Quảng Nam: đã hoàn thành mở rộng cảng Chu Lai; Châu Âu đối mặt khủng hoảng bơ lớn; Vì sao hơn 3.000 xe Mitsubishi bị thu hồi?; Đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi
Tin kinh tế đọc nhanh 10-08-2017
- Cập nhật : 10/08/2017
Trung Quốc bất ngờ 'ăn' mạnh tôm Việt Nam
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sáu tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 283 triệu USD, tăng trưởng 30% sau mấy tháng đầu năm giảm nhẹ.
Do vậy, đây được coi là thị trường thay thế tiềm năng trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống gặp khó khăn.
Theo VASEP, Trung Quốc nhập khẩu tôm không chỉ phục vụ tiêu thụ nội địa mà còn chế biến xuất khẩu sang các nước khác nên xu hướng nhập khẩu cũng tăng, giảm phụ thuộc vào nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu chính trên thế giới.
Với dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng cao của người dân Trung Quốc trong những năm gần đây, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm sang thị trường này có nhiều cơ hội tăng trưởng.
Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng phải đối mặt với một số khó khăn như thông tin mạng quản lý phía Trung Quốc yêu cầu muốn xuất khẩu vào nước này thì nhà máy chế biến phải có code vào Trung Quốc và nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách được nước này phê chuẩn.
Trung Quốc tăng nhập tôm Việt Nam về phục vụ nội địa lẫn chế biến xuất khẩu đi các nước khác.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong quý II và cả năm 2017 cũng được dự báo tiếp tục tăng vì đây được coi là thị trường trọng tâm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam trong năm 2017.
Sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc ngày càng lớn, chi phí vận chuyển thấp, tuy nhiên thị trường Trung Quốc cũng đang bắt đầu đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU. Vì thế, VASEP cho biết các doanh nghiệp cần tập trung làm tốt chất lượng để khai thác bền vững thị trường này.
Bên cạnh đó, cũng cần phải đánh giá đúng nhu cầu của thị trường Trung Quốc để cung cấp cho họ những sản phẩm phù hợp và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.(PLO)
-------------------------
Mỹ mất hàng tỉ USD mỗi năm từ khi Nga cấm nhập khẩu
Nền kinh tế Mỹ đã mất khoảng 2,25 tỉ USD kể từ khi Nga ra lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm từ Mỹ và các nước phương Tây cách đây ba năm trước.
Bộ trưởng Thương mại Nga Alexander Stadnik nói với hãng thông tấn Sputnik rằng: “Các chuyên gia Mỹ ước tính tổn thất trực tiếp mà nền kinh tế Mỹ phải chịu từ các biện pháp đối phó của Nga ở vào mức 2,25 tỉ USD trong vòng ba năm qua. Trong khi đó, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu bị mất đối với những sản phẩm không được phép nhập khẩu vào Nga có thể dẫn đến thâm hụt trong khoảng từ 1,8 tỉ USD đến 2,2 tỉ USD mỗi năm”.
Vào ngày 6.8.2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký lệnh cấm vận đối với thực phẩm và các mặt hàng nông nghiệp, bao gồm gia cầm, cá, thịt bò, trái cây, rau, sữa từ Mỹ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt mà những nước này đã áp đặt lên Nga trước đó.
Theo ông Stadnik, động thái trên của Moscow là phản ứng bắt buộc và cần thiết trước những biện pháp chế tài từ phương Tây dành cho các doanh nghiệp Nga. Quyết định cấm nhập khẩu đã giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp Nga, cho phép đất nước duy trì được mức giá hợp lý cho các sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, ông Stadnik cũng lưu ý rằng các biện pháp chống Nga về lâu dài sẽ không có lợi cho các công ty Mỹ. Do đó, ông hi vọng cả Mỹ và Nga có thể khôi phục hợp tác cùng có lợi và không cần phải dùng đến các biện pháp hạn chế nhau.
Vào năm 2014, quan hệ Nga - Mỹ và phương Tây xấu đi trước sự can thiệp của Moscow vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Các sự việc này đã khiến Mỹ, EU và những nước đồng minh đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng, ngân hàng, quốc phòng cũng như nhiều ngành kinh tế khác của Nga.
Mới đây, vào hôm 2.8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một đạo luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua nhằm tăng cường lệnh trừng phạt đối với Nga, Triều Tiên và Iran. Được biết, luật pháp Mỹ ngăn Tổng thống Mỹ loại bỏ các biện pháp chế tài đối với Nga mà không có sự chấp thuận của Quốc hội và Tổng thống Trump đã gọi điều này là “sự thiếu sót đáng kể”.(Thanhnien)
--------------------------
Sacombank thoái sạch vốn khỏi NASCO
Tiếp tục diễn ra các động thoái thoái vốn của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sau khi ông Dương Công Minh ngồi ghế chủ tịch hội đồng quản trị.
Trong động thái mới nhất, Sacombank cho biết vừa bán toàn bộ 885.376 cổ phiếu NAS, tương đương 10,65% vốn của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (NASCO). Giao dịch được thực hiện ngày 4-8 vừa qua.
Sau giao dịch, Sacombank không còn là cổ đông của NASCO. Với mức giá khoảng 36.000 đồng/cổ phiếu, ước tính Sacombank đã thu về gần 32 tỉ đồng từ việc thoái vốn này.
Trước đó ngày 28-7, Sacombank cũng bán toàn bộ 11,2 triệu cổ phiếu, tương đương 12,9% vốn điều lệ Công ty cổ phần đầu tư xây dựng dựng Bình Chánh và cũng không còn là cổ đông của công ty này. Giá trị giao dịch này ước khoảng 336 tỉ đồng.
BCCI là công ty ông Trầm Bê là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) trước đây, và dù đã từ nhiệm nhưng hiện ông Bê đang còn sở hữu 2,65 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,06% vốn điều lệ BCCI.
Song song với việc thoái vốn, thời gian gần đây Sacombank cũng “thay máu” thêm hàng loạt lãnh đạo cấp cao khác, trong đó có nhiều lãnh đạo đến từ Ngân hàng Phương Nam.
Có thể điểm lại một số trường hợp như miễn nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc thường trực và chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nguyễn Văn Nhân theo nguyện vọng cá nhân từ ngày 28-7.
Ngân hàng này cũng có quyết định thôi chức phó tổng giám đốc với bà Dương Hoàng Quỳnh Như từ ngày 25-7 để điều chuyển sang làm phó giám đốc vận hành.
Ông Nhân và bà Như đều là lãnh đạo của Ngân hàng Phương Nam trước đây chuyển sang Sacombank.
Trước đó, ông Phan Huy Khang, nguyên tổng giám đốc Sacombank - người vừa bị bắt cùng ông Trầm Bê ngày 1-8 và là người từng có thời gian dài giữ chức vụ tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam trước khi trở thành tổng giám đốc Sacombank, cũng đã rời vị trí này vì lý do cá nhân kể từ ngày 3-7.
Sacombank cũng bổ nhiệm tổng giám đốc mới là Nguyễn Đức Thạch Diễm.(Tuoitre)
---------------------------
Doanh nhân Nga phát hành tiền ảo cho người Do Thái
Doanh nhân Nga Viacheslav Semenchuk vừa thông báo kế hoạch chào bán lần đầu (ICO) của loại tiền kỹ thuật số nhắm vào cộng đồng người Do Thái trên khắp thế giới.
Theo Russia Today, loại tiền ảo này có tên BitСoen, từ được lấy từ chữ “linh mục” trong tiếng Do Thái. Đồng tiền ảo mới ra đời để đơn giản hóa các khoản thanh toán trong cộng đồng người Do Thái và những người khác cũng có thể mua BitCoen, ông Semenchuk cho hay.
Doanh nhân Nga cho biết ông đã đầu tư 500.000 USD vào dự án và loại tiền ảo mới sẽ có nền tảng là công nghệ blockchain được xây dựng một cách riêng biệt. Việc phát hành trên quy mô lớn BitCoen được lên lịch vào tháng 9, sau đợt ICO được kỳ vọng thu hút đến 20 triệu USD.
Tuần này, ông Semenchuk khởi động đợt ICO hay huy động vốn đầu tư sơ bộ để thu về 1 triệu USD phát triển dự án. Ông tiết lộ danh sách thầu đã kín song từ chối cho biết tên của các nhà đầu tư. Doanh nhân còn cho hay BitCoen có thể được chấp thuận tại các sàn giao dịch tiền ảo sau đợt ICO.
“Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận với gần 100 trong tổng số 3.000 sàn giao dịch tiền ảo”, ông Semenchuk nói với tờ nhật báo kinh tế Nga RBK. Nhà phát triển sẽ phát hành 100 triệu BitCoen với giá khởi điểm là 1 USD mỗi đồng. Số lượng tiền ảo được phát hành cũng không thể được thay đổi bởi những người tham gia dự án.
Doanh nhân Nga đặt mục tiêu tăng giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền ảo mới lên 1,5 tỉ USD trong hai năm. Nếu đạt mục tiêu đầy tham vọng, BitCoen sẽ là đồng tiền ảo đứng thứ bảy thế giới xét theo mức vốn hóa thị trường.
BitCoen được kiểm soát độc quyền bởi các đại diện của cộng đồng người Do Thái. Nhà phát triển tiền ảo cho biết hội đồng sẽ gồm sáu nhà lãnh đạo cộng đồng khác nhau đến từ mảng kinh doanh, chính trị, tài chính, công nghệ, văn hóa và hành chính.(Thanhnien)