tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 02-01-2018

  • Cập nhật : 02/01/2018

Tỷ phú Thái sắp nhận 1.200 tỷ đồng cổ tức từ Sabeco

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Hội đồng quản trị Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK: SAB) vừa thống nhất chủ trương tạm ứng cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 35%, tương đương 3.500 đồng mỗi cổ phần. Việc tạm ứng dự kiến thực hiện vào ngày 23/1/2018. Với hơn 641 triệu cổ phần đang lưu hành, tổng số tiền Sabeco dự chi tạm ứng đợt này là 2.245 tỷ đồng.

Quyết định này đưa ra sau khi Bộ Công Thương vừa hoàn tất thoái gần 54% vốn tại đơn vị này. Tại phiên đấu giá chiều ngày 18/12, số cổ phần này đã thành công cho hai nhà đầu tư. Công ty TNHH Vietnam Beverage - doanh nghiệp có liên quan tới tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabakdi, đã chi ra gần 5 tỷ USD để mua 343,6 triệu cổ phần.

Như vậy, với việc đã sở hữu gần 54% cổ phần tại Sabeco trước thời điểm chốt danh sách cổ đông, công ty có liên quan đến tỷ phú Thái Lan sẽ nhận được khoảng 1.200 tỷ đồng cổ tức.

Theo thông tin được tỷ phú Charoen Sirivadhanabakdi thông báo trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore, Vietnam Beverage là doanh nghiệp do Tập đoàn ThaiBev của tỷ phú này nắm giữ 49% vốn điều lệ.

Số tiền gần 5 tỷ USD mua cổ phần Sabeco được ThaiBev cho biết là các khoản vay từ nhiều định chế tài chính lớn. Trong đó, đơn vị này vay từ 5 ngân hàng trong nước như Bangkok Bank Public, Kasikornbank Public, Krung Thai Bank… với giá trị mỗi khoản vay là 20 tỷ bath, tương đương 610 triệu USD và kỳ hạn thanh toán trong vòng 24 tháng.

Ngoài ra, công ty con do tập đoàn này sở hữu 100% vốn là BeerCo cũng đại diện vay thêm 1,95 tỷ USD thông qua các ngân hàng nước ngoài là Mizuho Bank và Standard Chartered chi nhánh Singapore. BeerCo sau đó cho Vietnam Beverage vay lại để trả tiền mua cổ phần và chi phí có liên quan.(Vnexpress)
-----------------------

Tỉ lệ thanh niên ở thành thị thất nghiệp là 11,75%

Theo công bố của Tổng cục Thống kê về tình hình (NLĐO) - Kinh tế Xã hội năm 2017, lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2017 ước tính là 54,8 triệu người, tăng 394.900 người so với năm 2016.

Trong số 54,8 triệu lao động qua thống kê, lao động nam chiếm 51,9%; lao động nữ chiếm 48,1%; lao động khu vực thành thị chiếm 32,2%; khu vực nông thôn chiếm 67,8%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của cả nước năm 2017 ước tính 48,2 triệu người, tăng 511.000 người so với năm trước. Tỉ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo năm 2017 ước tính đạt 21,5%, cao hơn mức 20,6% của năm trước.

Tỉ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo năm 2017 ước tính đạt 21,5%, cao hơn mức 20,6% của năm trước

Qua khảo sát, tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2017 là 2,24%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,78%. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2017 là 7,51%, trong đó khu vực thành thị là 11,75%; khu vực nông thôn là 5,87%. Đáng lưu ý là tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2017 là 1,63%, trong đó khu vực thành thị là 0,85%; khu vực nông thôn là 2,07%.(Người Lao Động)
------------------------------

Sẽ siết chặt đầu vào sản phẩm phân bón

Trong 1 năm có khoảng 32 - 34 triệu tấn phân bón được sản xuất, trong khi nhu cầu sử dụng phân bón chỉ khoảng 10 - 11 triệu tấn. Như vậy số lượng sản xuất ra gấp hơn 3 lần nhu cầu sử dụng.
Với hơn 14.000 loại sản phẩm phân bón hiện có trên thị trường, người nông dân như rơi vào “ma trận”, cùng với đó là các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, gây thiệt hại lớn cho người nông dân, ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó việc quản lý phân bón thời gian qua còn rất nhiều bất cập.

se siet chat dau vao san pham phan bon. anh minh hoa: ttxvn

Sẽ siết chặt đầu vào sản phẩm phân bón. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Để khắc phục tình trạng này, Nghị định 108/2017/NĐ-CP (Nghị định 108) được ban hành thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP (Nghị định 202) về quản lý phân bón.

Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã quyết định giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân bón, thay vì cùng với Bộ Công Thương quản lý.

Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để làm rõ vấn đề này.

Phóng viên: Theo ông, Nghị định 108 của Chính phủ có ảnh hưởng như thế nào đến việc quản lý phân bón tại Việt Nam?

Ông Hoàng Trung: Khi xây dựng Nghị định 108 để thay thế cho Nghị định 202/2013/NĐ-CP đã có nhiều điểm mới tác động tích cực ngay cả trước mắt và lâu dài.

Cụ thể, phương thức quản lý được thay đổi, từ đó quản lý được đầu vào chặt chẽ và bài bản hơn. Qua đó, xác định được có bao nhiêu sản phẩm phân bón đăng ký và lưu hành trên thị trường Việt Nam; đồng thời xác định và đưa ra chiến lược phát triển ngành phân bón nói chung và định hướng phát triển phân bón thời gian tới.

Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét lại việc sử dụng phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ, đặc biệt là chuyển dịch dần sang sử dụng phân bón hữu cơ; nâng tỷ trọng sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp.

Đối với khâu khảo nghiệm phân bón, trong Nghị định 108 đã được xây dựng rất chặt chẽ nhằm đảm bảo các loại phân bón nào từ thời điểm này trở đi được công nhận và lưu hành tại Việt Nam thì phải có những ưu điểm vượt trội, chứ không phải như các loại phân bón thông thường bởi hiện nay đang có quá nhiều loại phân bón.

Thực tế, sau khi tiếp nhận từ Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục tổng hợp các số liệu, chắc chắn rằng con số sẽ là hơn 14.174 loại phân bón.

Điều kiện liên quan đến sản xuất cũng được quy định khá chặt chẽ và làm rõ hơn tất cả các công nghệ, đặc biệt tránh tình trạng sản xuất theo phương thức “cuốc xẻng”. Đây cũng là một khâu nếu quản lý không tốt sẽ dẫn tới sản xuất những loại phân bón kém chất lượng và cũng là tiếp tay cho phân bón giả.

Ngoài ra, Nghị định 108 cũng có sự phân cấp và giao trách nhiệm cho các địa phương rất rõ ràng. Hiện nay, có 6/8 nhiệm vụ đã phân cấp cụ thể cho các địa phương. Đặc biệt, địa phương nào để tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng xảy ra thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Phóng viên: Vậy xin ông cho biết, đâu là giải pháp quan trọng trong việc quản lý phân bón hiện nay, trong khi số lượng phân bón rất lớn và nguồn cung gấp 3 lần cầu?

Ông Hoàng Trung: Trước đây, trách nhiệm quản lý thuộc 2 bộ. Cụ thể, phân vô cơ do Bộ Công Thương quản lý, còn phân hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Sau khi Nghị định 108 ra đời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới chính thức nhận bàn giao từ Bộ Công Thương, thì riêng phân bón vô cơ là 13.423 sản phẩm và 545 nhà máy (cơ sở sản xuất phân bón), 41 phòng thực nghiệm...

Sau khi tính toán lại, với tổng công suất của các nhà máy đang có (chưa kể hiện đang còn hơn 200 hồ sơ đang nằm chờ) thì riêng phân vô cơ là 26 - 28 triệu tấn/năm; phân hữu cơ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, nhập khẩu gần 4 triệu tấn/năm.

Như vậy, trong 1 năm có khoảng 32 - 34 triệu tấn phân bón được sản xuất, trong khi nhu cầu sử dụng phân bón chỉ khoảng 10 - 11 triệu tấn. Như vậy số lượng sản xuất ra gấp hơn 3 lần nhu cầu sử dụng.

Để giải quyết bài toán này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra giải pháp siết chặt đầu vào. Thực tế, hơn 2 tháng qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa tiếp nhận thêm hồ sơ sản xuất mới. Bên cạnh đó, rà soát lại những sản phẩm nào không đáp ứng yêu cầu thì sẽ loại bỏ.

Còn những sản phẩm nào đã chấp hành đầy đủ các quy định theo Nghị định 202 trước đây thì vẫn tiếp tục công nhận lại, tránh gây tổn thương đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Từ đó, từng bước tinh lọc lại danh mục, sản phẩm được sử dụng trong thời gian tới.

Đồng thời, thanh kiểm tra toàn diện lại các sơ sở sản xuất, nếu không đủ điều kiện sẽ tước giấy phép theo quy định; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tiềm lực về tài chính, sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, rà soát lại tất cả các phòng kiểm nghiệm, bởi đây là công cụ để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra chất lượng sản phẩm...

Phóng viên: Một số ý kiến cho rằng trong quy định việc cấp phép, nhập khẩu, sản xuất phân bón có nhiều giấy phép con gây mất thời gian và phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này như nào?

Ông Hoàng Trung: Đây là do mọi người chưa hiểu hết vấn đề. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tổ chức hội nghị để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn từng nội dụng để giúp cho doanh nghiệp hiểu.

Còn đối với chi phí thì việc này không phải do Cục Bảo vệ Thực vật làm mà theo phương thức xã hội hóa. Đây là chủ trương của Chính phủ, có những việc làm xã hội hóa là hệ thống khảo nghiệm, các phòng kiểm nghiệm...

Ví dụ, việc đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mà sau này có đủ điều kiện để sản xuất phân bón thì Cục đứng ra đào tạo miễn phí và các tổ chức cá nhân không phải chi phí. Còn đối với các thủ tục hành chính khác thì Nghị định 108 đã đơn giản hơn và dễ hiểu hơn rất nhiều so với Nghị định 202.

Phóng viên: Cục Bảo vệ Thực vật đang đề xuất các giải pháp, chế tài xử lý đủ mạnh để giải quyết tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Ông có thể nói rõ hơn các giải pháp này?

Ông Hoàng Trung: Ngoài Nghị định 108 thì Chính phủ cũng cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng riêng Nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phân bón trên cơ sở kế thừa lại Nghị định 163 cũng như Nghị định sửa đổi 115 của Chính phủ trong lĩnh vực phân bón.

Với chủ trương của Nghị định mới là rất rõ ràng, có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe. Theo đó, tăng tối đa mức xử phạt bằng tiền từ 2-7 lần đối với các vi phạm; Áp và tăng các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục.

Ví như nếu kiểm tra 1 nhà máy mà có dấu hiệu vi phạm hoặc vi phạm thì có thể đình chỉ không cho sản xuất, nếu tái phạm sẽ cho đóng cửa vĩnh viễn; thu hồi và tước các giấy phép.

Đối với các hành vi vi phạm trong nhập khẩu phân bón, ngoài vấn đề phạt tiền thì sẽ áp dụng 2 hình thức chính là cho tái xuất và tiêu hủy, chứ không có chuyện tái chế hoặc chuyển đổi sang mục đích khác...(Bnews)
-------------------------------

Đây là lý do Warren Buffett không đầu tư vào vàng

Warren Buffett không phải là nhà đầu tư nổi tiếng ưa thích hàng hóa kim loại quý. Thực tế, ông ghét vàng.

Ông đã có một bài diễn văn ở Harvard trước hàng nghìn sinh viên khi nói về vàng:

“Món kim loại đó được đào lên từ trong lòng đất của Châu Phi hay nơi nào đó... Chúng ta hạ giá chúng, rồi lại đào một cái hố khác, lại hạ giá chúng thêm lần nữa, thậm chí sau đó chúng ta còn tốn trả thêm tiền cho những người làm nhiệm vụ canh giữ chúng. ”

Buffet coi vàng không hơn gì sự bướng bỉnh của những người đang cố gắng giữ cho giá của nó không hạ trên thị trường.

Xa hơn nữa, Buffett cho rằng vàng là tài sản không mang theo khả năng sinh lời thực sự. Với ông, vàng là thứ “lười biếng” và không có chỗ trong danh mục của một nhà đầu tư.

Thứ tài sản lười biếng…

Buffett gọi nó là “thứ tài sản không có năng lực sản xuất” trong bức thư gửi cổ đông thường niên năm 2011 để khuyên họ không mua. Ông nói rằng vàng là loại tài sản sẽ “chẳng bao giờ sản xuất ra cái gì cả, nhưng lại được nhiều người theo đuổi với mong ước rằng sẽ có ai đó trả giá cao hơn cho nó trong tương lai.” Những người giữ tài sản như vàng không được thúc đẩy mua loại hàng hóa này bởi lí do tài sản này liệu có căn cứ nào đảm bảo sinh lời tương lai hay không ( thực ra nó sẽ là vật vô hồn mãi mãi với con người) mà vì còn có niềm tin trong nhiều người trong xã hội rằng vàng sẽ tăng giá vượt trội trong tương lai.”

Thực sự, vàng mang theo hai sự thiếu sót quá lớn. Đó là vàng “thiếu đi cả tính năng sử dụng trong cuộc sống lẫn khả năng sinh lời” . Trong khi ông đồng ý rằng vàng có thể sử dụng trong một số ngành công nghiệp nhỏ như linh kiện hay dùng với tính năng trang trí, nhu cầu cho cả hai mục đích là không đủ sức nặng để giải thích cho hành động chúng ta đào miệt mài cuối cùng chỉ để thu gom trong một kho ngân hàng làm phương tiện cất trữ tài chính. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là vàng không thể nào có khả năng thu về lợi nhuận. Giá trị của nó tăng và giảm dựa trên mong muốn một ai đó liệu có sẵn sàng trả giá cho nó hay không, không dựa trên khả năng sinh ra lợi ích cho chủ sở hữu.

Thu gom tài sản tốt hơn trữ vàng

Buffett so sánh giá trị của vàng trên thế giới với các dạng tài sản khác mà ông cảm thấy quen thuộc hơn:

Hiện nay tổng trữ lượng vàng trên thế giới là khoảng 170000 tấn. Chỗ vàng này xếp chồng lên nhau sẽ có thể tạo thành một khối hình lập phương có cạnh dài 20,72 mét. Với mức giá hiện nay là 1127 USD một ounce, thì tổng giá trị lượng vàng ước tính 9600 tỉ USD. Chúng ta gọi đây là khối A.

Giờ hãy tạo ra một khối tài sản khác là B với tổng giá trị tương tự. Với số tiền đó, chúng ta có thể mua hết toàn bộ 400 triệu mẫu đất Hoa Kỳ (tất cả các mẫu thu về tiền lời hơn 200 tỉ USD mỗi năm), thêm vào đó là 16 công ty Exxon Mobil’s (công ty sinh lời nhất thế giới với thu nhập một công ty hàng năm đạt hơn 40 tỉ USD). Sau tất cả những thương vụ trên, chúng ta vẫn còn có thừa hơn 1000 tỉ USD muốn làm gì thì làm (xét trường hợp bạn không bị bẫy khi tiến hành mua các tài sản này). Hãy thử tưởng tượng xem một nhà đầu tư liệu với 9600 tỉ USD sẽ chọn khối A hay là khối B?

Vẫn chưa hết, trong trường hợp những người chọn khối B sẽ không thể sở hữu nổi những tài sản sinh lời qua mọi thời gian đâu. Những mảnh đất sẽ sản sinh ra ngô, bông đầy rẫy và các công ty Exxon Mobil’s sẽ tạo ra dầu và khí ga chúng tồn tại trong thời gian lâu hơn bất cứ cuộc đời nào của một trong số chúng ta. Trong lúc đó, vàng vẫn ngồi nguyên một chỗ và không sản sinh ra bất cứ thứ gì khác. Ước đoán trước cho viễn cảnh này, Buffet cho biết: “Bạn vẫn có thể đặt hi vọng lên khối vàng, nhưng nó sẽ không phản ứng gì đâu.”

Đừng hi vọng ảo tưởng!

Một người mua vàng chỉ vì hi vọng sẽ có người mua chúng với giá cao hơn trong một thời điểm nào đó tương lai. Thật sự không có căn cứ nào đủ chắc cả!

Nhà đầu tư thông minh không làm vậy, người đó tìm kiếm xung quanh các tài sản chắc chắn sinh ra lợi nhuận, điều này chắc chắn hơn với nhà đầu tư. Dòng thu nhập từ các tài sản đó sẽ tái đầu tư lại vào các nguồn lực mới, từ đó sẽ tiếp tục phát sinh thêm lượng thu nhập mới.

Đó chắc chắn là một vòng quay không hồi kết, sản sinh ra thêm nhiều nhiều lượng tài sản mới mỗi năm và có tính liên tục hàng năm.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục