Giá thuê vỉa hè Sài Gòn sẽ được tính theo tuyến đường; Bầu Đức sắp thu hơn 1.000 tỷ đồng từ dự án Myanmar; Phó tổng Seaprodex Sài Gòn vừa miễn nhiệm bán tháo 79 tỷ đồng cổ phiếu; Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-06-2017
- Cập nhật : 20/06/2017
TP.HCM: Thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm đạt 2,15 tỷ USD, tăng gấp 2 lần cùng kỳ
Hàn Quốc có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 26,9% trong tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Nhật Bản chiếm 14,1%, Malaysia chiếm 12,1%, Singapore chiếm 11,1%...
Theo UBND TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2017, Thành phố đã thu hút được 2,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó có 340 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 375 triệu USD. Mặt khác, có 91 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư hơn 346 triệu USD.
Ngoài ra, 6 tháng đầu năm thành phố cũng chấp thuận cho 915 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố với tổng vốn góp đăng ký 1,15 tỷ USD.
Như vậy trong 6 tháng đầu năm 2017, tính chung vốn FDI thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước thành phố thu hút được 2,15 tỷ USD.
Theo UBND TP.HCM, trong số các dự án FDI được cấp mới, công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nhiều nhất (33,1%) với 124 triệu USD; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy chiếm 29,4% với 110 triệu USD; thông tin và truyền thông chiếm 15% với 56,23 triệu USD...
Hàn Quốc có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 26,9% trong tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Nhật Bản chiếm 14,1%, Malaysia chiếm 12,1%, Singapore chiếm 11,1%...
Liên quan đến lĩnh vực thu hút vốn FDI, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đang triển khai phục vụ Đăng ký đầu tư trực tuyến việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài khi có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp tại Thành phố.
Cũng theo Sở này trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở đã tiếp nhận 612 hồ sơ đăng ký trực tuyến thành công. Hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đang tiến hành xây dựng giai đoạn 2 của Chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến áp dụng cho một số thủ tục đầu tư khác trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.
Theo cơ quan này, hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghệ cao tại thành phố được chú trọng vào các tập đoàn, công ty lớn, có thương hiệu, đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao và triển khai công tác nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo phục vụ nhà đầu tư.
Với giá trị xuất khẩu các sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử tại Khu công nghệ cao của Thành phố tăng gần 80% trong nửa đầu năm, sản phẩm công nghệ cao được kỳ vọng sẽ đóng góp đến 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong năm 2017.(Bizlive)
-------------------------------------
Các đại lý ô tô kiếm lời thế nào giữa “cơn bão” giảm giá?
Có một câu hỏi được nhiều người thắc mắc, khi các mẫu ô tô được giảm sâu như vậy, thậm chí giá bán thấp hơn rất nhiều so với giá đề xuất thì mức lợi nhuận của các hãng ô tô và các đại lý sẽ đến từ đâu hay là chấp nhận thua lỗ?
Các đại lý của Toyota khi nhập xe về sẽ có 7% mức chênh lệch để tạo ra lợi nhuận.
Khác với những tháng trước, cuộc chiến giảm giá trong tháng 6 có phần nhẹ nhàng và bớt khốc liệt hơn. Nhiều mẫu ô tô chỉ giảm nhẹ khoảng vài chục triệu đồng, cá biệt, một vài mẫu xe của Mitsubishi, Hyundai, Nissan được giảm mạnh trên 100 triệu đồng.
Chiêu kiếm lời của đại lý xe hơi
Những mẫu xe được giảm giá tới 100 triệu đồng hầu hết không có ưu đãi gì trong tháng trước và nhận được giảm mạnh vào tháng này. Một số nhà sản xuất ô tô cho biết, hiện tại, giá bán ô tô của Việt Nam đang ở mức đáy và khó có thể được điều chỉnh giảm sâu hơn trong thời gian tới.
Song, một câu hỏi được nhiều người thắc mắc, khi các mẫu ô tô được giảm sâu như vậy, thậm chí giá bán thấp hơn rất nhiều so với giá đề xuất. Vậy, mức lợi nhuận của các hãng ô tô và các đại lý sẽ đến từ đâu hay là chấp nhận thua lỗ.
Đại diện Toyota Việt Nam cho biết, không kiểm soát giá bán của các đại lý, vì vậy, mỗi đại lý riêng của Toyota đều có những mức giá khác nhau và có các chương trình ưu đãi khác nhau.
Các đại lý khi nhập xe về sẽ có 7% mức chênh lệch để tạo ra lợi nhuận. Ví dụ, một chiếc Toyota Vios phiên bản 1.5G (CVT) có giá đề xuất là 622 triệu đồng, thì các đại lý có thể tăng khoảng 7% để ăn mức chênh lệch và giá bán có thể tăng lên khoảng 660 triệu đồng. Ngược lại, các đại lý cũng có thể hạ xuống 7% mà không sợ bị lỗ vốn. Không chỉ Toyota, một số nhà sản xuất khác như Honda, Ford,... cũng bỏ ngỏ việc điều chỉnh giá bán cho các đại lý, tuy nhiên, mức chênh lệch có thể khác nhau giữa các hãng sản xuất.
Trừ một số trường hợp của Thaco hoặc Hyundai, hai nhà sản xuất “nội” kiểm soát khá chặt chẽ việc tăng - giảm của đại lý. Đại diện truyền thông của Thaco cho biết: “Các đại lý không được tự tiện tăng hoặc giảm giá mà phải phụ thuộc vào các chính sách của tổng công ty".
Việc giảm giá xe thực sự có hiệu quả?
Không phải tất cả các mẫu ô tô đều được các đại lý ưu ái giảm giá. Trên thực tế, những mẫu xe có doanh số bán thấp mới được ưu đãi giảm mạnh.
Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số của CR-V trong tháng 2/2017 chỉ đạt 92 chiếc trên toàn thị trường. Chính vì vậy, Honda đã phải chấp nhận giảm mạnh để kích cầu thị trường.
Hiện, giá bán của Honda CR-V tại các đại lý có giá bán thấp hơn 240 triệu đồng (tỷ lệ mất giá của CR-V tương đương 21% trong 3 tháng), lần lượt là 918 triệu đồng và 1,063 tỷ đồng cho hai phiên bản xe.
Honda CR-V nhận được mức giảm rất mạnh đã đem lại hiệu quả nhất định trong vài tháng trở lại đây. Cụ thể, doanh số bán ra của CR-V trong tháng 5/2017 bỗng vụt sáng, tăng mạnh lên mức 329 chiếc và quay trở lại top 10 mẫu xe bán chạy nhất tháng 5/2017.
Miền Bắc vẫn là khu vực có nhiều khách hàng ưa chuộng dòng CR-V khi có 197 chiếc bán ra. Số xe bán ở khu vực miền Trung và miền Nam không chênh nhau nhiều, lần lượt là 61 và 71 xe.
Không chỉ Honda CR-V, Nissan X-Trail cũng là một trường hợp khá thành công khi áp dụng chương trình giảm giá mạnh như hiện nay.
Đây là một mẫu SUV hoàn toàn mới trên thị trường. Vào thời điểm mới xuất hiện tại Việt Nam, X-Trail đạt doanh số ấn tượng, đỉnh điểm trong tháng 3, Nissan bán được 591 chiếc X-Trail, vượt xa các đối thủ trong cùng phân khúc là Honda CR-V hay Mazda CX-5.
Tuy nhiên, kết thúc tháng 4, mẫu xe này chỉ bán được 70 chiếc, tụt giảm 88% doanh số. Ngay sau khi nhận được thất bại thảm hại, Nissan đã áp dụng rất nhiều ưu đãi như giảm giá trực tiếp lên tới 120 triệu đồng và tặng kèm nhiều phụ kiện. Ngay lập tức, doanh số tháng 5 của X-Trail bắt đầu có đà tăng trở lại.
Tuy nhiên, không phải mẫu xe nào cũng may mắn như vậy. Rất nhiều mẫu xe khác dù đang miệt mài giảm giá, thậm chí là còn trong thời gian dài nhưng vẫn phải chịu thất bại thê thảm trên thị trường.(VTC)
-----------------------
Mạnh tay chi gần 1.000 tỷ vào Viglacera, nhóm Dragon Capital tạm lãi ngay hơn 200 tỷ đồng
Theo thông báo mới nhất, các quỹ thuộc nhóm Dragon Capital đang sở hữu tới 75 triệu cổ phiếu VGC, trong đó VEIL nắm 38,5 triệu cổ phiếu. Điều đó có nghĩa là nhóm này đã mua 59,5 triệu cổ phiếu VGC trong phiên đấu giá, tương đương một nửa khối lượng được đem ra chào bán.
Ngày 29/05/2017, Tổng công ty Viglacera – CTCP (mã chứng khoán: VGC) tổ chức đấu giá 120 triệu cổ phần với giá khởi điểm 12.300 đồng/cp. Phiên đấu giá thu hút tới 1.026 nhà đầu tư với số lượng đăng ký mua lên tới hơn 314,3 triệu cổ phần. Trong đó tổ chức đăng ký mua 247 triệu đơn vị.
Kết quả, toàn bộ 120 triệu cổ phiếu VGC đã được phân phối hết với giá trúng bình quân 16.175 đồng/cổ phiếu. Giá trúng thấp nhất 15.400 đồng/cp, giá trúng thầu cao nhất 17.300 đồng/cp.
Một trong những tổ chức mạnh tay mua Viglacera nhất trong phiên đấu giá nói trên chính là Dragon Capital. Trước ngày đấu giá, quỹ VEIL nằm trong danh sách cổ đông lớn của Viglacera với số lượng sở hữu gần 15,5 triệu cổ phiếu (tương đương 5,04% vốn điều lệ).
Còn hiện tại, theo thông báo mới nhất, các quỹ thuộc nhóm Dragon Capital đang sở hữu tới 75 triệu cổ phiếu VGC, trong đó VEIL nắm 38,5 triệu cổ phiếu. Điều đó có nghĩa là nhóm này đã mua 59,5 triệu cổ phiếu VGC trong phiên đấu giá, tương đương một nửa khối lượng được đem ra chào bán.
Các quỹ này bao gồm: VEIL, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (VEUF), Norges Bank, KB Vietnam Focus Balanced Fund, Aquila SPC Ltd, Auriga SPC Ltd, Draig Ltd, Idris Ltd, Seren Ltd, Vela SPC Ltd.
Như vậy, Dragon Capital đang nắm 17,56% vốn điều lệ của Viglacera. Cổ đông lớn nhất là Bộ Xây dựng đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 56,67%.
Từ ngày đấu giá đến nay, cổ phiếu VGC đã có quá trình tăng giá tích cực và đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/06 với giá 20.000 đồng. Tính theo giá trúng bình quân là 16.145 đồng/cp, Dragon Capital đã tạm lãi gần 230 tỷ đồng cho 59,5 triệu cổ phiếu mua qua đấu giá.
Diễn biến VGC 1 tháng qua
Theo báo cáo thường niên 2016, số lượng VGC mà VEIL nắm giữ tại cuối năm 2016 có giá vốn bình quân là 14.350 đồng/cp. Như vậy, tính thêm phần lãi từ chỗ cổ phiếu này thì Dragon Capital đang tạm lãi gần 320 tỷ đồng với khoản đầu tư vào Viglacera.
Dragon Capital là quỹ ngoại tích cực nhất trong việc mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành IPO/ thoái vốn. Trong 2 năm qua, quỹ này đã bán bớt những khoản đầu tư lâu năm như Vinamilk (VNM), REE để mua DIG, VEAM, ACV, Vinatex, Viglacera (VGC). Bên cạnh đó quỹ này cũng tích cực đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần như Vietjet Air, PC1, Novaland…(CafeF)