Mỹ đẩy mạnh bán tôm hùm sang Việt Nam; Xuất khẩu cá cảnh 2018 sẽ đạt hơn 20 triệu USD; Ô tô con Trung Quốc tăng nhập vào Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-07-2017
- Cập nhật : 17/07/2017
Ngân sách Mỹ có thể thâm hụt đến 702 tỷ USD
Theo báo cáo của Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng (OMB), thu thuế giảm sẽ khiến thâm hụt ngân sách tăng lên 702 tỷ USD trong tài khóa 2017 (kết thúc ngày 30/9/2017), tăng 99 tỷ USD so với mức ước tính được đưa ra chưa đầy hai tháng trước.
OMB cũng dự kiến mức thâm hụt trong tài khóa 2018 (bắt đầu từ 1/10/2017) sẽ tăng 149 tỷ USD, lên 589 tỷ USD. Tuy nhiên, các nghị sỹ Mỹ đang bàn đến các khoản chi ngân sách có thể khiến con số này còn cao hơn khi thông qua đề xuất của Tổng thống Donald Trump về ngân sách quốc phòng và không đưa vào các khoản cắt giảm mà ông đề xuất đối với các chương trình trong nước.
Mức thâm hụt của tài khóa 2016 là 585 tỷ USD.
OMB đổ lỗi cho việc ngân sách tăng là do sự thất bại chính sách dưới thời chính phủ tiền nhiệm. Giám đốc OMB, Mick Mulvaney, cho rằng thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn tăng cho thấy rất cần phải khôi phục lại kỷ luật tài chính của quốc gia. Theo ông, cần có những thay đổi lớn đối với các chính sách và các ưu tiên về ngân sách của chính phủ tiền nhiệm để đảm bảo sự an toàn và thịnh vượng cho công dân Mỹ trong tương lai.
Hồi cuối tháng 5/2017, ông Trump đã công bố kế hoạch ngân sách, cam kết cắt giảm ngân sách đối với các chương trình trong nước và cân bằng ngân sách trong vòng một thập niên. Tuy nhiên, cam kết này dựa trên các dự báo lạc quan là nền kinh tế sẽ sớm đạt mức tăng trưởng 3%.
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội, ông Trump dựa trên các dự báo tăng trưởng quá lạc quan và đây là nguyên nhân chính khiến ngân sách không cân bằng như cam kết. (TTXVN)
--------------------
Yêu cầu điều trần về thương vụ mua Whole Foods của Amazon
Tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về kế hoạch mua chuỗi cửa hàng Whole Foods trị giá 13,7 tỉ đô la của Amazon.
Đồng thời, tiểu ban này cũng đang thúc đẩy một cuộc điều trần để xem xét tác động của thỏa thuận này đến người tiêu dùng.
Thỏa thuận được công bố vào tháng 6 này đánh dấu thương vụ thâu tóm lớn nhất của người khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ của thế giới. Amazon chưa công bố các kế hoạch sẽ thực hiện với các cửa hàng và các tài sản khác của Whole Foods, nhưng các nhà phân tích và các nhà đầu tư lo ngại thỏa thuận này có thể làm đảo lộn hoàn toàn bức tranh của ngành bán lẻ Mỹ cũng như sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng trong lĩnh vực cung ứng thực phẩm.
Đại diện Mỹ, ông David Cicilline đã yêu cầu điều trần vào thứ Năm trong một bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện và Chủ tịch tiểu bang chống độc quyền.
"Việc thâu tóm Whole Foods của Amazon có thể ảnh hưởng đến các cửa hàng tạp hóa và người tiêu dùng trên khắp nước Mỹ", Đảng Dân chủ bang Rhode Island, Mỹ cho biết trong một thông báo. "Quốc hội có trách nhiệm xem xét kỹ lưỡng vụ sáp nhập này trước khi nó được thực hiện".
Thỏa thuận thương mại này phải được chấp thuận bởi cơ quan thực thi chống độc quyền của Mỹ, rất có thể là Ủy ban Thương mại Liên bang.
Quốc hội Mỹ không đóng vai trò chính thức trong quá trình thâu tóm này, nhưng các cuộc điều trần thường nhằm nhấn mạnh tác động có thể có của các thương vụ thâu tóm đối với người tiêu dùng.
Nhiều người trong ngành quan ngại, quy mô và sức ảnh hưởng của Amazon quá lớn, có thể có tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp bán lẻ khác và cuối cùng dẫn tới người tiêu dùng phải chịu mua giá cao hơn. Tổng thống Donald Trump, trước khi trở thành Tổng thống cũng cho rằng Amazone có “vấn đề nghiêm trọng liên quan tới chống độc quyền”.
Đầu tuần này, giám đốc quỹ đầu tư chứng khoán, ông Douglas Kass từ Seabreeze Partners Management Inc, cho biết ông đã bán bớt cổ phần của nhà bán lẻ này sau khi biết về cuộc điều trần về quy mô và sức ảnh hưởng của Amazone.
“Tôi đã bán bớt cổ phiếu Amazon ngày hôm nay vì tôi nhận thấy rằng các cuộc thảo luận và giải trình đang được cân nhắc tại các phòng lập pháp ở Washington, D.C", ông Douglas Kass nói trong thông báo gửi tới các nhà đầu tư vào hôm thứ Tư . “Nếu tôi đúng, các vụ điều trần này có thể làm cổ phiếu của Amazone giảm 10% chỉ một đêm".
Trong khi các chuyên gia về chống độc quyền cho biết họ mong đợi thương vụ của Amazon sẽ giành được sự chấp thuận của chính phủ, một số nhà phê bình cho rằng thỏa thuận nên bị chặn lại bởi vì nó sẽ giúp cho nhà bán lẻ này bắt đầu trở nên mạnh hơn và chiếm lĩnh trong lĩnh vực cung cấp hàng tạp hóa trực tuyến. (TBKTSG)
------------------------------
Việt Nam duy trì hơn 110 nghìn ha cao su ở nước ngoài
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 18%/năm với tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đối với kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm 2016-2020 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, vừa được Văn phòng Chính phủ truyền đạt.
Theo đó, Phó thủ tướng cũng nhất trí với quan điểm chiến lược kinh doanh của tập đoàn, trong đó, cần duy trì và phát triển vị thế là một tập đoàn kinh tế công nông nghiệp có quy mô lớn; đa dạng các sản phẩm; tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữu thông qua cổ phần hóa; tăng năng suất và thu nhập của người lao động, nhất là đồng bào dân tộc. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và quốc phòng trong phạm vi tổ chức sản xuất của tập đoàn.
Về mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Phó thủ tướng đồng ý với tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trung bình 18%/năm với tổng doanh thu đạt trên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận 9.000 tỷ đồng vào năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt bình quân 20%. Lợi nhuận toàn Tập đoàn trên vốn điều lệ bình quân 17%/năm.
Duy trì tổng diện tích cao su đến 2020 khoảng 400.000 ha, trong đó trong nước khoảng 285.000 ha, nước ngoài 115.000 ha. Sản lượng cao su gia tăng bình quân 15%/năm, đến 2020 khoảng 414.000 tấn. Tăng cường công tác thu mua mủ cao su tiểu điền, tăng sản lượng từ 60.000 tấn hiện nay lên 105.000 tấn vào năm 2020; sản lượng tiêu thụ xấp xỉ 520.000 tấn năm 2020.
Về giải pháp để thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Phó thủ tướng yêu cầu tập đoàn chú trọng đến trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến mủ cao su, tăng năng suất lao động; dự báo tốt thị trường để linh hoạt điều chỉnh các chủng loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và có giá trị gia tăng cao để tăng doanh thu và hiệu quả.
Sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và phù hợp với quy định nguồn vốn tự có của tập đoàn và nguồn vốn tích lũy hàng năm. Mở rộng quan hệ với các định chế tài chính trong và ngoài nước để huy động nguồn cho các dự án thông qua nhiều hình thức như vay hợp vốn, phát hành trái phiếu…; thực hiện tốt công tác đào tạo cho lao động trực tiếp, tăng cường đội ngũ quản lý kỹ thuật cấp công ty và nông trường để xây dựng chương trình nâng cấp vườn cây trong thời gian sớm nhất.(Vneconomy)
-------------------------
Trung Quốc thâu tóm tập đoàn bất động sản lớn của Singapore
Tập đoàn đầu tư Nesta Investment Holdings của Trung Quốc đã đề nghị mua lại tập đoàn bất động sản Global Logistic Properties Ltd (GLP) của Singapore với giá hơn 11 tỷ USD.
Theo thỏa thuận được hai bên công bố ngày 13/7, Nesta sẽ mua các cổ phiếu của GLP với giá 2,46 USD/cổ phiếu, và tổng trị giá của thương vụ này đạt khoảng 11,6 tỷ USD.
Thương vụ sáp nhập GLP vào Nesta dự kiến sẽ được hoàn thành trước ngày 14/4/2018 nếu được sự chấp thuận của các cổ đông. Cổ đông lớn nhất của GLP là GIC, quỹ đầu tư chủ quyền Singapore nắm giữ gần 37% cổ phần, cho biết sẽ ủng hộ thỏa thuận này.
GLP sở hữu và quản lý một loạt cơ sở logistics tại Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Brazil. Đây cũng là một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất thế giới với tổng tài sản khoảng 39 tỷ USD.
Trong khi đó, Nesta gồm năm công ty Trung Quốc, trong đó có công ty đầu tư cổ phần tư nhân HOPU Logistics Investment Management và Tập đoàn đầu tư Ngân hàng Trung Quốc(Vietnam+)