bách thú hoang dã diện tích 500 ha nằm trên địa bàn 2 xã Gành Dầu và Cửa Cạn tại Phú Quốc.
Vườn bách thú hoang dã Phú Quốc có quy mô lớn thứ 2 trên thế giới, với các loài động vật, thực vật đặc trưng của khắp châu lục trên thế giới cũng như ở trong nước. Khi được đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ là cơ hội, tiềm năng, lợi thế, tạo thêm sức bật phát triển đảo ngọc Phú Quốc nổi trội cạnh tranh so với những khu du lịch lớn trong cả nước và so với khu vực như Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia)...Được biết, cuối năm nay Vingroup sẽ khai trương dự án này.
Ngoài vườn thú hoang dã Phú Quốc, Vingroup cũng đang đầu tư khu Vinpearl Phú Quốc tại Bãi Dài, xã Gành Dầu quy mô hơn 300 ha, tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Hiện nay dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2, đây là dự án du lịch lớn nhất ở Phú Quốc tính đến thời điểm này.
ASEAN đầu tư 15 tỉ USD vào TP.HCM
Ngày 9.8, UBND TP.HCM tổ chức lễ thượng cờ ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á) tại cụm cờ giao lộ Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng (Q.1) và kỷ niệm 20 năm VN tham gia ASEAN (28.7.1995 - 28.7.2015), 48 năm thành lập ASEAN (8.8.1967 - 8.8.2015).
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân khẳng định trong 20 năm kể từ khi tham gia ASEAN, VN đã tham gia sâu rộng, tích cực vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, góp phần đáng kể vào sự phát triển và thành công của ASEAN. Cùng với nỗ lực chung của cả nước, TP.HCM luôn là địa phương tích cực trong triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác đa dạng với các nước thành viên của khối trên nhiều lĩnh vực. Đến nay đã có 9 nước thành viên trong khối ASEAN đầu tư trên 1.190 dự án tại TP.HCM với tổng vốn khoảng 15 tỉ USD.
Về chợ sỉ là trái cây Trung Quốc, ra chợ lẻ thành hàng Việt
Lượng trái cây Trung Quốc về thị trường TP.HCM tăng mạnh trong thời gian gần đây, thế nhưng điều đáng nói là nhiều người bán vẫn không công khai nguồn gốc xuất xứ.
Táo, lựu, hồng Trung Quốc được bày bán tại một sạp trái cây ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Ghi nhận tại khu vực kinh doanh trái cây ở các chợ đầu mối lớn như Thủ Đức, Hóc Môn hay chợ Bình Điền (Q.8) vào những ngày đầu tháng 8-2015 có thể thấy đủ loại trái cây Trung Quốc được vận chuyển vào chợ, sau đó đưa ra thị trường.
Tại một sạp kinh doanh táo, lê, mận, đào... ở chợ Bình Điền (Q.8), giá bán đào, mận Trung Quốc dao động 80.000 - 140.000 đồng/thùng tùy loại. So với cùng thời điểm năm trước, mức giá này rẻ hơn 5.000 - 7.000 đồng/kg. Chủ sạp nơi đây khẳng định đào, mận chủ yếu là hàng từ Trung Quốc.
Còn tại chợ Thủ Đức, hiện dưa lưới, dưa lê, dưa hoàng kim với đủ loại hàng hóa nhưng xuất xứ mập mờ. Chị Mai, tiểu thương kinh doanh ở nhà lồng trái cây, cho biết hiện dưa Trung Quốc về toàn dưa vàng, giá 15.000 - 25.000 đồng/kg, dù vỏ vàng ruột trắng, ruột hồng, ruột vàng khác nhau nhưng đều xuất xứ Trung Quốc. “Năm ngoái dưa Trung Quốc đưa sang không nhiều, năm nay không biết vì sao lượng hàng tăng vọt nên giá cũng giảm nhiều” - chị Mai cho hay. Nếu so với năm trước, giá dưa vàng các loại đã giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg bán sỉ. Tương tự, cam sành hay quýt được giới thiệu hàng ĐBSCL nhưng tiểu thương cho hay phần lớn là hàng Trung Quốc, giá chỉ 15.000 - 22.000 đồng/kg, bán hàng chục thùng mỗi sạp lẻ.
Trong khi đó tại các chợ lẻ, điểm bán lẻ dọc các tuyến đường TP.HCM, dưa vàng được chất đầy trên các xe với tấm biển chỉ 20.000 đồng/kg, người bán một mực khẳng định hàng trong nước. Trên đường Hồng Bàng (Q.5), dưa vàng được người bán giới thiệu 25.000 đồng/kg và khẳng định dưa nhập về từ... Tây Ninh.
Tại chợ Nguyễn Tri Phương, khu vực bán trái cây bán khá nhiều mận đỏ trái lớn hoặc màu đen, song tất cả người bán đều khẳng định là mận Sơn La chứ “không phải hàng Trung Quốc”.
Ngân hàng Công thương mở rộng sang Lào
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa tổ chức khai trương Ngân hàng TNHH Công thương Việt Nam tại Lào.
Theo ông Lê Đức Thọ, tổng giám đốc VietinBank, Ngân hàng TNHH Công thương Việt Nam ở Lào thành lập trên cơ sở nâng cấp từ chi nhánh VietinBank tại Lào.
Ngân hàng có tổng vốn điều lệ là 50 triệu USD, trụ sở ở số 29 đường Khounboulom, Vientiane và phòng giao dịch tại thị xã Pakse, tỉnh Champasak (Lào).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Lào là một trong những thị trường lớn về thu hút vốn đầu tư của Việt Nam với 3,9 tỉ USD, chiếm 26% tổng số vốn đăng ký đầu tư.
Tài sản Ngân hàng Nhà nước tăng, ngân hàng cổ phần giảm
Theo số liệu vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6 đạt 6.613.907 tỉ đồng, tăng 1,52% (tương đương 121.209 tỉ đồng).
Trong đó, tổng tài sản của khối NH thương mại nhà nước, NH liên doanh nước ngoài, công ty tài chính, cho thuê, tổ chức tín dụng hợp tác tăng từ 2,49% - 11%; riêng tổng tài sản của các NH cổ phần sụt giảm 0,47%, còn 2.675.509 tỉ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được các tổ chức tín dụng duy trì ở mức 9,38% đến 34,37%. Các NH thương mại nhà nước dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với tỷ lệ 28,47%, các NH cổ phần là 32,36%.
Hơn 2.700 khách tàu biển cao cấp thăm miền Trung
Ngày 9.8, tại cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế), Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist đón hơn 2.700 du khách và thuyền viên nhiều quốc tịch của tàu biển cao cấp Voyager of the Seas.
Đoàn khách tham gia tour khám phá miền Trung như tham quan quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, làng đá Non Nước... Tàu rời cảng Chân Mây vào 18 giờ cùng ngày. Trên chuyến tàu này có đại diện các tạp chí hàng đầu của Úc và Hồng Kông đến khảo sát, viết bài giới thiệu về các điểm du lịch, sản phẩm du lịch ở Thừa Thiên-Huế.