Bán vốn Nhà nước, cần ưu tiên doanh nghiệp nội; Sai phạm 15.000 tỷ đồng tại Tập đoàn Than Khoáng sản; Venezuela phát hành tiền ảo riêng trong vài ngày tới; Ngành đường lo ứng phó với ATIGA
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-12-2017
- Cập nhật : 30/12/2017
Bộ trưởng Công Thương thừa nhận nạn buôn lậu, hàng giả còn phổ biến
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành công thương đẩy mạnh là công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, giả.
Thuốc lá là một trong những mặt hàng buôn lậu lớn nhất nhiều năm nay. Cửa khẩu Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu – An Giang thường xuyên diễn ra những cảnh như thế này. Ảnh: Ngọc Trinh.
Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng nay (29/12), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng xuất khẩu là điểm sáng của năm 2017 khi tăng trưởng ở mức cao, đạt trên 2 con số. Ông đánh giá có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, kết quả đó thể hiện được khả năng của nền kinh tế, cùng với việc bám sát tình huống trên thế giới để có sự điều hành cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng ngành, lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã khai thác thành công các hiệp định tự do thương mại song phương với các đối tác như EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN giúp xuất khẩu tăng cao. Các thị trường này thường có mức tăng trưởng từ 17-50%.
Năm 2017 chứng kiến chiến lược xuất khẩu phát triển bền vững. Việt Nam nâng từ 26 lên 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Các ngành hàng tăng trưởng theo cả chiều rộng và sâu, và mang lại kết quả cho doanh nghiệp trong nước.
“Năm 2017, thương mại thế giới xuất hiện nhiều biểu hiện mới của bảo hộ mậu dịch và thương mại song phương. Tuy nhiên, các hoạt động tiếp xúc song phương, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các đối tác lớn giúp chúng ta vượt trở ngại”, ông nói.
Để có được thành tích cao của xuất khẩu, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ sản phẩm, các ngành. Một số ngành hàng quan trọng như dệt may, da giày, chế biến, chế tạo nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, doanh nghiệp có niềm tin đầu tư, sản xuất và hứng khởi phát triển.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh thành công khi thai thác các thị trường mới, thực thị các hiệp định tự do thương mại song phương trong năm 2017. Nhiều vụ tranh chấp thương mại liên quan đến sắt thép, phân bón, hóa chất… đã được xử lý thành công, giúp tăng trưởng cả công nghiệp và xuất khẩu.
Về nhiệm vụ năm 2018, người đứng đầu ngành công thương cho rằng cần tiếp tục đà phát triển của năm 2017, đồng thời tổ chức tốt hơn việc cải cách hành chính, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở cả trung ương và địa phương.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh công tác quản lý thị trường cần được đẩy mạnh, nhất là công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông thừa nhận tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn tương đối phổ biến ở Việt Nam. Quản lý thị trường đang được tổ chức theo ngành dọc và sẽ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thự thi công vụ.
Người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp các lực lượng khác nhau, từ trung ương đến địa phương trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng kém chất lượng.(Zing News)
-------------------------
Bê bối của ngành sản xuất tại Nhật: Do áp lực tranh giành thị phần?
Năm 2017 là một năm không mấy sáng sủa đối với các tập đoàn sản xuất của Nhật Bản khi liên tiếp gặp phải bê bối liên quan tới lỗi kỹ thuật.
Năm 2017 thật sự là một năm đầy bê bối của ngành công nghiệp sản xuất Nhật Bản. Cả 4 cái tên trong tứ trụ của ngành xây dựng Nhật Bản là Taisei, Obayashi, Shimizu và Kajima đều mở cửa cho các thanh tra tại Tokyo khám xét ngày 18 và 19/12.
Theo như lời xin lỗi mới nhất từ phía Mitsubishi, các công ty này, gồm cả những tên tuổi lớn như Subaru, Nissan, hay Kobe Steel, đều gặp phải một áp lực khiến họ phải làm giả dữ liệu, đó là áp lực tranh giành thị phần.
Toàn bộ những lãnh đạo hàng đầu của Mitsubishi đã cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp với báo chí ngày 28/12.
Theo tập đoàn này, áp lực phải tranh giành mở rộng thị phần dẫn tới việc một công ty con đã làm giả dữ liệu sản phẩm, bao gồm các bộ phận cho máy bay và ô tô.
Công ty Điện lực Kansai của Nhật Bản cho hay, vào đầu tháng này, hai nhà máy hạt nhân của họ đã sử dụng các bộ phận có chứa dữ liệu giả mạo mà Mitsubishi cung cấp.
Made in Japan - các sản phẩm xuất xứ từ Nhật, về chất lượng đều được "ngồi chiếu trên" so với các quốc gia trong khu vực, thậm chí trên toàn thế giới.
Nói về các vụ bê bối vừa qua, các chuyên gia trong ngành đều phàn nàn rằng tất cả vấn đề hiện nay của ngành đều liên quan đến các tiêu chuẩn gắt gao quá mức của chính phủ đã được áp dụng từ đầu những năm 1950 hoặc bởi chính bản thân nhà sản xuất đã đặt ra yêu cầu quá cao cho sản phẩm của mình.
Các công ty khác thừa nhận sản phẩm giả mạo dữ liệu bao gồm Kobe Steel; Toray Industries cũng đổ lỗi cho việc tập trung vào lợi nhuận, kiểm soát chất lượng lỏng lẻo và thiếu nhân viên.
Quy mô của cuộc điều tra ngày càng rộng, tuy nhiên, cả giới chức và đại diện của các tập đoàn đều từ chối bình luận về những sai phạm cũng như giữ bí mật các chi tiết sai phạm. Dự án nghi ngờ có sai phạm là một đường tàu đệm từ với kinh phí 9.000 tỷ Yen, tương đương 80 tỷ USD, nối giữa Tokyo, Nagoya và Osaka.
Đây cũng là bê bối mới nhất đánh mạnh vào ngành công nghiệp sản xuất và xây dựng của Nhật Bản, một nền kinh tế vô cùng đề cao sự trung thực.(NCĐT)
-------------------
iPhone X “thất thủ” ở thị trường Trung Quốc do Apple cắt giảm sản xuất
Nhu cầu của iPhone X đang bị giảm dần tại thị trường Châu Á, đặc biệt là Đài Loan và Trung Quốc. Vì vậy, Apple đã cắt giảm việc sản xuất từ 50 triệu iPhone X xuống còn 30 triệu, chính điều này làm cổ phiếu của các công ty tại Trung Quốc rớt giá.
Theo tờ Economic Daily Đài Loan, do nhu cầu iPhone X bị thấp hơn những gì mà Apple đã kỳ vọng trong quý đầu tiên, công ty đã cắt giảm số lượng sản xuất xuống còn 30 triệu thay vì 50 triệu như kế hoạch ban đầu, tờ báo không nói rõ nguồn thông tin từ đâu.
Điều này đang khiến giá cổ phiếu của một số nhà cung cấp iPhone tại công ty Apple Inc Châu Á bị "trượt dốc không phanh" hôm thứ 3 vừa qua.
Tuy Apple không công khai mục tiêu bán hàng theo quý và số lượng iPhone X đã bán ra vào tháng 11 vừa qua, nhưng một số nhà phân tích đã dự đoán được sự sụt giảm về nhu cầu sử dụng dòng smartphone cao cấp nhất này của Apple.
Công ty nghiên cứu thị trường JL Warren Capital LLC của Mỹ thậm chí còn đoán rằng hiện tại các lô hàng chỉ còn lại 25 triệu chiếc vì người tiêu dùng đã quá chán nản với "những sáng kiến thiếu thú vị và mức giá quá cao" của iPhone X.
Nhà môi giới Trung Quốc Sinolink Securities cho rằng, chính mức giá cao của các phiên bản iPhone X đang làm giảm sự nhiệt tình của người tiêu dùng đối với sản phẩm, cộng với tốc độ sản xuất chậm cũng có thể làm giảm doanh thu của Apple.
iPhone chỉ thất thủ ở thị trường Trung Quốc?
"Chúng tôi thấy rằng vào tháng 3 và tháng 6 tới sẽ có một lô hàng bù đắp cho lượng iPhone X thiếu hụt", công ty nghiên cứu thị trường Loop Capital ở Chicago dự đoán lô hàng có số lượng 40 - 45 triệu chiếc sẽ cập bến lần đầu vào quý I năm 2018, tăng từ 30 đến 35 triệu chiếc so với hiện tại.
Các nhà phân tích tại Jefferies cũng dự báo doanh số bán iPhone X sẽ tăng lên khoảng 40 triệu trong quý đầu tiên.
Phát ngôn viên của Apple cho biết công ty không bình luận bất cứ tin đồn nào trên thị trường. Trong một chuyến đi đến Trung Quốc vào tháng này, Giám đốc điều hành Tim Cook cho hay: "Không thể hạnh phúc hơn với nhu cầu iPhone X trong nước".
Điều đó cho thấy rằng, chỉ có tại thị trường Châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc mới bị lao đao vì nhu cầu iPhone X bị tụt giảm. Điển hình là cổ phiếu của Công ty TNHH quang điện tử Genius bị giảm 2,45% vào thứ 3 tuần này do thua lỗ tận 11,4%. Còn Pegatron Corp cũng giảm trong cả hai ngày, tổng thiệt hại là 3,2% chỉ trong vòng 1 tuần. Thế nhưng, một trong những nhà cung cấp Apple chính thức là Công ty TNHH Hon Hai Precision Industry lại chỉ giảm nhẹ 1,8% trong 2 ngày.
Một chuyên gia phân tích của tờ Reuters đã nhận định rằng tuy các phương tiện truyền thông Trung Quốc đang dành sự quan tâm rất lớn đến iPhone X, tuy nhiên khi so sánh với iPhone 6 được phát hành vào năm 2014 thì sản phẩm mới nhất của Apple này lại không thể theo kịp.
Chỉ có 4,97 triệu bài viết trên Weibo đề cập đến iPhone X cho đến thời điểm tháng 12 năm nay, trong khi hơn 11 triệu bài đã nhắc đến iPhone 6 trong giai đoạn tương đương. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm độ sốt của iPhone X tại thị trường nước này.
Một kết quả khác cho thấy sự ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung là tuy cổ phiếu của Apple đã tăng hơn 50% vào năm 2017, nhưng hiện tại trị giá của công ty vẫn dưới 900 tỷ USD, khoảng cách khá xa so với tham vọng công ty "nghìn tỷ" trước đó.(ICT News)
-------------------------
Giá Bitcoin rớt 10% sau khi Hàn Quốc siết chặt quản lý
Ngay sau khi Hàn Quốc ban hành các biện pháp quản lý để hạ nhiệt thị trường, giá Bitcoin xuống dưới 14.000 USD.
Theo Coindesk, giá đồng tiền ảo này đã sụt giảm hơn 10% xuống dưới 14.000 USD trong phiên giao dịch châu Á sáng nay và vẫn tiếp đà lao dốc. Hiện tại, mỗi Bitcoin được giao dịch quanh mốc 13.800 USD.
Diễn biến này xảy ra ngay sau khi Chính phủ Hàn Quốc vừa thông báo áp dụng thêm biện pháp quản lý nhằm hạ nhiệt các hoạt động đầu cơ những loại tiền ảo như Bitcoin.
Theo đó, một lệnh cấm mở các tài khoản giao dịch tiền ảo nặc danh sẽ được ban hành. Đồng thời, các quy định mới cũng cho phép giới chức nước này được đóng cửa các sàn giao dịch. Trước đó, quốc gia là trung tâm của các giao dịch Bitcoin trên thế giới từng tuyên bố muốn thu thuế giao dịch tiền ảo.
“Chính phủ đã nhiều lần cảnh bảo các loại tiền ảo không phải là tiền tệ hợp pháp, giá cả có thể giao động nhanh chóng và gây thiệt hại lớn”, thông báo được giới chức Hàn Quốc nêu.
Mati Greenspan – chuyên gia phân tích tại eToro cho rằng, còn quá sớm đánh giá ảnh hưởng của những biện pháp mới nhưng cũng “đáng lo ngại”. “Nếu họ bắt đầu đóng cửa các sàn giao dịch, nó sẽ giết Bitcoin. Nó sẽ cản trở nghiêm trọng dòng chảy của các quỹ”, ông nhận định.
Hàn Quốc đã trở thành nước đi tiên phong trong những nỗ lực để quản lý tiền ảo bởi hầu hết các đồng tiền này vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các Chính phủ và ngân hàng trung ương.
Quốc gia này hiện là trung tâm của các giao dịch Bitcoin, chiếm 20% lượng giao dịch mỗi ngày trên toàn cầu. Do nhu cầu lên cao, người dân Hàn Quốc có thể trả tới 15-20% cao hơn các nơi khác để đầu cơ đồng tiền ảo này.
Đồng thời, Xứ sở Kim chi cũng là quê hương của Bithumb – một trong những sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới.
Hồi giữa tháng, Youbit – một sàn giao dịch Bitcoin tại Seoul đã phải đệ đơn xin đóng cửa sau khi bị tấn công. Tuy nhiên, sàn giao dịch này không công bố số lượng Bitcoin bị đánh cắp, họ chỉ tiết lộ 17% tổng tài sản đã bị biến mất.
Sau vụ tấn công, Youbit cho biết người dùng có thể nhận lại ba phần tư giá trị số tiền ảo có trong tài khoản. Số còn lại sẽ được hoàn trả sau khi thủ tục phá sản hoàn tất. (Vnexpress)