Hà Nội chi hơn 240 tỷ đồng làm 1,14km đường Vành đai 3,5 qua Hoài Đức; Chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng; Đàm phán NAFTA dậm chân tại chỗ; Thủ tướng ủng hộ phân cấp, phân quyền tối đa cho TPHCM
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-06-2017
- Cập nhật : 29/06/2017
Mafia Nhật muốn làm ăn hợp pháp ở Đông Nam Á
Một ông trùm xã hội đen Nhật muốn lập chi nhánh ở Đông Nam Á để cung cấp vệ sĩ hợp pháp ra thị trường thế giới.
Yoshinori Oda, ông trùm băng xã hội đen Ninkyo Dantai Yamaguchi-gumi cho biết đang có kế hoạch thành lập một công ty quân sự tư nhân - mô hình hợp pháp ở một số nước trên thế giới trong nỗ lực kiếm sống hợp pháp, theo SCMP.
"Các công ty quân sự tư nhân đã có tại Mỹ và châu Âu. Vì không đủ điều kiện tới Mỹ nên chúng tôi sẽ thành lập một văn phòng ở Đông Nam Á. Khi có hợp đồng thuê vệ sĩ hoặc nhân viên an ninh người Nhật, chúng tôi sẽ cử người đi", Oda nói.
Sau khi 7 thành viên Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản thiệt mạng trong một cuộc tấn công phiến quân Hồi giáo vào một nhà hàng tại Bangladesh vào tháng 6/2016, ngày càng nhiều công ty và tổ chức Nhật Bản ở nước ngoài lo ngại về an toàn cho nhân viên.
Tuy nhiên, theo tạp chí Nhật Flash, vẫn chưa rõ liệu có công ty Nhật Bản nào muốn ký hợp đồng thuê bảo vệ với tổ chức xã hội đen nổi tiếng này không.
Jake Adelstein, phóng viên Mỹ chuyên điều tra về xã hội đen Nhật Bản cho biết Ninkyo Dantai - nhóm tách ra từ tổ chức xã hội đen lớn nhất Nhật Bản Kobe Yamaguchi-gumi, dường như đang chuẩn bị cho kế hoạch làm ăn mới này.
"Tuần trước, cảnh sát Nhật đã bắt giữ một số thành viên nhóm cùng một lô súng ngắn, cho thấy băng nhóm này đang tích cực chuẩn bị mở rộng thị trường", Adelstein nhận định.
"Rõ ràng là nhóm này đang tìm cách làm ăn mới, việc mà chưa nhóm xã hội đen nào làm bởi vì các băng nhóm tại Nhật đang bị cảnh sát và các điều luật mới hạn chế".
Phóng viên Mỹ cho rằng "yakuza (xã hội đen Nhật) có ưu điểm là thường sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ chủ nhân, luôn phục tùng, không ngại dùng bạo lực, mà đa số chủ nhân lại rất thích kiểu này". Yoshinori Oda, 50 tuổi, là người thường xuyên nói về kế hoạch lớn, dự án mở công ty quân sự tư nhân chỉ là một trong số những ý tưởng của ông trùm này.
Ngoài ra, Adelstein cho rằng nếu băng nhóm mở văn phòng tại các nước như Thái Lan hay Philippines, yakuza Nhật có thể dễ dàng thuê các binh lính đã giải ngũ để huấn luyện cho thành viên nhóm những kỹ năng quân sự, khiến băng nhóm mạnh hơn.(Vnexpress)
-----------------------
Sức mua căn hộ tại TP HCM tăng gần 60%
Quý II, Sài Gòn tiêu thụ 9.522 căn hộ, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường tăng nhiệt trở lại sau những tháng ảm đạm đầu năm.
CBRE Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường căn hộ tại TP HCM quý II/2017 với tâm điểm là thanh khoản đã bật tăng trở lại sau 3 tháng đầu năm sụt giảm mạnh. Cụ thể, trong quý thứ hai của năm, toàn thành phố có 9.522 căn hộ giao dịch thành công, tăng 40% so với quý trước và tăng 59% so với 12 tháng qua.Phân khúc trung cấp có sức mua mạnh nhất, dẫn đầu thị trường với 4.862 căn đã bán, chiếm 51% lượng tiêu thụ toàn thành phố. Diễn biến của quý này cho thấy căn hộ cao cấp đã không còn là tâm điểm của thị trường.
Khu Đông TP HCM giành lại vị trí dẫn đầu nguồn cung căn hộ mới, chiếm 36% rổ hàng hóa. Theo sau là khu Tây Sài Gòn ghi nhận lượng hàng chào bán đạt 3.268 căn, chiếm 34% nguồn cung.
Giá chào bán trung bình trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) không thay đổi đáng kể so với đầu năm, đạt 1.578 USD mỗi m2. Quý II/2017 thị thường căn hộ đã chính thức bước vào giai đoạn bứt phá, lấy lại đà tăng trưởng bị hụt ở 3 tháng đầu năm. Đơn vị này dự báo, từ quý III trở đi thị trường căn hộ hứa hẹn sẽ rơi vào chu kỳ sôi động.
CBRE đánh giá, sự cải thiện tích cực của các dự án hạ tầng khắp TP HCM tiếp tục tạo lực đỡ cho thị trường căn hộ. Trong nửa cuối năm 2017, nhiều khả năng thị trường sẽ đón nhận thêm nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao cấp. Khác biệt lớn giữa sức mua năm 2016 và 2017 nằm ở chỗ thị hiếu người tiêu dùng đã dịch chuyển mạnh mẽ từ mục tiêu mua căn hộ để trông chờ vào việc tăng giá sang mua căn hộ để cho thuê.(Vnexpress)
-----------------------------
“Nhạc trưởng” lợi nhuận ngân hàng 2017
Gần kết thúc nửa đầu năm 2017, nhiều ngân hàng thương mại đang tính toán lạc quan lợi nhuận. Chi phí trích lập dự phòng trở thành “nhạc trưởng”, sẽ có ảnh hưởng nhất.
Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), thành viên dẫn đầu lợi nhuận toàn hệ thống những năm gần đây, theo tìm hiểu của VnEconomy, 6 tháng đầu năm nay dự kiến lợi nhuận đạt hơn 50% kế hoạch năm.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tương ứng, con số chốt lại hai quý đầu năm nếu đạt trên dưới 4.800 tỷ đồng cũng sẽ không bất ngờ, vì Vietcombank đã sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cũng như đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đạt tỷ lệ rất cao (khoảng 121% tổng nợ xấu tính đến cuối 2016, bao gồm cả dự phòng chung).
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dự kiến đánh dấu sự trở lại thực sự sau 5 năm sáp nhập Habubank, với khoảng 800 tỷ đồng lợi nhuận sau 6 tháng. Sức bật của SHB còn tiềm năng ở thương vụ trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng, đã ký với đối tác nước ngoài, cũng như công ty tài chính tiêu dùng dự kiến bắt đầu nhập cuộc trong quý 3 tới.
Đó là những con số dự kiến chung tại một số thành viên điển hình, gắn với tình hình kinh doanh có xu hướng tốt lên.
Còn ở bình diện chung, 6 tháng đầu năm cũng như cả năm 2017, dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ rất uyển chuyển, trầm bổng với “nhạc trưởng” là chi phí trích lập dự phòng rủi ro.
Thử nhìn sang trường hợp Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Tại đây có hơn 52% cổ phần mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhận ủy quyền, đang là tài sản thế chấp.
Không có thông tin cụ thể công bố mức độ khoản vay liên quan, cũng như cập nhật tình hình của nó. Nhưng xét một cách tương đối, cách đây vài năm, giá cổ phiếu STB của Sacombank ở mức khác, gắn với hạn mức cho vay nào đó. Khi giá cổ phiếu này giảm về khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu, nếu bên vay gặp khó khăn và không bù đắp đủ giá trị tài sản thế chấp…, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu STB đã tăng rất mạnh, mức cao gần đây lên tới khoảng 14.500 đồng/cổ phiếu. Nếu theo thông thường, trong một tình huống giả định, Sacombank sẽ hoàn nhập hoặc chí ít cũng giảm bớt chi phí dự phòng ở khoản vay liên quan, có lợi cho lợi nhuận.
Xét rộng ra, sự tăng trưởng nói chung của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay, cũng như triển vọng của năm nay, đang mở ra cơ hội hoàn nhập hoặc giảm thiểu chi phí trích lập dự phòng và có tác động tốt tới lợi nhuận của những trường hợp có khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu gặp khó khăn trước đây.
Tương tự, sự hồi phục của thị trường và giá bất động sản, thậm chí có biểu hiện sốt ở một số phân khúc, cũng tác động đến giá trị tài sản thế chấp, cũng mở ra cơ hội cải thiện chi phí trích lập dự phòng của các nhà băng nói chung, tốt cho lợi nhuận…
Rông hơn nữa, với nghị quyết về xử lý nợ xấu mà Quốc hội vừa ban hành, cơ hội giãn thời gian và lộ trình trích lập dự phòng rủi ro cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm thiểu chi phí trước mắt, bớt tác động tiêu cực tới lợi nhuận.
Trao đổi với VnEconomy, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cũng nhấn mạnh đến vai trò của “vị nhạc trưởng” đó.
Theo người trong cuộc này, cơ chế và mức độ trích lập dự phòng rủi ro, quan điểm và lựa chọn liên quan, khiến lợi nhuận ngân hàng trở nên rất uyển chuyển trong năm nay.
Thứ nhất, mặc dù lợi nhuận là những con số cùng thể hiện kết quả, nhưng việc hình thành chúng lại có thể khác nhau căn bản.
Nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam đang hướng đến thực hiện tiêu chuẩn Basel 2, chặt chẽ hơn trong xác định các tỷ lệ an toàn. Liên quan đến lợi nhuận, nếu chọn áp dụng theo tiêu chuẩn cao hơn, hay khác nhau giữa phân loại nợ theo định tính hay định lượng, đều cho kết quả khác nhau.
Thứ hai, quan điểm và đánh giá của chính mỗi ngân hàng đối với chất lượng tài sản liên quan đến các khoản vay cũng sẽ khiến lợi nhuận trầm bổng theo chủ quan nhất định.
Giả sử, theo quy định, khoản vay 100 đồng là nợ xấu, ngân hàng được phép khấu trừ 30% là 30 đồng giá trị tài sản đảm bảo. Thông thường, nhiều trường hợp muốn khấu trừ tối đa, để bớt chi phí trích lập dự phòng và bớt ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Ngược lại, không loại trừ tình huống ngân hàng thận trọng, hoặc chưa muốn thể hiện một con số lợi nhuận gây chú ý…, mức độ đánh giá có thể giảm dưới 30%, đồng nghĩa với chi phí trích lập dự phòng tăng lên và lợi nhuận được kiềm chế bớt.
Dù theo hướng nào, dù sẽ có tác động tích cực nhất định từ sự hỗ trợ của nghị quyết xử lý nợ xấu, nhưng điều chắc chắn là năm nay Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ xem xét chặt chẽ lợi nhuận của từng thành viên, để giới hạn mức phân phối lợi nhuận, chia cổ tức, lương thưởng…
Bởi điểm ưu tiên lớn nhất của toàn hệ thống hiện nay, có lợi nhuận tốt càng phải tập trung nguồn và lực cho xử lý nợ xấu.(Vneconomy)
---------------------------------
Hòa Phát ký kết hợp đồng thiết bị luyện thép cho dự án tại Dung Quất
Theo hợp đồng, các nhà cung cấp trong liên doanh sẽ chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ các hạng mục của nhà máy luyện thép trị giá hơn 3.000 tỷ đồng, bao gồm gồm 04 lò thổi oxy 120 tấn và các hạng mục công trình phụ trợ, đáp ứng công suất 4 triệu tấn/năm.
Ngày 28/6/2017, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng với liên doanh Tập đoàn luyện kim SMS (Đức) và Công ty TNHH Kỹ thuật công trình Trung Dã Phương Nam (Wisdri) nhằm cung cấp thiết bị luyện thép cho dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Quảng Ngãi.
Lễ ký kết có sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn SMS. Về phía Hòa Phát có ông Trần Tuấn Dương – Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, ông Mai Văn Hà – Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Phía đối tác có sự tham gia của ông Guido Kleinschmidt, thành viên HĐQT Tập đoàn SMS (Đức), ông Mare A. Hoffmann, Tổng Giám đốc SMS tại Ấn Độ và ông Zang Zhonghai – Chủ tịch Công ty Wisdri.
Theo hợp đồng, các nhà cung cấp trong liên doanh này sẽ chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ các hạng mục của nhà máy luyện thép trị giá hơn 3.000 tỷ đồng, bao gồm gồm 04 lò thổi oxy 120 tấn và các hạng mục công trình phụ trợ, đáp ứng công suất 4 triệu tấn/năm.
Trong đó, Tập đoàn luyện kim SMS sẽ thiết kế, cung cấp các thiết bị chính của nhà máy như lò thổi, hệ thống thổi oxy, hệ thống lọc bụi, hệ thống tự hóa. Đối tác liên doanh là WISDRI (Trung Quốc) cung cấp một số hạng mục phụ trợ còn lại và thi công lắp đặt chạy thử nhà máy, dưới sự giám sát kỹ thuật của các chuyên gia Đức.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Tuấn Dương mong muốn với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm dày dạn hàng đầu trong lĩnh vực thép của SMS và Wisdri, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ là một dự án kiểu mẫu tại khu vực Đông Nam Á. Đại diện cho liên doanh SMS-Wisdri, ông Guido Kleinschmidt cam kết dự án sẽ được triển khai nhanh, đúng tiến độ, góp phần vào sự thành công chung của dự án.
Với sự hợp tác chặt chẽ, Hòa Phát và các đối tác cung cấp cùng tin tưởng vào thành công của dự án
Hạng mục nhà máy luyện thép sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, đồng bộ với các hạng mục thượng nguồn (chế biến nguyên liệu, vê viên, thiêu kết) và hạ nguồn (nhà máy cán thép) trong chuỗi liên hợp gang thép tại Dung Quất.
Trước đó, Hòa Phát cũng lần lượt ký kết với nhiều đối tác của Đức, Italia nhằm cung cấp các thiết bị chính cho nhà máy cán thép, khí công nghiệp cho luyện thép. Về các hạng mục xây dựng cơ bản, Tập đoàn Coteccons là đơn vị thi công chính cho Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Tập đoàn luyện kim SMS là một trong những nhà cung cấp thiết bị luyện thép lớn và chất lượng cao nhất châu Âu và thế giới, từng cung cấp dây chuyền thiết bị luyện kim cho hàng loạt nhà máy thép lớn tại Đức, Mỹ, Brazil, Iceland, các tiểu vương quốc Ả Rập, Ấn Độ, Malaysia, … Còn Wisdri là Công ty thuộc sở hữu nhà nước vào loại lớn nhất Trung Quốc trong lĩnh vực cung cấp thiết bị luyện kim.
KLH Gang thép Hòa Phát Dung Quất có công suất 4 triệu tấn/năm. Hiện tại, giai đoạn 1 đang được Hòa Phát gấp rút triển khai trong 21 tháng từ tháng 2/2017, công suất 2 triệu tấn/năm thép dài xây dựng và thép cuộn chất lượng cao. Giai đoạn 2 của dự án sản xuất 2 triệu tấn một năm thép dẹt cán nóng phục vụ cơ khí chế tạo, được triển khai ngay từ tháng 8/2017. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành đi vào sản xuất cuối năm 2019.
Liên quan đến dự án, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất hiện đang đẩy mạnh phối hợp với các trường đại học cao đẳng, tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận để tuyển dụng hàng ngàn lao động, đào tạo nguồn nhân lực cho dự án, đảm bảo dây chuyền được vận hành đồng bộ, hiệu quả ngay khi được đưa vào hoạt động.(NDH)