Malaysia tịch thu 10 triệu tấn bô xít tính bán cho Trung Quốc; Hà Tĩnh: Rút giấy phép khai thác khoáng sản dự án 160 tỉ, 9 năm không hoạt động; Trung Quốc ngưng nhập khẩu khoáng sản, hải sản Triều Tiên; Quần áo mà bạn đang mặc có thể là do Triều Tiên sản xuất?
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 14-08-2017
- Cập nhật : 14/08/2017
Tổng thống Donald Trump hết "nhịn" trừng phạt Trung Quốc?
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ yêu cầu cố vấn thương mại điều tra các hoạt động liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc vào ngày 14-8, trang Politico dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết.
Lẽ ra, ông Trump đã yêu cầu mở cuộc điều tra theo Điều 301 Đạo luật Thương mại (ban hành năm 1974) từ đầu tháng 8 này song buộc phải hoãn lại do Nhà Trắng đang vận động Trung Quốc hợp tác trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trò chuyện tại khu biệt thự Mar-a-Lago ở Florida hồi tháng 4-2017. Ảnh: Reuters
Trang Politico không nêu rõ những chi tiết mà ông Donald Trump sẽ đề cập trong yêu cầu của ông nhưng các quan chức chính quyền Mỹ dự kiến Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ mở cuộc điều tra theo Điều 301.
Các quan chức Nhà Trắng và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ chưa có bình luận gì về thông tin này.
Trang Politico cho rằng việc điều tra không đồng nghĩa với các lệnh trừng phạt tức thời nhưng kết quả có thể dẫn đến những mức thuế cao đánh vào hàng hóa Trung Quốc.
Trước đó, Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ "nhẹ tay hơn" với Trung Quốc nếu nước này tích cực hơn trong việc gây áp lực lên chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ông Donald Trump bày tỏ với báo chí hôm 10-8: "Chúng ta lỗ hàng trăm tỉ USD hằng năm khi giao dịch với Trung Quốc. Họ biết tôi cảm thấy thế nào. Nếu Trung Quốc giúp chúng ta thì tôi sẽ cảm thấy khác hơn trong vấn đề thương mại với họ" .
Trung Quốc mới đây đã thể hiện lập trường cứng rắn và rõ ràng hơn với Triều Tiên khi bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng hôm 5-8. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã nhấn mạnh rằng siết chặt trừng phạt là cần thiết sau vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa mới đây của Triều Tiên. Thế nhưng, không rõ đối với ông Donald Trump, động thái từ phía Bắc Kinh như vậy đã đủ hay chưa.(NLĐ)
---------------------------------
Bavico lại bị tố 'nuốt lời'
Không chỉ khách sạn Bavico Nha Trang phớt lờ luật pháp, nhiều nhà đầu tư mua căn hộ khách sạn (condotel) tại dự án này cũng tố cáo chủ đầu tư “nuốt lời”, không thực hiện đúng cam kết.
Nhiều nhà đầu tư mua condotel tại dự án Bavico Nha Trang đang “lên ruột” vì không được chủ đầu tư trả lợi nhuận như đã cam kết - Ảnh: P.S.NGÂN
Dù cam kết trả lãi cho nhà đầu tư mua căn hộ tại dự án Bavico Nha Trang với mức 15% giá trị căn hộ/năm, thậm chí mua lại sản phẩm với giá cao hơn giá bán ban đầu từ 5-20% cùng nhiều ưu đãi khác, nhưng đến nay chủ đầu tư lại tìm cách lảng tránh việc trả lợi nhuận cho khách hàng.
Hứa nhiều nhưng không thực hiện
Ông Đỗ Ngọc Tín (TP.HCM), một trong những khách hàng mua condotel tại khu tổ hợp khách sạn và căn hộ du lịch Bavico Nha Trang của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt (Bavico), cho biết đã nhiều lần liên hệ với doanh nghiệp này từ đầu năm đến nay vẫn chưa đòi được quyền lợi.
“Tôi đã đến tận trụ sở Bavico, thậm chí gặp trực tiếp ông Đinh Tiến Sử - tổng giám đốc Bavico - nhưng vẫn không nhận được tiền” - ông Tín bức xúc.
Trước đó, vào năm 2015, sau khi được nhân viên Bavico mời mua condotel với nhiều tiềm năng sinh lời, có thể giao lại cho Bavico quản lý kinh doanh và được cam kết trả lợi nhuận lên đến 15%/năm và mức lãi này duy trì đến hết năm thứ... 45 nếu hai bên còn hợp tác đầu tư.
Chưa hết, nếu không muốn kinh doanh nữa, nhà đầu tư có thể yêu cầu Bavico mua lại căn hộ với giá bằng mức giá đầu tư ban đầu cộng thêm một khoản chênh lệch tùy vào thời điểm bán, dao động từ 5-20% giá mua căn nhà!
“Sau khi tìm hiểu thông tin với những lời cam kết chắc chắn từ bên bán là Bavico, tôi đã ký hợp đồng và thanh toán đầy đủ trên 1,2 tỉ đồng để mua căn condotel diện tích 35m2 tại dự án căn hộ du lịch Bavico Nha Trang với hi vọng có được một khoản thu cố định hằng năm, ai dè...” - ông Tín nói.
Theo ông Tín, sau khi nhận được 15% lợi nhuận cho năm đầu tiên (2015), được tính ngay trong giá trị căn hộ, nhưng ngay trong năm thứ hai, chủ đầu tư không trả lãi đúng theo cam kết.
Sau nhiều lần bị ông Tín gọi điện hoặc đến trụ sở đòi tiền, đến ngày 21-10-2016 Bavico mới thanh toán cho ông Tín số tiền 50 triệu đồng, sau đó thanh toán thêm ba đợt nữa với tổng số tiền cả bốn đợt là 142,4 triệu đồng, còn thiếu 42,4 triệu đồng mới đủ tỉ lệ lợi nhuận 15% của năm 2016.
Đến hạn thanh toán tiền lời của năm 2017 là tháng 1-2017 nhưng đến hết tháng 7-2017, ông Tín vẫn chẳng thấy tăm hơi khoản tiền lãi được trả theo cam kết, dù đã nhiều lần đòi chủ đầu tư.
“Ban đầu doanh nghiệp này hứa hẹn sẽ trả ngay trong tuần sau hay tháng sau nhưng không thực hiện. Thấy tôi làm căng, nhân viên công ty mới nói thẳng là công ty đang gặp khó khăn chưa thể trả ngay và hứa hẹn trả trong vòng 5 năm. Tôi đã mất hết niềm tin về việc có thể kiếm khoản lợi nhuận như công ty này đưa ra, giờ tôi chỉ muốn công ty thực hiện đúng cam kết là mua lại căn hộ của tôi với giá ban đầu” - ông Tín cho biết.
Kẹt tiền vì đầu tư nhiều dự án?
Ông Tín không phải là trường hợp cá biệt, nhiều khách hàng đã lỡ mua condotel của chủ đầu tư này cũng đang dở khóc dở mếu do không đòi được tiền lãi hoặc tiền mua condotel như được cam kết trước đó.
Cuối năm 2015, bà Phạm Ngọc Linh (Hà Nội) mua một căn condotel diện tích 59m2 tại Bavico Nha Trang với số tiền trên 2,2 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng và chuyển tiền thanh toán (đã trừ 15% lợi nhuận năm đầu tiên), bà Linh giao nhà cho Bavico kinh doanh.
Theo cam kết của chủ đầu tư, từ tháng thứ 13 (tức bắt đầu năm thứ 2) đến hết năm thứ 45, bên mua được hưởng lợi nhuận hằng năm là ít nhất bằng 15% giá trị căn hộ.
Thế nhưng đến đầu năm 2017, do không thấy Bavico trả lãi như cam kết, bà Linh liên hệ với công ty này để tìm hiểu và được chủ đầu tư trả lời bằng văn bản (ngày 23-1-2017) rằng công ty đang gặp khó khăn phải đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm để tránh sự thu hồi đất khi có quyết định đầu tư (?) nên công ty không thể cân đối đủ nguồn tài chính để trả tiền lãi cho khách hàng, trong đó có bà Linh.
Sau đó, Bavico cam kết sẽ trả đầy đủ tiền lãi đầu tư khi được ngân hàng giải ngân xây dựng công trình ở... Đà Nẵng.
Một nhà đầu tư tại Hà Nội mua hai căn condotel tại Bavico Nha Trang vào năm 2015 với tổng giá trị lên đến 4,3 tỉ đồng. Và theo cam kết của chủ đầu tư, ngoài khoản lợi nhuận 15%/năm, nhà đầu tư còn có 12 ngày nghỉ dưỡng miễn phí tại hệ thống khách sạn của chủ đầu tư này trên toàn quốc.
Thế nhưng, quá thời hạn cam kết trả lãi cho nhà đầu tư này, Bavico vẫn chưa có động tĩnh gì dù nhà đầu tư này liên tục gọi điện hoặc trực tiếp đến công ty để đòi tiền.
Theo một nhà đầu tư tên Châu, sau nhiều lần bị đòi tiền lãi, một lãnh đạo công ty cho biết đang gặp khó khăn về tài chính vì phải dồn tiền vào hoàn thiện khách sạn 5 sao Bavico Plaza ở Đà Nẵng và những địa phương khác như Kiên Giang, Mũi Né...(?), đồng thời hứa hẹn sẽ trả tiền trong tuần sau, thậm chí là ngay ngày hôm sau nhưng không thực hiện.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tìm đến địa chỉ được cho là khách sạn của doanh nghiệp này tại Đà Nẵng mới phát hiện đây là trụ sở của một đơn vị quân đội (?).(Tuoitre)
-----------------------------
Ô tô, xăng dầu gây thâm hụt thương mại
Thâm hụt thương mại Việt Nam với ASEAN là chuyện đã được ghi nhận trong 20 năm qua. Song, đáng lưu tâm, thủ phạm gây thâm hụt thương mại chính là các sản phẩm thuộc những ngành vốn được trao cho nhiều ưu đãi, như ô tô, dầu khí…
Theo Tổng cục Hải quan, sau 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ khu vực này tăng 10,4%/năm. Mức thâm hụt thương mại năm 2016 đã là 5,69 tỉ USD và Việt Nam chưa từng đạt thặng dư thương mại với các nước láng giềng. Trong đó, Việt Nam đã mua xăng dầu và ô tô với giá trị không hề nhỏ.
Nhập rẻ hơn mua trong nước
Điều nghịch lý là Việt Nam - quốc gia khai thác và tăng thu ngân sách nhờ bán dầu thô - phải nhập khẩu lại xăng dầu các loại với khối lượng đáng kể từ ASEAN. Năm 2016, chúng ta mua xăng dầu từ khối này tới 3,48 tỉ USD, tăng 30,9% so với năm 2005. Trong đó, Singapore cung cấp cho Việt Nam 4 triệu tấn, tương đương 1,61 tỉ USD, tăng 15,2%. Malaysia với 3,1 triệu tấn, trị giá 1,23 tỉ USD, tăng 3,7 lần về lượng và 2,8 lần về trị giá. Thái Lan cũng bán cho Việt Nam 1,5 triệu tấn xăng dầu, trị giá 650 triệu USD.
ASEAN cũng được ghi nhận là thị trường lớn nhất cung cấp ô tô nguyên chiếc các loại cho Việt Nam trong năm 2016 với kim ngạch 868 triệu USD. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2017, Indonesia bán cho chúng ta 10.500 chiếc, tương ứng 184 triệu USD; ô tô xuất xứ Thái Lan là 19.200 chiếc, tương ứng 347 triệu USD.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nhận định những số liệu trên đã chứng minh cho thất bại đau đớn của hai ngành công nghiệp mà Việt Nam luôn lựa chọn là trọng điểm. "Đặt Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất ở Quảng Ngãi là sai lầm về mặt chiến lược. Bởi lẽ, địa bàn này nằm xa 2 thị trường tiêu thụ xăng dầu lớn là miền Bắc và miền Nam, dẫn đến chi phí vận chuyển cao. Trong khi đó, nhập xăng dầu từ Singapore về TP HCM thì sẽ rẻ hơn rất nhiều và dễ dàng lan tỏa đi các tỉnh, thành thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này cùng với thuế cho xăng dầu trong nước giảm chậm hơn các thị trường có cam kết ưu đãi dẫn đến tình trạng tồn kho xăng dầu ở Dung Quất" - ông Tuấn phân tích.
Ngành công nghiệp ô tô cũng tương tự khi đã hưởng biết bao đặc quyền, ưu đãi song vẫn chưa có được chiếc xe nào "ra tấm ra món". "Dòng xe chủ lực dưới 9 chỗ thất bại toàn phần, trừ Innova nội địa hóa trên 30% nhưng phải đạt trên 40% vào năm 2018 mới được hưởng thuế suất 0% khi xuất sang các nước ASEAN. Thái Lan với tỉ lệ nội địa hóa 70%-80% thì không khó để hiểu vì sao xe Thái hoặc nhập từ các nước ASEAN khác lấn át dòng xe sản xuất trong nước" - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận xét.
Theo ông Tuấn, nhìn chung, với năng suất lao động thấp, chi phí và giá thành cao cùng với chiến lược đầu tư sai lầm đã khiến các ngành sản xuất của Việt Nam đều ít nhiều lâm vào cảnh "trục trặc". "Như vậy thì làm sao hàng hóa rẻ để cạnh tranh được với các nước? Nếu những ưu đãi đó dành cho những ngành có khả năng giành "chiến thắng" thì đã khác" - ông Tuấn bày tỏ.
Loay hoay cứu vãn
Mới đây, ngày 10-8, đơn vị quản lý và vận hành NMLD Dung Quất là Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã cùng với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ký thỏa thuận hợp tác về việc tăng cường tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất. Trước đó, nhiều lần Petrolimex cũng đã được đề nghị và có cam kết về việc thu mua sản phẩm từ Dung Quất.
Dù là giải pháp phi thị trường song giới chuyên gia cũng thừa nhận đây là cơ hội để NMLD Dung Quất có thể hạn chế được tồn kho và kinh doanh khởi sắc. Bởi thực tế, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc chính thức có hiệu lực với mức thuế ưu đãi mạnh thì rõ ràng, sản phẩm của NMLD Dung Quất không thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Chưa kể, trước đó, dù chưa có thị trường Hàn Quốc thì các đầu mối Việt Nam cũng không "ngó ngàng" gì đến xăng dầu Dung Quất mà luôn ưu ái cho Singapore.
Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho hay trong 7 tháng đầu năm 2017, DN này nhập khẩu nhiên liệu chủ yếu từ Hàn Quốc vì giá rẻ hơn. Đến nay, khi sản phẩm của NMLD Dung Quất đã được nhà nước ưu đãi thuế, cước vận chuyển nên rẻ hơn nhập khẩu, Saigon Petro mới tính đến mua xăng RON 95 của Dung Quất. Tuy nhiên, đại diện Saigon Petro cho biết hiện vẫn phải nhập dầu diesel từ Singapore vì NMLD Dung Quất có sản lượng dầu diesel thấp, chỉ đủ chia cho một vài đầu mối trong nước và cũng bởi cần nhập từ thị trường tốt về để tái xuất sang Campuchia.
"Còn một điểm nữa là NMLD Dung Quất chỉ sản xuất xăng đạt chất lượng Euro 3, trong khi sắp tới phải đáp ứng xăng Euro 4 theo lộ trình kiểm soát khí thải. Khi đó, động cơ, máy móc yêu cầu đồng bộ theo đúng lộ trình mà Dung Quất không làm kịp thì sẽ phải nhập giá mắc hơn" - đại diện Saigon Petro băn khoăn.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận định nếu không cải thiện được năng suất, trình độ lao động và chất lượng sản phẩm thì chúng ta sẽ bị thâm hụt thương mại ở tất cả lĩnh vực chứ không riêng ngành nào. "Ta có ưu thế lao động giá rẻ nhưng 1 phần tiền công trả cho lao động chỉ tương ứng với 1 sản phẩm, còn các nước 5 phần tiền công trả cho lao động lại tạo ra được 10 sản phẩm. Như vậy, giá lao động của ta không hề rẻ. Cùng với các chi phí hạ tầng, đất đai, thuế, chi phí không chính thức và việc định giá thực đồng tiền của chúng ta cao đã làm cho hàng hóa đắt một cách tương đối, không cạnh tranh được với các nước cùng khu vực, thậm chí ngang nhau về trình độ. Muốn thay đổi thì chỉ có cách cải thiện những hạn chế này" - ông Tuấn đề xuất.(NLĐ)
------------------------
Giảm lãi suất đang được 'trợ lực' từ nhiều phía
Nhận định của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia trong báo cáo tình hình kinh tế 7 tháng qua, cho thấy: Những tháng cuối năm 2017, việc giảm lãi suất đang có nhiều yếu tố hỗ trợ, cả trong và ngoài nước.
Đó là áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn, đồng USD đã giảm hơn 7% so với đầu năm và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong năm nay hiện xuống dưới 50%.
Cùng với đó, lạm phát nhiều khả năng đạt dưới mục tiêu Quốc hội đề ra (4%). Việc phát hành Trái phiếu Chính phủ 5 tháng còn lại của năm 2017 chỉ còn khoảng 25% kế hoạch; lợi suất Trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn cũng đồng loạt giảm 0,2-0,3 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 6, thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2016 ở các kỳ hạn, tạo điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi suất đối với khu vực ngân hàng.
Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, động thái từ nhà điều hành đang hỗ trợ lớn cho việc giảm lãi suất. Lãi suất huy động hiện tương đối ổn định, lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm dần sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn một số lĩnh vực ưu tiên, Cụ thể, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên giảm về mức 6,5%/năm, cá biệt đã có ngân hàng thương mại giảm về 6%/năm, thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước 0,5%.
Đặc biệt nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 ngày 19/7/2017.
Bản báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận định, tháng 7/2017, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, biểu hiện ở lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, giảm từ 0,6 đến 1 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 6 và giảm từ 3 - 4% so với đầu năm. Nguyên nhân thanh khoản dồi dào trong thời gian qua chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước mua thêm 1 lượng ngoại tệ đáng kể để tăng dự trữ ngoại hối, từ đó tăng cung VND ra thị trường.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.
Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cho vay theo chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch.(TTXVN)