Người gửi tiền sẽ được bảo hiểm tối đa 75 triệu đồng; Ngân sách thu 5 tỉ USD nếu thuế môi trường xăng 8.000 đồng/lít; Nhà đầu tư thế giới lại lo về nợ Trung Quốc; Khí đốt Mỹ khó vượt Nga ở thị trường châu Âu
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-06-2017
- Cập nhật : 28/06/2017
Nga đề xuất lập vùng kinh tế chung với Nhật trên đảo tranh chấp
Bộ Ngoại giao Nga vừa đưa ra đề xuất thành lập vùng kinh tế chung đặc biệt giữa Nga và Nhật Bản tại quần đảo tranh chấp giữa 2 nước.
Nhóm chuyên gia Nhật bắt đầu khảo sát tại quần đảo tranh chấp với Nga trong 5 ngày từ ngày 27.6 REUTERS
Khu vực tranh chấp được Nga và Nhật Bản đặt tên lần lượt là đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc. Thống đốc Oleg Kozhemyako, người chịu trách nhiệm quản lý khu vực tranh chấp này của Nga ngày 26.6 cho biết Bộ Ngoại giao đã đề xuất thành lập vùng kinh tế chung tại đây và do Moscow quản lý, theo tờ The Nikkei Asian Review.
Ông Kozhemyako khẳng định vùng kinh tế này được thành lập trên cơ sở quy định chung của quốc tế, đồng thời chính quyền Nga và Nhật sẽ hợp tác bình đẳng với nhau. Một cơ quan sẽ được giao trách nhiệm quản lý việc phân vùng đất đai và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, phía Nhật vẫn chưa đưa ra đề xuất nào cho kế hoạch này.
Ngày 27.6, nhóm khảo sát gồm 70 chuyên gia thuộc khối tư nhân và nhà nước của Nhật Bản sẽ tiến hành đánh giá các địa điểm trên vùng lãnh thổ tranh chấp này cho hoạt động hợp tác kinh tế chung. Sau đó, hai nước có thể bắt đầu đàm phán về bộ khung pháp lý vào những tháng tiếp theo.
Việc khởi động đàm phán để hợp tác kinh tế chung trên quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc được Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Vladimir Putin đồng ý hồi tháng 12.2016. (Thanhnien)
-----------------------------
Tổng thống Brazil bị truy tố tội tham nhũng
Tổng thống Brazil Michel Temer đã chính thức bị truy tố tội tham nhũng và trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên bị truy tố.
Tổng thống Temer lên nắm quyền vào tháng 8.2016 sau khi bà Dilma Rousseff bị luận tội. Ông bị cho là có liên quan đến đường dây nhận hối lộ từ hãng sản xuất thịt hộp lớn nhất thế giới JBS của Brazil. Theo Reuters, Tổng thống Brazil bị cáo buộc nhận hối lộ 5 triệu USD để giải quyết các vấn đề về thuế, cho phép doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng nhà nước...
Tổng chưởng lý Rodrigo Janot ngày 26.6 chính thức gửi đơn truy tố lên Tòa án tối cao. Theo luật Brazil, hạ viện tiếp đó sẽ bỏ phiếu để quyết định cáo buộc có xác đáng hay không. Nếu được 2/3 hạ viện thông qua, ông Temer sẽ bị tạm đình chỉ chức vụ trong 180 ngày trong thời gian xét xử. Khi đó, Chủ tịch hạ viện Rodrigo Maia sẽ đảm nhận chức tổng thống tạm quyền.
Ông Janot bắt đầu điều tra Tổng thống Temer từ tháng 5 vì nghi vấn tham những, cản trở công lý và tham gia tổ chức tội phạm, theo AP. Tổng thống và nhiều quan chức đương nhiệm lẫn cựu quan chức đang bị điều tra và một số người đã bị truy tố vì liên quan đường dây này. Ông Temer nhiều lần phủ nhận đã làm sai và từ chối việc từ chức.
Những người ủng hộ ông Temer nói đảm bảo được từ 250-300 phiếu tại hạ viện (513 ghế) để có thể ngăn chặn quyết định xét xử về cáo buộc lần này. Tuy nhiên, Tổng thống Temer dự kiến sẽ bị truy tố thêm các tội danh khác gồm gian lận và cản trở công lý trong thời gian tới. (Thanhnien)
-----------------------------------------
Tổng thống Donald Trump muốn Mỹ thống trị sản xuất năng lượng toàn cầu
Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy việc xuất khẩu dầu khí của Mỹ trong tuần này, nhấn mạnh sự thống trị về mặt năng lượng ngày càng tăng của nền kinh tế số một thế giới.
Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ cũng có kế hoạch nhấn mạnh rằng sau nhiều thập niên phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng nước ngoài, Mỹ đang trên đường trở thành nước xuất khẩu ròng dầu thô, khí đốt, than đá và nhiều nguồn năng lượng khác.
Như nhiều tuần lễ chính sách theo chủ đề trước của Nhà Trắng, chẳng hạn như tuần tập trung vào cơ sở hạ tầng, tuần này được thiết kế để thu hút sự chú ý của người dân vào ưu tiên trong nước của ông Trump. Với “Tuần lễ năng lượng”, Tổng thống Mỹ trở về với chủ đề quen thuộc, với chuyện than, dầu và khí đã và đang được ông chú ý.
Bài phát biểu chính sách lớn đầu tiên của ông khi vận động tranh cử được diễn ra tại khu vực khoan dầu thuộc North Dakota hồi năm 2016, tập trung vào kế hoạch mở khóa sản xuất năng lượng trong nước của Mỹ. Đây cũng là vấn đề trọng tâm trong 5 tháng đầu tại nhiệm sở của ông Trump, khi ông đưa ra một loạt chính sách trái ngược với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người vốn không khuyến khích sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Theo kế hoạch, ông Trump sẽ phát biểu tại Bộ Năng lượng Mỹ vào ngày 29.6, tập trung vào chuyện xuất khẩu năng lượng. Ông sẽ mô tả cách làm thế nào việc bán dầu khí và than đá ở nước ngoài giúp tăng sức ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế, giúp ổn định hóa thị trường toàn cầu và thắt chặt liên minh trên thế giới.
Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ về vấn đề năng lượng thế giới, ông Dave Banks, cho hay: “Thực tế là chúng ta không còn ở thời kỳ khan hiếm năng lượng nữa. Chúng ta đang ở giai đoạn thừa năng lượng, điều này đưa Mỹ vào vị trí hoàn toàn khác. Nó cho phép Mỹ tiếp cận với năng lượng đáng tin cậy và mang lại cho Mỹ lợi thế cạnh tranh lớn”.
Khi sản xuất dầu thô Mỹ bùng nổ, cựu Tổng thống Obama từng ký đạo luật dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô tồn tại hàng thập niên vào tháng 12.2015. Từ lúc đó, Mỹ xuất khẩu hơn 157 triệu thùng dầu thô đến các nước ngoài Canada. Chính phủ liên bang cũng cho phép xuất khẩu hơn 594 triệu mét khối khí tự nhiên hóa lỏng mỗi ngày đến các nước không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ từ đầu năm 2016. (Thanhnien)
--------------------------------
Vốn đầu tư FDI 6 tháng đạt trên 19 tỉ USD
Ngày 26.6, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) thông báo trong 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 19,22 tỉ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 1.183 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 11,83 tỉ USD và có 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,24 tỉ USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ 2016. Riêng lượng vốn đã giải ngân được 7,72 tỉ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung đến nay, cả nước có 23.594 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 306,3 tỉ USD. Trong đó, nguồn vốn thực hiện lũy kế ước đạt 162,57 tỉ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 180,68 tỉ USD (chiếm 58,98% tổng vốn đầu tư). Dẫn đầu là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 54,5 tỉ USD.
Thông tin từ Bộ KH-ĐT, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 61.276 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký là 596.196 tỉ đồng, tăng 12,4% về số lượng và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, số DN quay trở lại hoạt động là 15.379, tăng 3,2% và số hoàn tất thủ tục giải thể là 5.443 DN, giảm 1,2%. Trong khi đó, số đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 14.377 DN, tăng 17,8%. Số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 23.530, tăng 24,4% so với cùng kỳ.(Thanhnien)