Xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD; Đầu năm 2018, hàng loạt cổ phiếu 'hot' chào sàn; Chính sách mới về BHXH, tiền lương có hiệu lực từ 1/1/2018; Đại án Huyền Như giai đoạn 2 bất ngờ hoãn xử, luật sư chưa biết lý do
Tin kinh tế đọc nhanh 31-12-2017
- Cập nhật : 31/12/2017
TS. Lê Đăng Doanh: Doanh nghiệp không muốn khổ ải vì phí “bôi trơn”
Cải cách thể chế và công khai minh bạch sẽ là chìa khoá để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, trên cơ sở đó thúc đẩy phát triển kinh tế khởi sắc trong năm 2018.
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã chia sẻ với BizLIVE về kinh tế Việt Nam trước thềm năm mới 2018.
Nhìn lại năm 2017 với nhiều biến động, với tư cách chuyên gia độc lập, những diễn biến tích cực nào đọng lại và những tồn tại nào mà kinh tế Việt Nam cần khắc phục để bước vào năm 2018 tốt hơn?
Nhìn lại năm 2017, Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hồi phục, đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.
Trong năm 2017, một điểm sáng phải được nói đến đó là hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài có một bước phát triển mạnh mẽ kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Thu hút FDI đạt con số hơn 33 tỷ USD và lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta thực hiện giải ngân vốn FDI được hơn 11 tỷ USD. Đây là mức giải ngân tương đối cao, góp phần tạo ra nguồn vốn thực cho nền kinh tế thúc đẩy hoạt động phát triển của nền kinh tế.
Khu vực đầu tư tư nhân trong năm 2017 đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2016 có khoảng 110.000 doanh nghiệp đăng ký. Năm 2017 con số này đạt khoảng 130.000 doanh nghiệp, đây là mức tăng kỷ lục.
Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nhất là làm sao để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở để các bộ phận đều vào cuộc, chuyển động mạnh mẽ hơn, không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên thảm, dưới đinh” nữa.
Thực tế hiện nay cho thấy, Thủ tướng rất tích cực nhưng tình trạng "trên nóng dưới lạnh" vẫn diễn ra. Doanh nghiệp phản ánh họ còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ số doanh nghiệp đăng ký so với số doanh nghiệp còn hoạt động sau một năm rất thấp. Điều này chứng tỏ chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.
Năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, điều này được người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ nhắc lại nhiều lần, tuy nhiên, chuyển biến còn khá chậm. Với đánh giá của mình, ông nghĩ sao về chi phí của doanh nghiệp Việt hiện nay và đâu là chi phí "khổ ải" nhất?
Tôi khẳng định hiện nay có rất nhiều loại chi phí đang đè nặng doanh nghiệp, tuy nhiên có một loại chi phí là gánh nặng nhất với doanh nghiệp là chi phí "bôi trơn" và chi phí thời gian, phong bao phong bì. Có rất nhiều doanh nghiệp hiện phải dùng tới chi phí bôi trơn.
Tôi ví dụ cụ thể như trường hợp một doanh nghiệp chế rác thải thành điện. Họ kể với tôi họ đã đăng ký và cố gắng có giấy phép. Tuy nhiên, tất cả nơi mà doanh nghiệp này tới đều yêu cầu phải có chi phí "bôi trơn". Nghịch lý ở chỗ, doanh nghiệp này vay vốn của Liên minh châu Âu - họ không chấp nhận bất kỳ một khoản chi phí không chính chức nào. Dẫn tới doanh nghiệp đã mất đi cơ hội phát triển kinh doanh của mình.
Để chấm dứt tình trạng này, trước hết môi trường kinh doanh phải công khai minh bạch. Mọi thông tin thủ tục hành chính được áp dụng thế nào, ra sao cần đưa lên mạng cho mọi người tiếp cận. Chứ đừng kiểu chỉ đưa ra một vài thông tin còn mọi quyết định sau đó nhanh hay chậm là quyền của cơ quan quản lý.
Vấn đề nổi cộm năm 2017 là BOT đường bộ, khi hàng loạt dự án, trạm bị phản đối, phát hiện sai phạm. Năm 2018 và những năm tiếp theo, chắc chắn BOT sẽ là vấn đề được nói đến nhiều nữa, theo ông chúng ta nên tìm lối thoát cho BOT đường bộ ra sao trong năm tới?
Có thể gọi trong năm vừa qua là năm "bê bối" của BOT, nhiều dự án buộc phải xả trạm liên tiếp vì chịu sự phản ứng gay gắt của người dân.
Hiện nay, các chuyên gia đều nói rõ, một số dự án BOT ở Việt Nam không công khai minh bạch, không có đấu thầu. Có biểu hiện rõ ràng của nhóm lợi ích chi phối, thậm chí có những người "tay không bắt giặc", lập ra dự án BOT không làm gì cả mà bán lại thu cả ngàn tỷ.
Tất cả điều đó sắp tới đây phải phắc phục, công khai minh bạch, phải thực hiện đúng nguyên tắc, BOT không thể làm đường độc đạo, rồi ép người dân đi vào để thu phí.
Thiết lập trạm BOT vào con đường độc đạo là "trấn lột", áp đặt tất cả mọi người phải trả phí, điều đó là điều phi lý, trái với quy định của chúng ta và của quốc tế.
Các nước thực hiện BOT ở con đường khác, muốn đi nhanh, khấu hao thấp thì trả phí còn không muốn vẫn đi còn đường cũ.
Năm nay số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục hơn 130.000 doanh nghiệp, song có một vấn đề là lượng vốn chủ yếu đổ vào ngành kinh doanh bất động sản? Ông có bình luận gì về điều này?
Con số 130.000 doanh nghiệp thành lập mới là dấu hiệu đáng mừng cho kinh tế Việt Nam. Thế còn việc số doanh nghiệp ở lĩnh vực nào thành lập nhiều, số doanh nghiệp lĩnh vực nào thành lập ít, số vốn bao nhiêu còn tuỳ thuộc vào tín hiệu thị trường.
Nếu thị trường đánh giá bất động sản có lãi hơn, việc doanh nghiệp tập trung đầu tư vào đó cũng là điều dễ hiểu, với các lĩnh vực khác cũng tương tự.
Việc này không nên đánh giá quá trầm trọng mà nên coi là tín hiệu thị trường rồi họ sẽ tự điều chỉnh. Nếu bất động sản có lãi, họ sẽ tiếp tục đầu tư, nếu không sẽ rút lui rồi đầu tư ra lĩnh vực khác.
Thêm nữa, đầu tư vào bất động sản thu hồi vốn nhanh, trong khi đầu tư vào nông nghiệp hay các ngành nghề khác đòi hỏi phải đầu tư có bài bản, chiến lược lâu dài. Sau 5-10 năm mới có thể có lãi.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, chúng ta cũng thấy, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo các doanh nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, không dễ kiếm lãi. Về mặt lý thuyết rất hấp dẫn nhưng thực tiễn còn nhiều khó khăn nên doanh nghiệp vẫn dè chừng đầu tư.
Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản, nếu có quan hệ, có nhóm lợi ích đằng sau hỗ trợ, doanh nghiệp có thể được hưởng lợi ích từ tiền đất giá rẻ, đầu tư vào đất nông nghiệp nhưng sau đó nhập nhèm để biến thành đất xây dựng, bán giá đắt, doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều.
Năm qua, các thương vụ thoái vốn của Vinamilk, Sabeco được đánh giá là thành công, số tiền thu được vào ngân sách là tương đối lớn. Tuy nhiên, việc thu và chi số tiền này đang được dư luận quan tâm, ông có hiến kế gì để sử dụng số tiền này hay không?
Cổ phần hoá là bán tài sản của doanh nghiệp, vì vậy phải được đầu tư vào phát triển kinh tế của đất nước, không nên dùng chi tiêu thường xuyên.
Mặc dù trong năm qua, một số doanh nghiệp nhà nước đã tiến hành thoái vốn khủng nhưng tôi lưu ý, tốc độ cổ phần rất chậm, chỉ trừ Sabeco tiến triển suôn sẻ vì có thương hiệu quá lớn nên thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, tới đây phải cải thiện tốc độ cổ phần hoá.
Năm 2018 sắp tới, ông đánh giá gì về triển vọng kinh tế Việt Nam và làm gì để biến triển vọng này thành hiện thực?
Tôi chỉ xin chúc Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế và công khai minh bạch sẽ là chìa khoá để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam hiện nay cũng như đưa kinh tế Việt Nam phát triển và bền vững hơn.(Bizlive)
----------------------------
Từ 1/1/2018, liên quan tới Bitcoin sẽ bị xử phạt ra sao?
Theo luật quy định, từ ngày 1/1/2018 một số hành vi liên quan tới Bitcoin sẽ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, mức xử phạt có thể lên tới 3 năm tù giam.
Phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán sẽ bị xử phạt từ năm 2018
Tại khoản 6,7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm Séc, Lệnh chi, Ủy nhiệm chi, Nhờ thu, Ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN. Theo quy định này, Bitcoin và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp.
Quy định tại Khoản 6, Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150-200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, theo Bộ luật hình sự, tại Điều 206 sửa đổi về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ 1/1/2018, người nào thực hiện các hành vi trong đó có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán gây thiệt hại về tài sản từ 100 -300 ngàn đồng đến dưới 300.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
NHNN cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã phát đi thông báo về những chỉ đạo liên quan đến hành vi sử dụng các đồng tiền ảo để thanh toán.Theo đó, chỉ đạo Công an thành phố phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác điều tra, phòng, chống các hành vi liên quan đến sử dụng các đồng tiền ảo trong thanh toán trên địa bàn.
Không dễ xử phạt hành vi thanh toán bằng Bitcoin
Trong tọa đàm "Bitcoin và làn sóng Blockchain" Luật sưTrương Thanh Đức - Chủ tịch HĐQT BASICO cho biết hiện tại chưa có quy định pháp lý nào "cấm Bitcoin" thì đương nhiên có thể mua bán, đổi chác nhưng nếu dùng vào việc thanh toán là phạm pháp. Với bitcoin, luật pháp chỉ bảo vệ khi nhà đầu tư nộp tiền để mua Bitcoin nhưng không nhận được thứ mong muốn sau khi thanh toán. Nhưng khi một người đã sở hữu bitcoin mà vì một yếu tố nào đó bị mất giá, biến mất thì luật không có quy định liên quan.
Tuy nhiên, xác định ranh giới giữa "trao đổi" và "thanh toán" rất mong manh. Nếu mua đồng tiền là hợp pháp, dùng đồng tiền đó để thay tiền Việt thanh toán thì bất hợp pháp nhưng lại có thể trao đổi. Ông nói "Năm trước tôi có thể đổi 1 Bitcoin để lấy một cốc cafe, đó là sự trao đổi nhưng cũng là sự thanh toán trực tiếp trong một giao dịch".
Về việc kiểm soát các hành vi giao dịch Bitcoin, ông cho rằng "Điều quan trọng nhất khi muốn mua được tiền ảo phải nộp tiền thật vào, nộp ở đâu, tiền gì và chuyển cho ai là cần có sự quản lý. Động tác chuyển tiền, phải có tiền thật, các đầu vào đầu ra, có giao dịch thực sự mới có ý nghĩa. Nhưng khi giao dịch như vậy thì đều bị quản lý bởi Nhà nước, đều bị phong tỏa nên không thể tự bitcoin trở thành tiền được".
Như vậy, việc để xác định một giao dịch liên quan đến Bitcoin là phương tiện thanh toán hay chỉ là trao đổi đơn thuần hiện còn gặp nhiều vướng mắc. Đó sẽ là vấn đề khó cho các cơ quan quản lý trong việc đưa vào quyết định xử phạt hay không.
Người chơi tiền ảo vẫn rất "lạc quan"
Cuối tháng 10, NHNN đã có thông báo chính thức và nhiều lần khẳng định Bitcoin không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Trong khi còn nhiều tranh cãi về quy định xử phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự một số hành vi liên quan tới Bitcoin thì chỉ trong 2 tháng cuối năm (tức là sau khi NHNN đã có thông báo), lượng "trâu cày" Bitcoin nhập về địa bàn Tp.HCM theo Cục Hải quan thành phố là hơn 5.500 máy. Trước đó, tính đến cuối tháng 10 mới chỉ có khoảng 1.400 máy nhập về.
Nhiều người tin tưởng rằng, Bitcoin vẫn là kênh đầu tư siêu lợi nhuận trong tương lai, đồng thời đào coin hay giao dịch coin sẽ không bị xử phạt. Anh Tiến, một người chơi Bitcoin cho biết anh có tìm hiểu về các quy định của luật pháp liên quan tới Bitcoin, và theo anh việc đào coin, trữ coin, mua bán coin như một loại tài sản là không phạm pháp. Chỉ các tổ chức tín dụng cũng như các đơn vị cung ứng dịch vụ sử dụng Bitcoin như một loại tiền tệ và phương tiện thanh toán mới bị xử lý, còn việc sở hữu, mua bán bitcoin của người dân thì không.
"Lạc quan" là thế, nhưng người chơi Bitcoin và các tiền ảo khác nói chung cũng cần tự ý thức được rằng, cho dù không gặp phải rủi ro liên quan tới pháp lý thì người chơi cũng đang tham gia vào một hình thức đầu tư vô cùng mạo hiểm. Giá trị Bitcoin ngày càng biến động khó lường và các hành vi đa cấp, lừa đảo liên quan tới các đồng tiền ảo nói chung vẫn đang diễn ra khiến nhiều người "tiền mất, tật mang" nhưng không biết kiện như thế nào vì không được pháp luật bảo vệ.(CafeF)
---------------------------
Uber B.V kiện Cục Thuế TP.HCM ra tòa
Uber B.V thay vì đóng đủ số tiền hơn 53 tỉ còn lại trong tổng số 66,68 tỉ đồng bị ngành thuế truy thu thì đã chọn giải pháp khác là kiện Cục thuế TP.HCM ra tòa.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, ngày 29-12-2017 Cục Thuế TP.HCM đã nhận được quyết định khẩn cấp tạm thời của tòa án yêu cầu chưa thực hiện cưỡng chế tài khoản Uber B.V.
Như vậy, ý định cưỡng chế buộc Uber nộp đủ số tiền thuế bị truy thu từ ngày 1-1-2018 đến 10-1-2018 đã chưa thể thực hiện.
Trước đó Cục Thuế TP.HCM cho biết đã gửi văn bản yêu cầu 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn là VCB, Eximbank, Sacombank, ACB, Vietinbank thực hiện cưỡng chế tài khoản Uber B.V trong 10 ngày nói trên.
Theo đó, trong thời gian này, số tiền mà khách hàng trả cho Uber B.V sẽ chuyển vào tài khoản cơ quan thuế thay vì chuyển ra nước ngoài cho Uber B.V cho đến khi Cục thuế TP.HCM thu đủ số nợ hơn 53,3 tỉ đồng.
53,3 tỉ đồng này là phần còn lại trong tổng số 66,68 tỉ đồng mà hãng này bị cơ quan thuế ra quyết định truy thu vì trước đó Uber đã đóng 13,3 tỉ đồng.
Tuy nhiên vì lý do Uber B.V khởi kiện và tòa có quyết định khẩn cấp tạm thời, kế hoạch cưỡng chế chưa thể thực hiện được.
Trước đó, theo quyết định truy thu của Cục Thuế TP, Uber B.V phải nộp hơn 66,68 tỉ đồng nhưng đơn vị này liên tục trì hoãn và khiếu nại lên Tổng Cục Thuế và Bộ Tài Chính.
Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời chính thức theo đó bác khiếu nại của Uber B.V Hà Lan về quyết định truy thu 66,68 tỉ đồng thuế của Cục Thuế TP.HCM.
Sau đó, ngày 13-12, Cục Thuế TP.HCM đã ra tối hậu thư yêu cầu Uber B.V nộp khoản thuế trên trong vòng 10 ngày.
Tuy nhiên hết thời hạn Uber B.V mới nộp 13,3 tỉ đồng, phần còn lại Uber B.V cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại và cân nhắc khởi kiện ra tòa, do đó Cục Thuế TP đã gửi văn bản đến các ngân hàng yêu cầu cưỡng chế tài khoản Uber B.V.
Trao đổi với Tuổi Trẻ cuối ngày 29-12, Tòa án nhân dân TP.HCM xác nhận đã thụ lý vụ kiện của Uber B.V.(Tuoitre)
---------------------------
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 45%
Đây là một trong những nội dung Thông tư 19 sửa đổi bổ sung Thông tư 36 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung ngân hàng - NH).
Như vậy, NH sẽ giảm tỷ lệ cho vay này từ mức 50% hiện nay xuống 45% vào ngày 1.1.2018 và xuống 40% kể từ 1.1.2019. Ngoài ra, đối với các tổ chức tín dụng phi NH, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ ngày 1.1.2018 là 90%.
Bên cạnh đó, NH chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến 1 năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp (DN), cổ phiếu DN. Khi cấp tín dụng, NH phải đáp ứng các điều kiện như tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn... Tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu DN, cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của NH.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 12.2.2018.(Thanhnien)