Cuộc tấn công mạng toàn cầu có thể gây thiệt hại tới 53 tỉ USD; Công ty Nhật tính chi 50 triệu yen mua 2,2% cổ phần Pizza 4P's; Xác định trách nhiệm xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ; Tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư PPP
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 18-07-2017
- Cập nhật : 18/07/2017
Chiến lược tổng thể của Microsoft để trở thành người dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo
Microsoft muốn nhắm đến các vấn đề về sức khỏe, môi trường và giáo dục để tạo một cú hích trong lĩnh vực AI của họ.
Theo Wired, Microsoft đã triển khai nước cờ của mình trong cuộc chơi AI bằng việc thành lập một đơn vị chuyên môn đưa AI vào các dự án chăm sóc sức khỏe, môi trường và giáo dục.
Sáng kiến đầu tiên của họ, AI cho Trái Đất (AI for Earth) sẽ cung cấp các công cụ và dịch vụ cho các tổ chức phi chính phủ đang giải quyết các vấn đề liên quan đến nước, nông nghiệp, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Lucas Joppa, một nhà khoa học môi trường là người dẫn đầu ý tưởng trên.
Microsoft đã thực hiện một cam kết trị giá 2 triệu USD cho việc tính toán tài nguyên trí tuệ nhân tạo, các cơ hội đào tạo và quan hệ đối tác với các dự án có ý tưởng đột phá trong lĩnh vực này trong năm tài chính kế tiếp. Ba trong số những dự án này đang được tiến hành, bao gồm: vẽ bản đồ các vùng đất phủ để giúp công cuộc bảo tồn; nông nghiệp thông minh sử dụng cảm biến, máy bay không người lái, dữ liệu và kết nối băng rộng; và một dự án sẽ kiểm tra khả năng thành công của việc sử dụng bẫy muỗi thông minh, theo dõi từ xa và giám sát sức khỏe của các loài vật.
Chiếc lược này đã được thông báo tại một sự kiện AI được tổ chức tại London gần đây, nơi Microsoft cũng đã tiết lộ một số lượng các sản phẩm liên quan bao gồm Presentation Translator, một add-on của PowerPoint cho phép người thuyết trình có thể thêm phụ đề thời gian thực vào bài thuyết trình với ngôn ngữ của họ cùng với hơn 60 ngôn ngữ khác.
Một ứng dụng iOS mới, Seeing AI cũng được công bố. Sản phẩm này giúp những người khiếm thị có thể quan sát được thế giới xung quanh thông qua việc tường thuật lại các thông tin thu thập được từ máy ảnh của điện thoại thông minh.
Microsoft đã ví AI như một gã khổng lồ đang ngủ của ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, và họ đã thể hiện tiềm năng này thông qua sản phẩm của chính mình, InnerEye. Đây là một hệ thống giúp các bác sĩ lập bản đồ các cơ quan của bệnh nhân trên các hình ảnh scan 2D, chuẩn bị cho liệu pháp xạ trị ung thư và u bướu. Thông thường, quá trình này phải mất 3 tiếng đồng hồ, những với việc sử dụng AI, bây giờ nó chỉ mất vài phút.
Phát biểu tại sự kiện, Giám đốc điều hành của Bing, Emma Williams gọi con người là anh hùng của các nguyên tắc thiết kế AI của Microsoft. Việc đặt con người là trọng tâm của quá trình thiết kế là thiết yếu, vì khoảng cách và khác biệt giữa các thế hệ kỹ thuật số chỉ có thể được thu lại khi máy móc có thể giao tiếp với con người thay vì điều ngược lại.
"Cha tôi là một nhà toán học xuất sắc nhưng tôi vẫn phải dạy ông cách đưa từ khóa vào Google để ông có thể có được kết quả tìm kiếm ông cần", bà nói. "Điều thiết yếu là chúng nói chuyện với chúng ta bằng sự đồng cảm và cảm nhận như con người".
"Có một nỗi sợ hãi rằng tồn tại các giống loài thống trị khác cũng có tri giác ở xung quanh chúng ta và bởi vì chúng tôi hiểu rõ về điều này tại Microsoft, chúng tôi cam kết sẽ triển khai một cách tiếp cận rất nguyên tắc đối với cách chúng ta phát triển AI, một phương pháp kết hợp sự thấu hiểu cảm xúc và trí thông minh để giúp ích cho mọi người ở mọi nơi".
Eric Horvitz, chuyên viên kỹ thuật và giám đốc của Microsoft Research Labs, cho biết những khát vọng chính là đạt được trí thông minh tổng thể, làm chủ sự cộng tác giữa con người và trí tuệ nhân tạo và dẫn dắt phát triển sự hiểu biết về AI, con người và xã hội bằng cách tăng cường và mở rộng khả năng của con người.
Ông nói: "Chúng tôi muốn máy móc có khả năng lấp đầy những khoảng trống, những điểm mù và những thành kiến của chính chúng ta và tăng cường trí nhớ, sự tập trung và óc phán đoán của chúng ta".( VnReview)
---------------------------
Tháp gió xuất khẩu từ Việt Nam bị Úc kiện chống phá giá
Ủy ban chống bán phá giá Úc (ADC) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá với tháp gió (wind tower) nhập khẩu từ Việt Nam.
Đây là quốc gia thứ hai (sau Mỹ) kiện sản phẩm này của Việt Nam nhằm ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế từ nước khác.
Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, cho biết giữ vai trò nguyên đơn là Công ty Keppel Prince Engineering và Công ty Ottoway Fabrication, với biên độ phá giá được ADC ước tính ở mức 15,7%.
Giai đoạn điều tra được xác định từ 1-1-2015 đến 31-12-2016, trong khi giai đoạn điều tra thiệt hại được tính từ 1-1-2013 cho đến nay.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, ADC có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời và sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với doanh nghiệp có liên quan trong tháng 8-2017.
Một chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cho biết sở dĩ sản phẩm tháp gió xuất khẩu từ Việt Nam rơi vào “tầm ngắm” của Úc vì năm 2014, nước này đã điều tra chống bán phá giá với cùng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mức thuế chống bán phá giá được Úc áp cho phía Trung Quốc từ 15-15,6%, trong khi dành cho Hàn Quốc cao hơn, khoảng 17,2 -18,8%.
Chưa kể, vào năm 2012, Mỹ cũng đã điều tra chống bán phá giá với cùng sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam và Đài Loan, trong đó mức thuế cuối cùng dành cho bị đơn bắt buộc trong vụ kiện của Việt Nam lên tới 51,5% và 58,49% đối với các nhà sản xuất/xuất khẩu khác.
Tuy nhiên, công ty bị đơn bắt buộc của Việt Nam đã khởi kiện quyết định áp thuế của Mỹ lên Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ và đã được loại khỏi lệnh áp thuế.
Tuy nhiên, mức thuế dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác vẫn bị Mỹ giữ nguyên cho đến ngày nay. (Tuoitre)
--------------------------
Doanh số máy tính trong quý II/2017 thấp nhất kể từ 2007
Ảnh minh họa.
Theo Business Insider trích dẫn báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Gartner trong quý II/2017, số lượng máy tính xuất ra trên toàn cầu đã giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2016. Và đây đã là quý thứ 11 doanh số PC toàn cầu sụt giảm.
Nguyên nhân suy giảm đến từ sự thiếu hụt các yếu tố như bộ nhớ và màn hình LCD cũng đang trên đà tăng giá. Trong khi một số nhà sản xuất chấp nhận tình trạng tăng giá linh kiện thì một số khác lại tăng giá bán PC khiến nhu cầu tổng thể của thị trường giảm.
Câu chuyện còn tệ hơn ở Mỹ. Ở đây, các lô hàng máy tính tổng thể giảm 5,7%. Gartner cho rằng nhu cầu cho sản phẩm này yếu và lĩnh vực giáo dục có xu hướng chuyển sang sử dụng Chromebook (Gartner không thống kê thiết bị này vào các lô hàng PC).
Sự suy giảm ở thị trường Mỹ ảnh hưởng nặng nề nhất đến Asus. Cụ thể, doanh số PC của công ty này tại Mỹ đã giảm đến 40,7% so với cùng thời gian này năm ngoái.
Dòng máy Mac của Apple cũng bị ảnh hưởng tại Mỹ khi giảm doanh số đến 9,6%.
Tuy nhiên, không phải tất cả các tin tức đều xấu cho ngành công nghiệp này. Doanh số PC của HP tại Mỹ trong quý II đã bất ngờ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thế giới, doanh số của HP cũng tăng 3,3%. Nhờ vậy, HP đã trở thành nhà cung cấp PC hàng đầu thế giới trong quý II vừa qua, vượt qua cựu vương Lenovo.
Thống kê của Gartner không bao gồm dòng sản phẩm iPad của Apple hay Chromebook giá rẻ của Google. Trong năm 2016, doanh số Chromebook trên toàn thế giới đã tăng 38% so với năm trước, vượt xa mức giảm 6% của thị trường máy tính.
Số liệu của Gartner mới chỉ là thống kê sơ bộ và sẽ được điều chỉnh khi các công ty phát hành báo cáo tài chính cụ thể của mình. (Theo VnReview)
----------------------
Buôn lậu ngà voi, một người Việt bị bắt ở sân bay Malaysia
Một người Việt Nam mang theo số ngà voi trị giá 70.000 USD (hơn 1,5 tỉ đồng) đã bị bắt tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia.
Ông Hamzah Sundang, hải quan trưởng sân bay quốc tế Kuala Lumpur, cho biết người Việt Nam này đáp xuống Malaysia trên chuyến bay xuất phát từ Addis Ababa, Ethiopia. Theo lịch trình, tiếp theo người này sẽ bay về Việt Nam.
Nhà chức trách Malaysia chỉ cho biết người này mang quốc tịch Việt Nam mà không cho biết thêm chi tiết.
Người Việt này đã bị hải quan Malaysia bắt giữ vì có hành động khả nghi. Khi kiểm tra hành lý, hải quan Malaysia phát hiện 10 gói chứa ngà voi đã cắt nhỏ với tổng trọng lượng 36kg. Các nhà bảo vệ động vật hoang dã cho biết dường như số ngà voi này sẽ được chế tác thành trang sức.
Người này đã bị bắt trong ngày 14-7 nhưng đến hôm nay 17-7 phía Malaysia mới công bố.
Theo luật của Malaysia, nếu bị bắt khi vận chuyển động vật hoặc sản phẩm từ động vật hoang dã, sẽ bị phạt tù tối đa 3 năm và đóng tiền phạt.
Hãng tin AFP cho biết vụ bắt này cho thấy Malaysia đang trở thành điểm trung chuyển của các vụ buôn lậu động vật quý hiếm từ châu Phi về châu Á.
Hiện nay, tại tất cả các quốc gia, ngà voi là hàng cấm. Hãng tin AFP cho biết số lượng voi châu Phi đã giảm sút đáng kể, từ hàng triệu con vào thập kỷ 50 thế kỷ 20, giảm xuống chỉ còn 600.000 trong thập kỷ 80.(Tuoitre)