Quảng Bình vào "tầm ngắm" của tập đoàn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo AT Capital; Trung Quốc "phản pháo” đánh giá kinh tế của Moody's; Quốc hội chưa thông về cơ chế quản lý nợ công của Chính phủ; Nhờ Việt Nam, Philippines và Campuchia, doanh số ô tô trong khu vực sẽ cao nhất thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-08-2017
- Cập nhật : 11/08/2017
Dự trữ ngoại hối đạt 42 tỉ USD
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng tháng 7 tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Dự trữ ngoại hối đạt 42 tỉ USD
Ước tính đến hết tháng 7, tín dụng tăng 9,3% so với cuối năm 2016, và tăng 8,8% so cùng kỳ. Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm, ước chiếm gần 54% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%). Tín dụng ngắn hạn ước chiếm 46,1% (cuối năm 2016 chiếm 44,9%).
Trong tháng 7, thanh khoản hệ thống ngân hàng khá dồi dào, biểu hiện ở lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, với mức giảm 3-4% so với đầu năm; giao dịch qua kênh thị trường mở (OMO) duy trì ở mức thấp, đặc biệt nửa đầu tháng 7 gần như không có giao dịch. Tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng khoảng 37.000 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu năm, NHNN đã hút ròng hơn 48.600 tỉ đồng qua kênh OMO.
Nguyên nhân thanh khoản dồi dào chủ yếu là do NHNN mua thêm một lượng ngoại tệ đáng kể để tăng dự trữ ngoại hối, từ đó tăng cung tiền đồng ra thị trường.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 giữa Chính phủ và các địa phương vào ngày 3.7 vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết trong 6 tháng đầu năm, dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng, đạt mức xấp xỉ 42 tỉ USD. Trước đó, quy mô dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỉ USD vào cuối năm 2016.(Thanhnien)
--------------------------------
Gần 800 đơn vị không chịu trả trụ sở
Đến nay còn tới 1,048 tỉ m2 nhà, đất chưa được phê duyệt phương án xử lý theo yêu cầu sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước
Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 09/2007 quy định việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và cơ chế tài chính hỗ trợ các tổ chức phải di dời do ô nhiễm môi trường áp dụng trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên trong thực tế, việc thực thi chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế.
Có trụ sở mới, vẫn "ôm" trụ sở cũ
Theo Bộ Tài chính, đến tháng 12-2016, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý đối với 154.853 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích khoảng 3,015 tỉ m2 đất và khoảng 140 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với hơn 123.802 cơ sở với tổng diện tích 1,967 tỉ m2 đất và 116 triệu m2 nhà. Trong số đó, cơ quan chức năng đã quyết định giữ lại tiếp tục sử dụng 1,857 tỉ m2 đất; 109 triệu m2 nhà. Số còn lại là bán, chuyển nhượng gần 6,3 triệu m2 đất, chuyển mục đích sử dụng hơn 3,3 triệu m2 đất. Như vậy, số lượng khá lớn nhà, đất với diện tích 1,048 tỉ m2 chưa được phê duyệt phương án xử lý.
Tổng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và địa phương trên phạm vi cả nước là trên 50.000 tỉ đồng.
Bộ Tài chính cho biết theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, tổng cộng 1.053 cơ sở phải di dời đến trụ sở mới, trong đó có 918 cơ sở gây ô nhiễm và 135 cơ sở di dời theo quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, mới chỉ có 266 cơ sở thực hiện di dời theo quy hoạch. Nhiều nơi vẫn còn tâm lý cố giữ nhà, đất đang quản lý, sử dụng, thậm chí một số đơn vị đã được nhà nước đầu tư xây dựng mới nhưng sau khi chuyển về trụ sở mới vẫn không bàn giao lại trụ sở cũ cho nhà nước; chưa nghiêm túc chấp hành, chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết chưa đúng quy định.
Chế tài chưa nghiêm
Nguyên nhân chậm thực thi chính sách là do trong khâu tổ chức thực hiện. Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến công tác sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Có bộ, ngành, địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất nhưng chưa tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện các phương án đã được phê duyệt. Một số địa phương thực tế cũng chậm cung cấp thông tin quy hoạch sử dụng đất nên các cơ quan không có cơ sở để lập phương án sử dụng nhà, đất hoặc phương án di dời hiệu quả. Đối với các trường hợp vi phạm chưa có chế tài xử lý phù hợp trong khi công tác hậu kiểm chưa tốt, cơ quan quản lý nhà nước còn nể nang, chưa quyết liệt.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đề nghị cần xử lý nghiêm và triệt để các trường hợp sử dụng sai quy định như cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, bố trí làm nhà ở, lấn chiếm… Đối với nhà, đất sử dụng không hiệu quả, sai quy định, nhà nước thu hồi giao cho tổ chức khác sử dụng để tạo nguồn lực từ quỹ nhà, đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội. (NLĐ)
-------------------------
Toshiba lỗ gần 9 tỷ USD
Đại gia điện tử Nhật Bản vừa công bố báo cáo lợi nhuận tài khóa 2016, giúp giảm rủi ro bị rút niêm yết khỏi Sàn chứng khoán Tokyo.
Theo báo cáo, công ty này đã lỗ 8,8 tỷ USD trong tài khóa trước. Hãng cũng công bố số liệu tài chính quý II, với lợi nhuận 458 triệu USD sau khi mảng điện hạt nhân Mỹ được loại khỏi sổ sách.
Toshiba đã hoãn công bố báo cáo tài chính nhiều tháng nay, do chưa được kiểm toán. Đến hôm nay, hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers Aarata mới chấp thuận báo cáo của hãng cho năm tài chính trước và quý II, dù có vài lỗi nhỏ.
Toshiba cần bán mảng chip nhớ để bù đắp khoản lỗ khổng lồ tại Mỹ. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn còn nhiều rào cản. Họ muốn bán cho một nhóm nhà đầu tư Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, thương vụ đang bị kiện cáo bởi Western Digital - đối tác và cũng là người mua tiềm năng của hãng. Hôm nay, đại diện Toshiba cho biết sẽ cố gắng hoàn tất thương vụ vào cuối tháng 3 năm sau.
Toshiba vẫn chưa hồi phục sau scandal gian lận kế toán năm 2015. Khi ấy, hãng bị phát hiện thổi phồng lợi nhuận thêm 1,2 tỷ USD trong 7 năm trước đó. Toshiba đã phải sa thải hàng loạt lãnh đạo cấp cao và cam kết cải thiện quản trị doanh nghiệp.
Đến cuối năm 2016, những tin tức về các khoản lỗ tỷ USD tại mảng điện hạt nhân Mỹ - Westinghouse lần đầu được công bố. Toshiba đã mua công ty này năm 2006 với giá 5,4 tỷ USD, nhằm đa dạng hóa các mảng kinh doanh.
Tuy nhiên, mảng này gặp rắc rối tài chính do việc xây dựng các nhà máy bị chậm tiến độ và chi phí vượt dự toán. Nhu cầu điện hạt nhân toàn cầu cũng giảm sau thảm họa tại Fukushima (Nhật Bản) năm 2011. Đầu năm nay, Westinghouse đã phải xin bảo hộ phá sản.
Toshiba hiện là hãng sản xuất chip lớn nhì thế giới. Các sản phẩm của hãng được sử dụng trong trung tâm dữ liệu và hàng điện tử tiêu dùng trên toàn cầu, như iPhone và iPad.(Vnexpress)
--------------------------------
Doanh nghiệp Trung Quốc "phản pháo" việc Mỹ áp thuế nhập khẩu giấy bạc từ Trung Quốc
Trung Quốc- quốc gia sản xuất nhôm lớn nhất thế giới đang chuẩn bị kháng cáo trước quyết định áp thuế nhập khẩu giấy bạc mà Mỹ mới tuyên bố ngày hôm 9/8.
Loften Aluminum, công ty xuất khẩu giấy bạc (nhôm lá) lớn nhất Trung Quốc, cùng 11 công ty khác trong đó có Dingsheng Aluminum Group, Xiashun Holdings Ltd và Jiangsu Zhongji Lamination Materials Co Ltd. lên tiếng phản đối phán quyết của Mỹ. Đây đồng thời là vụ kiện đầu tiên kể từ khi tổng Donald Trump nhậm chức.
Trước đó, theo CNN cho biết Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố quyết định chính thức về việc đánh thuế đối với sản phẩm giấy bạc nhập khẩu từ Trung Quốc với tỷ lệ từ 16,5% đến 81%, tùy vào mức độ trợ trợ cấp giá mà các nhà sản xuất nhận được từ chính phủ Trung Quốc.
Đây được coi là một trong những hành động đầu tiên của chính quyền ông Trump trong việc đánh thuế lên giấy bạc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết "Mỹ cam kết thực hiện theo nguyên tắc thương mại tự do, bình đẳng và thương mại song phương. Đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá các thông tin liên quan được cung cấp về vấn đề sản phẩm của Trung Quốc được bảo trợ."
Hiệp hội Công nghiệp Kim loại Màu Trung Quốc (CNIA) dẫn đầu các công ty đệ trình đơn lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, một quan chức của CNIA cho hay.
5 tháng trước, ngành công nghiệp sản xuất giấy bạc Mỹ gửi đơn kiến nghị lên chính phủ cáo buộc các nhà sản xuất Trung Quốc bán phá giá tại thị trường Mỹ. Heidi Brock, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Hiệp hội Nhôm Mỹ, cho hay "Các nhà sản xuất giấy bạc Mỹ là một trong những nhà sản xuất cạnh tranh nhất trên thế giới nhưng họ khó lòng có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc do chính phủ nước này hỗ trợ giá. Điều này dẫn đến giá giấy bạc từ Trung Quốc bao giờ cũng rẻ hơn".
Trung Quốc sản xuất tới hơn một nửa lượng nhôm trên thế giới và xuất khẩu khoảng 1,1 triệu tấn giấy bạc vào năm ngoái, tăng 13% so với năm 2015 và gấp đôi so với 10 năm trước. Trong năm 2016, lượng giấy bạc Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 389 triệu USD, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho hay.
Hồi tháng 4, Mỹ đã tiến hành điều tra xác minh liệu rằng nhôm nhập khẩu từ nước ngoài có gây tổn hại đến an ninh quốc gia hay không. Dự kiến, kết quả điều tra cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 24/10/2017.
Việc Trung Quốc chuẩn bị gửi đơn kháng cáo quyết định của Mỹ có thể càng khiến căng thẳng giữa 2 nền kinh tế kinh nhất thế giới bị đẩy lên cao. Trong khi đó, Washington cũng lên tiếng đe dọa sẽ có áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với không chỉ nhôm mà còn thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Wilbur Ross cũng tỏ thái độ cứng rắn trước vấn đề giấy bạc nhập khẩu từ Trung Quốc. "Chính quyền ông Trump sẽ không đứng ngoài trước những động thái gây hại từ nước ngoài nhằm chuộc lợi từ các ngành công nghiệp cũng như doanh nghiệp và công nhân Mỹ".
Ông Trump luôn cho rằng ngành công nghiệp nhôm và thép của Mỹ trên thị trường quốc tế đang bị cạnh tranh không công bằng. Chính vì điều này ông Trump đã gấp rút yêu cầu một cuộc điều tra khẩn cấp về tác động của thép nhập khẩu lên an ninh quốc gia. Ông tuyên bố "Tôi sẽ hành động vì ngành thép trong nước. Chúng ta sẽ ngăn chặn việc bán phá giá, ngăn chặn các quốc gia đang cố gắng hủy hoại công ty nội địa".
Không chỉ riêng Trung Quốc mà còn nhiều nhiều quốc gia khác trong đó có châu Âu, Nhật Bản, Canada cũng nằm trong diện điều tra này. Theo đó, nếu Bộ Thương mại Mỹ tìm được bằng chứng thép nhập khẩu đe dọa đến an ninh quốc gia, tổng thống sẽ được đơn phương "điều chỉnh nhập khẩu", trong đó có thể bao gồm hạn chế lượng thép nhập khẩp.
Nếu Bộ Thương mại Mỹ tìm được bằng chứng thép nhập khẩu đe dọa đến an ninh quốc gia, tổng thống sẽ được đơn phương "điều chỉnh nhập khẩu", trong đó có thể bao gồm hạn chế lượng thép nhập khẩu..Nhiều quốc gia sau đó đã lên tiếng phản đối động thái này của Mỹ trong đó bao gồm cả một số nước châu Âu và Trung Quốc.(NDH)