Xin loạt ưu đãi và cơ chế riêng, Vinatex muốn thành tập đoàn tư nhân; Ô tô nhập khẩu giảm xuống thấp kỷ lục; Xây dựng tuyến đường cao tốc nối Ấn Độ và Việt Nam; Báo Anh: Nước Anh sẵn sàng trả tới 40 tỷ euro để rời khỏi EU
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 11-08-2017
- Cập nhật : 11/08/2017
Quảng Nam: đã hoàn thành mở rộng cảng Chu Lai
Sau gần một năm thi công, đến nay dự án mở rộng cảng Chu Lai do công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) đầu tư đã hoàn thành, góp phần nâng cao năng lực chuỗi dịch vụ logistics.
Ngày 10-8, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải cho biết dự án mở rộng cảng Chu Lai (tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam) được thi công tháng 8-2016 đến nay đã hoàn thành.
Dự án bao gồm các hạng mục: mở rộng cầu cảng về phía thượng lưu, mở rộng và nâng cấp hệ thống kho bãi, hoàn thiện kết cấu hạ tầng…
Dự án có tổng kinh phí 120 tỉ đồng, nâng mức đầu tư xây dựng cảng Chu Lai từ năm 2010 đến nay lên gần 800 tỉ đồng.
Theo Thaco, với 171m mở rộng thêm về phía thượng lưu, cầu cảng Chu Lai hiện có tổng chiều dài gần 500m, độ sâu trước bến là -9,5m.
Cảng có khả năng tiếp nhận cùng lúc ba tàu có tải trọng 20.000 tấn.
Cảng Chu Lai được chia làm 3 phân khu chức năng riêng biệt cho các loại hàng khác nhau, bao gồm hàng container, hàng rời tổng hợp và hàng lỏng, đáp ứng nhu cầu của các hãng tàu và các doanh nghiệp trong khu vực khi đến cảng xếp dỡ, giao nhận hàng hóa.
Ông Trần Hữu Hoàng - Giám đốc Thaco Logistics kiêm Giám đốc Cảng Chu Lai, cho biết với việc mở rộng và nâng cấp kết cấu hạ tầng của cảng sẽ làm tăng lượng hàng hóa của các doanh nghiệp bên ngoài qua cảng trong thời gian tới.(Tuoitre)
--------------------------------
Châu Âu đối mặt khủng hoảng bơ lớn
Nhu cầu toàn cầu tăng mạnh sẽ khiến giá bán buôn bơ tăng gấp đôi ở châu Âu. Khu vực này còn được cảnh báo về nguy cơ thiếu kem, sữa trong dịp Giáng sinh năm nay.
Châu Âu đối mặt khủng hoảng bơ lớn - Ảnh: Shutterstock
CNN trích dữ liệu từ Euromonitor cho biết người tiêu dùng châu Âu vì thế cũng phải trả thêm tiền khi giá bán lẻ mặt hàng này tăng 20% trong tháng 6 so với cách đây một năm. Liên đoàn các Nhà kinh doanh Bánh, một nhóm công nghiệp đại diện cho các nhà làm bánh Pháp, mô tả tình hình hiện tại là “cuộc khủng hoảng lớn”. Đây là lời cảnh báo về việc giá các loại bánh như bánh sừng bò, bánh quy và bánh mì tăng mạnh.
“Giá bơ dù dễ biến động song trước đây chưa từng chạm ngưỡng này. Tình trạng thiếu bơ dường như là mối đe dọa thực sự vào cuối năm nay”, Liên đoàn các Nhà kinh doanh Bánh cho biết.
Có rất nhiều yếu tố khiến giá cả tăng vọt. Tiêu thụ bơ đang bùng nổ nhờ nhu cầu cao hơn từ các nước trong đó có Trung Quốc. Một số khách hàng thì đang quay lại với sản phẩm làm từ sữa sau khi từng ngờ vực loại sản phẩm này có liên quan đến bệnh tim. Cùng lúc, sản lượng bơ cũng hạ ở châu Âu.
Tiêu thụ bơ toàn cầu đang phục hồi sau nhiều năm suy giảm khi người tiêu dùng từ bỏ bơ để dùng margarine hoặc các sản phẩm thay thế khác. Chuyên gia phân tích thực phẩm Raphael Moreau tại Euromonitor cho biết người tiêu dùng hiện ngày càng chọn nhiều thành phần được xem là tự nhiên và ít qua chế biến hơn, trong đó có bơ.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho hay trung bình, một người châu Âu ăn 3,8 kg bơ trong năm 2015, nhiều hơn so với mức 3,58 kg năm 2010. Một người Mỹ thì tiêu thụ 2,5 kg bơ năm 2015, tăng từ mức 2,2 kg trong năm 2010.
Nhu cầu các sản phẩm sữa nước ngoài của Trung Quốc đang bùng nổ. USDA dự báo nhập khẩu sữa của Trung Quốc tăng 38% trong năm nay, hầu hết là các sản phẩm đến từ Liên minh châu Âu (EU) và New Zealand. USDA dự báo tiêu thụ bơ toàn cầu sẽ tăng thêm 3% trong năm nay.
Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy bơ, loại thực phẩm được cho là có liên quan đến bệnh tim và làm tăng nguy cơ tử vong, có thể không xấu như đã từng được nhận định. Chuyên gia Moreau cho biết: “Mối lo về sức khỏe đang ngày càng đi từ chất béo sang đường”.
Trước đây, giá bơ từng giảm sau nhiều năm hỗn loạn trong ngành công nghiệp sữa của châu Âu. Năm 2014, Nga áp đặt lệnh trừng phạt lên thực phẩm châu Âu để đáp trả các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga vì vấn đề Ukraine.
Nga chiếm 24% lượng bơ xuất khẩu của EU và vì thế, động thái này để lại hậu quả đáng kể. Ở nhiều nước châu Âu, sữa còn rẻ hơn cả nước đóng chai. Ở thời điểm đó, rất nhiều nông dân chăn nuôi bò sữa phá sản. 1.000 đơn vị ngừng sản xuất chỉ ở Anh.
Mối quan tâm lớn hiện thời là bơ. Cơ quan Giám sát Sữa châu Âu cho biết sản lượng bơ hạ 5% tính đến tháng 5 năm nay. Trong khi đó, trữ lượng bơ giảm 98% trong vòng một năm. CEO Peder Tuborgh của hãng sữa Arla cảnh báo hồi tháng trước rằng châu Âu có thể không đủ sữa và kem để dùng trong dịp Giáng sinh năm nay.(Thanhnien)
----------------------
Vì sao hơn 3.000 xe Mitsubishi bị thu hồi?
Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương vừa ra thông báo về việc thu hồi sản phẩm khuyết tật để sửa chữa đối với xe Mitsubishi Outlander Sport và xe Mitsubishi Pajero Sport.
Căn cứ báo cáo của Công ty TNHH Ô tô Mitsubishi Việt Nam (MMV), Cục Quản lý cạnh tranh thông báo về Chương trình thu hồi sản phẩm khuyết tật để sửa chữa đối với xe Mitsubishi Pajero Sport.
Cụ thể, chương trình được thực hiện nhằm thay thế phuộc chống cửa đuôi đối với một số dòng xe ô tô con Mitsubishi Pajero Sport có thời gian sản xuất từ 2011-2016.
Tổng số có 3.275 xe thuộc đối tượng thu hồi. Chủ sở hữu của tất cả 3.275 xe bị ảnh hưởng sẽ được thông báo và khuyến khích mang xe đến đại lý dịch vụ ủy quyền của MMV để thay thế phuộc chống cửa đuôi với chi tiết đã được cải thiện (không có nắp đậy).
Bên cạnh đó, Cục Quản lý cạnh tranh thông báo về Chương trình thu hồi sản phẩm khuyết tật để sửa chữa đối với xe Mitsubishi Outlander Sport, cụ thể chương trình được thực hiện nhằm thay thế phuộc chống cửa đuôi đối với một số dòng xe ô tô con Mitsubishi Outlander Sport có thời gian sản xuất từ 2011-2016.
Đối với xe Mitsubishi Outlander đã bán ra thị trường, chủ sở hữu của tất cả 937 xe bị ảnh hưởng sẽ được thông báo và khuyến khích mang xe đến đại lý dịch vụ ủy quyền của MMV để thay thế phuộc chống cửa đuôi với chi tiết đã được cải thiện (không có nắp đậy).
Đối với xe bị lỗi đang nằm tại kho của công ty hoặc các đại lý: 06 xe được lưu tại MMV sẽ được thay thế phuộc chống cửa đuôi theo như chiến dịch triệu hồi trước khi được bán ra thị trường.
Hơn 3.000 xe của hãng Mitsubishi Việt Nam thu hồi vì bị lỗi sẽ được sửa chữa miễn phí.
Lý do triệu hồi của hãng xe này là do hiện tượng lớp phủ chống ăn mòn trên nắp đậy ống ngoài của phuộc chống cửa đuôi không đủ, có thể làm cho ống ngoài bị ăn mòn dần theo thời gian.
Nếu ống ngoài này vẫn tiếp tục bị ăn mòn thì nắp đậy sẽ nứt vỡ ra có thể văng trúng khách hàng và/hoặc có làm cửa đuôi xe rơi xuống đột ngột, tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích.
Vì thế, người tiêu dùng cần nhanh chóng mang xe tới Đại lý ủy quyền của MMV để được thay thế giảm chấn chống cửa đuôi xe nêu trên.
Thời gian thu hồi sửa chữa bắt đầu thực hiện: từ ngày ngày 1-8-2017 đến ngày 31-7-2019. Chi phí sửa chữa: Chương trình thu hồi sẽ được thực hiện miễn phí đối với khách hàng. Địa điểm thực hiện tại các đại lý uỷ quyền của Công ty.(PLO)
------------------------------
Đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi
Ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ
Trong báo cáo mới nhất về chuyên đề chính sách thuế với bất động sản (BĐS), Bộ Tài chính đã đề cập vấn đề nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó đối tượng chịu thuế phải bao gồm cả đất và tài sản gắn liền với đất (nhà ở).
Theo thông lệ quốc tế
Theo Bộ Tài chính, hiện có nhiều khoản thu liên quan đến BĐS thông qua các chính sách thuế, phí và lệ phí nhưng chưa có thuế tài sản hoặc thuế BĐS như thông lệ quốc tế. Chính sách thuế liên quan đến tài sản hiện chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước (NSNN) vì số thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng thu NSNN.
Trong khi đó, trên thế giới, thuế tài sản ra đời rất sớm, nguồn thu từ thuế tài sản, đặc biệt thu từ thuế sử dụng đất là chủ yếu của NSNN. Cụ thể, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó Canada là 4%. Còn tại các nước đang phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi. Cải cách thuế tài sản tại một số quốc gia như Canada, Úc, Malaysia,... thời gian gần đây cho thấy có xu hướng cải cách nguồn thu theo hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn, mở rộng đối tượng thu thuế tài sản.
Bộ Tài chính đánh giá thời điểm hiện nay, việc nghiên cứu, ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường BĐS, hạn chế đầu cơ và sử dụng BĐS lãng phí. Điều này cũng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới vì thị trường BĐS được kỳ vọng phát triển ổn định và bền vững hơn... Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây, từ 1.400 USD (khoảng 30 triệu đồng) năm 2013 lên 2.200 USD (khoảng 50 triệu đồng) năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD (gần 80 triệu đồng) đến năm 2020. Theo đó, dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư BĐS của người dân có xu hướng tăng lên.
Mang lại công bằng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh BĐS TP HCM, nhìn nhận vấn đề này đã được Bộ Tài chính đề cập lần đầu tiên vào cuối năm 2016, dự kiến trình Quốc hội dự thảo Luật Thuế tài sản trước năm 2020. Như vậy, sớm nhất cũng phải sau năm 2020 mới có hiệu lực. Đây là sắc thuế mang tính trực thu, đánh vào những người sở hữu tài sản lớn, tức là những người sở hữu nhiều nhà đất thì căn nhà thứ 2 trở đi sẽ bị đánh thuế cao.
Tiền thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP, thấp hơn nhiều nước Ảnh: Hoàng Triều
Theo ông Châu, đánh thuế sở hữu nhà ở có tác dụng chống đầu cơ BĐS. Trước đây, người có tiền lựa chọn giải pháp mua nhà đất đầu cơ hoặc tích tụ tài sản vì đầu tư vào nhà đất không phải chịu thuế. Như vậy, tạo ra tình trạng người có nhiều nhà, người lại không có nhà ở. Khi bị đánh thuế cao, kênh đầu tư này sẽ bị thu hẹp lại, tạo cơ hội cho những người thực sự có nhu cầu về nhà ở, đồng thời khiến nhà đầu tư phải suy tính chuyển dòng tiền sang sản xuất - kinh doanh thay vì đầu cơ vào BĐS phải chịu thuế cao. Để thực hiện chính sách này, cần có các giải pháp đồng bộ; bao gồm chính sách thu tiền sử dụng đất cùng với tài sản trên đất, đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, chuyển từ chính sách thu tiền sử dụng đất một lần như hiện nay sang thu thuế chỉ vài phần trăm trên giá trị BĐS trong nhiều năm để giảm gánh nặng tiền sử dụng đất, từ đó góp phần giảm giá BĐS. "Giải pháp thực hiện cần đồng bộ với chính sách cấp thẻ căn cước công dân của Bộ Công an và liên thông với chính sách của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để có dữ liệu về tài sản cá nhân" - ông Châu đề xuất.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng thực hiện đánh thuế đối với người sở hữu nhiều nhà ở là cần thiết vì thực chất là loại bỏ sự bất công bằng ở mức độ nhất định trong hưởng thụ nhà ở, khi người sở hữu nhiều nhà, người lại không có nhà.
Ông nhận xét chính sách này sẽ tác động lớn đến đối tượng là người giàu, các đại gia, những người có quyền lực và không loại trừ bản thân những người thông qua chính sách lại sở hữu nhiều nhà ở. Rất có thể có nhiều biến thể trong quá trình ban hành chính sách nên cần lường trước những phản ứng của dư luận để không bàn lùi. (NLĐ)