Trung Quốc bỏ 1 tỷ USD kiểm soát hải cảng Sri Lanka, Ấn Độ cảnh giác; Thị trường cá tra giống "hạ nhiệt" trong khi giá tôm lại tăng; Không tìm thấy hơn 1.600 doanh nghiệp tại TPHCM; TP HCM dự thảo 2 phương án mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Bắc, phản biện mở rộng về phía Nam
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 11-08-2017
- Cập nhật : 11/08/2017
Úc chưa áp dụng biện pháp tự vệ với tháp điện gió Việt Nam
Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) đã ra thông báo tạm thời về việc chưa áp dụng biện pháp chống bán phá giá sơ bộ đối với sản phẩm dây thép dạng cuộn - tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam.
Hiện Úc chưa chứng minh được tháp gió Việt Nam xuất khẩu bán phá giá ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) đã ra thông báo tạm thời về việc chưa áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) sơ bộ đối với sản phẩm dây thép dạng cuộn - tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo quy định, sau 60 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra, ADC sẽ hoặc ra quyết định sơ bộ khẳng định (Preliminary Affirmative Determinations - PAD) từ đó áp dụng biện pháp CBPG tạm thời, hoặc ra thông báo (Status Report) nêu rõ lý do không đưa ra PAD.
Trong vụ việc này, sau khi xem xét đơn kiện, các thông tin thu được và các bản trả lời câu hỏi điều tra của các bên liên quan, ADC nhận thấy chưa có đủ bằng chứng chứng minh hàng hóa liên quan nhập khẩu Việt Nam vào Úc bị bán phá giá và mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá này với thiệt hại đáng kể đối với ngành công nghiệp liên quan của Úc, do vậy ADC đã không đưa ra PAD.
Tuy nhiên, ADC sẽ xem xét lại liệu có đưa ra PAD hay không trước khi công bố Bản dữ liệu trọng yếu (SEF) hoặc nêu tại bản dữ liệu trọng yếu (dự kiến SEF sẽ được ban hành vào ngày 26.9.2017).
Hiện, ADC vẫn đang xem xét các thông tin liên quan được cung cấp bởi hai doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm này và doanh nghiệp xuất khẩu duy nhất của Việt Nam hợp tác với cơ quan điều tra. Các điều tra viên của ADC sẽ tiến hành thẩm tra trực tiếp doanh nghiệp Việt Nam trong tháng 8 này (dự kiến ngày 16-18.8). (Thanhnien)
-----------------------
Xuất khẩu đá quý, kim loại quý sụt giảm mạnh
Xuất khẩu đá quý và kim loại quý sau khi đạt được mức tăng trưởng rất mạnh 44% trong năm 2016, thì sang 6 tháng đầu năm 2017 đột ngột giảm rất mạnh gần 53% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Xuất khẩu đá quý và kim loại quý sụt giảm 3 tháng liên tiếp (tháng 4 giảm 1%. tháng 5 giảm 4,9%, tháng 6 giảm 0,2%), đã làm cho kim ngạch xuất khẩu trong cả 6 tháng đầu năm sụt giảm mạnh 52,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 252,23 triệu USD.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ đã vượt qua Thụy Sĩ, vươn lên là thị trường hàng đầu tiêu thụ nhóm hàng đá quý và kim loại quý của Việt Nam, đạt 126,54 triệu USD; tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái kim ngạch vẫn giảm 27,7%.
Thị trường Thụy Sĩ từ vị trí đứng đầu trong 6 tháng đầu năm ngoái; thì sang 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu sụt giảm rất mạnh, giảm tới trên 92% kim ngạch – xuống vị trí thứ 4 thị trường (sau Hoa Kỳ, Bỉ, Nhật Bản và Hồng Kông), chỉ đạt 19,35 triệu USD.
Xuất khẩu đá quý và kim loại quý sang thị trường Tiểu vương quốc Ả Râp Thống nhất cũng sụt giảm mạnh từ vị trí thứ 3 xuống vị trí thứ 9, giảm 89%, đạt 2,86 triệu USD.
Thị trường nổi bật nhất về mức tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay là thị trường Hồng Kông, tăng trưởng rất mạnh tới 247% so với cùng kỳ năm ngoái, từ vị trí thứ 9 trong 6 tháng đầu năm ngoái, đã vươn lên vị trí thứ 5, đạt 18,48 triệu USD. Xuất khẩu đá quý và kim loại quý sang Đài Loan tuy kim ngạch chỉ đạt 0,46 triệu USD, nhưng cũng tăng mạnh trên 95% so với cùng kỳ năm ngoái. (Vinanet)
Thị trường xuất khẩu đá quý, kim loại quý 6 tháng đầu năm 2017
ĐVT: USD
Thị trường xuất khẩu | 6T/2017 | 6T/2016 | (%) so sánh |
Tổng kim ngạch | 252.226.756 | 534.156.209 | -52,78 |
Hoa Kỳ | 126.540.008 | 175.017.535 | -27,70 |
Nhật Bản | 28.081.182 | 23.776.518 | +18,10 |
Bỉ | 21.585.248 | 14.392.466 | +49,98 |
Thuỵ Sĩ | 19.352.459 | 252.925.284 | -92,35 |
Hồng Kông | 18.481.558 | 5.331.816 | +246,63 |
Pháp | 9.120.024 | 12.339.120 | -26,09 |
Hàn Quốc | 8.280.543 | 7.363.200 | +12,46 |
Australia | 5.609.668 | 5.696.736 | -1,53 |
Tiểu vương quốc Ả Rập TN | 2.863.668 | 25.423.702 | -88,74 |
Đức | 2.630.139 | 1.681.672 | +56,40 |
Thái Lan | 1.223.768 | 915.931 | +33,61 |
Tây Ban Nha | 907.020 | 1.072.073 | -15,40 |
Anh | 902.927 | 699.697 | +29,05 |
Đài Loan | 464.214 | 237.537 | +95,43 |
(tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan)
-------------------------------------------
Phạt "khủng" 600 triệu đồng vì thao túng giá cổ phiếu sau chào sàn
Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết (UBCKNN) ngày 10/08/2017, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 751/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với bà Trần Thị Minh Phượng, địa chỉ tại 15 Trường Chinh, Pleiku, Gia Lai với số tiền phạt 600 triệu đồng.
Quyết định này căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN và cả kết quả xác minh của Cơ quan công an.
Từ ngày 20/7/2015 đến ngày 01/4/2016, bà Trần Thị Minh Phượng đã sử dụng 42 tài khoản để giao dịch cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Trong số này, có 3 tài khoản đứng tên mình và 39 tài khoản đứng tên người khác mở tại 16 công ty chứng khoán
Hành vi trên nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu HNG. Tuy nhiên, căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi thao túng giá chứng khoán, cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của bà Trần Thị Minh Phượng
Cũng phải nói thêm rằng, 20/7/2015 chính là ngày cổ phiếu HNG chính thức chào sàn. Khoảng thời gian mà cơ quan công an xác minh bà Phượng có vi phạm kéo dài tới 8 tháng. Từ đầu năm 2016, cổ phiếu HNG đổ đèo, mất đi 68% giá trị chỉ trong 3 tháng do những lo ngại về tình hình tài chính, khả năng thanh khoản, hoạt động kinh doanh,... của công ty khi đó cùng việc một số tổ chức phải bán giải chấp cổ phiếu.
Thêm vào đó, vi phạm này có tình tiết tăng nặng do là vi phạm hành chính có khối lượng và trị giá lớn quy định tại Điểm l Khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính. Không nhiều vi phạm khiến UBCKNN mạnh tay đưa ra số tiền phạt lớn tới 600 triệu đồng như trường hợp này.(NDH)
-----------------------
Petrolimex sẽ đầu tư mua cổ phần của Lọc hóa dầu Bình Sơn
Ngày 10/8/2017, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã ký kết thỏa thuận hợp tác.
Quán triệt, triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương "Các doanh nghiệp, ngân hàng trong khối sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau", Petrolimex và BSR tiếp tục khẳng định sự hợp tác song phương với mong muốn trở thành đối tác chiến lược của nhau thông qua việc Petrolimex sẽ đầu tư mua cổ phần của BSR sau khi BSR tiến hành cổ phần hóa và hoàn thành bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Đồng thời, Petrolimex và BSR cam kết ưu tiên sử dụng, tiêu thụ tối đa các sản phẩm của nhau.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu từ rất lâu. Đặc biệt là mối quan hệ giữa Petrolimex và BSR – đơn vị thành viên chuyên sản xuất, cung cấp các sản phẩm xăng dầu thành phẩm của PVN, thể hiện qua sản lượng xăng dầu mà hai bên đã ký hợp đồng mua bán, tiêu thụ.
Là bạn hàng lớn của BSR từ năm 2009 khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, lượng xăng dầu mà Petrolimex nhập mua từ BSR hàng năm xấp xỉ khoảng 3 triệu m3/tấn, chiếm khoảng 40-45% tổng sản lượng xuất bán của BSR, với kim ngạch hàng năm lên đến khoảng 1,2 tỷ USD.(NDH)