Chuyện lạ đời: Việt Nam nhập cà phê từ Trung Quốc; Nomura: Bitcoin sẽ giúp Nhật Bản tăng trưởng GDP thực thêm 0,3% mỗi quý; Xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt kỷ lục trên 8,3 tỉ USD; Kinh tế Trung Quốc đáng lo hơn trong năm 2018
Tin kinh tế đọc nhanh 30-12-2017
- Cập nhật : 30/12/2017
Năm 2017, TP.HCM đã chấp thuận cho M&A 20 dự án bất động sản
Trong năm 2017, thành phố có 27 hồ sơ xin dự án được mua bán, chuyển nhượng, đã có 20 dự án đã được UBND thành phố chấp thuận cho M&A.
Trong báo cáo về thị trường bất động sản của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), hiệp hội cho rằng nhìn tổng thể năm 2017, thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trở lại, mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016, đóng góp 0,21% trong tổng mức tăng trưởng GDP của cả nước (theo số liệu của Tổng cục thống kê), và tiếp tục xu thế tái cấu trúc thị trường, tái cơ cấu đầu tư để có sự chuyển hướng mạnh hơn vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền để đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tình hình thị trường bất động sản năm 2017 vẫn còn những mặt hạn chế, tiêu cực và tiềm ẩn một số nhân tố có khả năng tạo ra bất ổn và rủi ro trong thời gian tới, như tình trạng thiếu cân đối sản phẩm nhà ở, lệch pha cung - cầu, thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, căn hộ nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ, có 1-2 phòng ngủ, có giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng; trong lúc phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp có dấu hiệu cung vượt cầu; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; đồng thời với việc gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp.
Thị trường nhà ở thương mại của thành phố trong năm 2017 đã có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 42.991 căn nhà (trong đó, có 37.502 căn hộ chung cư, 5.489 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị cần huy động vốn lên đến 86.421 tỷ đồng (Số liệu này chưa bao gồm các dự án hoàn thành xây dựng nhà rồi mới bán, và cũng chưa bao gồm các khu đất phân lô tách thửa, bán nền nhà), tập trung nhiều hơn ở khu vực phía đông (quận 2, quận 9, Thủ Đức), phía nam (quận 7, Nhà Bè, quận 8, Bình Tân).
Trong đó, phân khúc cao cấp có 10.987 căn, chiếm tỷ lệ 25,5% (tăng 3.747 căn, tỷ lệ tăng 22,9% so với năm 2016); phân khúc trung cấp có 19.509 căn, chiếm tỷ lệ 45,5% (tăng 1.081 căn, tỷ lệ tăng 16,4% so với năm 2016); phân khúc bình dân có 12.495 căn, chiếm tỷ lệ 29,1% (tăng 5.026 căn, tỷ lệ tăng 67,3% so với năm 2016).
Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền (trung cấp và bình dân) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất đến 74% trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong năm 2017 tương tự như năm 2016; đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ).
Nhưng tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ có 12.495 căn, chiếm 29,1% vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang, công nhân lao động, sinh viên, người thu nhập thấp đô thị và người nhập cư.
Thị trường bất động sản đã có sự chuyển hướng quan trọng đầu tư bất động sản xanh, hình thành những khu vực ở có không gian sống với nhiều cây xanh, mặt nước, thân thiện môi trường, có nhiều tiện ích, dịch vụ, sử dụng thiết bị thông minh, tiết kiệm điện, nước, sử dụng năng lượng tái tạo.
Về tình hình chuyển nhượng dự án (M&A), trong năm 2017 đã có 27 hồ sơ xin dự án được mua bán, chuyển nhượng, trong đó có 7 dự án đang trong quá trình thẩm định hoặc phải hoàn thiện thêm các thành phần hồ sơ theo quy định, và đã có 20 dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận cho chuyển nhượng.
Thị trường văn phòng cho thuê tại thành phố phát triển tốt trong năm 2017, tỷ lệ lấp đầy khá cao, riêng văn phòng loại A, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%, tổng nguồn cung văn phòng cho thuê hiện nay có khoảng hơn 1,8 triệu m2 sàn.
Trong quý III/2017, nguồn cung chỉ bổ sung thêm khoảng 26.000 m2 văn phòng loại A; không có thêm nguồn cung văn phòng loại B; giá thuê văn phòng hạng A bình quân khoảng 36,7 USD/m2/tháng, giảm nhẹ so với tháng 06/2017 (37 USD/m2/tháng); hạng B khoảng 20,7 USD/m2/tháng, giảm nhẹ so với tháng 06/2017 (22 USD/m2/tháng); trong quý III/2017, nguồn cung mới văn phòng hạng A khoảng 32.000 m2; không có nguồn cung mới văn phòng hạng B.
Thị trường bất động sản thương mại bao gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang phát triển mạnh với nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng như Co.op Mart, VinMart, Satra Mart và đã có nhiều thương hiệu quốc tế thâm nhập thị trường rất mạnh như Aeon, Central, Auchan Super - Simply Mart, Family Mart, Seven Eleven, E Mart.., nhưng với việc phát triển thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, và các thương hiệu lớn của thế giới tiếp tục vào Việt Nam, kể cả thôn tính các thương hiệu Việt, đang tác động rất mạnh đến các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trong nước. Đồng thời, với rất nhiều dự án chung cư có khối đế kinh doanh thương mại quy mô trung bình (chỉ khoảng vài trăm đến vài ngàn m2 sàn) thì nhiều chủ đầu tư đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác để khai thác, kinh doanh.
Thị trường căn hộ khách sạn, căn hộ dịch vụ, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (officetel, serviced apartment, condotel, hometel, biệt thự trong khu du lịch) đang có sự phát triển rất mạnh, rất nhiều trong thời gian qua, có dấu hiệu cung vượt cầu.
Tỷ lệ căn hộ condotel hiện chiếm khoảng 56%, cao hơn nguồn cung phòng khách sạn, resort (chỉ chiếm 44%) tổng nguồn cung là không bình thường, vì thông thường ở các nước, nguồn cung căn hộ condotel thường thấp hơn nguồn cung phòng khách sạn, resort; và việc chủ đầu tư cam kết lợi nhuận lên đến 8 - 12%/năm trong 8 - 12 năm, nhưng không có biện pháp để bảo đảm chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết nên đã tiềm ẩn yếu tố rủi ro cho nhà đầu tư thứ cấp; một vấn đề cần được Nhà nước quan tâm giải quyết là tính pháp lý của loại sản phẩm này do hiện nay chưa được quy định rõ ràng trong hệ thống pháp luật mà Hiệp hội đã nhiều lần cảnh báo.
Cơn sốt "giá ảo" đất nền phân lô trong những tháng đầu năm 2017 tại một số quận ven và huyện ngoại thành đã được hạ nhiệt kịp thời nhờ có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo thành phố, và sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành chức năng và các quận, huyện, đồng thời qua đó đã giúp tăng cường sự minh bạch thông tin về quy hoạch, về chính sách tách thửa đất ở của thành phố rất được người dân đồng tình, hoan nghênh. Tuy nhiên, hiện nay, do khan hiếm nguồn cung nên đang có dấu hiệu sốt giá đất nền quay trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.(Bizlive)
-------------------------
Xuất khẩu Việt Nam tăng kỷ lục, đạt hơn 213 tỷ USD
Với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2016 - mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá: “Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam đã viết nên một kỳ tích”.
Thưa ông, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 thực ra vẫn thấp hơn nhiều so với những năm trước đây, vì thế, nói xuất khẩu năm nay lập kỳ tích có lẽ hơi quá?
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 21% (loại trừ yếu tố giá tăng 17,6%) là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2007, năm 2008 và năm 2011 (đạt tương ứng 139,8%, 128,6% và 125,8%).
Tuy nhiên, năm 2017 được coi là kỳ tích vì những năm trước đây, xuất khẩu dầu thô và tài nguyên thiên nhiên chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu hàng xuất khẩu, còn năm 2017 thì ngược lại, những mặt hàng sản xuất trong nước, đặc biệt là điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng… chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu kim ngạch hàng xuất khẩu. Điều đáng nói nữa là, không ai ngờ mặt hàng rau quả năm nay lại đạt kim ngạch xuất khẩu tới 3,52 tỷ USD, tăng hơn 43%.
Nếu “luận công xét thưởng”, những đối tượng nào góp công lớn nhất vào thành tích xuất khẩu năm 2007, thưa ông?
Đây là thành quả của công cuộc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là giảm thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm tối đa thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng tinh thần chỉ đạo trong 4 Nghị quyết 19/NQ-CP được ban hành liên tiếp từ năm 2014 đến năm 2017.
Đây cũng là thành quả của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, với rất nhiều chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó, đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ đã “ấn định”, trong năm 2017, thời gian thông quan hàng hóa tối đa là 70 giờ đối với xuất khẩu, 90 giờ đối với nhập khẩu.
Kết quả trên có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và hàng triệu hộ nông dân - những người đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản. Nhưng nếu “luận công xét thưởng”, thì Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công rất lớn. Hồi đầu năm, chúng tôi cũng thật sự lo ngại tình trạng “được mùa rớt giá” khi Long An mở rộng diện tích trồng cây thanh long, nhưng cuối cùng, quả thanh long cũng như xoài, vải… và mới đây là vú sữa đã có được “visa” để xuất ngoại, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu 3,52 tỷ USD. Có được kết quả này không thể không nhắc tới sự năng động, sáng tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Nhưng không thể phủ nhận rằng, “kỳ tích xuất khẩu” của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khu vực doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Samsung?
Trong tổng số 213,77 tỷ USD xuất khẩu thì khu vực kinh tế trong nước đóng góp 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) chiếm 155,24 tỷ USD, tăng 23%. Năm 2017, Samsung tạo ra 1,21 triệu tỷ đồng giá trị sản xuất, tăng 31% so với năm 2016; xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện đạt 25,9 tỷ USD, tăng 36,5%; điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 31,4%. Chỉ riêng Công ty Samsung đã đóng góp 5,34 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 14,5% của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo và đóng góp 3,88 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng 9,4% của toàn ngành công nghiệp.
Không thể phủ nhận sự đóng góp rất lớn của khu vực doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung… Đây cũng chính là thành quả của nền kinh tế Việt Nam, vì trên thế giới, không chỉ những nước đang phát triển, mà ngay cả những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… cũng tập trung thu hút vốn FDI.
Thực tế, chính các nước phát triển là những nước thu hút FDI nhiều nhất. Chính phủ Hoa Kỳ đã và đang giảm rất mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 20% và dự kiến giảm xuống 15% nhằm thu hút vốn FDI và giữ chân doanh nghiệp nội địa. Vì vậy, việc Việt Nam thu hút được các tập đoàn hàng đầu thế giới, doanh nghiệp FDI đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước, chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất nhập khẩu là điều đáng mừng, chứ không phải đáng lo ngại.
Đang trên đà xuất khẩu thuận lợi, nhưng năm 2018, Quốc hội chỉ đặt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7 - 8%, bằng với mục tiêu năm 2017. Ông có nghĩ rằng, mục tiêu này là khiêm tốn?
Nếu đạt được mục tiêu này, thì kim ngạch xuất khẩu năm 2018 phải đạt 230 tỷ USD. Mục tiêu đặt ra đã được tính toán rất kỹ vì xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường thế giới, biến động giá cả trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu dùng của người dân và sự phục hồi của kinh tế thế giới, do thương mại chỉ tăng trưởng khi kinh tế tăng trưởng.
Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 ở mức 7 - 8% là hợp lý, vì theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 là 3,8% - giảm so với mức tăng 4% của năm 2017. Tương tự, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 là 3,9% - cũng giảm so với năm 2017.
Tôi cho rằng, năm 2018, để đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 230 tỷ USD là không hề dễ dàng trước xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng rõ nét. Thậm chí, nếu không quyết liệt ngay từ đầu năm, thì mục tiêu này khó có thể đạt được, vì hiện tại, EU đã “rút thẻ vàng” đối với hàng thủy sản, còn Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với nhiều sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.(baodautu)
---------------------
Ngành nông nghiệp hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng
Tại cuộc họp báo ngày 29/12 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn cho biết, năm 2017, ngành đã về đích với các chỉ tiêu Chính phủ giao đều hoàn thành, có chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Nhà máy chế biến đông lạnh cá tra, công suất 600 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia (IDI), thuộc Sao Mai Group. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,94%, vượt mục tiêu so với Chính phủ đề ra là 2,84%. Về mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản, Chính phủ đề ra là 32-33 tỷ USD, ngành đã đạt con số 36,37 tỷ USD, vượt tới hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.
Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng mục tiêu nông thôn mới đã đạt 2.884 xã, đạt 32,3% - vượt kế hoạch được giao là 31%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%, số vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng giảm 23% và thiệt hại do phá rừng, cháy rừng giảm 68% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2017 được ghi nhận là một năm có nhiều biến động về thời tiết với 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, cùng với đó là mưa lớn, lũ ống, lũ quét... xảy ra trên diện rộng ở khắp các vùng miền của cả nước. Nếu như năm 2016 tổng thiệt hại do thiên tai là 39.000 tỷ đồng thì năm 2017, mặc dù chưa thống kê đầy đủ tổng mức thiệt hại đã lên tới gần 60.000 tỷ đồng, cho thấy mức độ khốc liệt và khó khăn do thử thách của thiên tai.
“Nếu không tính thiệt hại do cơn bão số 10, số 12, thì ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có khả năng sẽ đạt tăng trưởng 3,1%”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay.
Vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức đó, cả hệ thống chính trị và các bộ, ngành, các cấp, các tỉnh, thành phố đã vào cuộc ráo riết, quyết liệt, tập trung để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với thị trường.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc đạt và vượt các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra trong một năm đầy thử thách về thiên tai, thị trường đã bước đầu khẳng định ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đi đúng hướng trong quá trình cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017 cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc xoay trục phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực, xác định những ngành hàng có lợi thế. Trước đây, chúng ta coi trọng sản xuất lúa gạo là hàng đầu, nhưng nay chuyển sang ưu tiên phát triển những ngành hàng có giá trị cao như thủy sản, rau quả, đồ gỗ...
“Tái cơ cấu sản xuất đã đạt được hiệu quả, thiết thực hơn, góp phần tăng trưởng giá trị ngành”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Với hướng đi đó, trong năm 2017 ngành đã xác lập nhiều dấu mốc kỷ lục mới: xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 8,4 tỷ USD, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 8 tỷ USD.
Năm 2017, các mô hình phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng tăng cao. Đã có trên 1.400 hợp tác xã, 1.000 tổ hợp tác được thành lập, nâng tổng số hợp tác xã trong ngành lên trên 12.200 hợp tác xã, trong đó trên 30% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt, cùng với xu hướng doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp đầu tư vào ngành cũng có nhiều tiến bộ thực sự. Năm 2017, đã có gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên trên 5.600 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính.
Trong năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chọn là Năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Các vấn đề an toàn thực phẩm đang được kiểm soát khá chặt chẽ, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm như sử dụng tràn lan hoá chất, kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi. Trong năm, kết quả kiểm tra trên cả nước không phát hiện chất cấm salbutamol.
Cùng với đó, tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0,63% (21/3341 mẫu), giảm gần 3 lần so với năm 2016. Tỷ lệ mẫu thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản vi phạm chỉ tiêu hoá chất, kháng sinh là 0,89%. Tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng bảo vệ thực vật cũng giảm xuống chỉ còn 0,6% thay vì 2,05% (năm 2016).
Tính đến thời điểm hiện nay, trên phạm vi toàn quốc đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm và thuỷ sản an toàn. Trong năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo an toàn thực phẩm nhóm thực phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; trọng tâm là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Để triển khai cơ cấu lại ngành hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ cả 3 khâu: thứ nhất, phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng miền để lựa chọn đối tượng sản xuất; thứ hai, đi sâu hơn vào chế biến; thứ ba là mở rộng thị trường, nhất là những thị trường mới, có tiềm năng.(TTXVN)
--------------------------
Hà Nội điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các ô đất HH1, HH2, CT2, CT3 và CT6A thuộc khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang I, với tổng diện tích các ô đất điều chỉnh là 81.511m2.
Khu đô thị Tây Nam Kim Giang có tổng diện tích 49,89ha, trong đó 36ha đất của xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), 12,5ha đất thuộc phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), phần đất còn lại thuộc phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân).
Theo quyết định vừa được phê duyệt, khu đô thị này sẽ được điều chỉnh chức năng và tầng cao công trình tại các ô đất trên cơ sở giữ nguyên tổng số người trong các ô đất là 3.663 người. Trong đó, tại ô đất HH1, điều chỉnh chức năng đất giảm chức năng khách sạn; diện tích xây dựng tăng 12.508m2, tầng cao là 5 và 25, dân số tăng lên 336 người.
Tại ô đất HH2, được điều chỉnh sang chức năng nhà ở thấp tầng với diện tích xây dựng tăng lên 5.081m2; ngược lại dân số giảm 355 người. Tại ô đất CT2, diện tích đất xây dựng tăng 6.246m2, dân số giảm 732 người.
Đặc biệt, tại hai ô đất nhà cao tầng là CT3 và CT6A sẽ tăng 2 tầng để bố trí dịch vụ công cộng. Theo đó, dân số hai ô đất này cũng tăng lần lượt 583 người và 168 người.
Cùng với việc điều chỉnh số người tại các ô đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, san nền, cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường, cấp điện… cũng được điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch của khu vực.
Các nội dung khác không thuộc nội dung điều chỉnh cục bộ các ô đất nêu trên thì giữ nguyên theo quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt.
Việc điều chỉnh quy hoạch này nhằm đa dạng loại hình căn hộ cho thị trường, tăng hiệu quả khai thác và sử dụng quỹ đất một cách hợp lý các ô đất, tạo thành nguồn thu hỗ trợ dự án xây dựng cải tạo lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ.
Nguyên tắc điều chỉnh là giữ nguyên vị trí, ranh giới, diện tích ô đất, chức năng sử dụng đất của từng ô đất, không làm tăng tổng quy mô dân số tại các ô điều chỉnh, không làm ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang I đã được UBND TP phê duyệt.(Bizlive)