tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-06-2017

  • Cập nhật : 20/06/2017

Chỉ số phát triển công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,5%

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số phát triển công nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 của thành phố ước tăng 7,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,9%) và đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, động lực tăng của ngành công nghiệp tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) của thành phố với mức tăng 9,72%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

Cụ thể, ngành cơ khí - chế tạo thành phố tiếp tục tập trung để tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, ước tăng 17,5% so với cùng kỳ. Thành phố đầu tư nhiều trang thiết bị mới có khả năng cạnh tranh trong khu vực.
 

nguoi tieu dung mua sam tai he thong sieu thi saigon co.op. anh: thanh vu/ttxvn

Người tiêu dùng mua sắm tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

 

Nhiều dây chuyền, hệ thống thiết bị, máy móc điều khiển tự động đã được các doanh nghiệp sản xuất để thay thế hàng nhập khẩu, có khả năng cạnh tranh cao do chất lượng ổn định và giá thành khoảng 50 - 70% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại….

Mặt khác, ngành điện tử - công nghệ thông tin thành phố ước tăng 12,4%, ngày càng phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học - kỹ thuật cao từ các dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới đầu tư sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử,…

Việc triển khai các hợp đồng sản xuất điện tử sử dụng chíp thương hiệu Việt (bo mạch điều khiển chiếu sáng đường, khóa xe container...) và một số sản phẩm đã được nghiên cứu, sản xuất thành công đưa vào thị trường tiêu thụ như: thiết bị đo điện điện tử, hộp đen gắn trên ô tô và xe máy, hệ thống giám sát container... Ngành chế biến tinh lương thực - thực phẩm ước tăng 4,9%; chủ động mở rộng thị trường, chuyển sang tinh chế.

Công nghệ sản xuất mới, công nghệ chế biến tiên tiến được ứng dụng vào sản xuất và cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao; giảm dần việc đầu tư phát triển theo chiều rộng, tập trung đầu tư phát triển chiều sâu bằng công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm tinh chế, có chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn.

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả trên có được nhờ chính sách phát triển công nghiệp, nhất là thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn vốn, mặt bằng chương trình hỗ trợ khác... phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh công nghiệp cả nước gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng sụt giảm, Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ góp phần thúc đẩy công nghiệp thành phố phát triển, sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thành phố ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách có tác động mạnh, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp. Điển hình như tạo cầu nối gắn kết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; tiến hành kêu gọi, thu hút đầu tư có chọn lọc vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và xây dựng cụm liên kết sản xuất.

Thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các thông tin về các doanh nghiệp chế tạo cơ khí để kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin khi có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất mới nhằm giảm chi phí so với việc xuất khẩu. Tổ chức điều tra tình hình sản xuất và ứng dụng công nghệ cao, tổng hợp, đánh giá mức độ đóng góp về giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao...

Ngành điện thành phố tập trung đầu tư, hoàn thiện mạng lưới để cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt người dân. Sản lượng điện nhận tiêu thụ 6 tháng đầu năm ước đạt 11,6 tỷ kWh, tăng 2,86% so cùng kỳ.

Sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho thành phố ước đạt 11,09 tỷ kWh, tăng 2,95% so cùng kỳ. Tỷ lệ tổn thất điện năng ước đạt 4,28%, thấp hơn 0,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Sản lượng điện tiết kiệm ước đạt 205,6 triệu kWh, đạt 57,11% so với kế hoạch.

Cùng với đó, hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghệ cao được chú trọng vào các tập đoàn, công ty lớn, có thương hiệu, đã tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao và triển khai nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo phục vụ nhà đầu tư.

Tổ chức xúc tiến đầu tư gắn kết chặt chẽ với xây dựng hạ tầng, thu hồi đất, quy hoạch và bảo vệ môi trường. Sản xuất của các doanh nghiệp ổn định, giá trị xuất khẩu 6 tháng ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 79,6% so cùng kỳ, trong đó giá trị nhập khẩu đạt 4,15 tỷ USD, tăng 69,2%.(TTXVN)
-----------------------------

IMF khuyến cáo Nhật Bản kiên trì thực hiện chính sách tiền tệ

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa khuyến nghị Nhật Bản tránh thu hồi các chính sách tài khóa và cần tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nếu những rủi ro đối với nền kinh tế nước này trở thành hiện thực, trong bối cảnh tiêu dùng yếu kém vẫn dễ bị tác động trước những cú sốc từ bên ngoài.

 

dong 10 usd (phai) va dong 10.000 yen nhat tai thu do tokyo, nhat ban. anh: epa/ttxvn

Đồng 10 USD (phải) và đồng 10.000 Yên Nhật tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: EPA/TTXVN

 

Theo IMF, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cần duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, với việc tập trung kiểm soát đường cong lãi suất. 
Phó Giám đốc điều hành IMF David Lipton nhận định, khung chính sách tiền tệ mới của BoJ đã phần nào thành công khi giảm bớt sự biến động của thị trường và ổn định đường cong lợi suất trái phiếu. Ông Lipton cũng đánh giá cao chương trình cải cách Abenomics nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. 

Tuy vậy, theo IMF, Nhật Bản quá chậm trong việc xây dựng hành lang pháp lý để thực hiện các chính sách trên và chần chừ khi đưa ra giải pháp nhằm hạ thấp mức thuế thu nhập đối với những phụ nữ có gia đình làm công việc bán thời gian. 

Ngoài ra, IMF cũng kêu gọi Nhật Bản đẩy nhanh tiến trình cải cách cơ cấu nhằm đảm bảo duy trì đà tăng trưởng trong thời gian gần đây. (Baotintuc)
--------------------------

BMW mở rộng sản xuất tại Ấn Độ

Nhà sản xuất xe ô tô hạng sang của Đức BMW dự định sẽ đầu tư thêm 1,3 tỷ rupee (hơn 20 triệu USD) vào Ấn Độ để tăng cường sản xuất, qua đó đưa tổng mức đầu tư của BMW vào Ấn Độ lên 12,5 tỷ rupee (hơn 190 triệu USD).

 

mot mau xe cua hang bmw. anh: afp/ttxvn

Một mẫu xe của hãng BMW. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Theo hãng thông tấn PTI (Ấn Độ) ngày 18/6, dự kiến BMW sẽ tung ra phiên bản mới của mẫu 5 Series được sản xuất tại Ấn Độ vào cuối tháng này và mẫu 6 Series Gran Turismo (GT) trong năm tới, để tăng danh mục sản phẩm xe của BMW tại Ấn Độ. 

Chủ tịch chi nhánh BMW tại Ấn Độ, Vikram Pawah cho biết cho đến nay, nhà sản xuất xe có tiếng của Đức này đã đầu tư 11,2 tỷ rupee vào các hoạt động ở Ấn Độ. 

Ông Pawah cho biết thêm BMW cũng đang tìm cách mở rộng mạng lưới đại lý của họ tại Ấn Độ, giữa bối cảnh BMW mới chỉ có 18 đối tác và mới hiện diện ở 30 thành phố. 

Về việc ra mắt các sản phẩm mới, ông Pawah cho hay BMW sẽ giới thiệu mẫu 5 Series mới, vốn có một vai trò rất lớn trong thành công của BMW ở Ấn Độ. Kể từ năm 2007, hãng đã bán được khoảng 66.000 chiếc xe loại này ở Ấn Độ, đóng góp khá lớn cho tổng doanh số bán xe của BMW. 

Trong năm 2018, BMW dự kiến sẽ giới thiệu một mẫu xe nữa, ở giữa mẫu 5 và 7 Series và có tên gọi là 6 GT. Mẫu 6 GT này - sẽ được sản xuất ở Ấn Độ - được kỳ vọng là sẽ xác định một phân khúc mới, tạo ra thị trường mới cho BMW. 

Nhà máy của BMW tại Chennai có công suất sản xuất và lắp ráp 14.000 chiếc. Nhà máy này được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2007 và hiện sản xuất các mẫu xe 1 Series, 3 Series, 3 Series Gran Turismo, 5 Series, 7 Series cùng với mẫu xe thể thao đa năng (SUV) X1, X3 và X5. Tính trong các tháng 1-5/2017, BMW đã bán được 3.533 chiếc xe ở thị trường Ấn Độ, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. (TTXVN)
----------------------------

Bôxít Lâm Đồng lãi 50 tỷ đồng sau 3 năm lỗ liên tiếp

Tổ hợp dự án bôxít - nhôm Lâm Đồng vừa báo lãi lần đầu sau khi lỗ theo kế hoạch hơn 3.000 tỷ đồng suốt 3 năm.

Tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra, làm việc với Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sáng 19/6, ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc Vinacomin cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, sản xuất alumin quy đổi của toàn tập đoàn trên 579.000 tấn, đạt 51,9% kế hoạch năm và bằng 200% so với cùng kỳ 2016. 

"Sau 3 năm đầu lỗ theo kế hoạch, mỗi năm 1.000 tỷ đồng thì 6 tháng đầu năm 2017, tổ hợp bôxít - nhôm Lâm Đồng đã bắt đầu có lãi 50 tỷ đồng", Tổng giám đốc Vinacomin cho biết. Riêng dự án alumin Nhân Cơ đã bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2017.Tổ hợp bôxít - nhôm Lâm Đồng được đưa vào vận hành với công suất 650.000 tấn alumin một năm từ tháng 9/2013. Dự án này gồm 3 hợp phần là khai thác mỏ bôxít, Nhà máy tuyển quặng bôxít và Nhà máy Alumina.

sau 3 nam lo tren 3.000 ty dong, du an to hop boxit nhom lam dong da bat dau co lai. anh: vinacomin

Sau 3 năm lỗ trên 3.000 tỷ đồng, dự án tổ hợp bôxít nhôm Lâm Đồng đã bắt đầu có lãi. Ảnh: Vinacomin

Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải nói thêm rằng theo kế hoạch, dự án này được lỗ trong 5 năm đầu và khoản lỗ 3.000 tỷ đồng là "nằm trong tính toán, kế hoạch". Do vậy, việc bôxít tại Lâm Đồng có lãi từ năm thứ 4, theo ông, là thành công của dự án. "Cắt lỗ sớm sẽ giúp toàn tập đoàn tăng lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng", Thứ trưởng Hải thông tin. 

Đại diện Bộ Công Thương cũng đặt vấn đề, chế biến sâu trong khai thác khoáng sản là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế nghiên cứu thì nhiều khoáng sản nếu chế biến sâu sẽ lỗ, chứ không phải lãi. Thứ trưởng Công Thương đề nghị Vinacomin cần tính toán, đánh giá kỹ từng loại khoáng sản, mặt hàng chứ không thể đánh đồng tất cả loại khoáng sản là như nhau. 

Trước đó, kết quả thanh tra Bộ Tài chính cho thấy, dự án bôxít nhôm Lâm Đồng lỗ trên 3.000 tỷ đồng sau 3 năm đi vào hoạt động. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ... Số lỗ này đã vượt xa so với số lỗ luỹ tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá).

Số lỗ của dự án bôxít nhôm Lâm Đồng dù nằm trong kế hoạch đối với dự án mới đi vào hoạt động, nhưng thực tế vẫn cao hơn 8 lần so với con số dự tính mà chủ đầu tư - Vinacomin đưa ra. Tính toán của Vinacomin ở thời điểm đầu năm 2014, bôxít - nhôm Lâm Đồng có thể lỗ 460 tỷ đồng trong 3 năm đầu và 5 năm sau đó sẽ có lãi khoảng 870 tỷ. Khi đó, lãnh đạo Vinacomin lạc quan, khi mức lỗ vài trăm tỷ so với doanh thu dự tính mỗi năm 4.000 tỷ đồng là "không đáng ngại". Và dự án hoàn toàn có thể hoàn vốn trong 13 năm.

Tại kết luận thanh tra, nguyên nhân chủ yếu khiến thua lỗ của dự án vượt kế hoạch là do kéo dài thời gian đầu tư, làm phát sinh chi phí. Bên cạnh đó, thời điểm dự án đi vào sản xuất (năm 2013) rơi đúng vào lúc giá alumin – nhôm trên thị trường thế giới sụt giảm, cộng với thuế tài nguyên, thuế - phí môi trường tăng… đã "bồi" thêm khó khăn cho nhà máy.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục