tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 31-12-2017

  • Cập nhật : 31/12/2017

Chuyện lạ đời: Việt Nam nhập cà phê từ Trung Quốc

Là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ sau Brazil, tuy nhiên lượng cà phê VN nhập khẩu lại đang tăng mạnh, chủ yếu dưới dạng rang xay, pha sẵn.

cay ca phe tay nguyen

Cây cà phê Tây Nguyên

Số liệu từ Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương cho thấy, VN đang tăng nhập cà phê từ các thị trường Mỹ, Brazil và Trung Quốc. Niên vụ 2016/2017, VN nhập khẩu từ các thị trường này khoảng 1 triệu bao, dự báo niên vụ tới (2017/2018) nhập gần 1,06 triệu bao (ước trên 63.600 tấn cà phê nhân).

Lý do được cơ quan quản lý xuất khẩu và các chuyên gia cà phê lý giải do nhiều chuỗi cà phê “Tây” du nhập vào VN ngày càng nhiều.

Đáng lưu ý, cách đây 5 - 7 năm, khi hàng loạt chuỗi cà phê ngoại du nhập vào, VN chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Mỹ và một số nước châu Âu. Tại thời điểm đó, Trung Quốc đang nhập cà phê thô từ các nước châu Á, trong đó từ VN chiếm đến 92%.

Ông Andrew Nguyễn, người đưa thương hiệu cà phê chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf về VN xác nhận công ty phải nhập toàn bộ nguyên liệu cà phê từ nước ngoài cho dù đầu tư kinh doanh tại VN, một quốc gia đang xuất khẩu cà phê vào hàng đầu thế giới.

Lý do được giải thích là do “gu” cà phê Việt không hợp với cà phê Tây vốn nhẹ hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa được nhiều chuyên gia thương mại cảnh báo từ lâu là VN không có một nền công nghiệp rang xay phối trộn cà phê chuyên nghiệp hợp “gu” toàn cầu. Còn Trung Quốc từ 5 - 10 năm trước ngoài việc tăng nhập cà phê thô, phát triển mạnh vùng nguyên liệu ở tỉnh Vân Nam, họ đã đầu tư nhiều cho công nghệ chế biến, rang xay cà phê.

Đến bây giờ, sau thời gian xuất thô miệt mài cho Trung Quốc, VN nay chính thức tăng nhập cà phê rang xay từ quốc gia này. Hiện Trung Quốc đang là “cái nôi” chế biến, rang xay cà phê cho các chuỗi cà phê lớn trên thế giới.

“Trong khi VN vẫn giậm chân tại chỗ trong phát triển công nghệ rang xay để tăng giá trị gia tăng hạt cà phê, thì Trung Quốc đã tiến một bước tiến lớn. Có thể trong tương lai gần, quốc gia này tiến lên vị trí “top” xuất khẩu cà phê của thế giới”, một chuyên gia cảnh báo, đồng thời làm phép tính so sánh: giá cà phê thô chỉ 3 USD/kg, nhưng nếu qua khâu chế biến, bán ra khoảng 50 - 70 USD/kg là chuyện bình thường.(Thanhnien)
------------------------------

Nomura: Bitcoin sẽ giúp Nhật Bản tăng trưởng GDP thực thêm 0,3% mỗi quý

"Khi giá trị tài sản tăng, người tiêu dùng thường chi tiêu nhiều hơn. Điều này còn có tên gọi là hiệu ứng tài sản", nhóm phân tích của Nomura do Yoshiyuki Suimon đứng đầu cho biết.

không chỉ là một loại tài sản ảo (ngược lại với tài sản vật lý), theo báo cáo mới đây của Nomura, Bitcoin giúp kích thích nền kinh tế thứ 3 thế giới.

Với đà tăng 1.500% của mình từ đầu năm đến nay, bitcoin đã mang lại cho các nhà đầu tư Nhật Bản một khoản lợi nhuận không nhỏ mà các nhà phân tích Normura cho rằng sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân Nhật Bản.

"Khi giá trị tài sản tăng, người tiêu dùng thường chi tiêu nhiều hơn. Điều này còn có tên gọi là hiệu ứng tài sản", nhóm phân tích của Nomura do Yoshiyuki Suimon đứng đầu cho biết.

"Dựa trên hiệu ứng tài sản từ những khoản lợi nhuận chưa được xác thực từ các giao dịch bitcoin của người Nhật Bản từ đầu năm tài chính đến nay, chúng tôi ước tính chi tiêu tiêu dùng tăng khoảng 23,2-96,0 tỷ yên".

Báo cáo cũng chỉ ra rằng khối lượng giao dịch bằng đồng yên trên các sàn bitcoin là khoảng 40% - lớn hơn cả khối lượng giao dịch bằng đồng USD.

800x-1

Biến động giá 2017 của bitcoin

Bitcoin giảm khoảng 25% kể từ khi đóng cửa ở mức đỉnh 20.000 USD vào ngày 18/12. Chiều ngày hôm qua, bitcoin được giao dịch ở khoảng 14.500 USD tại New York.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích Nomura vẫn tự tin cho rằng phần lợi nhuận mà các nhà đầu tư được hưởng lớn hơn nhiều so với phần thua lỗ trong một vài cú rơi gần đây.

"Hơn nữa, thực tế là đà tăng giá bitcoin tập trung trong quý IV/2017 và có thể tạo nên hiệu ứng tài sản vào quý I/2018. Và nếu đúng như vậy, chúng tôi ước tính tăng trưởng GDP thực tế sẽ tăng khoảng 0,3 điểm % mỗi quý".(cafeF)
--------------------------

Xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt kỷ lục trên 8,3 tỉ USD

Xuất khẩu của VN trong năm 2017 đạt trên 8,3 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2016 và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt kỷ lục trên 8,3 tỉ USD - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), với trên 300 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong nửa cuối tháng 12, xuất khẩu thủy sản của VN trong năm 2017 đạt trên 8,3 tỉ USD, tăng gần 19% so với năm 2016.

Đóng góp lớn nhất vào xuất khẩu thủy sản vẫn là mặt hàng tôm với mức tăng trưởng trên 21% với giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỉ USD.

Tiếp đến là mặt hàng cá tra đạt gần 1,8 tỉ USD, dù gặp khó khăn ở nhiều thị trường lớn nhưng tổng cộng vẫn tăng gần 4% so với năm ngoái.

Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc đều có khả năng chạm mức gần 600 triệu USD, tăng lần lượt 16% và 42% so với năm 2016.

Đáng chú ý trong xuất khẩu thủy sản năm 2017 là việc Trung Quốc đã vượt Mỹ trong top thị trường nhập khẩu cá tra và tôm của VN.

Với mức tăng 37% trong năm 2017 và giá trị nhập khẩu lên đến 420 triệu USD, Trung Quốc đang dẫn đầu các thị trường mua cá tra, và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 sau EU và Nhật Bản với giá trị 677 triệu USD, tăng trên 60% so với năm 2016.

Theo đánh giá của VASEP, Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng và tiềm năng cho các doanh nghiệp thủy sản trong thời gian tới.

VASEP cũng dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2018 sẽ đạt trên 8,5 tỉ USD.(Tuoitre)
------------------------

Kinh tế Trung Quốc đáng lo hơn trong năm 2018

Hãng tin CNBC vừa xem xét báo cáo triển vọng các thị trường toàn cầu năm 2018 được một số nhà phân tích hàng đầu thế giới công bố vài tuần trước và cho hay nhiều trong số này đưa việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vào đánh giá rủi ro của họ.

Chuyên gia David Woo tại Bank of America cho hay: “Khi Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 19 đã diễn ra, có nguy cơ rằng thời kỳ Trung Quốc tăng trưởng cao nhất đã ở phía sau chúng ta. Thật kỳ lạ, thị trường bỏ qua nhiều dữ liệu tiêu cực từ Trung Quốc trong những tuần gần đây. Có thể thị trường xem đây chỉ là các điều kiện tạm thời. Chúng tôi lo rằng Đại lục có thể dễ bị tổn thương một khi cải cách thuế ở Mỹ hoàn tất”.

Ông Woo cho rằng cải cách thuế ở Mỹ có thể dẫn đến tỷ giá USD đi lên và USD có thể làm tăng dòng chảy vốn khỏi Trung Quốc, làm suy yếu nhân dân tệ. Nếu điều này xảy ra, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể sẽ thắt chặt thanh khoản, song động thái này lại làm dấy lên lo ngại về triển vọng tăng trưởng.

Chuyên gia David Folkerts-Landau tại Deutsche Bank Research cũng cho rằng triển vọng của nhà băng về chứng khoán thế giới cũng sẽ lung lay nếu Trung Quốc giảm đáng kể các kế hoạch kích thích kinh tế.

Tháng 8.2015, lo ngại về việc kinh tế Trung Quốc đi chậm lại đáng kể lan ra thị trường toàn cầu sau khi nhân dân tệ bất ngờ bị phá giá. Nhân dân tệ yếu hơn trong vài tuần đầu năm 2016 góp phần khiến chỉ số Dow và S&P 500 có khởi đầu năm mới tệ nhất trong lịch sử.

Từ lúc đó, chính phủ Trung Quốc đã và đang chứng minh rằng họ vẫn có thể kiểm soát nền kinh tế. Song sự ổn định lại đi kèm với cái giá của núi nợ chất cao. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng 10 cảnh báo rằng tài sản ngành ngân hàng Trung Quốc đã tăng đều từ 240% GDP hồi cuối năm 2012 lên 310% GDP năm nay. S&P Global Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Trung Quốc trong tháng 9, nối gót động thái của Moody’s trong tháng 5.

Chính phủ Trung Quốc có đủ nguồn lực để ngăn chặn rủi ro vỡ nợ, song điều này vẫn sẽ khiến thị trường tài chính thế giới tăng biến động cho đến khi tình hình ổn định hơn, UBS Wealth Management cho hay.

Hiện Đại lục đang tập trung giảm phụ thuộc vào nợ. Tuần trước, Bắc Kinh đưa ra kế hoạch kinh tế cho năm 2018, cho hay chính sách tiền tệ thận trọng cần được giữ trung lập bên cạnh việc kiểm soát nguồn cung tiền tệ. Tài trợ tín dụng và tài chính xã hội nên tăng trưởng hợp lý.

Trái với những ý kiến trên, một số nhà phân tích vẫn lạc quan về kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, đa phần những chuyên gia này tập trung vào một “Trung Quốc mới” được thúc đẩy bởi đổi mới công nghệ, hoạt động đã diễn ra nhiều năm nay. Ngay cả khi tăng trưởng chậm lại, kinh tế Đại lục vẫn được dự báo vượt Mỹ.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục