tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-06-2017

  • Cập nhật : 15/06/2017

Cổ đông đề nghị giải thể Hãng hàng không Skyviet

Đề xuất này được đồng thuận bởi nhóm cổ đông nắm giữ 49% cổ phần tại Công ty cổ phần hàng không Skyviet.

skyviet thanh lap moi tren co so sap xep lai cong ty bay dich vu hang khong vasco

SkyViet thành lập mới trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ hàng không VASCO


Theo thông tin của báo Đầu tư, Công ty cổ phần đầu tư TCO Việt Nam – cổ đông nắm giữ 1% cổ phần tại Công ty cổ phần hàng không Skyviet vừa đề xuất việc thoái vốn khỏi Skyviet, trong đó có phương án các cổ đông cùng thông qua và làm thủ tục giải thể Skyviet. 
Lý do được Công ty cổ phần đầu tư TCO Việt Nam đưa ra là công ty muốn cơ cấu lại vốn đầu tư.

Cổ đông hiện nắm giữ 48% cổ phần của Skyviet là Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ thương cũng đã có văn bản đồng ý với đề xuất của Công ty cổ phần đầu tư TCO Việt Nam theo phương án giải thể Skyviet.

Hiện TCT Hàng không Việt Nam đang rà soát, triển khai các thủ tục để báo cáo các cấp có thẩm quyền về phương án giải quyết đề nghị rút vốn đã đầu tư vào SKYVIET của 2 cổ đông sáng lập (TCO,TCC) theo đúng quy định của pháp luật và tình hình của thực tế của TCTHK.

Được Sở KH&ĐT Tp.HCM cấp đăng ký kinh doanh vào tháng 3/2016, Skyviet có số vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó Vietnam Airlines  góp 51% bằng tài sản hiện hữu do VASCO đang quản lý và khai thác, gồm kho phụ tùng vật tư máy bay ATR72-500, động cơ dự phòng máy bay ATR72 (99,2 tỷ đồng) và 53,7 tỷ đồng tiền mặt.

Hai cổ đông còn lại là Công ty TNHH một thành viên Quản lý quỹ Kỹ thương góp 48% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Phát triển dự án Techcomdeveloper góp 1% vốn điều lệ, đều bằng tiền mặt. Vào tháng 12/2016, Công ty cổ phần Phát triển dự án Techcomdeveloper được sáp nhập vào Công ty cổ phần đầu tư TCO Việt Nam.

Vào giữa tháng 5/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo lại toàn bộ quá trình thực hiện Đề án này (đã có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ?) để xem xét có chủ trương thực hiện tiếp hay không theo đúng quy định pháp luật; đồng thời có báo cáo Văn phòng Tổng bí thư trong tháng 5/2017.(Baodautu)
------------------------

Khẩu vị của nhà đầu tư Hoa Kỳ

Năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… là những lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm hiện nay.

“Nóng” chuyện đầu tư năng lượng tái tạo

Một trong những vấn đề “nóng” được các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm tại hội thảo có chủ đề “Gặp gỡ Hoa Kỳ 2017” được tổ chức giữa tuần này tại TP.HCM, với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam, là các vấn đề hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ông Freb Burke, đại diện Công ty Baker & McKenzie nhận định, năng lượng tái tạo đang là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay. Việt Nam sẽ tránh được việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện khi chuyển sang đầu tư nhà máy điện gió, điện mặt trời.

san xuat linh kien dien tu tai binh duong cua cong ty tnhh spartronics viet nam thuoc tap doan sparton (hoa ky). anh: le toan

Sản xuất linh kiện điện tử tại Bình Dương của Công ty TNHH Spartronics Việt Nam thuộc Tập đoàn Sparton (Hoa Kỳ). Ảnh: Lê Toàn

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia có những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, họ muốn những tiêu chuẩn này được áp dụng trên toàn cầu. Các nhà sản xuất cũng muốn sản xuất hàng tiêu dùng sử dụng năng lượng sạch. Ví như Apple đang thực hiện cam kết đạt 100% năng lượng sạch trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam muốn thu hút các nhà đầu tư như Apple thì cần phải sản xuất đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu của họ.

Theo lý giải của ông Burke, năng lượng tái tạo đảm bảo an ninh năng lượng và môi trường cho Việt Nam, giúp Việt Nam khai thác tiềm năng của mình và xuất khẩu nguồn năng lượng. Các nhà máy điện từ năng lượng tái tạo thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ như First Solar và GE… Việt Nam vừa tăng giá mua điện lên 9,35 UScent/kWh. Đây là mức giá tương đối hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài do giá điện gió và điện mặt trời đã giảm xuống cùng sự phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam cần có sự đảm bảo lâu dài để nhà đầu tư vay ngân hàng và tiến hành đầu tư.

Ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, Hiệp hội và các đối tác đang soạn thảo Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam cung cấp một lộ trình cải cách cần thiết để thu hút nhà đầu tư, công ty cung ứng thiết bị, nhà sản xuất và điều hành đến từ Hoa Kỳ.

Kế hoạch này tập trung vào hiệu quả kinh tế, rủi ro thấp và tốc độ khi sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, khí đốt tự nhiên và công nghệ tiết kiệm năng lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao tại Việt Nam. Kế hoạch này cũng đưa ra lộ trình bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2030.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách trong khuôn khổ pháp lý hiện hành khiến không ít nhà đầu tư e dè. “Nếu dự thảo thông tư quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện năng lượng mặt trời (PPA) không được cải thiện thì việc phát triển và đầu tư thực tế các dự án điện mặt trời đến từ Hoa Kỳ sẽ hạn chế hơn dự kiến của Quy hoạch Phát triển Điện VII, mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành nhà sản xuất năng lượng mặt trời”, Chủ tịch AmCham nói.

Tăng đầu tư công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ

Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự quan tâm đến thành phố thông minh, dự án xử lý chất thải, công nghiệp công nghệ cao... Nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong thực tế, thời gian gần đây, lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ đã xuất hiện nhiều hơn các dự án của nhà đầu tư Hoa Kỳ. Thông tin từ chủ đầu tư Dự án Sài Gòn Silicon cho biết, sau khi khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao TP.HCM vào nửa cuối năm 2016, đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ “đánh tiếng” về việc sẽ triển khai dự án tại đây. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thiện hạ tầng, Dự án có thể thu hút được khoảng 20 dự án hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, với vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.

Trong khi đó, mới đây, một nhóm các nhà khoa học, doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã đạt được thỏa thuận bước đầu về việc triển khai dự án sản xuất kính thông minh tại Long An với vốn đầu tư hàng tỷ USD. Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, đây là dự án sản xuất công nghệ cao và khoảng 90% sản phẩm làm ra sẽ được xuất khẩu. Dự kiến, trong quý III năm nay, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để triển khai các bước của dự án này.

Theo các doanh nghiệp, kết quả thu hút đầu tư chưa xứng với tiềm năng của 2 nước. Hiện Hoa Kỳ đứng thứ 9 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD theo thống kê đăng ký từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu tính vốn đầu tư từ Hoa Kỳ qua những nước thứ ba, thì số vốn đầu tư phải lớn hơn, đơn cử Dự án Intel hơn 1 tỷ USD, nhưng đăng ký vốn đầu tư từ doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Lan.

Một tin vui nữa là, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 5/2017, các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết các hợp đồng có tổng trị giá hàng chục tỷ USD trong nhiều lĩnh vực.

Do đó, theo các doanh nghiệp, nếu các vướng mắc, nhất là những vấn đề về cơ chế, khuôn khổ pháp lý về đầu tư…, được cải thiện, thì dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ chắc chắc sẽ tăng trong thời gian tới.(Baodautu)
--------------------------

Loay hoay điều chỉnh giá dịch vụ hàng không

Sẽ có những thay đổi đáng kể trong phương án điều chỉnh mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, dự kiến áp dụng tại các sân bay do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khai thác.

Thận trọng

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã cho thấy sự thận trọng khi đề nghị Tổng cục Thống kê phối hợp tính toán tác động của việc điều chỉnh các mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của năm 2017.

Trước đó, Bộ GTVT đã nhận được khuyến nghị của Bộ Tài chính về việc cần phối hợp với các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ hàng không tới CPI, vốn được khống chế ở mức 4%.

Cần phải nói thêm rằng, trong phương án mới nhất gửi Tổng cục Thống kê về điều chỉnh mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, dự kiến áp dụng tại 21 cảng hàng không do ACV quản lý, Bộ GTVT đã tiếp thu khá nhiều ý kiến đóng góp của Bộ Tài chính nhằm không gây ra xáo trộn lớn tới doanh thu, chi phí của các hãng hàng không, cũng như người đi máy bay.

Cụ thể, Bộ GTVT đồng ý lùi thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ hạ cất cánh giai đoạn I thêm một tháng, tức là từ 1/9/2017 sang 1/10/2017; đồng thời chia lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ bảo đảm an ninh theo 3 giai đoạn, từ 1/10/2017, 1/1/2018, 1/1/2019. Đối với chuyến bay quốc tế, lùi thời hạn tăng giá dịch vụ bảo đảm an ninh từ 1/9/2017 sang 1/10/2017 so với phương án xin ý kiến Bộ Tài chính hồi đầu tháng 4/2017 (phương án tháng 4).

Đối với giá dịch vụ phục vụ hành khách - điều chỉnh có tác động lớn nhất, trực diện tới hành khách, Bộ GTVT áp dụng giá khởi điểm 75.000 đồng/hành khách/qua lại cảng hàng không nhóm A, đồng thời sẽ giãn lộ trình tăng giá thành 4 giai đoạn từ 1/10/2017, từ 1/1/2018, từ 1/4/2018 và từ 1/7/2018, thay vì chia thành 3 giai đoạn như đề xuất gửi Bộ Tài chính vào tháng 4/2017. Dịch vụ an ninh hành khách, hành lý cũng sẽ áp mức khởi điểm là 13.000 đồng, thay vì 15.000 đồng cho khách nội.

Theo tính toán của Bộ GTVT, nếu phương án mới này được thông qua, ACV có thể tăng doanh thu thêm 1.081 tỷ đồng/năm (giảm 29,71 tỷ đồng so với phương án tháng 4). Đối với các hãng hàng không, mức phí dịch vụ mới này sẽ khiến chi phí của Vietnam Airlines tăng 87,75 tỷ đồng; Vietjet Air là 55,41 tỷ đồng; Jetstar Pacific là 18,38 tỷ đồng. Tính tổng cộng, chi phí hành khách phải chi trả thêm cho 1 vé máy bay là 30.385 đồng, giảm 3.058 đồng so với phương án xin ý kiến Bộ Tài chính vào tháng 4/2017.

Hài hòa lợi ích

Được biết, ACV chính là đơn vị nóng ruột nhất đối với việc điều chỉnh mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không. Nếu tính từ tháng 6/2016, số lượng văn bản mà chủ cảng hàng không gửi các cơ quan quản lý nhà nước xin điều chỉnh Quyết định số 1992/QĐ - BTC ngày 15/8/2014 của Bộ Tài chính về “khung giá một số dịch vụ hàng không tại cảng hàng không” hiện đã dày cả xấp.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV, các đề xuất điều chỉnh hệ thống giá dịch vụ hàng không nội địa của đơn vị là nhằm đưa giá dịch vụ hàng không nội địa tiệm cận giá thành thực tế. Theo ACV, vào năm 2000, mức hạ cất cánh (HCC) quốc nội được các cơ quan chức năng ấn định bằng 47% giá quốc tế. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, do tốc độ tăng tỷ giá USD/VND nhanh hơn mức điều chỉnh giá HCC quốc nội, nên tỷ trọng giữa mức thu phí dịch vụ đối với bay quốc nội và quốc tế hiện chỉ còn khoảng 34%.

Cũng giống như giá dịch vụ HCC, chủ các cảng hàng không cho rằng, mức giá phục vụ hành khách quốc nội hiện quá thấp, chỉ bằng 14,81% giá quốc tế, trong khi chi phí đầu tư cảng hàng không nội địa gần như tương đương với nhà ga quốc tế. Đây là lý do khiến trong toàn ACV, chỉ có sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất là có lãi và đang phải bù chéo cho 18 cảng hàng không còn lại. Hai sân bay mới đạt đến điểm hoà vốn trong hệ thống là Cam Ranh và Đà Nẵng.

Sức ép với ACV là rất lớn, bởi tổng nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cảng hàng không bình quân 5.561 tỷ đồng/năm, trong khi Quỹ đầu tư phát triển chỉ cân đối được vỏn vẹn 705 tỷ đồng. Ngay cả khi có khoản thu phát sinh do điều chỉnh giá dịch vụ thì cũng chỉ đáp ứng được 27% nhu cầu vốn đầu tư bình quân một năm của đơn vị này.

Trong văn bản gửi Tổng cục Thống kê, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước đã xem xét kỹ đề xuất của ACV, thống nhất quan điểm giá dịch vụ cần hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp và hành khách, tạo điều kiện và hỗ trợ các hãng hàng không nội địa phát triển, tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập.(Baodautu)
 

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục