tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 10-08-2017

  • Cập nhật : 10/08/2017

Cài cắm lợi ích nhóm vào giấy phép con

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định phải loại bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), giấy phép con bất hợp lý đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Thế nhưng hiện nay vẫn còn trên 5.700 giấy phép ông, giấy phép con, giấy phép cháu… hành DN.

Thậm chí nhiều ĐKKD được bãi bỏ trước đây lại quay trở lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì sao vậy?

Biến thị trường thành sân chơi của “ông lớn”

Nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  mới đây qua rà soát 14 ngành nghề trong các lĩnh vực công thương, giao thông vận tải và khoa học công nghệ với 402 ĐKKD cho thấy có một số đặc điểm nổi bật.

Đó là nhiều ĐKKD có tính chất áp đặt quy mô DN. Ví dụ đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe nếu trụ sở đặt tại các TP trực thuộc trung ương; thương nhân xuất nhập khẩu khí hóa lỏng phải có tổng dung tích bồn chứa tối thiểu 3.000 m3; thương nhân bán buôn rượu phải có số vốn tối thiểu 300 triệu đồng… Điều này là không cần thiết.

Thứ hai, ĐKKD có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của người kinh doanh. Điển hình là quy định phương án kinh doanh của các DN vận tải bằng ô tô phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba là ĐKKD có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp mệnh lệnh hành chính. Chẳng hạn yêu cầu về chất lượng dịch vụ của các đơn vị vận tải hành khách bằng ô tô. Yêu cầu này không cần thiết bởi thị trường có rất nhiều phân khúc và khách hàng sẽ lựa chọn chất lượng phù hợp.

“Thực tế đã chứng minh những điều kiện trên đã giết chết nhiều DN nhỏ và vừa. Biến thị trường thành sân chơi của một số DN có tiềm lực như thị trường xuất khẩu gạo hay phân phối khí, làm thị trường méo mó. Từ đó người tiêu dùng yếu thế là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên” - bà Phạm Thị Hồng, Ban Pháp chế VCCI, nhận định.

Cài cắm lợi ích nhóm vào giấy phép con  - ảnh 1
Hiện nay một miếng thịt vẫn do nhiều cơ quan cùng quản lý. Trong ảnh: Đoàn liên ngành kiểm tra thực tế vệ sinh an toàn thực phẩm tại một chợ. Ảnh minh họa: Tiến Dũng

Lợi ích nhóm, sợ trách nhiệm

Bổ sung thêm về vấn đề nhiều bộ, ngành không muốn bỏ hoặc sửa đổi các ĐKKD, ông Lê Xuân Hiền, thành viên tổ công tác thi hành Luật Đầu tư, Luật DN, cho rằng những cơ quan, cá nhân ban hành ĐKKD chắc chắn có lợi ích từ việc này mà chúng ta hay gọi là “lợi ích nhóm”. Mỗi khi một tờ giấy phép được cấp thì chắc chắn ở sau đó là một vấn đề khác mà người ta gọi là “tham nhũng vặt”.

“Dân gian truyền tụng câu chuyện sở dĩ tồn tại giấy đỏ, giấy hồng là bởi vì có hai nhà máy in, mỗi nhà máy in một loại giấy. Có nghĩa là lợi ích nhóm của từng bộ, ngành, địa phương… được cài cắm khắp nơi đến nỗi không thể có một người nào đủ thông minh để phát hiện ra hết. Trong khi đó các DN thì phản ứng yếu ớt vì sợ bị để ý, bị hành” - ông Lê Xuân Hiền phân tích.(PLO)
-----------------------------

Thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động

Tính đến chiều nay 9.8, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết đã có 800 tài khoản của nhà đầu tư sẵn sàng cho việc giao dịch chứng khoán phái sinh trong ngày đầu thực hiện 10.8.

Theo nhận định của SSI, số lượng tài khoản sẽ tăng hơn nữa trong trong ngày 10.8, ngày thị trường phái sinh chính thức mở cửa. Tâm lý của các nhà đầu tư khi đăng ký tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh khá hào hứng.

Sáng mai 10.8, thị trường chứng khoán phái sinh VN sẽ chính thức hoạt động sau 2 năm chuẩn bị với sản phẩm phái sinh đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30.(Thanhnien)
------------------------------

Xuất khẩu cá tra vào Mỹ vẫn bình thường

Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã quyết định áp dụng việc kiểm tra sản phẩm tra cá tra nhập khẩu từ Việt Nam sớm hơn so với kế hoạch ban đầu một tháng, tức từ ngày 2-8-2017. Thế nhưng, theo thông tin từ những người trong cuộc, cho đến nay việc này chưa gây ảnh hưởng đáng kể nào đến hoạt động xuất khẩu cá tra vào Mỹ.

Vào thời điểm FSIS đưa ra thông báo 100% lô cá tra Việt Nam phải vào i-house (là những cơ sở kiểm tra được USDA chỉ định) để kiểm tra, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Vĩnh Hoàn, lo lắng điều kiện và khả năng cơ sở hạ tầng của Mỹ là không đủ để thực thi do phía Mỹ thiếu những i-house.

Bà Khanh cho biết ngay tại California, nếu thực thi rất có thể xảy ra vấn đề ùn tắc và cho rằng năm năm 2018 phía Mỹ mới xây dựng đủ các điều kiện về kho lạnh, trong khi tất cả hàng hóa đều phải đưa vào kho lạnh.

Trao đổi vớiTBKTSG Onlinesau khoảng một tuần kể từ khi FSIS áp dụng kiểm tra cá tra Việt Nam (ngày 2-8-2017) nằm trong chương trình thanh tra cá da trơn được Mỹ đưa ra trước đó, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Hùng Vương khẳng định: “Việc xuất khẩu sang Mỹ vẫn diễn ra bình thường, không có trở ngại gì”.

Theo ông Minh, hiện tại sản phẩm cá tra vào Mỹ, tất cả đều phải vô i-house. Thế nhưng, về phương thức kiểm tra để đưa ra hàng lưu hành thì doanh nghiệp vẫn đang theo dõi thêm cách làm việc của USDA.

Ông Minh cho biết thêm, việc Mỹ yêu cầu cá tra Việt Nam phải vào i-house sớm hơn một tháng so với dự kiến ban đầu là để phía Mỹ chấn chỉnh về mọi mặt, trong đó có việc giúp cho đội ngũ nhân sự quen với cách thức vận hành nhằm chuẩn bị cho tháng 9 tới, chứ không phải trong tháng 8 này.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đến nay vẫn chưa thấy doanh nghiệp phản ánh đến hiệp hội những vướng mắc, khó khăn liên quan đến quy định mới của FSIS. “Vấn đề quan tâm nhất của phía Việt Nam là đưa hàng vào Mỹ có bị kẹt hay không, nhưng hiện nay vẫn chưa nghe doanh nghiệp phản ánh gì”, ông cho biết.

Theo ông Hòe, nhìn chung tình hình xuất khẩu cá tra vào Mỹ vẫn bình thường và chưa có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp liên quan về quy định mới của Mỹ.

Giải thích về những lo lắng của doanh nghiệp, ông Minh nói doanh nghiệp ngành cá tra Việt Nam đã có hơn chục năm kinh doanh ở thị trường Mỹ và trong khoảng thời gian này việc xuất khẩu khẩu chịu sự quản lý theo hệ thống của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Khi chịu sự quản lý của FDA, doanh nghiệp chỉ cần khai báo thì phía Mỹ sẽ cho phép hàng lưu thông, chứ không phải vô i-house như khi chịu sự quản lý của FSIS như hiện nay.

“Do đó, đã có không ít doanh nghiệp lo lắng", ông cho biết và nói rằng tần suất kiểm tra tại i-house còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp.

Theo đó, có doanh nghiệp bị kiểm tra 10%, 20% hoặc 30% khối lượng của lô hàng, nhưng cũng có doanh nghiệp chịu kiểm tra 100% khối lượng lô hàng và điều này phụ thuộc vào “lý lịch” của từng doanh nghiệp. “Như vậy, sau khi phía Mỹ kiểm tra và thấy đảm bảo an toàn sẽ đóng dấu cho lưu thông, và ngược lại sẽ bị trả về”, ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, với những doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm phía Mỹ sẽ áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường thêm những chất khác. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng với những tiêu chuẩn được Mỹ đưa ra để kiểm tra, nếu doanh nghiệp quản lý tốt, thì tỷ lệ rủi ro sẽ rất thấp. Còn nếu không quản lý được, tỷ lệ rủi ro sẽ cao hơn.

Về tình hình xuất khẩu cá tra, báo cáo của VASEP cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 836,4 triệu đô la Mỹ, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 176,4 triệu đô la Mỹ, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ sụt giảm được VASEP lý giải là do thuế chống bán phá giá tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể thâm nhập được vào thị trường này, chứ không phải do quy định mới của FSIS.

Thực tế, theo VASEP, cho đến nay, vẫn có 14 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra vào Mỹ, nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu chính sang thị trường này là Hùng Vương, Vĩnh Hoàn và Biển Đông.(TBKTSG)
-----------------------------------

Venezuela ngày càng gần với tình trạng vỡ nợ

Venezuela có lẽ sẽ khó tránh khỏi khủng hoảng nợ nần, khi hôm 7.8 lại có thêm thông tin nước này đang nợ 251 triệu USD trái phiếu, trong khi vẫn còn nhiều hóa đơn khác đang chờ được thanh toán.

Theo CNBC, số tiền nợ các chủ trái phiếu trên được công bố trong bối cảnh Venezuela ở vào thế “trong kích, ngoài ép”, khi trong nước là một cơ quan lập pháp gây tranh cãi vẫn đang nắm quyền, khiến tình trạng bất ổn chính trị tăng cao, còn bên ngoài lại phải chịu các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.

Các chuyên gia dự đoán quốc gia Nam Mỹ có lẽ sẽ ưu tiên thanh toán cho chủ trái phiếu trước. Nhưng Venezuela vẫn còn một núi nợ khác đang đến hạn cần phải thanh toán hết trong năm nay.

“Các biện pháp trừng phạt tài chính đánh vào ngành dầu mỏ của Venezuela từ phía Mỹ có thể sẽ đến sớm hơn và do đó vỡ nợ là không thể tránh khỏi”, ông Siobhan Morden, chuyên gia về trái phiếu của khu vực Mỹ Latin tại Nomura Holdings, nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trừng phạt Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngay sau cuộc bỏ phiếu vào hôm 30.7. Nhiều nước trên thế giới cũng đã gọi cuộc bỏ phiếu cho phép ông Maduro thay thế Quốc hội bằng một cơ quan lập pháp mới được lấp đầy với những người ủng hộ ông là sự gian lận.

Chính quyền Tổng thống Trump cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ còn nặng hơn nếu tình hình chính trị ở Venezuela tiếp tục diễn biến xấu đi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng hình phạt là một thanh gươm hai lưỡi vì nó làm cho tình hình Venezuela thậm chí còn trở nên bế tắc hơn và sự thiếu hụt thực phẩm, y tế của nước này sắp tới sẽ còn tồi tệ hơn so tình trạng khó khăn vốn có.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ giá hối đoái chính thức mà đa số người Venezuela sử dụng đã tăng gấp đôi kể từ cuối tháng 7.2017. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 720% trong năm nay và hơn 2.000% vào năm tới.

Hiện Venezuela còn nợ Trung Quốc, Nga, các công ty năng lượng và các hãng hàng không Mỹ hàng tỉ USD, trong khi đó hiện nước này chỉ còn khoảng 10 tỉ USD dự trữ.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục