tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-12-2017

  • Cập nhật : 31/12/2017

Top 10 đại gia ngân hàng giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2017: VPBank độc chiếm

Tất cả 10 đại gia này đều là gương mặt mới trên sàn và đều đến từ một ngân hàng duy nhất

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam của BizLIVE, chốt phiên giao dịch cuối cùng năm 2017 (ngày 29/12), tổng tài sản của top 10 đại gia ngân hàng giàu nhất sàn đạt 24.651 tỷ đồng, chiếm 8,31% tổng tài sản của top 100 người giàu.

Một điều đáng chú ý, tất cả 10 đại gia này đều là gương mặt mới trên sàn và đều đến từ một ngân hàng duy nhất - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Nói là gương mặt mới, bởi VPBank mới chỉ gia nhập HoSE từ hồi giữa tháng 8/2017. Với giá của ngày giao dịch đầu tiên là 39.000 đồng/cổ phiếu kéo giá trị vốn hóa của ngân hàng lên gần 52 nghìn tỷ đồng, vượt qua tất cả các ngân hàng cổ phần tư nhân đã niêm yết.

Sau hơn 4 tháng lên sàn, dù giá cổ phiếu VPB có những lúc chồi sụt nhưng nhìn chung, xu hướng tăng vẫn chiếm ưu thế. Kết thúc năm 2017, cổ phiếu VPB đứng ở mức 41.000 đồng/cổ phiếu, tăng 5,1% so với giá ngày giao dịch đầu tiên.

Là một trong những ngân hàng có giá trị vốn hoá lớn nhất sàn, nên việc hàng loạt lãnh đạo ngân hàng lọt vào top những người giàu nhất sàn chứng khoán cũng là một điều dễ hiểu.

Hiện ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank đang nắm 70,25 triệu cổ phần, chiếm 4,6% vốn điều lệ ngân hàng.

Với mức giá 40.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, ước tính giá trị số cổ phiếu mà Chủ tịch VPBank đang nắm giữ đạt mức 2.834 tỷ đồng, đứng thứ 13 trên bảng những người giàu nhất sàn chứng khoán và đứng vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng đại gia trong ngành ngân hàng.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Quyên, mẹ đẻ ông Dũng và vợ ông là bà Hoàng Anh Minh cùng đang nắm hơn 67,9 triệu đơn vị, tương đương 4,831% vốn ngân hàng. Ước tính tổng số cổ phần mà mẹ và vợ Chủ tịch đang nắm giữ trị giá lên tới 5.569 tỷ đồng, xếp vị trí thứ hai và ba trong danh sách đại gia ngân hàng.

Tính ra, Chủ tịch VPBank cùng người có liên quan đang nắm tới khoảng 205 triệu cổ phiếu VPB, tức 14,562% vốn điều lệ ngân hàng, tương đương với tổng tài sản khoảng hơn 8449 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch HĐQT hiện đang nắm gần 35,8 triệu cổ phần, tương đương 2,3% vốn ngân hàng. Vợ ông, bà Kim Ngọc Cẩm Ly nắm tới hơn 66,3 triệu đơn vị, tương đương 4,4% vốn. Với việc nắm tổng cộng 6,7% vốn điều lệ ngân hàng, tài sản của vợ chồng Phó Chủ tịch lên tới 4.186 tỷ đồng. Trong khi ông Quân đứng thứ 10 trên bảng người giàu thì vợ ông lại đang đứng ở vị trí thứ 4.

Bà lý Thị Thu Hà, mẹ đẻ của ông Lô Bằng Giang, Phó Chủ tịch VPBank đang là đại gia giàu thứ 5 khi nhân vật này đang nắm giữ 64,57 triệu cổ phiếu, tương đương 4,3% vốn ngân hàng. Với số cổ phiếu này, tài sản của mẹ Phó chủ tịch đạt khoảng 2.647 tỷ đồng.

Trong khi đó, vợ ông Giang là bà Nguyễn Thu Thuỷ cũng đang là người đứng thứ 9 với tổng tài sản lên đến 1.908 tỷ đồng.

Trong khi đó, hồi giữa tháng 9, VPBank đã chào bán riêng lẻ 165 triệu cổ phiếu cho 3 cổ đông cá nhân bao gồm Lê Việt Anh, Nguyễn Phương Hoa và Trần Ngọc Lan.

Với giá phát hành 39.000 đồng, tương đương giá tham chiếu khi cổ phiếu VPB niêm yết, ước tính 3 cá nhân này đã chi ra 6.424 tỷ đồng để mua cổ phiếu.

Cùng với 17,2 triệu cổ phiếu nắm giữ trước giao dịch, hiện nhóm cổ đông này đang sở hữu gần 182 triệu cổ phiếu, tương đương 11,58% vốn điều lệ. Đây cũng là ba cá nhân giữ vị trí giàu thứ 6, 7 và 8 trong số các đại gia ngân hàng trên sàn.(Bizlive)
-----------------------

4 cách định giá đất giúp nhà đầu tư tránh bẫy sốt ảo

Tại buổi tọa đàm Cơ hội đầu tư bất động sản Sài Gòn – Góc nhìn của người trong cuộc, chuyên gia nhà phố Nguyễn Tấn Phong nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến định giá đất như thế nào khi thị trường sốt ảo. Giá đất TP HCM nóng sốt thời gian qua liệu có còn dư địa tăng giá trong những năm tiếp để đầu tư?

Ông Phong cho rằng thiếu sót của đa số người mua nhà đất nằm ở chỗ khả năng thẩm định giá hoặc tự khảo sát giá bất động sản còn hạn chế, dẫn đến mua đắt hoặc mua hớ hay không có cơ sở để thương lượng mức giá hợp lý khi bên bán hét giá trên trời. Đặc biệt khi cơn sốt đất tại TP HCM lan rộng, nỗi hoang mang lo ngại vớ phải hàng treo giá ảo càng lớn.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, thực tế thẩm định giá bất động sản không phải là công việc đánh đố nhà đầu tư. Đây là hoạt động có rất nhiều lời giải đơn giản chứ không phức tạp như mọi người lầm tưởng. Ông Phong đưa ra một số bí quyết tự định giá đất theo cách của riêng ông, đúc kết từ gần 10 năm lăn lộn trên thị trường nhà đất TP HCM.

nguoi mua co the kiem tra gia dat co bi ke ao hay khong bang cach lay khung gia dat nha nuoc ban hanh nhan cho 4, neu dap an vuot xa nguong nay, hay dat nghi van hoac thuong luong muc gia hop ly hon. anh: vu le

Người mua có thể kiểm tra giá đất có bị kê ảo hay không bằng cách lấy khung giá đất Nhà nước ban hành nhân cho 4, nếu đáp án vượt xa ngưỡng này, hãy đặt nghi vấn hoặc thương lượng mức giá hợp lý hơn. Ảnh: Vũ Lê

Lấy giá đất do Nhà nước quy định nhân 4

Định giá dựa trên giá trị đất theo cung đường trong bảng giá đất quy định của UBND thành phố. Đây là cách nhanh nhất, thường thì giá trị đất mặt tiền của một cung đường, sẽ vào khoảng trên dưới 4 lần so với đơn giá Nhà nước quy định.

Cách làm này dựa trên nguyên tắc ước tính giá đất thị trường hiện nay đang cao hơn 3-4 lần so với khung quy định tại bảng giá đất TP HCM (ban hành năm 2015 và điều chỉnh 5 năm một lần). Hệ số 3,8-4,5 được ông Phong ước tính là độ vênh bình quân có thể chấp nhận được. Trên thực tế, gần 80% giao dịch nhà đất thành công trên thị trường được chuyên gia này thống kê đã chấp nhận khoảng cách này.

Ví dụ: đất đường Cô Giang, quận Phú Nhuận, TP HCM, khung Nhà nước quy định năm 2015 là 19,5 triệu đồng mỗi m2 trọn tuyến đường. Lấy khung giá này nhân cho 3,8-4,5 sẽ ra mức giá tiệm cận ở mức tương đối thị trường hiện nay (2017). Có thể dao động 10-15% tùy diện tích của thửa đất và vị trí. Giả sử giá thị trường của đường Cô Giang được chào bán gấp 10 lần khung giá đất do Nhà nước quy định, nhà đầu tư cần phải đặt nghi vấn, kiểm tra và đối chiếu kỹ vì có dấu hiệu bị kê khung giá ảo.

Trên thực tế cơn sốt đất năm 2017 lan rộng tại TP HCM đang khiến cho giá đất nhiều tuyến đường bị tăng ảo gấp 10-16 lần so với quy định của bảng giá đất. Đây là độ vênh khó có thể được thị trường chấp nhận hoặc chưa từng có giao dịch, đồng nghĩa với giá ảo. Nếu khu vực bạn tính mua đã vừa trải qua những đợt cải tạo hạ tầng hay có những điểm nhấn tiện ích công cộng hay những công trình tiện ích khác, giá trị có thể tăng lên tầm 6 đến 8 lần.

Lấy giá cho thuê làm mốc - so sánh giá tương đồng

Nếu bất động sản đang được cho thuê với lợi suất cao hơn gửi ngân hàng và đây là mức giá thuê ổn định thì nhà đầu tư có thể kiểm tra pháp lý và mua không cần đắn đo.

Nếu vẫn chưa yên tâm, nhà đầu tư có thể định giá thông qua việc so sánh các bất động sản tương đồng ở khác khu vực. Một số khu vực tập trung sẽ có giá trị tương đồng, nếu chọn lựa để mua bất động sản ở một khu vực ở khác, hay lựa chọn và phân tích thêm các yếu tố này.

Định giá từ kho kinh nghiệm của môi giới

Định giá trên kinh nghiệm thị trường của các nhà môi giới chuyên nghiệp. Một môi giới chuyên nghiệp tại khu vực sẽ cập nhật cho bạn được giá đất cùng kỳ hằng năm một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất.

Định giá thông qua ngân hàng

Quy trình thẩm định tài sản bất động sản để cho vay của ngân hàng khá chặt chẽ. Nếu có được sự hỗ trợ này từ phía ngân hàng, người mua sẽ an tâm hơn về giá trị khu đất mình đang để mắt tới. Tuy nhiên quy trình này thường mất thời gian, có thể khiến cho người mua bị vuột mất cơ hội vì ra quyết định quá chậm. Các ngân hàng sẽ định giá ở mức an toàn, vậy nên giá thực tế có thể cao hơn từ 10-20%.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn có thể tham khảo kết quả từ các đơn vị thẩm định giá chuyên nghiệp có trả phí hoặc miễn phí đang khá thịnh hành trên cộng đồng mạng.(Vnexpress)
---------------------------

Tài sản người giàu trên sàn chứng khoán tăng gấp đôi

Hôm qua 29.12, hàng loạt cổ phiếu tiếp tục tăng giá, đưa tài sản của những người giàu nhất sàn chứng khoán VN lên cao hơn gấp đôi so với cuối năm trước.

10 người sở hữu 12 tỉ USD

Kết thúc năm 2017, chỉ số VN-Index đạt mức 984,24 điểm. So với cuối năm trước, VN-Index đã tăng được 48%. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng tăng thêm được 46% khi chốt năm ở mức 116,86 điểm. Sự thăng hoa của thị trường khiến hàng loạt cổ phiếu (CP) tăng giá mạnh. Từ đó, số lượng người giàu trên sàn chứng khoán cũng gia tăng đáng kể. Nếu cách đây vài năm, chỉ cần tài sản có trị giá hơn 1.000 tỉ đồng đã có mặt trong danh sách Top 10 dẫn đầu trên sàn thì nay để lọt được vào danh sách này, giá trị tài sản phải hơn 5.000 tỉ đồng. 

Theo thống kê, tổng giá trị số CP đang được niêm yết trên sàn chứng khoán VN của 10 người giàu nhất hiện đạt hơn 277.000 tỉ đồng, tương ứng hơn 12 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi so với cuối năm trước. Dẫn đầu vẫn là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC), với tổng tài sản trị giá hơn 124.000 tỉ đồng, tương ứng 5,4 tỉ USD. Khối tài sản này bao gồm 27,4% CP tại VIC do ông Vượng sở hữu trực tiếp và lượng sở hữu gián tiếp qua Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư VN (công ty cũng do ông Vượng nắm quyền kiểm soát). Còn theo xếp hạng của tạp chí Forbes (Mỹ), ông Vượng đang đứng ở vị trí người giàu thứ 501 trên thế giới với tổng tài sản trị giá 4,3 tỉ USD.

Như vậy liên tục trong 7 năm, vị trí dẫn đầu của tỉ phú Phạm Nhật Vượng vẫn chưa có đối thủ. CP VIC tăng mạnh cũng làm tài sản của hai nữ doanh nhân là bà Phạm Thu Hương - vợ ông Phạm Nhật Vượng - đang đứng ở vị trí thứ 6 và bà Phạm Thúy Hằng đứng vị trí thứ 8 với tài sản trị giá lần lượt là 9.650 tỉ đồng và hơn 6.444 tỉ đồng.

Vị trí thứ hai năm nay vẫn thuộc về ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Công ty cổ phần FLC và ROS với lượng CP trị giá hơn 58.817 tỉ đồng. Tuy nhiên sự giàu có khá nhanh của ông Quyết vẫn khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ, nhất là trong năm nay ông Quyết đã bán chui số lượng lớn CP FLC mà không công bố.

Hầu hết CP của những người giàu đã có mức tăng ấn tượng trong năm qua như HPG, MWG đều cùng tăng 70%. Chỉ riêng NVL của Novaland tăng vỏn vẹn 5% khiến ông chủ Bùi Thành Nhơn từ vị trí thứ 5 trước đó bị đẩy lùi xuống thứ 7.

Tài sản người giàu trên sàn chứng khoán tăng gấp đôi - ảnh 2

Xuất hiện gương mặt mới

Vị trí nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán của bà Phạm Thu Hương trong nhiều năm qua đã được thay thế bởi bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet, với số CP đang sở hữu có trị giá hơn 24.746 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên bà Phương Thảo xuất hiện trong Top 10 người giàu trên sàn chứng khoán VN và đứng ở vị trí thứ ba. Bà Phương Thảo cũng được Forbes ghi nhận là tỉ phú thứ hai của VN với khối tài sản ước đạt 2,4 tỉ USD, được xếp hạng thứ 1.020 người giàu nhất hành tinh. Ước tính khối tài sản của nữ tỉ phú này sẽ còn gia tăng đáng kể khi Ngân hàng HDBank chính thức niêm yết trong đầu tháng 1.2018.

Gương mặt mới thứ hai trong top 10 năm nay là ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vicostone (VCS) đang niêm yết trên sàn Hà Nội. Giá CP VCS đang ở mức 232.000 đồng/CP, tăng gần 81% so với cuối năm trước. Ngoài sở hữu trực tiếp hơn 2 triệu CP của VCS, ông Năng cũng là Chủ tịch Công ty cổ phần Phượng Hoàng Xanh A&A đang sở hữu hơn 61,3 triệu CP VCS. Do đó tổng trị giá tài sản đang niêm yết của ông Hồ Xuân Năng đạt 14.695 tỉ đồng, đứng ở vị trí thứ 5. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động lùi xuống vị trí thứ 9 dù tài sản năm nay đạt hơn 6.000 tỉ đồng, tăng thêm hơn 1.500 tỉ đồng so với trước. Đứng cuối danh sách là bà Vũ Thị Hiền, vợ doanh nhân Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, thị trường chứng khoán tăng mạnh kéo theo lượng CP tăng giá nhiều đã giúp tài sản các doanh nhân tăng đáng kể. Số doanh nhân giàu nhất trong lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm đa số. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định danh sách người giàu trên sàn chứng khoán VN chủ yếu vẫn là những ông chủ trong lĩnh vực bất động sản cho thấy nhu cầu về nhà ở, đất đai, công xưởng... luôn rất lớn, nhất là ở thành phố lớn như TP.HCM. “Sẽ rất khó để có nhiều gương mặt mới thay thế trong top đầu về người giàu này. Trong khi tại Mỹ, danh sách người giàu liên tục thay đổi vì có nhiều công ty công nghệ, có khả năng tạo ra những thành công đột biến khiến tài sản công ty và CP tăng vọt. Còn ở VN, các công ty công nghệ vẫn có quy mô nhỏ, những đơn vị khởi nghiệp thành công chưa nhiều nên khó cạnh tranh được về giá trị tài sản với những ông chủ các doanh nghiệp đã ra đời và hoạt động lâu năm kể trên”, chuyên gia Đinh Thế Hiển chia sẻ thêm.

Theo Bloomberg, một thị trường cận biên tăng mạnh nhất trong nhóm các thị trường châu Á về phương diện phần trăm trong năm nay là VN. Quy mô của thị trường chứng khoán VN đã tăng gấp đôi trong năm vừa qua, chủ yếu là nhờ các đợt thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, đợt niêm yết thành công của các doanh nghiệp lớn, và đáng chú ý nhất là mức nhảy vọt của VN-Index. Hiện nay, quy mô của thị trường chứng khoán VN đã gần bắt kịp Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.(Thanhnien)
-------------------------

Không bán cổ phần Tập đoàn Cao su Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài vì sao?

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trong phương án cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam không có nhà đầu tư nước ngoài vì đây là Tập đoàn có vốn lớn, đất đai lớn, lao động cũng rất lớn.

Không bán cổ phần Tập đoàn Cao su Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài vì sao?

Ảnh minh họa.

Tại buổi họp báo về tình hình của ngành năm 2017 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 29/12, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt tiêu chí, quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nước sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, không bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; bảo đảm nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

“Đây là Tập đoàn có vốn lớn, diện tích đất đai lớn không chỉ trong nước mà quốc tế, cụ thể trong nước với hơn 300.000 ha và nước ngoài hơn 100.000 ha, số lượng lao động thường xuyên và thời vụ cũng rất lớn. Việc tiến hành cổ phần hóa Tập đoàn này diễn ra rất thận trọng, cân nhắc để tránh những tác động không đáng có”, Thứ trưởng nói.

Cũng theo Thứ trưởng, sau khi cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhà nước vẫn nắm giữ 75% vốn điều lệ, nên về cơ bản đây vẫn là doanh nghiệp nhà nước. 25% vốn xã hội hóa sau khi bán đấu giá công khai, bán cho người lao động, bán cho công đoàn trong doanh nghiệp, còn lại 11,25% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, nhưng không bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Lý giải vì sao không bán cổ phần của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài,Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, có rất nhiều lý do nhưng cơ bản nhất là vì đất đai, tập đoàn này có hơn 300.000 ha, có những nơi có vị trí rất quan trọng về kinh tế, quốc phòng an ninh, đất đai ở đô thị cũng có những vị trí rất đắc địa.

Thứ hai, hơn 100.000 ha của Tập đoàn này được Chính phủ Lào và Campuchia cho phép đầu tư. Vì vậy muốn cổ phần hóa đưa thêm nhà đầu tư khác ở nước ngoài cần có sự đồng ý theo thông lệ quốc tế.

Theo thứ trưởng Hà Công Tuấn, đến bây giờ chưa có nhà đầu tư chiến lược nào đàm phán chính thức, nhưng Bộ NN&PTNT tin rằng với cách làm công khai, minh bạch, chắc chắn sẽ có nhà đầu tư chiến lược xuất hiện.

Trước đó, ngày 26/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Như vậy, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có số lượng cổ phần tương đương là 4 tỉ cổ phần. Với mức giá khởi điểm thực hiện IPO, công ty được định giá lên 52.000 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% vốn điều lệ, tương ứng 3 tỉ cổ phần. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 475.123.761 chiếm 11,88% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 48.921.710, chiếm 1,22% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp là 830.769 cổ phần, chiếm 0,02% vốn điều lệ.(Infonet)

Trở về

Bài cùng chuyên mục