Chính sách tiền tệ lại gánh cho tăng trưởng; Trung Quốc liệt 24 doanh nghiệp Hàn Quốc vào danh sách đen; Công bố danh mục công ty thuộc EVN nhà nước nắm giữ 100% vốn; Kinh doanh trên Facebook: trốn thuế sẽ bị bêu tên
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-09-2017
- Cập nhật : 01/09/2017
Tổng thống Trump nỗ lực cải cách bộ luật thuế của Mỹ
Ngày 30/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc Quốc hội nước này thông qua một gói biện pháp cải cách toàn diện nhằm "thay máu" cho hệ thống thuế của Mỹ.
Phát biểu tại một sự kiện ở bang Missouri, Tổng thống Trump nhấn mạnh chương trình cải cách căn bản hệ thống thuế lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua là nền tảng của chiến lược tạo thêm việc làm cho nền kinh tế Mỹ. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết ông sẵn sàng hợp tác với Quốc hội để hoàn thành mục tiêu này, bày tỏ hy vọng 2 phe Cộng hòa và Dân chủ có thể cùng nhau chung tay để xây dựng một chương trình thuế mới.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump nêu ra 4 nguyên tắc cơ bản cho chương trình cải cách thuế: một bộ luật thuế đơn giản và dễ hiểu; một bộ luật thuế có tính cạnh tranh toàn cầu; cơ chế giảm thuế cho các gia đình trung lưu và các công ty Mỹ hoạt động tại nước ngoài mang trở về nước hàng nghìn tỷ USD.
Hồi tuần trước, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng Gary Cohn cho biết Quốc hội đang giữ vai trò chính trong công tác xây dựng nội dung chi tiết của chương trình cải cách thuế. Ông Cohn và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trong nhiều tháng gần đây đã tiến hành nhiều cuộc họp thường xuyên với 4 lãnh đạo của Thượng viện và Hạ viện. Nhóm làm việc này kỳ vọng dự luật cải cách thuế sẽ được chuyển tới hai viện Quốc hội để cân nhắc sau mùa Thu năm nay. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Quốc hội có đủ thời gian để bỏ phiếu về dự luật này trong năm nay hay không, trong bối cảnh giới lập pháp Mỹ trong vài tháng tới vẫn còn phải đau đầu với các nội dung cung cấp ngân sách cho chính phủ liên bang và nâng trần vay nợ.(TTXVN)
-------------------------
Sẽ cắt giảm 3.000 điều kiện 'đè' người kinh doanh?
Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ cắt giảm gần 3.000 điều kiện kinh doanh (ĐKKD), trong khi các điều kiện kinh doanh vô lý chưa được cắt bỏ, doanh nghiệp vẫn từng ngày chịu chi phí bị đội lên cao ngất.
Đụng đâu cũng thấy chi phí
Là đại diện cho Cty TNHH Gas Đắk Lắk, bà Nguyễn Thị Thanh Hải từng gửi đơn kiến nghị khắp nơi, ra tận Hà Nội kiến nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, khiến công ty rơi cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Bà Thanh Hải kể: “Chúng tôi bắt đầu kinh doanh năm 2014, đến nay, quy định mới bắt buộc phải có ít nhất 100.000 vỏ bình và kho chứa 300m3, với chi phí hơn 100 tỷ đồng - khoản tiền quá sức với DN nhỏ như chúng tôi”.
Bà Hải chỉ là một trong hàng nghìn công ty kinh doanh đầu mối khí gas vướng cảnh “sống dở chết dở” vì điều kiện kinh doanh. Bởi thực tế, đã có hàng chục DN trên cả nước gửi kiến nghị đến VCCI liên quan tới nghị định này như Công ty Gas Tấn Tài (Đồng Nai), Cty Đông Tùng (Hà Giang), Công ty Tiến Phát (Quảng Ngãi), Công ty Minh Chánh (Bình Định)…
Về câu chuyện này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, theo nghị định trên, đến 3/2017, cả nước chỉ có 8 thương nhân đủ điều kiện xuất nhập khẩu khí và 35 người đủ điều kiện làm thương nhân phân phối khí được cấp phép.
“Tuy nhiên, chỉ có 1 số rất ít DN đáp ứng điều kiện xuất nhập khẩu hay phân phối khí. Hiện, VCCI đang đề xuất bỏ ĐKKD chưa hợp lý trong nghị định trên để DN tồn tại phát triển”, ông Tuấn nói.
Theo kết quả rà soát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tổng chi phí kiểm tra chuyên ngành DN có liên quan phải bỏ ra lên tới khoảng 14.300 tỷ đồng/năm, đứng đầu là giấy phép nhập khẩu; kiểm tra chất lượng, kiểm tra hiệu suất năng lượng… Số ngày công để hoàn tất các thủ tục này lên tới 28,6 triệu ngày/năm.
“DN động đâu cũng thấy chi phí. DN mới gia nhập thị trường phải chịu 10 chi phí; khi xây dựng nhà xưởng thì có thêm các chi phí xin địa điểm, thẩm định thiết kế, xin giấy phép xây dựng; khi vào vận hành sẽ có thêm các loại lệ phí, chi phí kiểm định, đường sá…”, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết.
Phải thay đổi cách thức quản lý
Để cắt giảm các chi phí liên quan đến ĐKKD, CIEM vừa kiến nghị Chính phủ cắt bỏ gần 3.000 ĐKKD. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, Luật Đầu tư năm 2014 do Bộ KH&ĐT soạn thảo có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đến nay, các bộ ngành đã “đẻ” ra 4.284 yêu cầu, ĐKKD cho các ngành nghề này.
“Muốn thay đổi môi trường kinh doanh, cơ quan nhà nước không thể xử lý theo kiểu từng văn bản, từng vụ việc mà cần thay đổi toàn diện, đột phá từ cách thức quản lý. Chúng ta thay đổi nhỏ giọt trong khi cả hệ thống vẫn vận hành theo cách cũ sẽ không có tác dụng”, ông Cung nói.
Để mở đầu cho “lập luận” cần mạnh tay cắt bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh bất hợp lý, ông Cung lấy ví dụ về điều kiện cho thương nhân xuất khẩu gạo yêu cầu nhà xuất khẩu phải có kho chứa, bến bãi. Quy định này khiến một DN muốn kinh doanh phải làm tất cả khâu liên quan, rủi ro lớn không thể chia sẻ.
“Việt Nam còn ĐKKD như vậy chỉ xuất khẩu gạo kém chất lượng. Muốn tạo thương hiệu gạo chất lượng cao phải bỏ hoàn toàn điều kiện trên”, ông Cung nói.
Ông Cung lí giải, việc xây dựng thương hiệu gạo phải đi từ sản xuất nhỏ, xây dựng quy trình sản xuất để kiểm soát được. Về tiêu thụ sản phẩm, ban đầu DN tặng cho người tiêu dùng để nuôi dưỡng thói quen. DN ban đầu chỉ xuất khẩu 1-2 container vào thị trường nhỏ như Singapore rồi dần dần mới nhân rộng. Điều kiện về đầu tư kho bãi sẽ do các DN chuyên cung cấp dịch vụ này thực hiện. Lúc này, rủi ro sẽ chia đều và giảm chi phí đầu tư ban đầu cho DN.
Theo người đứng đầu CIEM, dù quá trình cải cách ĐKKD của Việt Nam có tiến bộ nhưng so với mục tiêu môi trường kinh doanh bằng các nước ASEAN 4 và so với yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao, mở rộng quy mô kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực còn rất xa.
VCCI vừa có báo cáo đề xuất cắt bỏ 16 ngành nghề kinh doanh điều kiện chưa phù hợp như: xuất khẩu gạo, sản xuất sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; vận hành nhà chung cư; sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy…(Tienphong)
----------------------
Nga khốn khổ vì mùa bội thu, vượt Mỹ về lúa mì
Nga gặp trở ngại vì mùa màng bội thu, có khả năng xuất khẩu tới 53 triệu tấn ngũ cốc trong năm.
Các tuyến vận tải trên bộ, các cảng trên Biển Đen đang ngập tràn ngũ cốc Nga do vụ mùa bội thu trong năm nay. Nhiều cảng và đường sắt bắt đầu khó khăn vì thiếu kho hàng và toa xe để bắt đầu các chuyến vận tải.
Bloomberg thông tin, tình trạng quá tải đang diễn ra trên các cảng ở Biển Đen.
Tờ báo Anh dẫn lời ông Maxim Physik, Giám đốc công ty "Petrokhleb-Kuban" chuyên thu mua và vận chuyển ngũ cốc cho biết, xe tải phải chờ 3 hoặc 4 ngày để dỡ lương thực vào thang máy vận chuyển tại cảng.
Ông Physik cho biết thêm, điều này thực tế đều diễn ra hàng năm vào thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, tình trạng "nghẹt thở" của các cảng về khối lượng khổng lồ các sản phẩm nông nghiệp sẽ kéo dài hơn.
Số liệu của Trung tâm phân tích "SovEcon" cho thấy, trong vụ mùa năm nay, Nga dự kiến sẽ giành lại danh hiệu nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, có khả năng sẽ xuất khẩu 44 triệu tấn ngũ cốc trong năm.
Thậm chí, cơ quan phân tích ProZerno còn cho rằng, khả năng Nga có thể cung ứng tới 53 triệu tấn ngũ cốc một năm. Năm nay con số này được dự đoán vào khoảng 48 triệu tấn.
Ngành Nông nghiệp Nga năm nay đã được đánh giá có triển vọng rất lớn và sẽ soán ngôi của Mỹ và EU trong xuất khẩu lúa mì.
Vụ lúa mì năm nay của Nga được đánh giá là vụ mùa bội thu nhất trong vòng 25 năm qua, và có thể đạt mức tăng trưởng lên tới 20% trong vòng một thập kỷ tới.
Tính 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu lương thực và thực phẩm đã đóng góp vào GDP của Nga tới 5,5%, cao nhất trong vòng 15 năm qua. Dù vẫn chưa thể so sánh với nguồn thu từ xuất khẩu dầu, nhưng xuất khẩu lương thực cũng đã kịp soán vị trí của ngành xuất khẩu vũ khí truyền thống của nước này.
Ông Arkady Zlochevsky, Chủ tịch liên minh ngũ cốc Nga, tuyên bố: “Với diện tích và khí hậu của nước Nga, số phận đã sắp đặt chúng ta phải trở thành một cường quốc xuất khẩu nông nghiệp”.
Tình trạng nóng lên toàn cầu cũng đang trở thành một điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp Nga. Nó sẽ góp phần mở rộng đáng kể diện tích trồng trọt của nước này ở các vùng có khí hậu lạnh.
Những nông dân sản xuất nhỏ một thời gian dài bị người tiêu dùng và các nhà đầu tư Nga bỏ quên, nay mang lại hơi thở mới cho thị trường nông nghiệp Nga, tạo điều kiện giúp nước này tự nuôi sống người dân mà không cần trông chờ vào lương thực, thực phẩm nhập khẩu, thậm chí còn trở thành nhà xuất khẩu lớn của thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, nước Nga đang vật lộn với suy thoái và năm nay các khả năng gỡ bỏ cấm vận là khó xảy ra hơn. Nhưng ngành nông nghiệp Nga lại bùng nổ.
Các quan chức Nga cho rằng điều này không xuất phát bởi các lệnh cấm vận hay việc mất giá của đồng rúp khiến hàng hóa trong nước cạnh tranh hơn so với hàng ngoại, mà còn là kết quả của nhiều yếu tố về chính sách mang tính cơ bản, dài hơi.
Nông nghiệp khá hơn, người thành thị về nông thôn
Năm 2012, Chính phủ Nga giới thiệu một chương trình trợ giá toàn diện để thúc đẩy các trang trại tư nhân trong đó bao gồm các khoản vay lãi suất thấp, giá phân bón được kiểm soát, hỗ trợ các nhà sản xuất công cụ, máy móc phục vụ nông nghiệp. Nhà nước cũng ưu tiên các nguồn lực tài chính và nguồn lực khác cho phát triển nông nghiệp.
Những biện pháp này rõ ràng đã phát huy tác dụng.
Nông dân Fetisov, thành viên hợp tác xã trong thời Xô viết, nay là chủ một trang trại nuôi bò ở Plotskaya. Ảnh: SC Monitor
Ví dụ, cho đến gần đây, Nga vẫn còn là nhà nhập khẩu hàng đầu gà và thịt lợn từ Bắc Mỹ. Bây giờ nước này tự chủ nguồn thực phẩm từ gia cầm và năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử, trở thành nhà xuất khẩu thịt lợn của thế giới.
Alexander Tsigankov, một quan chức nông nghiệp thuộc chính quyền vùng Kaluga nói: “Nông dân đang trong thời điểm rất thuận lợi. Họ có thể nhận trợ cấp, trợ giá, vốn vay ưu đãi từ chính quyền các cấp, từ liên bang đến địa phương, và tình hình kinh tế hiện tại đang làm lợi cho họ”.
Thậm chí, người từ thành phố đang quay về nông thôn bởi giờ đã có những công việc nông nghiệp được trả lương tốt và điều này giúp giảm căng thẳng thiếu nhân lực nông nghiệp thường trực ở Nga. Ở vùng chúng tôi, Kaluga, khu vực nông nghiệp tăng trưởng 17% trong vòng 2 năm qua”.
Ông Tsigankov tỏ ra lạc quan về khả năng phương Tây có thể sớm gỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Nga và các loại hàng hóa của châu Âu - vốn có ưu thế hơn nhiều so với nông sản nội địa- sẽ lại tràn ngập thị trường Nga.
“Vậy thì sao?” - ông Tsigankov nói. “Nếu những loại hàng hóa đó quay lại, sẽ có một cuộc chiến về giá cả. Và nông dân của chúng tôi, những người tính chi phí bằng đồng rúp, sẽ thắng trong hầu hết các cuộc chiến chống lại hàng hóa tính bằng đồng euro.
Tất nhiên vẫn có thị trường thích hợp cho pho mát Pháp và thịt chế biến từ Ý. Nhưng chúng tôi đang trên con đường sản xuất gần như mọi thứ đáp ứng nhu cầu trong nước”.(Đông Phong - ĐVO)
----------------------------
Đề xuất giảm hàng loạt loại phí kinh doanh
Bộ Tài chính vừa công bố các dự thảo nhằm giảm nhiều loại phí trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm...
Cụ thể, dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 286/2016/TT-BTC. Trong đó, giảm nhiều loại phí. Trong đó giảm phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Phí kiểm tra, lấy mẫu tại doanh nghiệp để phục vụ cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu từ 350.000 đồng/lô hàng còn 200.000 đồng/lô hàng.
Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm nhiều loại phí trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể giảm phí thẩm định hồ sơ công bố hợp quy và công bố quy định an toàn thực phẩm (từ thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng); phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; các thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định đối với thuốc lá...
Phí công bố lần đầu từ 500.000 đồng/lần/sản phẩm giảm còn 200.000 đồng. Phí công bố lại giảm từ 300.000 đồng/lần/sản phẩm còn 100.000 đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 277/2016. Dự thảo điều chỉnh mức thu trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm.
Theo đó, giảm mức thu phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm từ 1,8 triệu đồng xuống 1,6 triệu đồng/hồ sơ; giảm mức thu phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền từ 200.000 đồng xuống 150.000 đồng/mặt hàng; bãi bỏ phí thẩm định hồ sơ cấp thẻ người giới thiệu thuốc 200.000 đồng/hồ sơ.
Một dự thảo khác, sửa Thông tư 277/2016 về phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm. Giảm mức phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm từ 1,8 triệu đồng xuống 1,6 triệu đồng/hồ sơ. Phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền giảm từ 200.000 đồng xuống 150.000 đồng/mặt hàng.
Bộ Tài chính cũng bãi bỏ phí thẩm định hồ sơ cấp thẻ người giới thiệu thuốc 200.000 đồng/hồ sơ.(PLO)